Bún cá Ninh Hòa
Người dân Ninh Hòa (Khánh Hòa) không ai không biết món bún cá. Dù xa quê đã bao nhiêu năm nhưng tôi không bao giờ quên hương vị món ăn này.
Bí quyết nấu nước dùng để chế biến bún cá – làm sao để nước vừa trong lại vừa ngọt – là cả một quá trình, đòi hỏi những người nội trợ phải hết sức tinh tế. Nhiều người truyền tai nhau rằng nước bún trước khi thêm gia vị sẽ được nấu kèm một quả khóm để nước ngọt thanh hơn, đường dùng để nấu là đường phèn chứ không phải đường cát, sau đó để lắng và chỉ lấy phần nước trong. Riêng các bước nấu nước thì mỗi vùng có một cách, thể hiện hương vị khác nhau. Nhưng tựu trung lại là sau khi nấu nước khóm, người ta sẽ luộc những con cá ồ tươi sống nhất, dằm cá để lấy thịt ra cho vào sau cùng. Da và xương cá được ninh nhừ, để lắng lấy nước cho vào nước khóm, sau đó nêm gia vị gồm nước mắm, bột ngọt, hành củ chẻ sợi, tiêu trắng… để nước dùng không bị đục và nêm nếm sao cho vừa ăn nhất.
Mỗi lần có khách, người ta sẽ làm bún nóng ngay tại chỗ, chan nước dùng, cho thêm vài cọng hành lá thái nhỏ, mấy lát cà chua và điểm nhấn cuối cùng chính là chả cá. Chả cá ở đây được làm bằng cá thu là ngon nhất, sau đó chiên giòn hoặc luộc chín cho vào sau cùng. Món bún cá sẽ đi kèm với một đĩa rau sống thái nhỏ như lũ trẻ chơi hàng xén gồm xà lách, rau thơm và giá sống gia vị đi kèm không thể thiếu chanh, ớt và một loại nước chấm đặc biệt được nấu từ ớt tươi, tỏi sống, đường cát, bột ngọt sao cho đặc và thật cay. Tô bún là sự hòa quyện giữa sự cay nồng, chua chua ngọt ngọt của chanh, của thịt và chả cá, của nước dùng trong vắt khiến thực khách vừa ăn vừa hít hà khen ngon.
Xa quê bao nhiêu năm, mỗi lần đi đâu thấy biển đề “bún cá Ninh Hòa” đều thấy vui vì món ăn quê mình nổi tiếng, nhưng tôi biết chắc sẽ không tìm đâu ra cái hương vị bún cá của chỉ riêng quê mình. Cái hương vị mỗi sáng sớm, mỗi xế chiều tôi đều được ăn cho nên dù đi đâu, bao nhiêu lâu mới về quê thì món đầu tiên tôi dùng luôn là bún cá. Món ăn ngon và rẻ, nhiều rau, nhiều can xi lại ít béo. Đôi khi chưa về đến nhà đã dừng xe ngay Ninh Hòa chỉ để ăn tô bún rồi lại tiếp tục lên đường, cũng là cách được mau chóng tìm lại món ngon đã xa vắng từ lâu…
Theo thanhnien
Những điểm khác biệt thú vị giữa bún ở ba miền
Sự pha trộn khéo léo cùng với việc phong phú về nguyên liệu đã tạo nên các món bún nổi tiếng ở ba miền như bún bò, bún cá, bún chả...
Video đang HOT
Ngoài món cơm truyền thống thì có thể nói bún là món ăn quen thuộc của người dân Việt Nam. Đi từ Bắc vào Nam, bạn sẽ được thưởng thức rất nhiều loại bún với cách chế biến cũng như hương vị khác nhau, thể hiện tính cách khác nhau giữa các vùng miền.
Sự tinh tế trong món bún của người Bắc
Những món bún xứ Bắc được chế biến rất cầu kỳ, tinh tế, pha trộn nhiều các nguyên liệu với nhau để món ăn đẹp mắt, hấp dẫn và luôn ngon miệng.
Bún thang thể hiện rõ nét nhất sự tinh tế của người miền Bắc. Từ chuẩn bị cho đến nấu thành phẩm, người ta tính được có khoảng 20 nguyên liệu trong bát bún thang. Nào là rau răm, mùi tàu, trứng gà tráng mỏng, lườn gà, giò lụa... được thái mỏng hoặc xé sợi, rắc đều lên trên bát bún trắng, thêm một ít tôm khô. Gia vị ăn kèm phong phú như giấm, ớt, tỏi, hạt tiêu, chanh, một tí xíu mắm tôm.
Các loại bún khác như bún chả, bún mọc, bún đậu mắm tôm.... tuy không nhiều nguyên liệu như bún thang, nhưng sự cầu kì không hề thua kém. Mỗi món ăn đều đòi hỏi người đầu bếp phải chuẩn bị một cách tỉ mỉ, từ lựa chọn nguyên liệu, nấu nước dùng cho đến các loại rau ăn kèm, tất cả phải hòa hợp với nhau để tạo nên một món ăn vừa đẹp mắt vừa ngon miệng.
Không thể thiếu vị cay trong món bún của người Trung
Món bún của người miền Trung đơn giản hơn nhưng cũng được nhiều người ưa thích. Người miền Trung vốn dĩ thích ăn cay, nên các loại bún ở đây không thể thiếu đi cái vị cay đó được.
Đại diện tiêu biểu nhất chính là bún bò Huế, ai từng ăn bát bún bò đúng chất Huế sẽ không quên được cái vị cay của nó. Cái vị cay đem đến cho người ăn chính là ớt, ớt được người bán cho vào một ít trong nước dùng, ngoài ra trên bàn ăn luôn có nhiều loại ớt cho bạn lựa chọn như: ớt băm, ớt sa tế, ớt trái thái lát... Bát bún bò Huế nóng hổi, vừa ăn vừa hít hà, ăn xong thì người đã toát mồ hôi hột.
Ngoài bún bò Huế, các tỉnh ven biển dọc miền Trung còn nổi tiếng với món bún chả cá... nước dùng trong, không cay như bún bò Huế nhưng vị cay lại đến từ chén nước chấm ăn kèm với chả cá. Nước chấm hơi sệt, được pha chế từ đường, nước mắt, tỏi và ớt, cùng với đó là một chén ớt xiêm xanh như thách thức người ăn thử mức độ ăn cay của mình.
Đậm đà vị mắm trong món bún của người Nam
Ngược vào miền Nam, bạn sẽ được thưởng thức nhiều món bún ngon như: bún mắm, bún cá, bún nước lèo... Món bún ở đây không cầu kỳ, được tạo nên từ những nguyên liệu gần gũi trong đời sống của người dân.
Mắm là nguyên liệu chính trong món bún của người miền Nam. Nổi tiếng nhất là món bún mắm, nước dùng được nấu bằng mắm các loại cá trèn, cá sặc, cá lóc, cá linh... có nhiều trên các sông rạch miền Tây. Bún mắm được chế biến với tôm, thịt ba chỉ, mực. Sóc Trăng có món bún nước lèo, hương vị cũng thoang thoảng như bún mắm bởi nước dùng nấu bằng mắm bò hóc - một loại mắm đặc sản của người Khmer sinh sống ở Sóc Trăng, Trà Vinh.
Món bún của người miền Nam thường được ăn kèm với rất nhiều loại rau có quen thuộc trong đời sống của người dân. Chỉ cần đi lang thang một vòng trong vườn nhà là bạn đã có nhiều loại rau tươi ngon đủ cho một bữa ăn, nào là rau đắng, điên điển, bông súng, kèo nèo, húng lủi... Hương vị đậm đà của món bún được kết hợp với nhiều loại rau mang đến cho người ăn một trải nghiệm vô cùng thú vị.
Huấn Phan
Theo ngôi sao
8 món ngon miền Tây được ưa thích ở Sài Gòn Bún cá, hủ tiếu, bánh tằm bì... là những món ăn quen thuộc của miền Tây được người dân Sài Gòn ưa thích. Miền Tây Nam Bộ được biết đến là một vùng đất trù phú với nền văn hóa ẩm thực phong phú và đa dạng. Những món ăn như hủ tiếu, bánh xèo, bún cá, các loại bánh ngọt... đã trở...