Bùng nổ gameshow hài nhảm: Những nụ cười ‘mỳ ăn liền’
Thời gian gần đây việc gameshow hài mọc lên như nấm sau mưa khiến khán giả không khỏi lắc đầu ngao ngán: Những nụ cười “mỳ ăn liền”.
Có thể nói từ trước đến nay, khó có một chương trình hài nào trên truyền hình lại có sức hút như Gặp nhau cuối tuần. Theo đó, những cái tên như Chí Trung, Xuân Bắc, Tự Long, Vân Dung, Quang Thắng cũng từ sân khấu này mà trở thành những ngôi sao sáng. Và cho đến tận bây giờ, họ vẫn là những cây hài danh tiếng tại Việt Nam.
Những ngôi sao sớm nở, tối tàn
Ngay sau đó, nhiều chương trình truyền hình hài ra đời để đáp ứng nhu cầu của khán giả. Hàng loạt gameshow hài được khai thác triệt để. Không đủ đáp ứng bằng các chương trình trong nước, một số đơn vị sản xuất còn chi ra số tiền không nhỏ để mua bản quyền từ các gameshow nước ngoài. Ngoại trừ chương trình Ơn giời! cậu đây rồi tạo được lượng khán giả đông đảo, các chương trình sau đó khiến khán giả nhớ được hết tên đã khó, từ Cười xuyên Việt, Thử thách danh hài đến Đấu trường tiếu lâm, Siêu hài nhí, rồi Học viện danh hài và mới đây nhất là Làng hài mở hội… Gameshow hài bùng nổ với đủ mọi tình huống, đủ mọi hình thức được phát sóng trên các khung giờ “vàng” vào những ngày cuối tuần đã chứng minh, gameshow hài đang lên ngôi. Tuy nhiên, số lượng nhiều là thế nhưng thực tế chất lượng của các gameshow hài khiến khán giả phát hoảng vì thô và nhảm.
Diễn viên hài Việt Hương và Trấn Thành trong chương trình Thách thức danh hài. Ảnh: TL
Theo diễn viên hài Anh Vũ, sở dĩ nhiều gameshow hài hiện nay bị cho là nhảm, nhạt… một phần do nhiều diễn viên trẻ chưa thực sự luyện tập và được đào tạo bài bản. Anh chia sẻ: “Tôi không phủ nhận lớp diễn viên trẻ bây giờ rất giỏi, ứng biến linh hoạt, nhưng các bạn lại quá dựa vào vốn sẵn có nên khi diễn không cần kịch bản. Nói ngẫu hứng thì dễ gặp tình huống nói vô nghĩa, sàm. Tất nhiên có lúc mình chẳng cần chuẩn bị gì để lên sân khấu nhờ cái duyên hài khiến khán giả buồn cười, nhưng sau cùng khi họ về thì chẳng còn gì đọng lại trong đầu cả”.
Danh hài ham lượng hơn chất
Việc những dành hài nổi tiếng tham gia các gameshow hài cũng chẳng còn là chuyện hiếm. Bởi chỉ cần tên tuổi của họ xuất hiện là nhà sản xuất đã chiếm được thế thượng phong. Chính vì lẽ đó, gameshow hài nào cũng chạy đua để mời Hoài Linh, Trấn Thành, Việt Hương, Đại Nghĩa, Trường Giang. Cách sản xuất chương trình theo kiểu “mỳ ăn liền” này khiến các nghệ sĩ dù là ngôi sao cũng trở nên hết vốn và hết cả duyên hài.
Video đang HOT
Nói về danh hài Hoài Linh, người ta yêu mến anh bởi lối sống giản dị, chân phương và biết người biết ta. Tuy nhiên, thời gian gần đây anh xuất hiện ở hầu khắp các chương trình khiến nhiều người hâm mộ không còn “phát cuồng” vì anh nữa. Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện một số hình ảnh Hoài Linh mệt mỏi sau sân khấu cũng khiến khán giả không khỏi xót xa rằng, các nghệ sĩ bây giờ đang trở thành “cỗ máy”, vì cát-xê mà bất chấp cả sức khỏe và sự phê phán của khán giả.
Cũng như thế, Trấn Thành được xem là cái tên đắt khách nhất của các gameshow hài. Ở đâu có hài thì ngay lập tức ở đó có Trấn Thành. Tuy nhiên, với việc xuất hiện ở quá nhiều gameshow đã khiến nam MC này trở nên “ba sàm” trong mắt người hâm mộ. Do chạy show nhiều, tham gia quá nhiều chương trình truyền hình hài nên Trấn Thành liên tục mắc lỗi.
Lỗi nặng nhất của anh chính là việc kém sáng tạo khi thể hiện trên sân khấu. Ở vai trò giám khảo, nam MC liên tục quỳ lạy thí sinh một cách dễ dãi. Thay vì nói những lời nhận xét có chuyên môn về bộ môn nghệ thuật hài kịch hoặc kỹ năng diễn xuất thì Trấn Thành thường nói về những điều chung chung, hoặc những câu chữ vô nghĩa không có giá trị về chuyên môn.
Thực tế, việc xuất hiện dày đặc trong quá nhiều gameshow hài đã khiến nghệ sĩ không có thời gian để nạp năng lượng và tái tạo sức sáng tạo. Nói như diễn viên hài Anh Vũ, khi họ xuất hiện nhiều đồng nghĩa với việc họ có tiền và tên tuổi được hâm nóng, nhưng mặt không tốt lại là các sản phẩm của họ sẽ ít được đầu tư. Từ đó dẫn đến cái duyên nghề của nghệ sĩ bị nhạt đi, còn khán giả thì chán nản và thất vọng.
Diễn viên hài Anh Vũ chia sẻ: “Số lượng gameshow hài tăng cao thì cũng có nhiều gương mặt trẻ trở nên nổi tiếng. Ví dụ như Lệ Rơi (trong Thử thách danh hài) hay “ngôi sao vi diệu” Lê Thị Dần (trong Đấu trường tiếu lâm) và nhiều ngôi sao trẻ cũng dần rơi vào cảnh sớm nở, tối tàn bởi họ đâu có “bột” thì làm sao “gột nên hồ”. Dù là có cái duyên diễn hài làm khán giả cười nhưng nếu nghệ sĩ không chịu học tập bài bản, không chịu luyện tập kỹ càng thì cái duyên ấy cũng dần phai nhạt, vậy mới nói đường dài mới biết ngựa hay”.
Theo Đỗ Quyên/ Báo Gia đình & Xã hội
Nghệ sĩ nói gì khi game show hài công phá truyền hình?
Sự bùng nổ của các game show hài đang đưa nhiều tên tuổi trở thành "thế lực mới" trong giới giải trí.
Là những diễn viên hài từng tạo được vị trí riêng trước đây, Duy Phương, Anh Vũ và Thúy Nga chia sẻ quan điểm với Zing.vn trước thực trang game show hài đang công phá truyền hình, trong khi sân khấu hài miền Nam đang đứng trước nguy cơ suy vong.
Duy Phương
Truyền hình thực tế bùng nổ làm thay đổi khá nhiều quan điểm về nghệ thuật, thậm chí khiến các giá trị bị đảo lộn. Một nghệ sĩ được đánh giá tài năng không phải qua những vai diễn ấn tượng mà qua mật độ họ phủ sóng trên truyền hình. Game show hài nở rộ trên truyền hình nhưng sân khấu hài thì đang chết. Ở các tụ điểm, sân khấu, giờ đây không còn chỗ cho hài. Mà bản thân các diễn viên cũng chạy sang hết game show vì diễn dễ hơn, tiền nhiều hơn.
Diễn viên hài Duy Phương nổi tiếng vào thời kỳ sản xuất băng đĩa Mưa bụi.
Vì cần làm các chương trình nhanh, sinh nhiều lợi nhuận nên yếu tố đặt lên hàng đầu với các nhà sản xuất là tiền bạc, dường như cũng khiến cho cách làm việc của diễn viên khác trước. Thế hệ chúng tôi làm việc, tập dợt bài bản, kỹ lưỡng mới ra mắt khán giả. Nếu vở kịch diễn trên truyền hình thường tập trong 1 tuần, kịch sân khấu thì tập cả tháng. Vì thế, diễn viên ra sân khấu nắm kịch bản rất chắc, phối hợp nhịp nhàng. Hiện tại, xem các chương trình hài, và bản thân cũng được mời tham gia một vài game show hài nhưng tôi không dám nhận vì cảm giác cách làm việc quá... mì ăn liền.
Các bạn trẻ hiện nay bước ra sân khấu có khi chưa học kịch bản, chỉ đọc qua nội dung và tự phá. Cách làm này lại được khen là sáng tạo, ứng biến nhanh nhưng tôi cho rằng, tự phát sẽ tự tàn. Chính vì không theo kịch bản nên thường các tiểu phẩm ít có nội dung hoặc nội dung nhạt nhẽo, vô vị. Còn các diễn viên, tôi nghĩ, khi còn duyên, còn vốn thì khán giả cười nhưng khi hết duyên thì phải dùng chiêu trò, bò lăn bò lết. Tôi thường gọi cách diễn này là gây cười như làm xiếc. Vì thế, thế hệ chúng tôi không thích hợp với cách diễn này.
Anh Vũ
Mỗi người có một thời, mỗi thời lại có cách làm việc và suy nghĩ khác nhau. Việc các nghệ sĩ tham gia quá nhiều các chương trình truyền hình, có hai mặt tốt - xấu. Xuất hiện nhiều đồng nghĩa với việc họ có tiền và tên tuổi được hâm nóng nhưng mặt trái lại là các tiểu phẩm ít được đầu tư sẽ dễ gây nhàm chán, nghề bị mai một. Chuyện diễn viên phải thi thố với nhau là không nên. Trong nghề ai giỏi, ai hay mọi người đều biết. Là nghệ sĩ mà phải hơn thua, chiêu trò với nhau thì không hay.
Anh Vũ gắn bó với sân khấu kịch Hồng Vân nhiều năm nay.
Không phủ nhận các diễn viên trẻ bây giờ rất giỏi, ứng biến nhanh nhưng hình như họ quá dựa vào vốn sẵn có nên khi diễn không cần kịch bản. Diễn với các bạn đó, bám theo cũng... chết. Không phải không theo được mà vì nói ngẫu hứng thì dễ gặp tình huống nói vô nghĩa, xàm. Có khi trước liveshow, không tập, lên sân khấu dùng ngôn ngữ, cái duyên của mình để khán giả cười. Tuy nhiên, cười xong là hết. Ra về, khán giả sẽ ít nhớ vai diễn đó ấn tượng thế nào, có điều gì sâu sắc.
Tôi được ăn cơm Tổ suốt 20 năm qua, đến thời điểm này không nghĩ mình phải chạy theo ai cả. Tôi chỉ nhận những chương trình phù hợp với mình và diễn ở sân khấu với những anh chị tôi gắn bó nhiều năm như Hồng Vân, Minh Nhí.
Thúy Nga
Sự bùng nổ của truyền hình thực tế là điều tất yếu trong thời buổi công nghệ, nhu cầu giải trí ngày càng cao. Vì thế nên các game show hài, diễn viên hài được quan tâm. Nói là thời của hài nhưng chỉ có một số gương mặt nổi bật như anh Hoài Linh, Việt Hương, Trấn Thành, Trường Giang. Trong đó, tôi ấn tượng với Trường Giang vì cậu ấy là diễn viên trẻ, có nét duyên đặc biệt. Những tiểu phẩm của Giang dù đã có trên mạng nhưng ra sân khấu, Giang diễn vẫn rất "ăn khách", khán giả cười rần rần.
Thúy Nga ấn tượng với cách diễn tự nhiên của Trường Giang.
Nói đến sự ảnh hưởng của truyền hình thực tế, tôi cho rằng, tốc độ nhanh của nó khiến diễn viên cũng phải nhanh, ứng biến nhiều hơn. Thế hệ các diễn viên hài bây giờ hầu như không cần đến kịch bản, nếu có chỉ là đường dây nhân vật, còn tình huống, thoại, các bạn tự tạo ra. Vì cách làm ngẫu hứng này mà trong nghề đánh giá là giờ hài xàm nhiều, diễn viên lên sân khấu làm sao chặt chém cho giỏi. Điển hình của lối diễn này là chương trình Ơn giời cậu đây rồi. Trong các khách mời, ai chặt chém giỏi nhất, người đó sẽ chiến thắng.
Tôi không đánh giá ai nhưng tôi nghĩ, nghệ sĩ muốn được làm nghề thực sự, khẳng định tài năng thì ngoài phủ sóng chương trình thực tế vẫn cần có những sản phẩm của riêng mình, mang dấu ấn cá nhân, thể hiện khả năng diễn xuất. Có lẽ vì thế, anh Hoài Linh, Trấn Thành hay Trường Giang mỗi năm đều có những sản phẩm tâm huyết của mình.
Theo Zing