Bún quậy Phú Quốc ở Sài Gòn: Thực khách tự làm bún, pha nước chấm
Quán Bún quậy Saigon (quận 3, TP.HCM) hấp dẫn không chỉ bởi món bún quậy Phú Quốc thơm ngon mà còn vì thực khách được tự tay làm ra sợi bún cho mình.
Mùi vị và cách làm món bún quậy Phú Quốc đang thu hút sự chú ý của nhiều người
“Hành trình” Bình Định – Phú Quốc
Bún quậy nổi tiếng ở Phú Quốc, nhưng là một biến thể đặc biệt của bún tôm Bình Định. Theo chị Hoàng Minh (chủ quán), ban đầu bún tôm chỉ được nấu ở một số gia đình, theo kiểu làm để nhà ăn hoặc bán trong thôn xóm. Sau đó, một số người dân Bình Định ra Phú Quốc ở, mang theo món này và kết hợp với hải sản ở đó cho ra món bún quậy như bây giờ.
“Bình Định vốn là quê nội tôi. Sau khi chuyển vào Sài Gòn, khoảng năm 1994, gia đình tôi có ra Phú Quốc ở một thời gian. Hồi xưa chưa có điện, nước máy, phương tiện gì nhiều đâu, yên tĩnh lắm, với dân đảo cực kỳ dễ gần và thân thiện. Nhà tôi mua luôn đất ngoài ấy, vừa đầu tư vừa để ở. Ra đó vẫn nấu món bún tôm ăn, rồi bắt đầu biến tấu”, chị Minh kể.
Không gian ấm cúng của quán ăn gia đình “Bún quậy Saigon”
Bún được trụng qua nước sôi, sau đó xả ngay với nước lạnh để săn lại, không bị bở
Gia đình chị Minh là một trong số những người dân Bình Định đầu tiên mang món bún truyền thống vùng đất võ ra đảo. Chị cho biết, với nguyên liệu đơn giản ban đầu là bún và tôm, ra đến Phú Quốc, tô bún mới được thêm thắt các loại hải sản tươi ngon.
“Cứ chiều chiều, chúng tôi lại ra bãi biển đốt lửa sẵn. Tôi nhớ như in cái khung cảnh ngày xưa, lúc mà trời sụp tối, bên trong là hàng dừa, bên ngoài là hàng loạt bóng đèn trên thuyền thúng của ngư dân câu mực sáng lên lung linh. Nó đẹp với yên bình lắm! Rồi họ cập vô bãi biển bán các hải sản bắt được gần bờ”, chị Minh bồi hồi.
Sau đó, gia đình chị Minh bắt đầu thử kết hợp các nguyên liệu tươi ngon này vào tô bún truyền thống. Cá biển phi lê khi dùng chung không phù hợp, nhưng khi làm chả lại cực kỳ ngon. Chị Minh còn phát hiện thêm vị thơm nồng đặc biệt của tiêu Phú Quốc, mang ướp vào chả thì dậy mùi. Thịt mực cũng có độ ngọt và béo rất thích hợp.
Video đang HOT
Bún tôm Bình Định được đưa ra Phú Quốc và được biến thể để trở thành món bún quậy thơm ngon
Vài năm sau, chị Minh sang Mỹ sinh sống cùng chồng. Đều đặn hàng năm, chị vẫn về thăm Phú Quốc và tự tay làm lại món bún quậy này để ăn. Đến năm 2011, chị trở về Việt Nam và ra hòn đảo nhiều kỷ niệm ấy ở. Bốn năm sau, chị về TP.HCM và quyết định mở “Bún quậy Saigon”.
“Khi tôi trở lại Sài Gòn, cũng cùng lúc nhiều người xôn xao vì chuyện bún bẩn, bún hóa chất tràn lan trên thị trường. Trong khi đặc trưng bún quậy là sợi bún luôn được làm mới mỗi khi ăn. Cùng với việc món ăn thơm ngon này lại ít người biết đến, tôi mới mở quán ăn gia đình chuyên bán món này”, chị Minh cho biết.
Tô bún quậy thu hút trước hết bởi sợi bún “ra lò” ngay khi người ăn gọi món. Tại Bún quậy Saigon, chủ quán vẫn giữ cách làm bột truyền thống, tức các khâu sơ chế bột đều làm thủ công.
Khi có khách, người bán mới bỏ bột vào máy ép và ép thành sợi, cho bún rơi xuống nồi nước sôi ùng ục phía dưới. Quán có hai máy ép bột, một bằng tay và một bằng điện, tùy vào lượng khách mà sử dụng. Chiếc máy thủ công chỉ cho ra được 1 – 2 phần bún, còn máy điện cho lượng bún gấp 10 lần.
Nước sốt rau củ tự làm là một thành phần không thể thiếu của tô bún quậy khô
Bún quậy nước có thành phần chính là chả cá, chả tôm
“Bún quậy Saigon” vừa bổ sung một biến thể mới mới, với thịt bò Mỹ hoặc Úc, trứng lòng đào
Ngay sau khi trụng xong, bún được vớt ra và xả ngay qua nước lạnh cho săn lại. “Từ độ sôi của nước, cho đến thời gian trụng bún, xả nước lạnh đều đòi hỏi sự chính xác, nếu muốn làm ra sợi bún dai mà vẫn giòn. Sau đó, chả cá, chả tôm quết sẵn sẽ được ép vào thành tô, trụng qua hai lần đảm bảo độ chín”, chị Minh chia sẻ.
Chị cũng cho biết, các nguyên liệu của tô bún quậy tròn vị đều phải tươi ngon, chọn lọc kỹ càng: “Gạo được lấy ở Chợ Đào (Long An), vốn là quê ngoại tôi. Thịt cá thác lác, cá nhồng, cá thu được lấy trực tiếp từ Phú Quốc và Cà Mau (quê chồng chị Minh – PV). Các nguyên liệu như muối, tiêu,… cũng từ Phú Quốc. Ngoài bún quậy nước, tôi còn mày mò làm thêm bún quậy khô và bún quậy bò. Bún quậy khô có thêm bánh đa, gỏi xà lách, xoài, húng lủi,… Bún quậy bò có bò Mỹ và trứng lòng đào”.
Tại “Bún quậy Saigon”, thực khách hoàn toàn có thể “mục sở thị” quy trình làm bún, cũng như tự tay làm nên tô bún cho mình
Quầy gia vị dành riêng cho thực khách
Thực khách có thể tự nêm nếm gia vị, pha nước chấm theo khẩu vị của mình
Bún quậy không nêm nước mắm, chỉ dùng muối ớt. Đặc biệt, có sẵn một quầy gia vị gồm tắc, muối, ớt, bột ngọt,… để thực khách tự nêm nếm nước lèo và pha nước chấm vừa vị. Tô bún quậy thu hút thực khách không chỉ bởi vị ngọt thanh của bún, hải sản mà còn độc đáo bởi người ăn có thể thoải mái vào quầy xem quy trình, thậm chí tự tay làm nên tô bún nóng hổi cho mình.
Thực khách Nguyễn Thành Nhân (22 tuổi) cho biết: “Tôi ở tận Bình Thạnh, nhưng tuần nào cũng 1 – 2 lần qua quán bún này. Ở đây ngoài bún quậy nước thơm ngon, còn có cả bún quậy khô. Mới đây lại thêm bún quậy bò, món này không tìm được ở đâu khác, vì tự chủ quán sáng tạo nên. Cái thú vị là mình có thể nhìn thấy toàn bộ quy trình làm bún, nên rất an tâm”.
. “Bún quậy Saigon” mở cửa hai khung giờ: trưa từ 11 – 14 giờ, chiều từ 16 – 21 giờ. Giá cho mỗi tô từ 50.000 – 68.000 đồng
Theo Thanhnien
Thưởng thức bún quậy lừng danh Phú Quốc tại Hà Nội
Món bún quậy Phú Quốc hấp dẫn thực khách Hà Thành không chỉ nhờ hương vị thơm ngon, mà còn bởi cách ăn lạ và bí quyết chế biến đặc biệt.
Hà Nội vốn nổi tiếng với các món bún, như bún ốc, bún ngan, bún riêu, bún chả, bún đậu... nên một món xa lạ như bún quậy Phú Quốcchinh phục được dân sành ăn Hà Thành không phải dễ.
Bí quyết nằm ở cách thưởng thức món ăn này. Bún và nguyên liệu đều được làm ngay tại quầy, cho tô bún sạch và khiến thực khách không phải lo lắng về dầu mỡ bẩn hay hóa chất.
Điều đặc biệt nhất của bún quậy chính là ở chỗ sợi bún được ép ngay tại quầy, thực khách có thể xem quá trình ép bún trong lúc chờ món.
Khi thị trường tràn ngập bún bẩn, ngay cả bún từ xưởng sạch thì việc bảo quản không đảm bảo cũng có thể dẫn đến nhiễm khuẩn, mất vệ sinh, thực khách thường "khuất mắt trông coi", khó lòng yên tâm về sản phẩm mình sử dụng. Với bún quậy, khách hàng được tận mắt thấy quá trình làm bún. Đồng thời, sợi bún vừa ép từ bột gạo ra còn nguyên vị ngọt, tươi ngon.
Chả tươi được chan nước dùng thanh ngọt.
Bún quậy là lựa chọn phù hợp cho những ai ăn kiêng mà vẫn thèm bún. Không như các món bún khác đầy dầu mỡ từ nước dùng, đồ nướng, đồ chiên... bún quậy chỉ làm từ chả tươi, cùng nước dùng nấu từ củ quả và nước luộc bún.
Chả tôm mực, chả cả cho bún quậy được quệt tươi liền tay, lớp chả mỏng được làm chín bởi nước dùng nóng hổi. Nguyên liệu hải sản đều phải là loại tươi mới, do các món chiên, nướng, tôm cá ươn mà làm chả tươi thì lúc ăn sẽ có mùi, nhận ra ngay.
Tô bún thơm ngon, được lòng khách Hà Thành.
Một vài người cảm thấy rất khó chịu khi đi ăn quán mà phải tự làm, nhưng món này là vậy, nước chấm khách phải tự làm, tự quậy. Đây cũng là điểm riêng của bún quậy, để thực khách thưởng thức theo khẩu vị của mình. Thực khách là người biết những gia vị nào hợp với mình, chẳng hạn có người dị ứng với mỳ chính có thể thay bằng đường.
Người ăn cần tự tay chế nước chấm.
Quán bún quậy có một khu riêng với các nguyên liệu như đường, muối, tiêu, quất... để thực khách tự nêm nếm theo khẩu vị. Chén nước chấm vừa khẩu vị sẽ làm cho tô bún thêm ngon. Cách ăn đúng của bún quậy là phải cho từ từ chén nước chấm vào tô, sau đó vừa quậy vừa nếm cho đến vừa vị mới ăn. Nhiều bạn lần đầu thử quên mất công đoạn này nên vị bún bị nhạt.
Tô bún quậy thu hút thực khách không chỉ bởi vị ngọt của bún tươi, vị đậm đà, dai dai của miếng chả hải sản, vị thanh cay của nước chấm mà còn vì người ăn có thể xem làm mọi thứ tại quầy. Bạn đọc có thể thưởng thức bún quậy ở Hà Nội tại các địa chỉ: số 1 Hồ Đắc Di; 59 Nguyễn Hoàng và 324 Hồ Tùng Mậu.
Theo Zing
Về miền Tây, ăn miến gà 'chửi' Phú Quốc Thú thật là tôi rất háo hức, nhưng vẫn có gì đó còn "ấm ức" khi đến TT.Dương Đông, Phú Quốc ăn món miến gà của bà Loan. Một tô miến gà tại quán bà Loan Cô bạn ở đảo ngọc nói ăn bún "quậy", bún kèn Dương Đông là xưa rồi. Đến đây, ăn miến "chửi" của bà Loan thì mới ấn...