Bún hến hẻm 284 Lê Văn Sỹ – không tên nhưng có tiếng
Những chiếc tô, đĩa bị mẻ, sự ồn ào từ tiếng xe, tiếng người xung quanh sẽ không làm bạn phiền lòng vì nó là một phần của quán cơm hến mang hương vị Huế đặc trưng giữa lòng Sài Gòn.
Qua cầu Lê Văn Sỹ và trường Đại học sư phạm TP.HCM, đi tiếp một đoạn, nhìn phía bên tay phải, tới hẻm 284. Đây là nơi nổi tiếng với một loạt các quán bình dân nhưng toàn món hấp dẫn.
Hẻm thoáng rộng, hàng ăn quán uống san sát rất hấp dẫn.
Tuy nhiên, hãy hoãn cái sự sung sướng lại một chút và tiến về phía trước, chỉ vài chục mét là đến nơi đông nhất hẻm: quán cơm và bún hến. Nếu bạn đi xe thì chạy lên mười mét nữa, ngay trường mẫu giáo sẽ có chỗ gửi hoàn toàn miễn phí nhé.
Chỗ gửi xe cách quán rất gần, chỉ mấy bước chân
Gọi là quán nhưng không có tên chính thức, quán bún hến hay cơm hến chỉ là do những người đến đây tiện miệng truyền tai nhau mà thành. Gọi là quán nhưng cả khách và chủ với các đồ nghề đều ở sát hè của những ngôi nhà. Nhưng sự bất tiện đó không ảnh hưởng đến khẩu vị mà o chủ đưa vào trong các món từ cơm hến, đến bún hến, bún mắm, bánh canh… Chẳng thế mà quán vẫn đông khách cho dù nắng mưa và thời gian mở cửa khá ngắn, chỉ từ khoảng 4h chiều đến 8h30 tối.
Rất đơn giản với những chiếc bàn thấp, nhỏ, ghế nhựa cũ kỹ kê sát nhau, có thể sẽ không hấp dẫn cái nhìn khi lần đầu đến đây. Mặc dù vậy, nó khá sạch, không trắng bộn bừa màu giấy ăn dưới chân bàn như nhiều chỗ khác.
Video đang HOT
Không khí thoải mái, quán là nơi tụ tập của nhiều đám bạn từ sinh viên đến người đã đi làm. Ở đây thì tha hồ vui cười, kể chuyện với nhau. Nhưng diện tích hẹp, lại đông, đôi khi gây khó chịu vì vướng víu khi ăn, quay bên nào cũng đụng người. Ngoài ra, hẻm này hay có xe cộ qua lại, khá ồn.
Khá ồn ào và chộn rộn
Quán hẹp mà lại đông quá làm khi ăn, khách hay chạm vào người bên cạnh.
Thêm nữa, nếu là những người coi trọng phần nhìn khi ăn thì chắc phải lắc đầu quầy quậy khi thấy đồ ăn thường được bưng lên với tô và đĩa sứt mẻ.
Bù lại, dù nườm nượp người đến nhưng thời gian phục vụ ở đây không quá lâu, chỉ sau 5 – 7 phút là sẽ có món cho bạn. Có điều, sự ồn ào quá cộng với giọng Huế của mấy o phục vụ làm bạn nhiều khi phải nhắc lại món đến 2, 3 lần nếu như không quen.
Vẫn là cơm hến, bún hến, bún mắm nhưng hương vị rất gần với Huế gốc làm cho nhiều người con xứ Thần Kinh ngày xưa vào đây học và làm việc thích tìm đến. Một lý do nữa là giá đồ ăn ở đây khá mềm, cách tính tiền cũng đơn giản: các món dùng tô thì 15.000 đồng, món dùng trong đĩa thì 20.000 đồng.
Cơm và bún hến ở đây được chế biến kiểu truyền thống thường thấy. Hỗn hợp rau gồm bắp chuối, dọc mùng, rau muống, rau thơm thái sợi nhỏ đặt dưới cùng của tô, bên trên là cơm hoặc bún rồi thịt hến, đậu phộng rang, ớt, ruốc, bì heo chiên giòn, giá sống… Người ăn sẽ tự thêm ớt nếu thích (mặc dù đã khá cay), dùng thìa và đũa trộn các loại thực phẩm lên.
Cơm hến
Trong quá trình xáo xào, mùi của các gia vị quyện vào nhau tạo ra mùi đặc trưng thật khó mà cưỡng lại. Khi thưởng thức, cái mát mát của rau sống làm thanh vị mắm ruốc, cái bùi bùi của đậu phộng vừa quen vừa lạ khi kết hợp với các gia vị khác. Thỉnh thoảng lại thích thú nghe tiếng giòn tan của miếng bì heo trong miệng, mùi rau thơm thoang thoảng trong từng miếng cơm, miếng bún. Sự khéo léo trong việc làm hến cho ra sản phẩm là thịt hến ngon, không sạn làm tô bún, tô cơm trở nên tròn vị hơn.
Cơm hến ăn kèm với chén nước hến ngọt ấm.
Khi thấy mọi thứ đã đều, bạn có thể thưởng thức và cảm nhận ngay vị ngọt ngọt, mặn mặn và cay đến chảy nước mắt, sụt sịt mũi. Lúc đó, hãy húp một thìa nước hến ngọt lành đang bốc khói bên cạnh, đảm bảo không thể quên và lần sau có dịp ăn nữa, bạn vẫn muốn cho thêm ớt nhiều nhiều hơn. Chỉ vài lần, bạn sẽ cảm nhận được câu thơ của Tố Hữu ngày xưa: “bát cơm hến cũng ngọt ngào lòng ta.”
Ngoài ra, quán cũng phục vụ bún mắm, bánh bèo, bánh bột lọc… Nếu bạn muốn gọi một mà ăn nhiều thì order đĩa bánh thập cẩm có các loại bánh đó và thêm cả chả, nem chua nữa, tha hồ ổn.
Một đĩa nhưng nhiều loại bánh với vị Huế đặc trưng.
Món bún mắm nêm và bánh của quán cũng rất ngon, vừa miệng.
Giá cả mềm nhưng để ý sẽ thấy tô và đĩa ở đây khá nhỏ, đúng theo phong cách Huế. Do vậy, thường thì khách phải gọi từ 2 món trở lên mới an ủi được cái dạ dày. Nhưng nếu muốn đổi vị, muốn cảm nhận một chút Huế qua ẩm thực và không phải tốn quá nhiều tiền thì đây là một trong những quán bạn nên thử ghé qua cùng bạn bè.
Theo TTVN
'Phải lòng' những món ăn ngon đặc trưng các vùng miền
Có những món ăn đặc trưng của từng vùng miền rõ rệt, khiến mỗi chuyến đi của bạn như có mục đích rõ ràng, chưa ăn những món này thì xem như chưa hoàn tất hành trình khám phá vùng đất ấy.
Đến Hà Nội, bạn sẽ được dắt đi ăn phở Bát Đàn, bún thang Hàng Hành hay chả cá Lã Vọng. Đến Huế mà không đi ăn cơm hến, bún hến hay thưởng thức "bèo, nậm, lọc" (tên ba loại bánh Huế trứ danh) hay bún bò Đông Ba thì coi như bạn chưa đến nơi này. Về miền Tây mà không ăn bún mắm, bún nước lèo, bún cá hay cá lóc nướng trui cuốn bánh tráng thì chắc bạn chưa thấy hết cái tình của miền đất trù phú này thấm đẫm trong không khí, cỏ cây và những món ăn.
Bạn hãy thử một lần tìm trên google hay đóng vai khách du lịch lang thang trong những địa điểm được các trang web về du lịch nhắc tới thử một lần bỏ qua cái "địa vị" dân địa phương cái gì cũng biết mà tới những quán ăn nổi tiếng bạn thường bỏ qua chỉ vì quán đó "dành cho khách du lịch". Bạn sẽ được khám phá quán đó có gì đặc biệt mà được nhắc tới trong hàng trăm entry (bài viết) trên những trang blog viết về ăn gì, ăn ở đâu tại Sài Gòn.
Ví dụ như một sáng thức dậy, bạn đừng ăn phở của cô người Bắc đầu ngõ theo thói quen hằng ngày, mà hãy chạy ngay tới những quán phở trên đường Pasteur, ngồi thưởng thức vị ngọt của nước súp được chắt lọc từ xương và thịt bò tái, để hiểu tại sao khách du lịch cứ nhắc đến beef noodle soup (phở bò) khi họ đến thành phố này.
Bạn thèm hải sản kiểu lạ miệng nhưng đã chán những quán hay ăn thì hãy theo lời mách của một trang blog về du lịch vốn được nhiều Tây balô tin tưởng, để đến những quán cua nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng. Những món chính từ cua có thể kể đến ở đây là chả giò cua bể, miến xào cua, cua lột tẩm bột chiên giòn và nhiều món khác khiến nhiều khách du lịch lẫn dân địa phương ưa thích.
Có khách Tây balô trong một bài viết dài nói về chuyến du lịch của mình tới Sài Gòn, anh đã cho lời khuyên là hãy thử món bánh khọt yêu thích của dân địa phương. Bánh khọt ở đây ngon, được miêu tả là một loại rice-pancake (bánh gạo) chiên với dầu và có đủ loại nhân từ "cổ truyền" như tôm, sò cho tới những loại nhân bánh được chế ra thêm sau này, dùng chung với các loại rau xanh và nước chấm chua ngọt.
Nếu bạn không có đủ thời gian để ghé Vũng Tàu, nơi gắn liền với món bánh khọt, thì bạn có thể thưởng thức món ngon này ngay tại Sài Gòn với những phá cách trong việc chọn lựa nguyên liệu mới hay cầu kỳ hơn trong việc trình bày, làm cho món ăn thật bắt mắt.
Nếu thích crepe (loại bánh bột, có hình tròn, được đổ trên chiếc chảo gang) theo kiểu...Việt Nam, bạn cũng nên thử bánh xèo, vàng ươm, giòn rụm trong ngõ nhỏ ngay sát chợ Tân Định. Đây có thể không phải là nơi bán bánh xèo ngon nhất bởi trong thành phố vẫn còn nhiều quán hay các chuỗi những nhà hàng chuyên món bánh này với hương vị và phong cách riêng. Tuy nhiên, giá cả bình dân ở đây luôn thu hút những người yêu thích món này khi họ muốn ăn thêm nhiều lần nữa.
Còn nếu người bạn phương xa của bạn không có đủ thời gian để đi hết những địa điểm phải tới trên bản đồ ẩm thực Sài Gòn, bạn hãy dẫn họ tới chợ Bến Thành. Hàng chục món ăn của tất cả các tỉnh thành đều có thể tìm thấy ở đây: phở, bún thịt nướng, bún mắm, bún suông, ốc, món Huế... chưa kể tới hàng chục loại thức uống như rau má đậu xanh, nước mía dâu, sữa đậu nành và chè.
Đeo một cái ba lô trên vai đi lẫn trong những khách du lịch đang chen chân với nhau trong khu chợ đêm bên cạnh chợ Bến Thành, bạn sẽ thấy như mình không phải là người ở đây, bạn sẽ có một trải nghiệm lạ lẫm ngay ở nơi mà hàng ngày mình vẫn chạy xe qua như mọi con đường bình thường khác.
Bạn cũng có thể thử một cảm giác khác, hẹn hò ở một nhà hàng Thái, Nhật, Brazil, Ấn Độ... đúng kiểu đang mọc lên ngày càng nhiều giữa thành phố, để thấy được sự háo hức thế nào của một khách du lịch khi thưởng thức những món ăn của nước mình.
Bạn là người hàng ngày nhìn thấy thành phố này, ăn những món ở nơi này, nhưng hãy thử một lần đóng vai là khách lạ để cảm nhận, để thấy rằng giữa thành phố thân quen, có biết bao điều thú vị và những món ăn ngon đang quyến rũ những người khách lần đầu đến đây, để họ phải nhớ và viết về nó cho những người đến sau lại tiếp tục "phải lòng".
Ngoài mục tiêu khám phá những điều mới lạ, đặc sắc của các danh lam thắng cảnh, những phong tục, tập quán đặc trưng của mỗi quốc gia hay mỗi vùng miền... thì ẩm thực phong phú, gắn liền với mỗi địa danh cũng là điều thú vị và luôn thu hút sự quan tâm của hầu hết khách du lịch. Để có thể chọn được những món ăn, những địa chỉ uy tín để thưởng thức được đặc sản của nơi mà bạn sẽ đến, bạn có thể tham khảo trên báo chí có chuyên đề về du lịch hay thông tin trên những trang web chuyên về ẩm thực... Ngoài ra, để có cái nhìn chân thật, gần gũi hơn, cập nhật được những tin tức, hình ảnh mới của nơi bạn sắp đến, bạn nên tham khảo những trải nghiệm và chia sẻ về ẩm thực cũng như những nhận xét, lời khuyên của người thường xuyên đi du lịch trên trang cá nhân của họ.
Theo VNE
'Phải lòng' những món ăn ngon các vùng miền C những mn c trng của từng vùng miền rõ rệt, khiến mỗi chuyến i của bạn nh c mục ích rõ ràng, chang my thì xem nh cha hoàn tấtnh trình khá vùng ất ấy. Đến Hà Nội, bạ c dắt in ph Bát Đàn, bn thang Hàng Hành hay chả cá Lã Vọng. Đến Huế màng in cm hến, bn hến...