Bulgaria nới lỏng quy định phòng dịch COVID-19
Nhà chức trách Bulgaria ngày 23/1 cho biết nước này sẽ nới lỏng một số biện pháp hạn chế từ ngày 4/2 tới, dù các nhà hàng sẽ vẫn phải đóng cửa do còn nhiều lo ngại về biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Người dân xếp hàng chờ đăng ký thất nghiệp tại một văn phòng lao động ở Sofia, Bulgaria, ngày 6/4/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: AFP/TTXVN
Trước đó, Bulgaria đã áp đặt nhiều biện pháp hạn chế từ cuối tháng 11/2020 sau khi số ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh.
Thủ tướng Boyko Borissov cho biết học sinh trường phổ thông cơ sở sẽ được đến lớp học trực tiếp theo một chế độ đặc biệt từ tháng 2 và cũng sẽ được tham gia các hoạt động ngoại khóa và thể thao. Phát biểu trong một chuyến thị sát tại thị trấn Slivnitsa, miền Tây Bulgaria, ông Borissov khẳng định giáo dục, văn hóa và đào tạo cần phải đặt cân bằng với sức khỏe.
Bulgaria đã mở lại trường tiểu học và mẫu giáo từ đầu tháng 1. Tuy nhiên, chính phủ trung hữu phản đối các kế hoạch cho phép nhà hàng, quán cà phê mở cửa trở lại do vẫn còn nhiều lo ngại về biến thể mới có khả năng lây nhiễm nhanh hơn.
Theo Bộ trưởng Y tế Kostadin Angelov, đến nay Bulgaria đã ghi nhận 8 ca nhiễm biến thể mới được phát hiện ở Anh. Theo ông Angelov, tin đáng mừng duy nhất là vaccine hiện nay có thể ngừa được biến thể virus này. Ông cũng cho biết thêm rằng giới chức y tế sẽ giám sát kỹ tình hình trong hai tuần tới trước khi quyết định có tiếp tục nới lỏng các biện pháp phòng dịch hay không.
* Tại Anh, các bộ trưởng sẽ nhóm họp vào ngày 25/1 và thảo luận về khả năng siết chặt các biện pháp hạn chế đi lại, có thể yêu cầu người nhập cảnh phải cách ly tại khách sạn.
Video đang HOT
Phát biểu tại họp báo, Thủ tướng Boris Johnson cho biết Anh có thể cần thực thi thêm các biện pháp nhằm bảo vệ biên giới khỏi biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Các biện pháp hiện nay cấm hầu hết khách quốc tế, trong khi quy định mới áp dụng đầu tháng 1 yêu cầu người nhập cảnh phải cung cấp kết quả xét nghiệm âm tính với virus trước khi khởi hành. Chính phủ Anh cũng đang cân nhắc bắt buộc người nhập cảnh phải cách ly 10 ngày tại một khách sạn và phải tự chi trả cho việc này.
Các quy định siết chặt tại biên giới được cho là sẽ “giáng thêm một đòn” vào ngành hàng không và lữ hành, vốn đã chịu những tác động lớn về tài chính trong gần một năm qua. Tại England, yêu cầu cách ly 10 ngày có thể được giảm bớt nếu du khách có kết quả xét nghiệm âm tính sau 5 ngày. Tuy nhiên, tại Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland có những quy định khách nhau về việc này.
* Tại Bồ Đào Nha, cử tri sẽ tham gia bỏ phiếu bầu tổng thống vào ngày 24/1 trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, khiến nhiều người lo ngại có thể làm gia tăng số ca nhiễm cũng như khả năng tỷ lệ tham gia bỏ phiếu thấp.
Đất nước 10 triệu dân này hiện đang có số ca nhiễm và tử vong trung bình trên 1 triệu dân cao thứ 7 thế giới. Trong một cuộc thăm dò dư luận do viện ISC/ISCTE thực hiện gần 2/3 cử tri cho rằng nên hoãn bầu cử.
Thăm dò cũng cho thấy Tổng thống đương nhiệm Marcelo Rebelo de Sousa của đảng Dân chủ Xã hội trung hữu nhiều khả năng sẽ chiến thắng dễ dàng và ứng cử viên cánh tả Ana Gomes có thể về thứ hai với 13,5- 14,5% phiếu ủng hộ, trong khi lãnh đạo đảng cực hữu Chega Andre Ventura sẽ bám sát với 10 – 12,5%.
Singapore thắt chặt các biện pháp đối phó với dịch COVID-19
Sau gần một tháng bước vào giai đoạn 3 mở cửa trở lại, Singapore đã ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trong cộng đồng gia tăng, với 22 ca trong tuần qua, tăng mạnh so với chỉ 3 ca/tuần trước đó.
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN
Số ca lây nhiễm chưa rõ nguồn cũng tăng lên, kéo theo việc xuất hiện một số ổ dịch trong cộng đồng. Do đó, Ủy ban Liên bộ phòng, chống dịch COVID-19 (MTF) của Singapore đã quyết định siết chặt các biện pháp cần thiết để tránh việc lặp lại sự bùng phát các ca lây nhiễm cộng đồng.
Trong cuộc họp báo ngày 22/1, MTF cho biết sẽ tạm dừng việc tổ chức Đại hội Thể dục thể thao trường học quốc gia, vốn được lên kế hoạch diễn ra trong tháng 2 tới. Trước đó, MTF thông báo tạm dừng việc thí điểm cho phép các tụ điểm giải trí ban đêm như các quán bar, karaoke... hoạt động.
Nhằm ngăn chặn hơn nữa nguy cơ xuất hiện các ổ dịch mới trong cộng đồng, bắt đầu từ ngày 26/1 tới, Singapore chỉ cho phép tối đa 8 người khách đến thăm một nhà trong một ngày. Mỗi cá nhân cũng được khuyến cáo hạn chế tới thăm từ hai nhà trở lên trong một ngày.
Quy mô các nhóm tụ tập ngoài trời được duy trì ở mức 8 người như hiện tại, nhưng MTF khuyến cáo người dân không nên có hoạt động "giao lưu" giữa các nhóm với nhau và sẽ áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm khắc khi phát hiện vi phạm.
Đặc biệt, MTF cho rằng do nguy cơ lây nhiễm có thể gia tăng trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, nên người dân đi tới các trung tâm, nhà hàng phải đeo khẩu trang trừ khi ăn, uống. MTF cũng cho biết không cho phép việc ca hát (kể cả của thực khách) và tổ chức các buổi biểu diễn trực tiếp khác tại trung tâm, nhà hàng ăn uống và các sự kiện tại nơi làm việc có phục vụ đồ ăn thức uống.
Do các hoạt động giao lưu xã hội cộng đồng gia tăng trong dịp Tết Nguyên đán, trong hai ngày 8 và 9/2, Singapore sẽ tiến hành xét nghiệm miễn phí đối với các chủ cửa hàng, người bán hàng, những người làm việc trong lĩnh vực ăn uống, thực phẩm cũng như những người giao hàng hoạt động trong và xung quanh khu vực China Town.
Bên cạnh đó, Singapore cũng xét nghiệm định kỳ theo lịch trình (RRT) đối với người lao động trong các lĩnh vực có nguy cơ lây nhiễm COVID-19, trong đó có người lao động sống trong nhà tập thể, những người làm việc trong lĩnh vực xây dựng, hàng hải, hàng không... Chính phủ Singapore cũng quyết định gia hạn chương trình xét nghiệm RRT đối với những đối tượng này cho đến ngày 30/9/2021.
* Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho rằng dù tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 tại Đức đang có tín hiệu tích cực, song vẫn ở mức khá cao, do đó, chưa thể dỡ bỏ sớm các hạn chế phòng, chống dịch.
Đức đã tiến hành phong tỏa kể từ đầu tháng 11/2020. Trong 24 giờ qua, nước này có thêm khoảng 18.000 ca nhiễm mới, trên 800 trường hợp tử vong. Trong 7 ngày qua, cứ 100.000 người dân, lại có 115 ca nhiễm mới. Đây là mức thấp nhất tại Đức kể từ ngày 1/11/2020.
Do các biện pháp phong tỏa, nên số bệnh nhân phải điều trị tại khoa hồi sức cấp cứu cũng không tăng trong dịp Giáng sinh và Năm mới. Tuy nhiên, ước tính phải đến cuối tháng 2, các khoa hồi sức cấp cứu mới có thể chữa trị hết số bệnh nhân lên tới 5.800 người hồi đầu tháng này.
Ngày 19/1 vừa qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel và các lãnh đạo bang đã nhất trí gia hạn các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt tại nước này, theo đó, các trường học, nhà hàng và các đơn vị kinh doanh mặt hàng không thiết yếu phải đóng cửa cho đến ngày 14/2 tới.
* Trong khi đó, cùng ngày, nhà chức trách Gruzia cho biết sẽ dỡ bỏ lệnh cấm các chuyến bay quốc tế, được áp đặt hồi tháng 3/2020.
Theo Bộ trưởng Kinh tế Gruzia Natia Turnava, nhà chức trách nước này sẽ dỡ bỏ hạn chế đối với các chuyến bay thông thường và cho phép tất cả các hãng hàng không từng khai thác tuyến bay Gruzia hoạt động, từ ngày 1/2 tới.
Dự kiến các trung tâm thương mại ở thủ đô Tbilisi của nước này có thể được mở cửa trở lại vào tháng tới và nhà chức trách đang có kế hoạch mở cửa lại các trường học, và khôi phục giao thông công cộng trong tháng 3 tới.
Tính đến nay, Gruzia ghi nhận tổng cộng 251.974 ca mắc COVID-19, trong đó có 3.022 trường hợp tử vong.
Lạm phát lõi của Nhật Bản giảm mạnh nhất trong 10 năm Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 22/1, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (MIC) cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi của nước này trong tháng 12/2020 đã giảm 1% so với cùng kỳ năm trước đó. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp chỉ số này giảm và là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2010....