Bún gỏi dà và những món ăn đặc sản ở Sóc Trăng
Nguyên liệu dân dã, hương vị đậm chất miền Tây, 6 món ăn dưới đây gây thương nhớ thực khách mỗi dịp ghé đến Sóc Trăng.
Hủ tiếu cà ri là món ăn đặc trưng của người dân Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Sợi hủ tiếu nhỏ, có độ dai vừa phải. Món ăn cay cay với nước dùng lạ vị, được nấu cùng thịt vịt xiêm, khoai lang, ăn kèm rau sống. Phần nước béo màu vàng trên mỗi tô ghi điểm với thực khách nhờ vị ngọt thanh, không gây ngán. Ảnh: Gotrip, Cooky.
Cháo cá lóc rau đắng là món ăn dân dã, đậm chất miền Tây được người dân bản địa ưa thích. Một tô cháo cá lóc đầy đủ gồm đa dạng nguyên liệu như cá lóc, tương hột, nấm rơm, gừng hành, mắm muối và rau đắng. Để món ăn hấp dẫn và kích thích vị giác hơn bạn có thể ăn kèm với rau sống, gừng non xắt nhuyễn, tiêu, ớt. Ảnh: Fishsauceflavor, phhhue.
Bún vịt nấu tiêu thoạt nhìn giống mì vịt tiềm nhưng đặc biệt hơn là món này được nấu từ hột tiêu, xương và nước dừa tươi. Bún thường được ăn kèm nhiều loại rau sống như giá, rau muống bào, bắp chuối bào, rau quế… Để giúp món ăn thêm tròn vị, nước chấm là thành phần không thể thiếu cho mỗi thực khách. Ảnh: Cooky.
Video đang HOT
Bún nước lèo: Nguyên liệu chính để làm nên món ăn này là con mắm được nấu trong nước sôi đến khi thịt rã ra thì lọc lại trộn cùng nước ninh từ xương gà hoặc heo. Tô bún nước lèo Sóc Trăng có hương vị đặc trưng riêng, thu hút thực khách từ lần đầu nếm thử. Một phần ăn đầy đủ không chỉ có cá tươi mà còn có tôm, thịt heo quay, ăn kèm rau húng. Ảnh: Mebimsuakoi, saigonumofficial.
Bánh cóng được làm từ bột gạo, bột đậu nành, trứng, thịt lợn băm, tôm, hành tím và đậu xanh tạo nên vị bùi, mềm dễ ăn. Bánh được chiên trong những chiếc khuôn hình trụ giống với những chiếc ống cống. Sau khi chín bánh vàng rộm rất ngon mắt, thường được ăn kèm các loại rau sống và nước chấm chua ngọt. Ảnh: Vivian.t.t.v, leuyen.
Bún gỏi dà: Với xuất phát điểm là gỏi cuốn, bún gỏi dà được biến tấu dần dần và trở thành món khoái khẩu của người dân bản xứ. Bún gỏi dà gồm các nguyên liệu như bún tươi, rau sống, giá đỗ, thịt ba rọi, tôm, đậu phộng, tương xay, sườn non. Để ăn bún gỏi dà đúng điệu bạn phải cho thêm tương ớt và chanh. Ảnh: Phuongtran3198, eira1112.
Theo Zing
Về Phan Thiết nhớ thưởng thức bánh rế giòn tan
Bánh rế chiên dầu vàng, nhai giòn tan, vừa ngọt vừa béo cùng với hương thơm của mè, khoai lang, khoai mì... ăn chơi chơi rất thú vị.
Phan Thiết nổi tiếng với nhiều đặc sản ngon như bánh căn, bánh xèo, dông nướng, mực một nắng, hải sản tươi ngon và bánh rế, một món ăn không thể thiếu trên những chặng đường tham quan, khám phá.
Bánh rế có nguồn gốc từ Phan Rang, Ninh Thuận, nhưng nay phổ biến và trở thành đặc sản của vùng đất Phan Thiết, Bình Thuận. Nghề bánh rế chỉ tập trung nhiều ở những khu vực nội thành, là nghề truyền thống của mỗi gia đình, nên mỗi nơi cho ra lò những chiếc bánh mùi vị có khác nhau đôi chút, nhưng vẫn hòa quyện tạo nên nét đặc trưng riêng, hương vị thơm ngon.
Bánh rế, món ăn dân dã trở thành đặc sản nổi tiếng ở Phan Thiết
Bánh rế trông có vẻ đơn giản, nhưng để chế biến thành công đòi hỏi người làm phải khéo léo. Khoai mì (sắn) hay khoai lang là một trong những nguyên liệu chính của loại bánh này. Phải chọn những củ khoai lang, khoai mì thật tươi, không non cũng không già và phải trải qua 6 công đoạn chế biến khác nhau mới có thể chế biến được những chiếc bánh rế đậm đà.
Khoai sau khi chọn xong, bỏ vào thau nước ngâm vài tiếng cho bớt nhựa, sau đó lột sạch vỏ và bào thành sợi nhỏ đều. Tiếp theo, trộn khoai đã bào với một xíu hương vani rồi mới mang đi chiên.
Tiếp đến, bắc chảo dầu lên lò than hồng và thêm một ít dầu dừa vào chảo. Chờ đến khi dầu sôi, bốc một nắm khoai bào sẵn bỏ vào muỗng cán dài, rồi nhúng vào chảo dầu. Dùng đũa đảo sợi khoai lên xuống liên tục cho chín đều và tránh bị dính vào thành cục quá dày, gây mất thẩm mỹ.
Dầu nóng làm cho khoai chín và kết dính, đan xen vào nhau, tạo nên những chiếc bánh có hình dạng trông như cái rế để lót xoong nồi niêu của người dân vùng quê, nhưng lại có kích thước nhỏ hơn, từ đó cái tên bánh rế ra đời. Khi thấy bánh rế đã kết dính với nhau và chín đều, ta nên dùng vá vớt bánh ra vỉ cho khô dầu.
Công đoạn tiếp theo là thắng đường trên một chảo khác. Khi đường tan chảy hết, gấp từng chiếc bánh rế nhúng sâu vào chảo đường rồi vớt ra, cứ tiếp tục cho đến hết, sau đó rưới thêm một ít mè trắng rang sẵn lên trên bề mặt bánh vừa nhúng đường để khi dùng tạo hương thơm và có vị đặc biệt hơn.
Bánh lúc này sẽ có màu vàng ươm, khi ăn sẽ giòn tan cùng với đó là hương vị ngọt, béo hòa quyện của mè, khoai, đường...
Những quầy kệ bánh rế tại các điểm dừng chân mua đặc sản ở Phan Thiết
Bạn có thể tìm mua những chiếc bánh rế ở hầu khắp các quán đặc sản tại thành phố, những gánh hàng rong ở các khu du lịch, ở các làng nghề truyền thống, chợ Phan Thiết, các trạm dừng chân... với giá khoảng 15.000 - 20.000 đồng/một bịch 10 cái.
Ngoài những chiếc bánh rế màu vàng ươm du khách thường thấy, tại một số trạm dừng chân dành cho khách tham quan mua đặc sản về làm quà còn trưng bày và bán loại bánh rế màu đen xẫm. Dù nguyên liệu và hương vị như nhau, nhưng bánh rế đen tạo cảm giác mới lạ cho du khách thập phương, thường loại này có giá khoảng 30.000 đồng/một bịch 10 cái.
Những ngày trời se lạnh, ngồi nhai chiếc bánh rế rôm rốp, giòn tan cùng với tách trà nóng, sẽ tạo cho bạn cảm giác ngon miệng và thoải mái hơn. Những du khách có dịp dừng chân Phan Thiết, đừng quên bỏ lỡ món đặc sản dân dã này và mua nhiều tích trữ cho chuyến đi dài để lót dạ khi cần.
Theo Ngôi Sao
Những món ngon phải thử khi về Bảy Núi Đến với vùng Bảy Núi, du khách không chỉ được tham quan những di tích văn hóa lịch sử hào hùng, cảnh đẹp thiên nhiên núi rừng hoang sơ, hùng vĩ, mà còn được thưởng thức những món ăn đặc sản dân dã thơm ngon, độc đáo... Nói đến những món ngon ở Bảy Núi không thể không nhắc đến cây thốt nốt...