Bún đậu mắm tôm đất Hà Thành
Một chiếc bếp than phần phật lửa reo. Một chảo dầu rán nổ lách tách. Những miếng đậu phụ phồng lên mỡ màng. Vài lát bún óng mượt. Bát mắm tôm dậy mùi đặc trưng … Đó là chính là bún đậu mắm tôm đất Hà Thành, một món ăn rất được ưa chuộng trong khẩu vị người Hà Nội.
Cách hồ Hoàn Kiếm chừng vài trăm mét về phía phố Hàng Mắm là ngõ Phất Lộc – một địa điểm ẩm thực nổi tiếng của món đặc sản bình dân này. Ngõ nằm khá kín đáo trong một khuôn viên rộng lớn của trung tâm Hà Nội nhưng luôn tấp nập với những thực khách đủ mọi thành phần. Nếu bạn lần đầu đến Hà Nội, để tìm được đến đây cũng phải mất chút thời gian. Điều đó cũng là một nét đặc trưng trong cách ăn của người Hà Nội – nếu đã là món ngon, dù là “hang cùng ngõ hẻm” vẫn quyết phải tìm đến thưởng thức cho bằng được.
Ở ngõ Phất Lộc, có khá nhiều quán hàng bún đậu mắm tôm. Có rất nhiều ý kiến khác nhau về mỗi quán nhưng đều thống nhất rằng, ngõ Phất Lộc xứng đáng được coi là nơi tìm đến nếu bạn muốn thưởng thức món ăn này.
Các quán hàng ở đây được bài trí khá đơn giản. Chỉ với vài chiếc bàn ăn, dăm chiếc ghế nhựa nhưng đã cho ta cảm giác quây quần, ấm cúng.
Chọn cho mình một chỗ ngồi, việc đầu tiên là bạn hãy cảm nhận không khí tại đây. Ngắm nhìn chị chủ hàng mặt đỏ hồng vì lửa bếp, lúc thoắt đảo những bìa đậu đang reo trong chảo, thoắt lại lách cách cắt bún với những động tác vô cùng thuần thục. Chỉ một thoáng thôi, món ăn mà bạn đang khao khát thưởng thức sẽ được bày ra: chiếc bát nhỏ mắm tôm được đánh bông, đĩa bún trắng được cắt thành từng miếng nhỏ, đĩa ớt tươi đỏ thắm, đĩa rau sống xanh mát … Tất cả dường như đều tác động lên mọi giác quan của bạn, làm cho bạn cảm thấy chợt thấy đói cồn cào mặc dù mới dùng bữa.
Cha côm ăn kem bun đâu
Video đang HOT
Nếu thoạt nhìn, ta sẽ có cảm giác mọi món ăn thật đơn giản, có thể dễ dàng làm ra. Nhưng để nổi tiếng đến thế, các chủ quán hàng bún đậu ở Phất Lộc đều phải chọn lọc nguyên liệu rất kĩ cũng như có những bí quyết pha chế riêng.
Trước hết là bún phải là bún con, được lấy từ làng bún cổ truyền Phú Đô. Bún Phú Đô nổi tiếng là sợi nhỏ, dai, không chua và ăn có vị ngọt mát.
Rau kinh giới phải là chọn những thân rau đến độ, dài chừng khoảng một gang tay, nhặt lấy ngọn và những lá bánh tẻ mới có độ thơm và không đắng. Đĩa rau thường kèm theo những lát dưa chuột nếp thái lát.
Chả cốm cũng được làm từ cốm bánh tẻ, thơm và mềm, nếu thật chọn lọc phải là cốm Vòng loại hai.
Nhưng quan trọng nhất vẫn là bát mắm tôm. Mắm tôm phải là mắm tôm chắt Thanh Hóa, ánh sắc xanh. Khi vắt chanh và đánh tan, nổi lên vạt bông ánh tím mới là đạt yêu cầu. Thứ mắm tôm loại hai màu đen mà dùng thì coi như hỏng cả thương hiệu quán.
Chọn lựa kì công, một món ăn đơn giản mà mang trong mình những tinh túy của mỗi vùng miền… Nhưng nếu chỉ thế, vẫn chưa đủ làm nên món bún đậu mắm tôm đúng nghĩa.
Cái hay, cái giỏi lại nằm ở bí quyết pha chế. Bát mắm tôm thơm dậy mùi khiêu khích khứu giác, đủ các vị mặn, ngọt, chua, cay, béo hẳn phải có sự gia giảm công phu. Chị chủ hàng khi được hỏi về nguồn gốc xuất xứ của từng món ăn, dường như cảm thấy tìm được người tri kỉ, thuận miệng kể từng xuất xứ, lại tiện miệng nói rằng: “Mắm pha ngon phải có rượu nếp cái hoa vàng …” Ý chừng đến đó, dường như e ngại lộ ra bí quyết làm nghề, chị khéo léo kể sang câu chuyện khác.
Chuyện kể rằng, quán chị đã từng được tiếp mội danh ca trong Sài Gòn tới lưu diễn tại Hà Nội. Cô tới đây với một số fan hâm mộ và thưởng thức món ăn tại quán của chị như một thực khách bình dân. Sau đó, chị còn được kể lại là cô đã tâm sự trên báo chí về món ngon tại quán chị như một lời cảm ơn vì cảm giác nghỉ ngơi, giảm áp lực công việc. Kể đến đó, gương mặt chị không dấu nổi vẻ tự hào…
Ở Hà Nội, bùn đậu không chỉ có ở ngõ Phất Lộc. Bạn có thể tìm thấy món ăn dân dã này ở đường Vũ Ngọc Phan, đường Nguyễn Quý Đức, ngõ cạnh trường Đại học Văn hóa trên Đê La Thành … đều là các quán ăn ngon. Nhưng với người Hà Nội, bún đậu mắm tôm Phất Lộc vẫn là nơi tìm đến, và đã mặc nhiên trở thành một địa chỉ ẩm thực có trong cẩm nang du lịch của nhiều người tới đây.
Theo Tạp Chí Ẩm Thực
Cảm xúc ngày mới với cháo lòng Hà Nội
Gắp một miếng lòng chấm mắm tôm vắt chanh ớt rồi thong thả nhón một cánh mùi tàu hay lá rau thơm điểm vị, bạn sẽ cảm hết cái đẹp của thú ăn uống trong buổi bình minh, lại hiểu hơn cái đặc biệt của miếng ngon dân tộc.
Ngày nay, không chỉ có cánh đàn ông chuyên nhậu mà cả phụ nữ, học sinh, sinh viên, đều đam mê món cháo lòng thơm ngon của Hà Nội. Cháo lòng không phải món ăn mới nhưng nghe cái tên vẫn gợi sự tò mò cho bất cứ ai. Dù là thưởng thức tại một quán gia truyền nổi tiếng ở Phố Cổ hay quán vỉa hè dân dã thì cháo lòng vẫn có sức hút lạ kỳ.
Khi mà bữa sáng người ta đã quá quen thuộc với phở, bún và những món quà vặt, có thể bắt gặp trên mọi góc phố, nẻo đường thì cháo lòng lại được nhắc đến như cái tên hấp dẫn, bởi không phải bất kỳ góc chợ hay con phố nào cũng có bán. Với những người đam mê món ăn này, sáng tinh mơ họ có thể đi hàng chục cây số tìm đến địa chỉ quen thuộc để thưởng thức. Tiếng lành đồn xa, người ta mách nhau về con phố A, phường B, vì ở đó có quán cháo lòng ngon nổi tiếng...
Cháo lòng Hà Nội có màu sẫm và đặc hơn cháo lòng Sài Gòn, bí quyết nằm ở thứ nước được ninh từ xương lợn béo ngậy dùng để nấu với gạo thành cháo. Lòng lợn và tiết canh cũng được làm thật sạch. Bên cạnh đó, các thứ gia vị khác của nồi cháo lòng cũng phong phú và đặc biệt như gan, tim, cật heo hành, ngò, húng, ớt... Tiết lợn đỏ tươi được pha thêm chút nước cốt gừng, chờ khi cháo sôi thì được cho vào đánh đều tay để không bị vón cục. Chính màu đỏ của tiết đã tạo nên thứ cháo sẫm màu, đậm đà.
Tiết canh, cháo lòng là món ăn chơi rất bình dân. Muốn cháo lòng hấp dẫn, phải có thêm chén rượu, chút lạc rang, để nhâm nhi, món lòng lợn cũng sẽ nổi vị bùi hơn.
Mấy miếng dồi, tràng, gan, tim, cổ hũ được thái miếng mỏng và xếp gọn gàng trên bề mặt bát cháo đặc màu nâu sẫm bốc khói nghi ngút khiến người ta nhìn mà ứa nước miềng, loáng thoáng chút sắc vàng của hành phi khiến nó thêm bắt mắt.
Gắp một miếng lòng chấm với mắm tôm vắt chanh ớt rồi thong thả nhón một cánh mùi tàu hay lá rau thơm điểm vị, bạn sẽ cảm hết cái đẹp của thú ăn uống nhẩn nha trong buổi bình minh, lại hiểu hơn cái đặc biệt của miếng ngon dân tộc.
Việc đầu tiên là thưởng thức những món lòng lợn bên trên, mỗi bộ phận một hương vị khác nhau: gan thì đậm vị ngòn ngọt mà lại đăng đắng, rau húng lại mát và thơm, cổ hũ giòn tanh tách, lòng tràng sậm sựt, còn ruột non thì mới cắn tưởng là dai nhưng kỳ thực lại mềm, ngọt và bùi đến tận mang tai.
Nhìn bát cháo lòng tựa như một bức tranh đa màu sắc, điểm vào đó chút đỏ của ớt, màu xanh của rau húng, mắm tôm chanh màu hoa cà ngự trị ở bên màu trắng ngà của lòng tràng, trắng xanh của ruột non và phơn phớt màu lòng tôm của cổ hũ, tạo thành một món ăn lạ mắt.
Bát cháo lòng bình dân nhưng lại vang dậy lên thứ hương thơm vương giả. Loáng thoáng vài lá hành, chút tiêu thơm vừa đủ ngan ngát, cháo không sặc mùi mà mang một dư vị kín đáo, xa xôi không giống với bất cứ thứ cháo nào khác. Những hạt gạo dường như không bị nát vụn mà vẫn còn nguyên hạt trắng ngần, nhìn thấu suốt trên nền nâu sẫm của tiết, tất cả như sánh lại, quyện vào nhau, ăn đến miếng cuối cùng nơi đáy bát mà vẫn thòm thèm.
Theo tạp chí món ngon
CNN bình chọn những món ăn "thách thức" của Việt Nam Ở nhiều nước trên thế giới, người ta thường cố gắng để diệt những loài côn trùng, sâu bọ, hay vứt bỏ những bộ phận nội tạng của động vật, thế nhưng, ở Việt Nam, tất cả đều được cho vào nồi. Website quốc tế của CNN là CNNGO đã tổng hợp và viết về những món ăn "đầy thách thức" của Việt...