Bức thư từ trại giam và nước mắt hạnh phúc
Nhận bức thư của cậu quý tử Nguyễn Đình Huy gửi về từ trại giam Thanh Lâm (Tổng cục VIII – bộ Công an), đôi vợ chồng già ấy đã khóc.
Tôi gặp Huy vào một buổi chiều cuối tháng Năm nắng gắt. Khuôn mặt e dè của người thanh niên thời trang áo sọc khiến tôi cảm thấy sự khác biệt giữa đám đông phạm nhân đang lúi húi đan lưới sắt. Được sự đồng ý của ban quản giáo trại giam Thanh Lâm, người viết đã có một buổi chuyện trò với phạm nhân Nguyễn Đình Huy.
Theo tin tức từ lời kể của phạm nhân, Huy được sinh ra trong gia đình làm nghề buôn bán nhưng bản thân Huy được học hành đến nơi đến chốn. Rời giảng đường đại học, với giấc mơ làm giàu, Huy lao vào kinh doanh.
Tuy nhiên, vì tham vọng làm giàu một cách chóng vánh, Huy đã vô tình đặt mình vào cuộc cạnh tranh khốc liệt của thương trường. Tuổi trẻ, kinh nghiệm còn ít lại nóng vội, Huy đã nhanh chóng vấp phải những quả đắng.
“Thương trường khốc liệt hơn tôi nghĩ, nên khi gặp phải những thử thách liên tục dội đến, tôi đã không còn đủ kiên nhẫn để bám trụ. Tôi rơi vào chán nản. Cộng thêm lúc đó, tôi gặp một số thất bại trong chuyện tình yêu nên đã tự tìm đến ma túy để quên sự đời. Hồi mới lao vào thương trường, gặp một số vấp váp, ba tôi đã từng động viên: Vấp ngã phải biết đứng dậy mới là nam nhi, vậy mà tôi đã không nghe lời ông. Trong thời điểm chán nản ấy, tôi đã tập tành hút ma túy”, khuôn mặt Huy chợt buồn, mắt nhìn xa xăm.
“Hồi đầu nhìn chưa thấu, tôi cứ cho rằng, do mình thất bại trong công việc và tình yêu nên mới thế. Nhưng giờ, tôi hiểu ra rằng, bản thân bập vào ma túy xuất phát từ bản tính ham chơi, còn những cái đó chỉ là cớ mà thôi. Tôi đã không vượt qua được chính mình, dấn thân vào con đường nghiện ngập, vật vờ như một bóng ma trong sự bất lực của gia đình”.
Có bao nhiêu vốn liếng làm ăn, Huy dốc vào những tép thiếc bạc để thỏa mãn cơn “vật” ngày một dày của mình. Và rồi, cậu thanh niên trẻ ấy cũng tiêu đến những đồng tiền cuối cùng. Huy bảo, hồi đầu, không có tiền để mua thuốc, gã cũng lao đao lắm. Ngửa tay xin tiền bố mẹ đi mua ma túy thì không dám. Một số người vốn là bạn nghiện xúi đi ăn cắp, cướp để có tiền, nhưng hắn không có gan làm vậy.
Theo gợi ý của một số chủ “đại lý”, gã mang chiếc xe máy tích góp bao nhiêu năm trời mới mua được đi cầm cố để có tiền lấy “hàng” về chia nhỏ, bán lẻ cho các con nghiện khác, nhằm hưởng hoa hồng chênh lệch.
Tuy nhiên, vải thưa không che được mắt thánh, sau một thời gian ngắn hoạt động, tháng 10/2014, Huy bị bắt và kết án 2 năm 9 tháng tù giam. Những ngày đầu trả án tại phân trại số 2, trại giam Thanh Lâm, Huy buồn chán, luôn tỏ ra chống đối, bất hợp tác với cán bộ quản giáo. Tâm trạng đó càng tệ hơn, khi gã biết tin mình được chuyển đến làm nhiệm vụ lao động cải tạo đan lưới sắt. Huy cho rằng, cán bộ làm khó mình, bởi sắt làm sao đan được.
Ấy vậy mà, những ngày thụ án trong nhà giam, nhờ cái tình người nơi đây, gã trai Hà thành này đã nhận ra giá trị chân thực của cuộc sống. Từ đó, Nguyễn Đình Huy quyết tâm thay đổi. Điều này được thể hiện rất rõ trong lá thư thấm đẫm nước mắt, dài gần 4 trang giấy học trò gửi về cho ba mình.
Video đang HOT
Phạm nhân Nguyễn Đình Huy.
Bức thư gửi về từ… trại giam
“Ba thân yêu! Từ khi con bước chân đi tù, rơi vào vòng lao lý, con hiểu ra một điều rằng, nếu không cố gắng chăm chỉ lao động thì sẽ không bao giờ có được cuộc sống đầy đủ”. Đó là lời mở đầu trong lá thư. Run run cầm những dòng tâm sự của cậu con trai tội lỗi ấy, ông Nguyễn Thái Sơn (ba của phạm nhân Huy) không tin nổi vào mắt mình.
Thư còn có đoạn: “Mới đầu phải đi cải tạo lao động là rất khó khăn bởi sau thời gian dài sử dụng ma túy đã mất hết ý chí lao động và con đã có những ý nghĩ tiêu cực. Phần vì chưa cầm cuốc xẻng bao giờ, cộng với cái nắng chang chang của miền Trung nắng gió, con đã lao động không hiệu quả. Nhưng rồi cán bộ quản giáo đã ân cần nói chuyện, xưng hô “ông” “con” rất thân mật để động viên. Sau một tuần, con đã lao động bằng anh bằng em và cảm thấy rất vui vì mình vẫn là người có ích”.
Trong bức thư gửi ba mình, Huy có nhắc đến chữ tình mà các cán bộ trại giam dành cho phạm nhân, trong đó có mình, nhưng ở cuộc hạnh ngộ này, gã vẫn kể lại cho tôi nghe câu chuyện xúc động giữa cán bộ quản giáo và phạm nhân, trong đó gã là nhân vật chính.
Huy kể, sau khi được chuyển về thụ án tại đội sản xuất số 10 với công việc đan sắt, do chưa nắm được kỹ thuật, Huy đã bị sái cổ tay, sưng rất đau. Lúc đó, tâm lý sợ bị quản giáo quát mắng lấn át cả nỗi đau, gã ngồi thu lu ở góc phòng giam và khóc.
“Hôm đó, khi các phạm nhân khác đều đã yên giấc sau một ngày lao động, tôi vẫn không tài nào chợp mắt. Phần vì đau do bị sái tay, phần vì sợ ngày mai cán bộ quát mắng, tôi cứ vật vã mãi. Đang nghiến răng vì đau thì tôi thấy Thượng úy Mai Danh Lượng nhẹ nhàng mở cửa buồng giam, bước đến chỗ mình.
Cán bộ lấy ra một nắm lá ngải tướng quân do tự anh leo lên ngọn núi gần trại hái về. Sau đó, anh dùng lửa hơ lá nóng lên rồi đắp vào chỗ vết sái cổ tay của tôi. Được một lúc, cán bộ lại hỏi: “Đỡ đau chưa?”, khiến tôi cảm thấy xúc động, trào nước mắt. Sau 3 ngày đắp lá liên tục, vết thương ở cổ tay tôi đã được cán bộ Lượng chữa trị lành lại và có thể lao động bình thường”, phạm nhân Nguyễn Đình Huy xúc động nhớ lại.
“Con xúc động và cảm phục cán bộ quản giáo trại giam Thanh Lâm lắm ba ạ. Và nhớ đến ba. Nhớ hồi ba mẹ thường đi buôn hoa quả từ sáng tới tối mịt mới về, con bị sốt cao, ba cũng ân cần lấy khăn dấp (thấm) nước, đặt lên trán cho con và cứ một lúc ba lại hỏi con đỡ chưa. Con ân hận lắm ba ạ”, bức thư có đoạn viết.
Thấm đẫm trong những câu chữ của bức thư là nỗi niềm tâm sự của một đứa con lỡ lạc lối tạ tội với ba mình. Nhưng đồng thời, bức thư cũng là sự tái hiện quá trình thay đổi trong tư duy, tính cách của phạm nhân này. Những chuyển động tích cực ấy, được vun vén bằng tình người.
Huy bảo, có hai điều khiến bản thân quyết định thay đổi để sống cho tốt hơn, đó là tình cảm chân thành của những người cán bộ quản giáo và hình ảnh người ba thân yêu đã bạc tóc vì con, đang ngày đêm mong ngóng con trai trở về.
Một cán bộ quản giáo nơi Huy đang thụ án cho biết, hiệu ứng của lá thư Huy gửi ba rất tốt. Khi cầm bức thư đặc biệt của con trai trên tay, ông Nguyễn Thái Sơn đã rất xúc động, không ngăn được những dòng nước mắt hạnh phúc. Bởi nuôi con mấy chục năm, ông không nghĩ có ngày con trai mình lại thay đổi theo hướng tích cực như vậy.
Từ trước đến nay, Huy luôn mang lại phiền phức cho cha mẹ, làm tổn hao của đấng sinh thành không biết bao nhiêu tiền của và tinh thần. Đến khi Huy bước chân vào trại giam, nỗi thất vọng cùng cực đã khiến hai vợ chồng ông suy sụp.
Được biết, sau khi nhận được bức thư của Huy không lâu, đôi vợ chồng già ấy đã vượt cả trăm cây số từ Hà Nội vào Thanh Hóa để gặp gỡ, động viên con trai. Cuộc hội ngộ diễn ra trong nước mắt…
Loan Nguyễn
Theo_Người Đưa Tin
Người quản giáo quả cảm
Tiên cuốc chim là biệt danh mà cán bộ chiến sĩ Trại giam Gia Trung (Bộ Công an) gắn cho trung tá Vũ Ngọc Tiên (quê Đông Phong, Tiền Hải, Thái Bình) - người đã 37 năm chiến đấu, công tác nơi núi rừng Tây nguyên.
Hớp ngụm chè xanh, trung tá Vũ Ngọc Tiên nhớ lại: 4 giờ chiều 12-4-1979, buổi lao động kết thúc, trong lúc tập hợp điểm danh thì phạm nhân Tiền Q. đứng báo số và bất ngờ lao tới ôm chặt anh. Lập tức phạm nhân Nguyễn H. dùng cuốc chim bổ xuống trán, xuống đầu Tiên liên tục 7 nhát. Máu tuôn ướt áo, anh vẫn ôm chặt khẩu K47 giằng co với Q., hô to kêu cứu.
Đồng chí Bùi Văn Ba đang dẫn giải phạm nhân hình sự đi lao động về, liền nổ 3 phát súng báo động. Tên H. tiếp tục đánh cuốc chim vào đầu, anh vừa né vừa ôm chặt khẩu súng. Do máu chảy nhiều, người bị choáng nên anh gục xuống, đối tượng giật khẩu súng thoát chạy vào rừng.
Chỉ một phút sau tiếng súng báo động, đơn vị đã triển khai phương án truy kích. Lúc này, ngoài Q. và H. còn có thêm 5 đối tượng cùng chạy trốn vào rừng. Q. và H. nấp vào ụ mối giương súng về phía lực lượng truy kích nhưng không bắn được. Tình thế nguy cấp, lực lượng truy kích buộc phải nổ súng tiêu diệt tại chỗ hai tên, thu hồi khẩu súng.
Trung tá Vũ Ngọc Tiên (phải) nhận Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng
Cuộc truy lùng 5 tên còn lại diễn ra liên tục trong nhiều ngày. Đến ngày thứ năm thì Đồn Biên phòng ở huyện biên giới Đức Cơ cho biết: đã bắn chết bốn đối tượng trốn Trại Gia Trung, một tên bị thương. Tổ truy kích lên nhận đối tượng bị thương về chữa trị. Chiến sĩ Tiên nằm điều trị tại bệnh xá đơn vị hơn một tháng. Bây giờ di chứng những nhát cuốc chim năm xưa vẫn hành hạ, làm đầu anh đau như búa bổ mỗi khi trở trời.
Mùa mưa năm 1991, anh Tiên làm cán bộ quản giáo, phụ trách đội phạm nhân hình sự. Khoảng 2 giờ chiều, khi lao động về, hai phạm nhân tên Lê Hồng Phong (án 16 năm tù), Võ Văn Sang (án 20 năm) cầm rựa bỏ trốn vào rừng, anh tri hô và đuổi theo. Anh Tiên nhặt khúc cây xáp tới đánh vào tay cầm rựa của tên Sang khiến hắn té ngã và bắt giữ. Tên Phong sau đó bị các chiến sĩ ở phân trại số 3 truy bắt trong rừng rậm, cách hiện trường chưa đầy 300 mét.
Năm 2012, anh Tiên làm cán bộ trực phân trại số 1, có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát phạm nhân đi lao động về trước khi nhập trại. Anh đã kiểm tra thu giữ nhiều vật cấm phạm nhân đem vào phòng giam, trong đó có vật cấm của Nguyễn Chí Thạch nên hắn nảy sinh căm tức. Một buổi chiều lao động về, khi đến lượt kiểm tra bất ngờ Thạch dùng dao bóc tách hạt điều đâm anh Tiên lại. Bằng động tác võ thuật nhanh gọn, anh khóa tay tên Thạch.
Trung tá Tiên cho biết, học xong 3 tháng lớp Cảnh sát bảo vệ ở Trường Cảnh sát 6 Bắc Thái, ngày 1-4-1978 anh vào công tác tại Trại giam Gia Trung - nơi núi rừng hoang vu khí hậu khắc nghiệt, khiến anh khá bỡ ngỡ với công việc canh gác, dẫn giải phạm nhân. Khó khăn gian khổ là thế, song anh vẫn làm tốt nhiệm vụ quản lý, giáo dục, cải tạo những người lầm lỡ tiến bộ hoàn lương.
38 năm tuổi ngành, 32 năm tuổi Đảng, trung tá Vũ Ngọc Tiên đang nghỉ chờ sổ hưu. Kế tục sự nghiệp của cha, nữ trung úy Vũ Thị Thanh Huyền, công tác ở Đội Tham mưu của trại bày tỏ: Truyền thống đơn vị anh hùng, tinh thần chiến đấu quả cảm của cha và đồng đội là niềm tự hào, niềm tin giúp tôi phấn đấu vượt qua khó khăn thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Con trai - Vũ Tuấn Anh đang học Trung cấp Cảnh sát, mỗi lần gọi điện về nhà đều hứa: Cha yên tâm, con sẽ trưởng thành.
Theo Công An TPHCM
Bức thư đẫm nước mắt của kẻ dùng búa sát hại vợ Sống trong trại giam với sự dằn vặt, hối hận, kẻ đã dùng búa sát hại vợ nghẹn ngào viết thư gửi tới mẹ những lời xin lỗi muộn màng. Tờ Công an nhân dân cho hay, trong đợt phát động phạm nhân viết thư "Gửi lời xin lỗi" tại Trại giam số 6 (Tổng cục VIII - Bộ Công an), một trong...