Bức tường pháp lý bắt đầu
Dân Mỹ thở phào vào ngày thứ sáu tuần trước, 15/2/2019, vì chính phủ không bị đóng cửa và có tiền xài cho đến cuối tháng 9 năm nay.
Điều này đã được dự báo trước. Trước giờ “G” các cơ quan chính phủ không dặn dò nhân viên như lần trước.
Trên Quốc hội, các nghị sĩ dân chủ tự tin là sẽ không có chuyện đóng cửa, các nghị sĩ cộng hòa cũng biết rằng sẽ không đóng cửa nhưng họ không coi đó là thắng lợi.
Lý do vì sao?
16 tiểu bang, dẫn đầu là California, liên kết lại đưa ông Trump ra tòa án liên bang vùng bắc California. Ảnh: Guardian.
Sau kết quả không tốt của lần đóng cửa kéo dài nhất trong lịch sử đất nước, gây ra không ít hỗn loạn, Đảng Cộng Hòa đã bị đồng nghĩa với chữ đóng cửa, và có lẽ vì thế họ phải bằng bất cứ giá nào không để bị mang tiếng như lần trước.
Kết quả là khoảng dự toán ngân sách từ nay cho đến cuối năm, chỉ có được 1 tỉ 300 ngàn đô la để dùng vào việc bảo vệ biên giới phía nam, ít hơn cả lần dự toán hụt trước giáng sinh năm ngoái là 1 tỉ sáu. Mà dùng vào việc bảo vệ biên giới nói chung chứ không phải xây bức tường “vật lý sờ thấy được” như ông Trump và các cử tri trung thành của ông mong muốn.
Lần này người ta cũng dự đoán là ông Trump đã bớt mạnh miệng, vì lần trước uy tín của ông bị tổn thất vì gắn với nhãn đóng cửa không mấy hay ho.
Nhưng ông vẫn hù dọa, có điều chỉ đồng minh của ông hoảng sợ. Tối ngày thứ sáu, trước giờ ông ký bản dự toán ngân sách, một số dân biểu cộng hòa tổ chức…. cầu nguyện trong quốc hội, mong Tổng thống đừng thay đổi đột ngột như lần trước.
Nhưng nhất định ông phải có bức tường, vì chẳng còn mấy chốc nữa lại đến bầu cử, các cử tri trung thành lại trách ông là thất hứa.
Ông đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Với việc tuyên bố như vậy ông có thể không cần quốc hội mà điều động vốn liếng đã được phân bổ trong các cơ quan hành pháp do ông quản lý, về xây tường.
Video đang HOT
Và người ta đang nói tới những món tiền nằm trong Bộ quốc phòng chưa được dùng tới sẽ được đem ra để xây tường.
Nhưng, chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi tình trạng khẩn cấp được tuyên bố, đối thủ của ông bắt đầu đưa ông ra tòa, với lý do ông lạm quyền.
Đối thủ mắng ông lạm quyền đã đành, đồng minh của ông cũng chỉ trích ông, vì họ sợ tạo thành một tiền lệ, rồi sau này một vị tổng thống của đảng dân chủ cũng có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp để làm bất cứ điều gì họ muốn.
16 tiểu bang, dẫn đầu là California, liên kết lại đưa ông Trump ra tòa án liên bang vùng bắc California. Các tiểu bang này là những tiểu bang cấp tiến nằm đa số ở dọc hai bờ biển với hai bang giàu mạnh là California và New York. Và chúng ta cũng nên nhớ rằng tiểu bang California là bang nhà của bà nghị sĩ dày dạn kinh nghiệm chính trị Nancy Pelosi, đã thắng ông Trump rất rõ ràng trong lần đóng cửa trước giáng sinh năm ngoái.
Với hệ thống chính trị của Mỹ, một quan tòa liên bang ở bất cứ khu vực nào trên nước Mỹ cũng có thể xử thua hay thắng cho tổng thống. Và như vậy khả năng tòa án Bắc California chặn quyết định tình trạng khẩn cấp là có thể xảy ra, và sau đó sẽ phải lên tòa tối cao.
Song song với việc kiện ra tòa, phe đối lập dân chủ còn đang chuẩn bị một cuộc bỏ phiếu không chuẩn thuận lệnh tình trạng khẩn cấp của Tổng thống. Mà nếu như họ liên kết được với một số nghị sĩ cộng hòa để có được hai phần ba quốc hội, thì họ có quyền vô hiệu hóa khả năng phủ quyết của ông Trump nữa.
Như vậy bức tường chưa thấy đâu, nhưng Tổng thống Trump đang vấp phải một bức tường pháp lý dài dằng dặc, từ điện Capitol trụ sở quốc hội cho đến tận biên giới. Các chủ đất ở vùng biên giới nơi có bức tường dự định cắt ngang cũng không hài lòng, vì họ không thấy đất nước bị khẩn cấp gì cả, mà lại bị mất đất. Họ cũng bắt đầu kiện.
Mà ông Trump đâu phải không biết chuyện kiện tụng này?
Ông vẫn làm để chứng minh với các cử tri tuyệt đối trung thành rằng ông rất quyết tâm xây tường. Nếu từ đây cho tới lúc bầu cử mà tiền bạc vẫn chưa xong thì cũng không sao, vì ông đã quyết tâm cơ mà.
Trong khi chờ đợi viên bộ trưởng quốc phòng tạm quyền (tướng Mattis đã từ chức vì bất đồng với sếp là ông Trump) xoay sở tiền bạc, ông Trump và gia đình đi nghỉ ở khu nghỉ mát Mar-a-Go của ông ở Florida, trong kỳ nghỉ cuối tuần dài ba ngày vừa qua.
Người ta bảo ông Trump là một vị tổng thống rất khác những vị tiền nhiệm, ngay cả tình trạng khẩn cấp của ông nó cũng khác.
Joaquin Nguyễn, từ Virginia (Hoa Kỳ)
Theo Vietnamnet
Malaysia công bố kế hoạch 5 năm chống tham nhũng
Malaysia vừa qua đã công bố kế hoạch nhằm tăng cường kiểm soát tham nhũng ở các cơ quan Chính phủ trong bối cảnh vụ bê bối hối lộ hàng tỷ USD tại quỹ 1MDB dẫn đến sự sụp đổ của Chính phủ trước đó.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad
Kế hoạch 5 năm nhằm tăng cường kiểm soát kiểm soát tham nhũng được Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad khởi xướng là những thay đổi sâu rộng với quy trình bổ nhiệm các chức vụ chủ chốt; quy định công khai tài sản đối với các nhà lập pháp và các bộ trưởng; quy định đối với việc tài trợ chính trị, vận động hành lang.
Các cử tri đã phản đối những người tiền nhiệm của Mahathir Najib Razak trong cuộc bầu cử hồi tháng Năm năm ngoái trong bối cảnh dư luận đang phẫn nộ đối với những cáo buộc rằng 4,5 tỷ USD đã bị đánh cắp khỏi quỹ Nhà nước 1MDB do cựu Thủ tướng thành lập.
Najib, vợ của ông và một số quan chức cấp cao khác đang phải đối mặt với hàng loạt các cáo buộc hình sự liên quan đến quỹ 1MDB cũng như các đối tượng chính trị khác.
Tuy nhiên, tất cả họ đều phủ đều không nhận tội.
Ông Mahathirr cho hay Malaysia yêu cầu "tất cả các chiến lược, luật pháp và quy tắc" để hạn chế tham nhũng.
"Kế hoạch này là một tuyên bố mạnh mẽ từ Chính phủ đương nhiệm, cam kết sẽ truy lùng và khởi tố những kẻ phạm tội trong quá khứ, trong khi những kẻ phạm tội hiện giờ và tương lai sẽ phải đối mặt với những hình phạt nghiêm khắc hơn" - Thủ tướng cho biết trong một bài phát biểu về cách tiếp cận mới với công cuộc đấu tranh chống tham nhũng.
Vụ bê bối Quỹ Đầu tư Nhà nước 1MDB
Ông Abu Kassim Mohamed, Tổng Giám đốc Trung tâm Chống tham nhũng, liêm chính và quản lý - người đã soạn thảo các biện pháp chống hối lộ, cho biết giới chức Malaysia đã nghiên cứu trường hợp 1MDB kỹ lưỡng để soạn ra cơ chế chống tham nhũng mới.
"Khi một nhà lãnh đạo hàng đầu của quốc gia bị cáo buộc có những hành vi sai trái trong vụ bê bối quy mô lớn như vậy thì dân chúng sẽ bị tác động nặng nề", ông Abu nói với Hãng tin Reuters vào hôm thứ Hai (28/01).
Các nhà chức trách ở Malaysia và Mỹ cáo buộc Jho Low, một nhà tài phiệt có quan hệ gần gũi với gia đình ông Najib, đã biển thủ hàng tỷ USD khỏi quỹ đầu tư Nhà nước 1MDB và chuyển một tỷ USD vào tài khoản cá nhân của ông Najib.
Vào tháng 7 năm ngoái, cảnh sát Malaysia đã tịch thu hàng loạt túi xách hàng hiệu, đồng hồ xa xỉ, trang sức và 273 triệu USD tiền mặt từ những khối tài sản có liên quan đến cựu Thủ tướng.
Quá trình này kéo dài 3 ngày, cần đến 6 máy đếm tiền và 22 nhân viên ngân hàng để đếm lượng tiền mặt, lãnh đạo bộ phận chống tội phạm kinh tế của Malaysia, Amar Singh cho biết.
Rút kinh nghiệm từ vụ bê bối trên, chương trình chống tham nhũng mới sẽ tập trung vào các hoạt động có nguy cơ tham nhũng cao như bán các hợp đồng của Chính phủ cho bên thứ 3, bổ nhiệm các quan chức chính trị vào ban lãnh đạo của các doanh nghiệp nhà nước.
Tài trợ chính trị
Những quy định mới về tài trợ chính trị có thể ảnh hưởng đến những phe phái đối lập, đặc biệt là Tổ chức Quốc gia Mã Lai (UMNO) do ông Mahathir lãnh đạo cho đến năm 2003.
Ông Najib sau đó là người đứng đầu đảng này trong khoảng một thập kỷ cho đến khi gặp thất bại trong cuộc bầu cử năm ngoái.
Sau khi kiểm soát mọi liên minh cầm quyền kể từ khi độc lập vào sáu thập kỷ trước, UMNO đã thành lập một hệ thống bảo trợ để đảm bảo sự hỗ trợ từ cộng đồng dân tộc thiểu số Mã Lai.
UMNO và PAS, một đảng Hồi giáo Malay cũng ở phe đối lập, được báo cáo là đã nhận tiền từ quỹ 1MDB khi Najib còn đương nhiệm.
Malaysia giờ đây đang ở vị trí số 62 trên 180 quốc gia về Chỉ số Nhận thức Tham nhũng công bố bởi Tổ chức Minh bạch Quốc tế vào năm ngoái.
Thu Uyên (Theo Aljazeera)
TheoThanh tra
Người Mỹ lao đao vì chính phủ đóng cửa Đã hơn 20 ngày trôi qua kể từ khi chính phủ Mỹ đóng cửa ngừng một phần hoạt động với gần 800.000 nhân viên liên bang bị mất việc hoặc làm việc không lương. Đây có thể là đợt đóng cửa chính phủ lâu nhất lịch sử nước này, mang nhiều hệ lụy nghiêm trọng đến nền kinh tế và ngoại giao. Kinh...