Bùng nổ dịch tả tại Mozambique sau bão Freddy
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, số ca mắc bệnh tả ở Mozambique đã tăng gấp 10 lần kể từ tháng 2 vừa qua, với trên 28.000 người bị mắc bệnh, trong bối cảnh quốc gia này vẫn đang quay cuồng giải quyết hậu quả của cơn bão Freddy.
Bệnh nhân mắc tiêu chảy được điều trị tại trung tâm y tế ở Beira, Mozambique, ngày 27/3/2019. Ảnh (tư liệu): AFP/TTXVN
Phát biểu với báo giới tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 25/4, người phát ngôn của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Mozambique – ông Guy Taylor cho biết hơn 50% số trường hợp mắc bệnh tả là trẻ em. Ông cũng dự báo rằng số người mắc bệnh sẽ còn tiếp tục gia tăng trong bối cảnh việc gián đoạn các dịch vụ cấp nước, vệ sinh môi trường do lốc xoáy làm gia tăng khả năng lây lan của dịch bệnh. Hiện UNICEF đã phân phối 2,4 triệu liều vaccine uống tại Mozambique.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh tả đã cướp đi sinh mạng của 123 người ở Mozambique kể từ cuối năm ngoái. Theo WHO, căn bệnh tiêu chảy cấp do ăn phải thức ăn hoặc nước uống bị nhiễm vi khuẩn này đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt là ở châu Phi.
Báo cáo của UNICEF cho biết bão Freddy đã phá hủy hàng trăm cơ sở y tế và 250 điểm cấp nước ở Mozambique, khiến khoảng 300.000 người không có nước uống, chủ yếu ở trung tâm của đất nước vốn là một trong những nơi nghèo nhất thế giới này.
Cơn bão siêu mạnh đã khiến ít nhất 86 người ở quốc gia 33 triệu dân này thiệt mạng và khiến hàng chục nghìn người mất nhà cửa. Hơn 390.000 ha đất cũng bị ảnh hưởng bởi lốc xoáy, làm dấy lên lo ngại về vụ thu hoạch sắp tới.
Bão Freddy lần đầu tiên tiến vào Madagascar và Mozambique vào cuối tháng 2 trước khi quay trở lại Ấn Độ Dương. Sau đó, nó đã lấy lại sức mạnh nhờ dòng nước ấm và quay đầu, quay trở lại lục địa. Khi quay trở lại, bão Freddy tấn công mạnh vào đất liền Malawi, cướp đi sinh mạng của gần 680 người và khiến nhiều người khác mất tích.
WHO cảnh báo dịch tả ở các nước châu Phi trầm trọng hơn do bão Freddy
Ngày 23/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo hậu quả của cơn bão nhiệt đới Freddy đang đặt ra những rủi ro lớn đối với sức khỏe người dân ở các nước miền Nam châu Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cơn bão này, trong bối cảnh dịch tả đang bùng phát tồi tệ khắp châu Phi.
Bệnh nhân mắc bệnh tả được điều trị tại một cơ sở y tế ở Lilongwe, Malawi. Ảnh: AFP/TTXVN
Văn phòng WHO tại châu Phi, trụ sở tại thủ đô Brazzaville của Cộng hòa Congo, cho biết kể từ khi đổ bộ Madagascar, Mozambique và Malawi, bão Freddy đã làm tăng rủi ro sức khỏe cộng đồng trong thời điểm dịch tả đang bùng phát ở Malawi và Mozambique.
Theo văn phòng WHO, số trường hợp mắc bệnh tả đã tăng hơn gấp đôi ở Mozambique trong tuần qua, từ 1.023 ca lên 2.374 ca tính đến ngày 20/3. Trong khi đó, Malawi đang phải chống chọi với đợt bùng phát dịch tả tồi tệ nhất từng được ghi nhận. Số ca mắc mới ở nước này đã giảm từ 1.956 ca vào tuần trước xuống 1.424 ca vào ngày 20/3. Tuy nhiên, tình trạng lũ lụt lan rộng có nguy cơ đảo ngược kết quả chống dịch bệnh này.
Tháng 2 vừa qua, Văn phòng WHO tại châu Phi cảnh báo nếu xu hướng dịch bệnh tiếp tục tăng nhanh như hiện nay, số ca mắc bệnh tả trong năm nay có thể vượt số ca mắc ghi nhận năm 2021 - năm bệnh tả hoành hành tồi tệ nhất ở châu Phi trong gần một thập kỷ, với 141.467 ca nhiễm và 4.094 ca tử vong.
Văn phòng khu vực của WHO cho biết dịch tả đang ảnh hưởng đến 14 quốc gia châu Phi. Dịch bệnh này cũng đang trở nên trầm trọng hơn do khí hậu khắc nghiệt và xung đột quân sự làm tăng tính dễ bị tổn thương, khi người dân buộc phải rời bỏ nhà cửa và điều kiện sống bấp bênh. Giám đốc WHO khu vực châu Phi Matshidiso Moeti cho biết: "Với sự gia tăng các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe liên quan đến khí hậu ở châu Phi, rõ ràng là cần phải hành động nhiều hơn nữa để tăng cường sự sẵn sàng ứng phó với các nguy cơ khí hậu, giúp các cộng đồng có thể đối phó tốt hơn với tác động của các thảm họa thiên nhiên tàn khốc".
WHO tăng cường nỗ lực ứng phó với dịch tả bùng phát ở châu Phi Phóng viên TTXVN tại châu Phi dẫn thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết số ca mắc bệnh tả ở châu Phi đang gia tăng theo cấp số nhân, đặc biệt là tại Somalia và Nigeria. Điều trị cho bệnh nhân nhiễm bệnh tả tại bệnh viện ở Masisi, CHDC Congo. Ảnh (tư liệu): AFP/TTXVN Theo thông báo...