Bún cá ăn cùng trứng vịt lộn ở Búng Bình Thiên
Món bún cá kèm trứng vịt lộn của chị Bích Huyền nổi tiếng quanh Búng Bình Thiên – một trong những hồ nước ngọt lớn nhất Tây Nam Bộ.
Bún cá ăn cùng trứng vịt lộn ở Búng Bình Thiên
Bún cá, một đặc sản nổi tiếng ở An Giang, được du nhập từ nước bạn Campuchia. Ngày nay, món ăn dưới đôi bàn tay khéo léo của người Việt đã trở nên quen thuộc và thành trải nghiệm khó có thể bỏ qua.
Bún cá ăn kèm hột vịt lộn có giá từ 20.000 đồng. Ảnh: Di Vỹ.
Theo mẹ bán bún cá từ năm 11 tuổi, chị Bích Huyền (37 tuổi) hiện sở hữu xe hàng nổi tiếng trong vùng. Tô bún của chị bắt mắt với màu vàng của thịt cá sau khi xào với nghệ, vài cọng quế xanh rì. Ngay khi tô bún dọn ra trước mặt, mùi thơm xộc thẳng lên mũi.
Trên chiếc xe có khung đóng bằng gỗ, mái che lợp bằng ni lông, chị Huyền bày tất cả nguyên liệu và vật dụng. Nồi nước lèo lớn được đặt khéo ở một bên, sát đó là rổ rau đã lặt và rửa sạch.
“Ngoài cá phải luôn tươi rói, cách thêm thắt gia vị cho nồi nước lèo cũng phải khéo thì ăn mới ngon được”, chị Huyền nói trong khi đôi tay múc nhanh vá nước lèo cuối cùng cho vào tô bún, bưng ra cho khách.
Video đang HOT
Chị Bích Huyền gắn bó với nghề bán bún cá đã được 28 năm. Ảnh: Di Vỹ.
Theo chị Huyền, nấu nước lèo là cực và tốn công nhất do phải hầm xương ống và cá từ buổi sáng, trong nhiều giờ. Trên bếp lửa riu riu, nồi nước được cho thêm củ ngải bún, mắm cá linh, mắm ruốc hòa tan đã lược bỏ xác.
Trong tô bún còn có thêm trứng vịt lộn, khiến hương vị trở nên lạ miệng. Du khách có thể tìm thử món này ở Châu Đốc nhưng nếu có dịp đến Búng Bình Thiên, bạn không thể bỏ qua xe đẩy của chị Huyền.
Cứ độ xế chiều 14h – 15h, chị Huyền lại đẩy chiếc xe dọc theo con đường nhỏ được trải nhựa từ chục năm trước. Một bên đường là nơi sinh sống của cộng đồng người Chăm, Khmer, Kinh, phía còn lại là hồ nước rộng lớn mang tên Búng Bình Thiên.
Xe bún cá của chị Huyền thu hút người dân địa phương là chủ yếu. Ảnh: Di Vỹ.
Búng Bình Thiên có nghĩa là “hồ nước phẳng lặng”, nằm cách trung tâm thành phố Châu Đốc khoảng 35 km. Đây là một trong những hồ nước ngọt lớn nhất khu vực Tây Nam Bộ. Hồ thuộc khu vực giáp ranh giữa 4 xã: Khánh An, Khánh Bình, Nhơn Hội, Quốc Thái và nằm phía bắc huyện An Phú. Búng Bình Thiên bao gồm 2 hồ nước đó là Búng Lớn và Búng Nhỏ.
Để đến đây, bạn phải vượt qua cầu Cồn Tiên, theo hướng đường tỉnh lộ 956 về cửa khẩu Khánh Bình và rẽ trái tại ngã 4 Quốc Thái là sẽ tới.
Du khách có tìm đến búng vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, tuy nhiên, từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch là khoảng thời gian lý tưởng nhất. Khi những con nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về, nước Búng Bình Thiên dâng cao hơn, như khoác lên mình một chiếc áo mới tràn đầy sức sống.
Theo Ivivu
7 món ngon phải thử ở Châu Đốc
Bún cá, cơm tấm hay tung lò mò là ba trong số món ngon du khách nên tìm thử khi có dịp đến Châu Đốc.
7 món ngon phải thử trong chuyến du lịch Châu Đốc
Bún cá: Là món ăn nổi tiếng ở An Giang, bún cá Châu Đốc không do người Việt sáng tạo mà du nhập từ nước láng giềng Campuchia. "Linh hồn" của món này nằm ở vị nước lèo được nêm nếm từ mắm cá linh và mắm ruốc. Đây là một trong số món ăn bày bán khá phổ biến ở trung tâm Châu Đốc, bạn có thể dùng vào bữa sáng. Nước lèo có màu vàng nhạt do còn có thêm củ nghệ giã nát. Bắc trên bếp lửa riu riu, cá hoà cùng nước hầm xương tạo nên độ hấp dẫn. Ngày nay, nhiều nơi còn hầm thêm xương ống để nước ngọt hơn và phục vụ kèm thịt heo quay. Trong tô bún có các loại rau ở dưới cùng như bông điên điển, một đặc sản từ những cánh đồng miền Tây. Giá mỗi suất ăn trung bình 20.000 đồng, có quán xa trung tâm bán tô bún cá chỉ 10.000 đồng.
Cơm tấm: Du lịch Châu Đốc, đi dọc các trục đường Lê Lợi, Thủ Khoa Huân hay quanh chợ Châu Đốc, du khách sẽ dễ tìm thấy một quán cơm tấm thơm ngon. Món ăn quen thuộc ở miền Tây, khiến khách thòm thèm bởi vị nước mắm chua ngọt kèm miếng thịt nướng mềm, nêm nếm vừa miệng. Khác với thông thường, đồ ăn kèm của cơm tấm ngoài củ cải ngâm chua, ở Châu Đốc còn có cải ngâm chua, khiến hương vị món trở nên mới mẻ. Cơm ăn chắc bụng nên bạn có thể dùng vào bữa sáng để nạp năng lượng cho ngày mới. Giá mỗi đĩa cơm tấm sườn bì chả khoảng 25.000 - 30.000 đồng.
Các loại mắm: Châu Đốc còn được mệnh danh là "vương quốc mắm" của miền Tây. Đến chợ Châu Đốc hoặc chân núi Sam, du khách sẽ thấy hàng chục loại mắm khác nhau như mắm Thái, cá lóc, cá linh, ba khía, cá sặc, cá trèn... Mắm ở Châu Đốc thiên vị ngọt nhưng dư vị lại mặn, ăn đưa cơm. Bạn có thể thưởng thức hương vị ngay tại chỗ, trong các nhà hàng hoặc mua mang về làm quà. Giá từ vài chục đến hơn trăm nghìn đồng cho mỗi kg mắm.
Bánh hỏi thịt nướng: Bánh hỏi là món dễ thấy ở miền Tây, đặc trưng là tơi và mềm. Bánh hỏi ăn cùng thịt nướng lại càng thơm ngon khi những miếng thịt đã được ướp kỹ đem nướng trên than hồng, thơm phức và đậm đà. Bánh hỏi sẽ không ngon nếu thiếu chút mỡ hành và đậu phộng giã nhỏ. Chén nước mắm pha chua ngọt được phục vụ kèm làm tăng vị món ăn. Bạn có thể chan trực tiếp hoặc để chấm riêng. Nhiều quán còn cho thêm chả giò, chả cá. Giá mỗi suất 25.000 đồng.
Hủ tiếu bò viên: Các quán hủ tiếu nằm nhiều ở trung tâm thành phố. Món ăn phù hợp cho bữa sáng hoặc xế chiều. Món ăn bình dân nhưng hấp dẫn nhờ sợi hủ tiếu không giống ở Sài Gòn. Sợi hủ tiếu ở đây vừa mềm vừa dai, cọng nhỏ. Nước lèo được nấu từ xương giò heo nên thơm ngọt tự nhiên. Bò viên vừa giòn vừa dai, và thơm nức mùi bò. Mỗi bát có khoảng 5-6 miếng nhỏ. Giá mỗi tô 20.000 đồng.
Tung lò mò: Tung lò mò là một đặc sản của người Chăm ở Châu Đốc, thoạt nhìn khá giống với lạp xưởng. Dạo quanh các con đường xa trung tâm, bạn sẽ không khó để bắt gặp cảnh những sâu tung lò mò đã được chế biến, phơi trước cửa nhà. Tên của món ăn được đọc lệch từ tiếng Chăm là "tung lamow", có nghĩa là ruột bò. Người Chăm Islam theo đạo nên kiêng thịt heo, chính vì thế mà món ăn càng trở nên phổ biến trong các dịp đặc biệt trong nghi thức tôn giáo. Du khách đến du lịch Châu Đốc có thể tìm thử tung lò mò loại chua và không chua. Những miếng tung lò mò được cắt khoanh rồi đem nướng trên bếp than là cách làm khá phổ biến. Khi chín tới, hương thơm từ bếp toả ra ngào ngạt, tung lò mò được đem xuống rồi cắt khoanh nhỏ vừa ăn. Món này ăn rất đưa cơm. Giá mỗi kg khoảng 150.000 - 250.000 đồng.
Bún mắm: Bún mắm gây ấn tượng bởi nước lèo có màu nâu bắt mắt của mắm nhưng lại trong và thơm ngọt vị cá. Không chỉ riêng Châu Đốc mà nhiều nơi ở miền Tây, du khách vẫn có thể tìm ăn món này. Món ăn có gốc từ Campuchia, rồi được biến tấu theo cách nấu của người Việt. Thay vì dùng mắm bò hóc (prohok), bún mắm ở miền Tây nấu bằng cá linh, ăn kèm với thịt heo quay và trứng vịt lộn. Nhiều tô bún mắm còn có thêm tôm, chả cá, thịt heo làm phong phú hương vị. Rau muống chẻ ngọn, bắp chuối, giá đỗ và rau diếp cá là các loại thường dùng chung. Món ăn có giá khoảng 25.000 - 35.000 đồng một tô. Ảnh: Liam Luu.
Theo Ivivu
Nức lòng bánh canh bột gạo Ninh Hòa Xa nhà, nhiều khi tự hỏi, hổng hiểu tại sao cái thị trấn (giờ lên thị xã) nhỏ xíu xiu mà có quá trời món ăn ngon và rẻ. Từ nem chua, chả lụa, bún cá, bánh xèo, bánh căn, cơm vịt, cơm sườn đến đủ thứ các loại chè trôi nước, đậu ván, sương sa, hột đác, và đặc biệt là hàng...