Bún ngon của xóm chài
Bún xóm chài không thể thiếu cá và chỉ dùng để đãi khách hoặc cả nhà cùng ăn.
Từ lâu, các loại bún bò, bún giò, bún rạm, bún cua, bún mắm, bún ốc… là những đặc sản nổi tiếng của nhiều địa phương khắp các vùng miền ở đất nước. Căn cốt vẫn là bún với nồi nước dùng, rồi khi ăn trộn kèm với rau sống, giá đậu, ớt, chanh… vậy mà ở mỗi vùng, mỗi tô bún lại có một hương vị riêng.
Ngoài các loại bún hảo hạng được điểm danh trên, phải kể đến vị ngon của bún nấu với đủ loại cá ở các làng chài, tuy dân dã nhưng chắc chắn rằng nếu ai một lần được ăn sẽ nhớ mãi không thôi. Nhiều người được ăn chỉ một lần rồi khoái chí đặt luôn cho món bún bình dân này cái tên bún ngon xóm chài.
Ngon làm sao với từng khoanh cá được gắp ra đĩa nước mắm, bên cạnh là tô nước trong veo ngọt nóng đậm đà – Ảnh: Mỹ Tuyết
Bún ngon xóm chài không nấu và bán như các loại bún khác mà chỉ dùng để đãi khách hoặc cả nhà cùng ăn. Đặc biệt mùa này, gió nồm bắt đầu thổi, trời hanh nắng nhẹ lên cao, biển yên sóng lặng nên sáng nào bên cung biển làng chài cũng tấp nập tàu thuyền với đủ các loại cá. Các dì các chị bảo rằng, để có một bữa bún ngon thì khâu chọn cá là cực kì quan trọng. Ngoài loài cá thu quý, cá bông (một loại trong dòng họ của cá ngừ) là một đặc sản, thịt trắng dai mềm và rất béo. Cá bông to cỡ 1 đến 2 kg tươi rói từ biển mang về, móc mang lấy ruột rồi rửa sạch. Khi nồi nước trên bếp đã sôi bùng, dùng dao bén cắt cá ra từng khoanh rồi cho ngay vào nồi. Dùng thìa vớt hết bọt đen nổi trên mặt nồi. Nồi cá nấu ăn bún chỉ nêm rất ít gia vị: muối, bột nêm và ít tiêu ớt, như vậy mới giữ nguyên mùi vị của cá tươi. Nếu chúng ta chưa ăn liền có thể hong nóng trên lửa càng lâu, nước sắc lại càng ngon hơn. Quan trọng là giữ lửa ở độ vừa phải cho nồi nước trong veo.
Khi đã có nồi nước cá chín chờ sẵn trên bếp thì phần bún tươi mua về sẽ không bị “đơn côi”. Ăn bún phải đủ bộ, nếu thiếu một món ăn kèm sẽ không ngon. Nào là rau sống non tươi xanh các loại kèm giá đỗ, bên cạnh là chén mắm giã ớt chín đỏ với tỏi Lý Sơn, đĩa chanh tươi xắt lát, nếu thích thì thêm cái bánh tráng nướng kèm cho thơm miệng.
Bún ngon làng chài có kiểu ăn riêng. Không làm mỗi người một tô kiểu như ngồi quán mà đặt cả bún, cá, rau, mắm lên mâm rồi bày ra một chiếc chiếu to trải giữa nhà, người ăn ngồi xung quanh và lần lượt gắp bún bỏ vào chén rồi chan nước cá kèm rau sống, bánh tráng vào. Ôi, ngon làm sao với từng khoanh cá được gắp ra đĩa nước mắm, bên cạnh là tô nước trong veo ngọt nóng đậm đà. Cứ thế mà người ăn vui vẻ với bún tươi, rau xanh, cá ngọt béo ngậy đến no bụng vẫn chưa thấy đã thèm.
Theo 24h
[Chế biến] - Bún cá rô đồng mùi thơm ngào ngạt
Ảnh: Minh Liễu
Cứ mùa mưa tới, nhắm mắt tưởng tượng mùi thơm ngào ngạt từ những tô bún cá rô đồng béo ngậy, nóng hổi, thơm nồng mùi gừng, là lòng dạ nao nao muốn trở về quê.
Giữa những cơn mưa rào, cứ chiều chiều người dân Hải Dương quê tôi lại rủ nhau đi bắt cá rô. Những con cá béo còn giãy đành đạch, được bắt từ dưới đồng lên đem chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Trong số đó món ngon ngọt nhất không thể bỏ qua chính là bún cá.
Món ăn tuy đơn giản, nhưng cách chế biến xem ra khá công phu. Từ khâu làm cá đến chế biến đều rất tỉ mỉ. Quan trọng nhất đối với bún cá chính là nước dùng, chỉ thuần túy cá rô, không thêm xương heo - cứ một phần cá tươi thì hai phần rưỡi nước nấu cho đến khi nào thịt và xương cá rã ra. Khi cá nhừ, lọc bỏ xác cá, lấy nước cốt rồi cho gia vị vào. Để có được màu vàng ngậy của nước cốt thì băm nhuyễn tôm lột vỏ cộng với hành tím rồi xào với dầu ăn, sau đó cho phần dầu tôm này vào nước dùng là được. Loại nước màu này chỉ cho nước dùng có một lớp dầu màu hồng nhạt của tôm, nhưng rất ngon. Người nấu cũng thường cho vào nước dùng một ít gừng tươi đập dập, để mùi thơm thêm phần quyến rũ cũng như làm át bớt mùi tanh của cá. Từng ấy vị làm nên nồi nước ngọt lừ, không váng mỡ ngấy như ninh xương, lại điểm hoa vàng ươm của từng chùm trứng cá...
Để món bún cá rô đồng thêm hấp dẫn, phụ nữ quê tôi dùng phần thịt cá đã luộc sẵn còn lại, gỡ thành từng miếng thịt ướp gia vị cho thật thấm rồi rán vàng lên, hoặc viên lại từng viên cho vào tô bún ăn kèm. Vị ngọt của nước súp vừa phải hòa quyện với vị đậm đà, giòn dai của cá tạo thành hương vị có sức quyến rũ lạ thường.
Bún được làm từ gạo trắng tinh, chỉ cần chần qua nước sôi là có thể chan nước cá lên ăn. Thêm ít hành, tiêu, chanh, ớt, rau sống, để món bún cá rô đồng Hải Dương thêm trọn vẹn. Giữa phố phường hoa lệ mà cứ hễ khi trời đổ trận mưa rào, vị ngon đồng quê ấy lại bủa vây những người xa xứ...
Theo VNE
[Chế biến] - Bún suông Miếng chả tôm tươi ngon, mềm mịn được tạo hình như những con đuông trong ngọn dừa tạo nên tên gọi độc đáo cho món bún suông, chắc chắn sẽ hấp dẫn bạn khi lần đầu thưởng thức. Nguyên liệu: 800g xương lợn, 1 củ cải trắng to, 1 nhúm tôm khô500g tôm đất, muối, hạt nêm, dầu điều, hạt tiêu, tỏi, hành...