Bún cá Xà Tón
Các quán bún cá ở Tri Tôn, An Giang thường không treo bảng hiệu, chủ quán cứ bày ra trước cửa nhà. Nhiều nhà bán mà các nồi bún vẫn cứ thi nhau cạn. Phải chăng bún cá Xà Tón có điều gì lạ thường?
Bún cá Xà Tón ăn kèm trứng vịt lộn
Tri Tôn là huyện miền núi của tỉnh An Giang, được bao bọc bởi một nửa của dãy Thất Sơn, là vùng biên giới, có các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer cùng sinh sống và là nơi có chùa Xà Tón (Svay Ton) của người Khmer.
Tri Tôn còn có một cái tên khác – xứ Xà Tón, với núi đồi xen lẫn đồng ruộng, di tích lịch sử và nhiều đặc sản độc đáo. Sự giao thoa văn hóa Kinh – Khmer làm cho ẩm thực Tri Tôn đa dạng, hấp dẫn lạ thường. Ngoài những món nổi tiếng như gà nấu lá trúc, gà đốt, đu đủ đâm, cháo bò, bánh canh lò rèn… thì món bún cá Xà Tón mang hương vị rất riêng của vùng đất này.
Dừng chân trước quán, bạn sẽ cảm nhận một mùi thơm rất nhẹ và dễ chịu. Đó là mùi ngải bún. Người dân gọi ngải bún cho gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ, chứ ngải bún còn có tên là ngải hẹ, tên khoa học là Auttum crosscus. Ngải bún dùng để nấu bún cá, tạo nên hương vị rất đặc trưng. Bún cá Xà Tón có 2 kiểu nấu – của người Kinh và người Khmer.
Người Kinh chọn những con cá lóc ngon, sau khi luộc cá chín, lấy xương cá hầm cho ra nước ngọt, phần thịt cá gỡ ra từng miếng nhỏ, đem xào sơ qua cho thấm gia vị, dùng nghệ tươi giã lấy nước rồi để vào thịt cá cho cá có màu vàng nghệ, nửa phần để riêng khi ăn cho vài miếng cá lên trên mặt bún, nửa phần còn lại để vào nồi nấu với xương heo để tạo vị ngọt và làm cho nồi nước lèo có màu vàng của nghệ. Người nấu còn dạo vào nồi nước chút nắm ruốc hoặc mắm cá chốt hay cá sặt để tạo mùi thơm rồi cho tiếp nước ngải bún, sả, gia vị vào.
Người Khmer nấu thì sau khi lấy thịt cá lóc đem đi giã nát cùng sả băm nhuyễn và nước ngải bún rồi cho vào nồi, vì vậy nước lèo trắng, ngọt đậm đà. Đặc biệt, cho vào nồi nước bún chút mắm bò hóc (pro hoc) – đặc sản của người Khmer để món bún có vị hấp dẫn lạ kỳ.
Video đang HOT
Ngoài ra, giá đỗ chọn mua loại giá cát, giá cát được làm từ hạt đậu xanh ngâm nở cho vào thùng rồi lấp cát lên, cát này được lấy từ lòng ô ở ruộng do nước trên núi Tô chảy xuống kéo theo lớp cát trắng, nhờ vậy mà giá cát mọc tự nhiên không dùng loại hóa chất nào, cọng giá khẳng khiu dài nhằng nhưng trắng trẻo và có độ giòn ngọt tự nhiên.
Còn hoa chuối được cẩn thận tách bẹ lấy phần non để bào mỏng, có nơi còn tìm hoa chuối hột để cọng ghém thêm ngon. Rau muống thì chọn loại cọng to non giòn rồi bào mỏng. Vậy là được thau ghém như ý: giá, bắp chuối, rau muống trộn lẫn vào nhau, trên cùng là lớp rau thơm, mùa nước về thì điểm lên những đốm vàng của bông điên điển hay chút xanh xanh của cọng rau nhút, trông đậm chất miền Tây làm sao!
Nước sôi ùng ục, người nấu nhanh tay trụng bún qua nước sôi vài lần cho bún nóng, những miếng cá được xếp trên mặt tô. Mùi ngải bún, sả, nghệ, rau thơm, nước mắm, vị cay của ớt, tất cả ùa vào làm ta cứ tưởng “sơn hào hải vị” là đây! Bún cá Xà Tón còn hấp dẫn hơn khi cho thêm vào tô cái trứng vịt lộn hay cái đầu cá lóc, rồi chấm với chút muối ớt vắt chanh hoặc trái trúc, vị chua xen lẫn tinh dầu của trái trúc chỉ có ở xứ này. Nếu thích ăn cay thì dùng thêm ớt trái, mà phải là ớt hiểm xanh mới đúng điệu.
Cắn ớt vào cảm nhận vị nồng rất thanh của ớt lên đến tận mũi, húp vào chút nước bún mới tận hưởng hết cái vị rất riêng của bún cá Xà Tón.
Theo Thanhnien
Bún bò kiểu Ninh Hòa có một không hai khiến Việt kiều Mỹ nhớ quay quắt
Đi khắp bốn biển năm châu, ăn mòn cả răng khắp mấy chục tỉnh thành, nhưng tôi khẳng định điều này, chưa có tô nào trên đời, ngon bằng bún bà Hạnh. Bà nấu đặc trưng theo kiểu Ninh Hòa, khác xa với mùi vị của xứ Huế.
Bún bò Ninh Hòa khác hẳn bún bò Huế hay Sài Gòn.
Trong các món bún Việt Nam, tôi thèm bún bò số một. Nói thì hơi quá, nhưng có thể ăn nhiều bữa mỗi ngày, sáng trưa chiều tối cũng được hết.
Bà Hạnh dậy từ tờ mờ sáng để chuẩn bị nấu nướng, xắt rau, bỏ lên xe ba gác cút kít bày hàng. Mặt trời chưa lên thì mọi thứ đã xong, chuẩn bị bán cho khách đầu tiên rồi đấy. Giò và móng rửa sạch, bỏ vào nước luộc sơ để máu trong xương thịt chảy ra. Nhắc xuống, đổ nước, đem rửa thiệt kỹ rồi bỏ vô xoong khác hầm cho mềm với một bó sả. Nếu không luộc trước, nồi nước sẽ đục ngầu và hôi heo vô cùng. Thiệt tình không gì ớn lạnh hơn khi húp miếng nước lèo hổng thơm mà thoang thoảng mùi heo ngai ngái.
Bún bò Ninh Hòa thời nay
Linh hồn của bún bò Ninh Hòa chính là thịt. Không phải là miếng bắp bò cuồn cuộn thịt, có tí xíu gân, mắc quá trời lại ăn không quá ngon, mà là thịt ba chỉ ngay bụng hay cổ để vừa có nạc vừa kèm thêm tí mỡ, khi ra nước sẽ thơm vô cùng.
Xắt thịt cỡ ngón chân cái, sau đó đem đi ướp với tiêu, đường, bột ngọt để một bên. Nếu như người Huế hay nhiều nơi khác thường ướp thịt với mắm ruốc cho thơm, thì người bán quê tôi chẳng thèm đụng tới thứ gia vị nặng mùi này, dù ruốc đầy khắp chợ. Nhắm thịt đã thấm, múc hai vá nước hột màu điều bỏ lên chảo, để cho sôi, đổ thịt vô xào xào cho săn.
Khi thịt gần chín, cho ít bột cà ri và ớt màu vào để mùi vị đậm đà. Phía nồi nước lèo, chân giò đã mềm, nhanh tay vớt ra để trong rổ tre, có lá chuối đậy lên ngăn ruồi với bụi. Bà vớt bó sả cũ ra, thay bằng bó sả mới. Thêm củ gừng đập dập. Nhờ vị gừng, nồi nước thêm nồng, khi ăn, tô bún sẽ âm ấm ruột gan, đã lắm.
Bà đổ chảo thịt xào vào, nêm nếm vừa ăn. Lúc này, lửa củi gì cũng phải để thiệt nhỏ, sôi lăn tăn cho thịt mềm hơn, chứ không được để quá rục. Người Ninh Hòa rất thích ăn tái. Hàng phở hay bún bò nào cũng phải có tô tái mới chịu.
Tái ngon phải làm từ thịt đùi hay vai. Mài dao bén xắt thiệt mỏng theo sớ chứ không dai nhách. Tôi thì cả đời chẳng bao giờ biết xắt thịt bò. Cứ thấy mặt nào tiện thì đưa dao vô, dai hay mềm cũng được. Huyết heo là một phần không thể thiếu của tô bún xứ này. Huyết phải mềm, cắn miếng có cảm giác bồng bồng chứ không quá cứng hay có nhiều lỗ chứa đầy bong bóng khí.
Rau không để nguyên cọng như vùng miền khác, mà xắt thiệt nhỏ ra. Xà lách, ngò tàu rửa sạch, xếp lại cho đều, bỏ lên thớt. Dao mài thiệt bén, xắt đều tay. É quế thì không cần xắt, lặt sạch, để nguyên từng lá. Bắp chuối lột bỏ hai lớp bên ngoài, đem xắt nhỏ, ngâm vào nước muối cho khỏi thâm đen.
Tất cả đem trộn chung với giá. Không phải là loại giá lu, nuôi bằng nước mập ù. Cọng giá trồng trên cát sông Dinh, dài thòng, ốm tong ốm teo, nhưng giòn tan, nhiều chất dinh dưỡng. Cọng bún thường to gấp đôi bún riêu hay bún cá. Và để tăng thêm hương vị, tô bún phải có thêm muỗng đậu phộng giã dập. Hình như chưa chỗ nào ăn bún kiểu này!
Bún bò Ninh Hòa có đậu phộng
Theo Thanhnien
5 kiểu bún lạ vị ở TP.HCM Món bún thân quen được biến tấu nhiều kiểu giúp việc thưởng thức của bạn trở nên thú vị. 6 quán bún với những hương vị độc đáo sau ở TP.HCM sẽ giúp bạn thỏa mãn vị giác của mình. Bún Thái - 116 Vườn Chuối, quận 3: Quán nằm trong con hẻm nhỏ, nổi tiếng với bún Thái khiến ai từng thưởng...