Bức không ảnh sân bay Biên Hòa 10 năm lên tiếng
Hố chôn các liệt sĩ ở sân bay Biên Hòa được giải mã từ một bức ảnh treo trên mạng ở địa chỉ www.panoramio.com, nằm im lìm trong suốt 10 năm trời nhưng không ai để ý.
Bức không ảnh về các hố chôn liệt sĩ ở sân bay Biên Hòa năm 1968 được KTS Nguyễn Xuân Thắng treo trên mạng www.panoramio.com suốt 10 năm. Vị trí khoanh tròn là hố chôn tập thể
Cho đến một ngày, một người chơi ảnh tên Nguyễn Xuân Thắng ở TP.HCM chú ý đến nó.
Từ bức ảnh đó và những kết nối tình người xuyên biên giới, hố chôn các liệt sĩ trong trận đánh sân bay Biên Hòa cách đây 49 năm đã được tìm thấy.
Để rồi hôm nay, thân nhân các anh và đồng đội trên cả nước tề tựu về, đưa các anh về đất mẹ.
Từ lời bình luận trên một bức ảnh
Nói đến cuộc tìm kiếm liệt sĩ ở sân bay Biên Hòa, đại tá Mai Xuân Chiến – phó chính ủy Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai – cho biết các liệt sĩ ở hố chôn vừa tìm thấy trong sân bay là lớn nhất từ trước đến nay.
Khi đó, quân lực Việt Nam cộng hòa giội bom, pháo kích, dùng xe tăng bao vây nên rất nhiều chiến sĩ đã hi sinh. Lực lượng tổn thất nhiều, bộ đội rút đi nên việc chôn cất do phía quân lực Việt Nam cộng hòa thực hiện.
Về sau, không ai biết được chính xác vị trí hố chôn liệt sĩ trong sân bay rộng lớn.
Xác định các liệt sĩ còn nằm trong sân bay nhưng không biết ở vị trí nào khiến ai cũng đau đáu. Nhân chứng lớn tuổi, địa hình thay đổi càng khiến nhiều người day dứt. Chính lúc này thì điều bất ngờ đã xảy ra.
Đại tá Chiến cho hay: tháng 10-2016, đại tá Trần Khương – chính ủy sư đoàn 302 – đã gọi cho ông, đề nghị gọi ngay cho một người tên Nguyễn Xuân Thắng – một kiến trúc sư ở TP.HCM – là người có manh mối về hố chôn ở sân bay Biên Hòa.
Video đang HOT
“Bức ảnh này đã treo ở đó từ 10 năm rồi, ít ai để ý. Khi phát hiện ra nó, tôi nghĩ về một người cậu đã hi sinh chưa tìm thấy hài cốt. Tôi đã liên lạc với anh Chế Trung Hiếu. Và điều kỳ diệu đã mở ra… KTS Nguyễn Xuân Thắng
Khi đại tá Chiến tìm gặp, kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng cho biết 10 năm trước ông mê chơi ảnh địa lý nên vào trang mạng www.panoramio.com để chia sẻ những hình ảnh yêu thích. Ông tìm thấy một bức ảnh – có lẽ của lính Mỹ – chụp sân bay Biên Hòa và ông treo trên mạng này.
Suốt 10 năm, bức ảnh nằm im lìm. Bất ngờ, ngày 3-10-2016, một người Mỹ tên Bob Connor bình luận cho bức ảnh. Ông Thắng ngạc nhiên: bức ảnh nằm đó 10 năm, nay có một người vào bình luận, có điều gì ở đây?
Ông nhờ ông Chế Trung Hiếu – một cựu chiến binh đang ở Hải Phòng, cùng yêu thích ảnh – dịch lời bình luận. Câu chuyện hé ra…
Hóa ra Bob Connor từng là thượng sĩ Mỹ, làm nhiệm vụ bảo vệ sân bay Biên Hòa. Câu ông viết cho bức ảnh là: “Nếu bạn nhìn lên con đường ở bản đồ sân bay này, rồi quẹo phải – nơi đó có lô cốt, gọi là Hill 10 (đồi 10), nơi đây đã xảy ra một trận chiến đấu dữ dội ngày 31-1-1968. (…)
Trận đánh xảy ra tại đồi 10. Đối phương đã để lại 153 xác chết và hai ngày sau thì phải chôn họ ở đường băng. Bây giờ nghĩ lại sau 50 năm tôi vẫn còn ớn lạnh…”.
Ông Hiếu sau đó gửi email cho Bob, đề nghị hãy đánh dấu vị trí chôn “để chúng tôi tìm”. Chỉ vài phút sau, ông Bob Connor hỏi lại, qua email: “Khi nghe tin này tôi thật sự ngạc nhiên. Tưởng đâu các ông làm xong việc này lâu rồi còn gì? Chúng ta có lỗi với các gia đình có người thân mất tích…”.
Sau đó, vị cựu binh Mỹ khoanh màu bức không ảnh chụp sân bay Biên Hòa năm 1968 gửi lại cho ông Hiếu với lời chú thích “ngôi mộ ở cuối đường băng có màu cỏ úa”. Tuy nhiên, Bob nói vị trí đào hố chôn thì biết nhưng trong ngày 2 và 3-1-1968, khi chôn các chiến sĩ phía Việt Nam ông không có mặt.
Nhưng, có một người có mặt: đại úy Martin E. Strones (sau mang lon đại tá, làm việc trong bộ máy quốc phòng Mỹ), từng là chỉ huy bay ở sân bay Biên Hòa.
Bức thư của vị phó chính ủy
Ông Chế Trung Hiếu, người cùng KTS Nguyễn Xuân Thắng tìm ra manh mối về khu mộ liệt sĩ ở sân bay Biên Hòa – Ảnh: H.M
Trong một tuần, ông Chế Trung Hiếu và ông Bob Connor đã có hơn 20 cuộc trao đổi qua email, làm cặn kẽ hơn những thông tin về hố chôn ở sân bay. Ông Hiếu bàn với ông Thắng “gọi ngay cho ai quen ở Biên Hòa, nói về các dữ liệu đã thu thập được từ cựu binh Mỹ về vị trí hố chôn tập thể”.
Ông Thắng lúc này sực nhớ đến một người từng quen biết trên mạng: đại tá Trần Khương – chính ủy sư đoàn 302. Qua đại tá Trần Khương, các thông tin được chuyển đến đại tá Mai Xuân Chiến – phó chính ủy Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai.
Từ đây, các thông tin được kết nối với Ban chỉ đạo tìm kiếm, quy tập, cất bốc hài cốt liệt sĩ tỉnh Đồng Nai.
Ngày 20-10-2016, đại tá Chiến gửi thư cho cựu binh người Mỹ Bob Connor: “Thưa ngài, qua trao đổi trực tiếp với ông Chế Trung Hiếu, được biết ngài có nắm và cung cấp một số thông tin liên quan đến ngôi mộ tập thể cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam vào năm 1968 ở sân bay Biên Hòa.
Chúng tôi chân thành cảm ơn và mong muốn được trực tiếp trao đổi với ngài để hiểu rõ, chính xác hơn, phục vụ cho việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tại ngôi mộ trên…
Rất mong ngài giúp đỡ để chúng tôi có nhiều thông tin phục vụ cho việc tìm kiếm liệt sĩ ở địa bàn miền Nam Việt Nam nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng…”.
Vị cựu binh Mỹ trả lời ngay và kết nối thêm với vị chỉ huy cũ của mình là đại úy Martin E. Strones, từng là chỉ huy bay ở sân bay Biên Hòa.
“Tôi sẽ sang Việt Nam chỉ các hố chôn!”
Từ lời giới thiệu của Bob, ông Chế Trung Hiếu gửi thư cho ông Martin và đề nghị giúp xác định vị trí các hố chôn. Ông Martin trả lời ngay: “Tôi không vẽ, không chấm vào ảnh. Tôi sẽ sang Việt Nam chỉ các hố chôn!”.
Giữa tháng 3-2017, ông Martin và ông Bob bay sang Việt Nam. Qua nhiều lần định vị hố chôn, trưa 17-4-2017, lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy túi nilông bọc thi thể các chiến sĩ và nhiều di vật trong một hố chôn tập thể ngay trong sân bay Biên Hòa. Đó cũng là vị trí mà Bob đã ghi lại lời bình trên mạng.
“Tất cả đều bật khóc. Ông Martin tiếp tục nhận lời, vẽ sơ đồ tác chiến và đã chỉ thêm nhiều vị trí hố chôn liệt sĩ ở sân bay Tân Sơn Nhất, TP Biên Hòa, Bình Phước. Những dữ liệu này đã phần nào giải tỏa trăn trở của bao người về hài cốt liệt sĩ còn nằm đâu đó, chưa tìm thấy” – đại tá Chiến xúc động.
Kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng bùi ngùi: “Chúng tôi chỉ kết nối vì nghĩ rằng những liệt sĩ ấy như người thân của mình”. Chính ông cũng có một người cậu là liệt sĩ đến nay chưa tìm ra tung tích nên ông thấu hiểu…
(Theo Tuổi Trẻ)
Người thương binh hơn 30 năm chăm sóc mộ liệt sĩ
Bà Thương kể: 'Bữa đó tôi đi cắt cỏ tranh đêm về nằm mộng thấy một chú bộ đội rất trẻ tới xin cơm vì chú ấy đói lắm. Tôi thắp nhang khấn và linh cảm một điều gì đó rất gần gũi...'.
Ông Lưới trước căn nhà cấp bốn của mình - Ảnh: Đông Dương
Với tình đồng đội và trách nhiệm của người đồng chí, hơn 30 năm qua vợ chồng ông Vũ Trọng Lưới (74 tuổi, ngụ xóm Việt Kiều, ấp 8, xã Tân Thành, TX.Đồng Xoài, Bình Phước) đã tình nguyện chăm sóc, hương khói cho hai phần mộ liệt sĩ chưa được quy tập như những người thân của mình.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp bốn đã cũ, bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Lưới) cho biết ông Lưới vừa đưa cái đài radio cũ kĩ đi sửa. Nhà chỉ hai ông bà, có cái đài nghe tin tức cho đỡ buồn.
Nói về chuyện giữ mộ liệt sỹ của hai vợ chồng, bà Thương chỉ ngay ra sau vườn, nơi có gốc cây Nậm Mức to chừng hai người ôm rồi bảo các chú ấy nằm ở đó. "Bữa đó tôi đi cắt cỏ tranh đêm về nằm mộng thấy một chú bộ đội rất trẻ tới xin cơm vì chú ấy đói lắm. Tôi thắp nhang khấn và linh cảm một điều gì đó rất gần gũi giữa hai cõi âm và trần thế thì ra chú ấy nằm ở đó", bà Thương chia sẻ
Tới gần trưa, ông Lưới mới đạp chiếc xe cà tàng về đến ngõ. Giọng xởi lởi, ông vừa rót nước mời vừa thanh minh việc về muộn để khách chờ lâu. Ông Lưới quê gốc ở làng Thái Hòa (H.Triệu Sơn, Thanh Hóa). Năm 1967, ông nhập ngũ và chiến đấu ngang dọc chiến trường Đông Nam bộ và Campuchia. Tháng 4 năm 1976, ông được phục viên về sinh sống tại xóm Việt Kiều ( ấp 8, xã Tân Thành).
Kể về hai mộ liệt sĩ mà vợ chồng ông chăm sóc, hương khói hơn 30 năm qua, ông Lưới cho hay, mộ hai liệt sĩ là: Bùi Văn Thường và Bùi Văn Tạo (hy sinh ngày 5.4.1974) thuộc đại đội đặc công C13, E 141, F7, Quân đoàn 4. Thời điểm đó, chuẩn bị giải phóng cho chiến trường Đông Nam bộ, đêm ngày 4 rạng sáng ngày 5.4.1974, Đại đội đặc công của ta được lệnh từ hướng H.Chơn Thành bơi qua cầu Sông Bé lên tiêu diệt đồn địch ở chi khu cầu Sông Bé. Do trời tối, đồn địch có nhiều tầng thép gai, hai chiến sĩ Thường và Tạo bị vướng mìn khiến một người bị thương. Chiến sĩ Thường bị mất máu nhiều và hy sinh tại chỗ, riêng chiến sĩ Tạo bò lê ra ngoài rìa sông Bé rồi cũng hy sinh. Sau khi quân ta đánh được đồn địch, anh em tạm đưa thi hài hai chiến sĩ lên băng ca và chôn cất hai chiến sĩ ở hai vị trí gần nhà ông Lưới bây giờ.
Sau giải phóng, ông Lưới kết duyên với và bà Nguyễn Thị Thương. Với tình thương mến đồng đội và trách nhiệm của người đồng chí, vợ chồng ông Lưới đã tình nguyện chăm sóc, canh giữ hai ngôi mộ liệt sĩ Bùi Văn Thường và Bùi Văn Tạo như những người thân của mình. Cứ đến các ngày lễ tết, hai vợ chồng ông bà đều sửa soạn thắp hương, dọn cỏ, chăm lo cho phần mộ hai liệt sĩ.
Từ những thông tin mà vợ chồng ông Lưới cung cấp, ngày 30.6.2009, đại tá Ngô Hồng Lập, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 cùng đoàn khai quật quy tập mộ liệt sĩ đã đưa hài cốt hai liệt sĩ Thường và Tạo về nghĩa trang quân khu. Sau đó theo nguyện vọng của gia đình hai liệt sĩ, hài cốt các liệt sĩ được đưa về an táng tại H.Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng.
Ngoài hai ngôi mộ liệt sĩ do vợ chồng ông trông nom ở xóm Việt Kiều, ông Lưới còn tìm được một mộ liệt sĩ nữa bên chiến trường Campuchia. Theo đó, năm 2011, ông Lưới tình nguyện cùng đội K72 chuyên quy tập hài cốt liệt sĩ tại sang tận tỉnh Mondonkiri (Vương quốc Campuchia), quy tập hài cốt liệt sĩ Nghiêm Đình Thìn (quê H.Yên Phong, Bắc Ninh, hy sinh ngày 15.6.1971), thuộc Đoàn 3073.
Vợ chồng ông Lưới có 6 người con đã trưởng thành và ra ở riêng. Hai ông bà canh tác khoảng 1 ha quýt đường và sống khá chất vật trong ngôi nhà tình thương mà Phòng LĐ-TBXH tỉnh Bình Phước trao tặng.
"Mấy chục năm trông nom, săn sóc hai phần mộ, điều tôi trăn trở nhất là phải đưa hai liệt sĩ Tạo và Thường về với quê hương, với gia đình. May mắn mong ước của tôi đã thành hiện thực, tôi coi như hoàn thành được trách nhiệm của những người lính với nhau", ông Lưới chia sẻ.
Đông Dương - Bạch Long
Theo Thanhnien
Dấu vết mộ tập thể hàng trăm liệt sĩ trong Tân Sơn Nhất Ví, lược, dép cao su... và nhiều mảnh xương được tìm thấy tại khu vực nghi có mộ tập thể hàng trăm liệt sĩ trong sân bay Tân Sơn Nhất. Chiều 12/7, Bộ trưởng Lao động Thương binh - Xã hội Đào Ngọc Dung, Trung tướng Đỗ Căn (Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị QĐND Việt Nam) và lãnh đạo TP HCM...