Bữa tiệc mừng năm mới tại ‘Nhà Trắng mùa đông’ của Trump
Bữa tiệc mừng năm mới của ông Trump diễn ra tại khu nghỉ dưỡng sang trọng Mar-a-Lago, với khoảng hơn 800 khách mời tham dự.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và vợ, bà Melania, có mặt tại buổi tiệc mừng năm mới ở Mar-a-Lago. Ảnh: New York Times
Khi tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mở tiệc mừng năm mới, ông phải tổ chức nó theo phong cách vương giả, sang trọng, giống hệt như trong bộ phim điện ảnh nổi tiếng Đại gia Gatsby. Tham dự cùng nhà tài phiệt New York có diễn viên Sylvester Stallone cùng hàng trăm nhà phát triển giàu có khác. Tất cả cùng nhau tề tựu tại khu nghỉ dưỡng ven biển triệu USD Mar-a-Lago ở Palm Beach, Florida, thuộc mạng lưới bất động sản do ông làm chủ, theo New York Times.
Câu lạc bộ 118 phòng Mar-a-Lago, nơi nhà tài phiệt hai tuần qua dành hầu hết thời gian lưu trú, được ví von như “Nhà Trắng mùa đông” của tổng thống Mỹ đời thứ 45. Biến Mar-a-Lago thành nơi ở cho tổng thống cũng chính là tâm nguyện mà người chủ nhân quá cố của khu nghỉ dưỡng, bà Marjorie Meriweather Post, khi trao nó lại cho chính quyền liên bang hồi năm 1973.
Tuy nhiên, chính phủ Mỹ không hứng thú với ý tưởng mà bà Marjorie Meriweather Post đưa ra. Ông Trump sau đó mua lại khối bất động sản đồ sộ với giá chưa đầy 10 triệu USD, biến nó thành một câu lạc bộ tư nhân hạng sang mà để trở thành thành viên, các khách hàng phải bỏ ra tới hàng triệu USD.
Kể từ khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng hồi tháng 11, Mar-a-Lago trở thành một điểm đến cực kỳ thu hút khách. Họ chủ yếu là những người hiếu kỳ, mong muốn được một lần sánh vai bên cạnh tổng thống Mỹ tương lai.
“Nó giống như bạn đến Disneyland vì biết rằng chuột Mickey sẽ có mặt tại đó cả ngày”, Jeff Greene, một nhà phát triển bất động sản kiêm người ủng hộ cựu ứng viên tổng thống Mỹ đảng Dân chủ Hillary Clinton, so sánh. Ông cũng là thành viên ở Mar-a-Lago.
Khuôn viên khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago. Ảnh: New York Times
Cảnh tượng Trump ngồi thư thái trên một chiếc ghế dài với thiết kế lộng lẫy, bọc trong vải xanh, viền vàng, bên dưới một chùm đèn trang trí cầu kỳ, sáng loáng, là hình ảnh thường xuyên được nhìn thấy tại Mar-a-Lago. Ban đêm, nhân viên câu lạc bộ sẽ chuyển những chiếc ghế dài cùng bàn ăn ra ngoài trời để phục vụ tiệc cocktail cho các vị khách. Tại đây, ông Trump, với ly rượu trên tay và nụ cười thường trực trên môi, sẽ đi tới từng bàn để đón tiếp khách mời.
Buổi tiệc mừng tân niên do ông Trump chủ trì năm nay cũng diễn ra ở Mar-a-Lago hôm 31/12. Khách đến dự tiệc, nam giới mặc vest trong khi đa phần nữ giới đều xúng xính trong trang phục dạ hội bắt mắt với mái tóc vấn cao tao nhã.
Các khách mời, như những siêu sao nổi tiếng, bước vào câu lạc bộ trên một tấm thảm đỏ. Sự kiện mở màn bằng tiệc cocktail lúc 19h30 ở trước hiên biệt thự, sau đó là tiệc tối bên trong câu lạc bộ lúc 20h30 và màn khiêu vũ đến 1h sáng hôm sau.
Khi khách khứa đã yên vị, Trump phát biểu, gửi lời cảm ơn tới gia đình cũng như thành viên câu lạc bộ vì sự ủng hộ họ dành cho ông suốt những năm qua, một vị khách cho hay.
Video đang HOT
Không gian tiệc được trang hoàng lung linh nhưng vẫn trang nhã với sắc trắng chủ đạo. 8.000 bông hoa đã được sử dụng để bày biện trên các bàn tiệc và trần nhà.
Theo Politico, vé tham dự buổi tiệc mừng năm mới của Trump được bán với giá 525 USD cho thành viên câu lạc bộ và 575 USD cho những người không phải thành viên song có tới 800 khách vẫn chấp nhận chi để có cơ hội gặp mặt tổng thống Mỹ tương lai.
Thực đơn buổi tiệc bao gồm “salad trộn của Trump”, nấm hoang, ravioli Thụy Sĩ, thăn bò thái lát và cá vược châu Âu rán cháy cạnh. Bánh Alaska nướng và Cream Anglaise nằm trong thực đơn tráng miệng.
Tối 1/1, ông Trump đã trở về New York. Nhưng theo những dòng trạng thái mà tổng thống đắc cử Mỹ đăng tải trên mạng xã hội Twitter, Mar-a-Lago có một ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với ông. Nó giống như một nơi nương náu, tránh xa những thị phi, đồng thời là nơi ông cảm thấy yên bình nhất.
“Mar-a-Lago là môi trường giúp ông ấy kiềm chế”, nhà sử học Douglas Brinkley, người tuần trước vừa dùng bữa tối tại Mar-a-Lago cùng một thành viên lâu năm của câu lạc bộ, ông Chris Ruddy, giám đốc điều hành Newsmax Media, nhận xét.
Ruddy từng mời Howie Carr và Laura Ingraham, hai người dẫn chương trình phát thanh bảo thủ ủng hộ ông Trump, tới Mar-a-Lago và giới thiệu họ với tỷ phú Mỹ. Ruddy cũng là cầu nối giữa ông Trump với hàng loạt người của công chúng, chính trị gia và nhà quyên góp. Ông miêu tả tổng thống đắc cử Mỹ “hoàn toàn thoải mái, vô cùng tích cực và dễ gần” khi ở Mar-a-Lago.
Donald Trump Jr., con trai tổng thống đắc cử, và vợ, cô Vanessa, cùng các khách mời vui vẻ tham gia nhảy tập thể tại buổi tiệc. Ảnh: Daily News
Vũ Hoàng
Theo VNE
Tương lai Mỹ - Nga sau mối quan hệ đặc biệt Trump - Putin
Việc ông Trump và Putin không tiếc lời khen ngợi lẫn nhau mở ra kỳ vọng về quan hệ nồng ấm giữa Washington và Moscow song đây không phải chuyện dễ dàng thay đổi trong phút chốc.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong năm qua không ít lần dành lời ca ngợi lẫn nhau, đồng thời thể hiện niềm tin tưởng vào một tương lai mà ở đó hai nước có thể xóa bỏ hiềm khích.
Kể từ khi ông Trump đắc cử, thiện cảm này càng thể hiện rõ và lên tới đỉnh điểm hồi tuần trước khi nhà tài phiệt New York kêu gọi Mỹ "bỏ qua" các cáo buộc Nga tấn công mạng bầu cử Mỹ. Tổng thống Nga cũng tuyên bố ông thà lên kế hoạch cho một mối quan hệ mới với chính quyền Trump còn hơn tìm cách đáp trả những biện pháp trừng phạt hay lệnh trục xuất các nhà ngoại giao Nga của Tổng thống Mỹ Barack Obama, theo Washington Post.
"Một động thái trì hoãn tuyệt vời", ông Trump viết trên mạng xã hội Twitter, khen ngợi Tổng thống Nga Putin. "Tôi luôn biết rõ ông ấy là người thông minh!".
Dù vậy, giới chuyên gia hiện bị chia rẽ bởi hai luồng ý kiến trái ngược. Một bên khăng khăng cho rằng thiện cảm giữa hai nhà lãnh đạo chắc chắn sẽ giúp mối quan hệ Nga - Mỹ đi lên. Số khác quả quyết những bình luận tốt đẹp mà ông Trump và ông Putin dành cho nhau sẽ biến mất khi họ trực tiếp đối đầu trên nghị trường.
Nhiều người lo sợ ông Trump, với kinh nghiệm ít ỏi về chính sách ngoại giao, khó lòng lường trước được những mối đe dọa từ Nga. Nhưng không ít người lại tỏ ra lạc quan, tin tưởng nhà tài phiệt New York, với khả năng thương thảo bậc thầy, sẽ đưa đoàn tàu quan hệ Nga - Mỹ trở lại đường ray của sự hợp tác.
Triển vọng và thách thức
Tổng thống đắc cử Mỹ từng liệt kê những phân khu mà Moscow và Washington cùng chia sẻ lợi ích, bao gồm chống khủng bố, đặc biệt là nỗ lực nhằm tiêu diệt phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS), hay chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Ông cũng gợi ý Washington hoàn toàn có khả năng đạt được thỏa thuận với Moscow về vấn đề Syria và Ukraine, úp mở việc thay đổi tư thế phòng thủ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại khu vực biên giới phía tây Nga, bày tỏ thái độ hoài nghi trước một số lệnh trừng phạt, đồng thời ngụ ý rằng những lùm xùm liên quan tới cáo buộc tin tặc Nga tấn công mạng bầu cử Mỹ đang bị thổi phồng.
Tổng thống Nga Putin cùng các cố vấn đã không ít lần nhắc tới mong muốn cải thiện quan hệ với Mỹ sau khi ông Trump chính thức nhậm chức song cũng nhận thức rõ ràng rằng đây không phải chuyện có thể thay đổi trong một sớm một chiều.
Dù hài lòng với định hướng, Moscow vẫn nhìn thấy "những điểm rời rạc trong chính sách" của tổng thống đắc cử Mỹ, Thomas Graham, người từng đảm nhận cương vị giám đốc phụ trách về Nga thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời tổng thống George W. Bush, nay là giám đốc điều hành Hiệp hội Kissinger, nhận định.
"Nếu phân tích kỹ những lời người Nga nói, họ không hề kỳ vọng mối quan hệ thay đổi nhanh chóng", Graham cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Nhưng bất chấp tất cả, "Điện Kremlin vẫn giữ quan điểm rằng dù Trump còn lạ lẫm với các chính sách đối ngoại, ông thực tế là một nhà kinh doanh đại tài có khả năng đem về những thương vụ béo bở, đồng thời quy tụ bên mình một đội ngũ cố vấn giàu kinh nghiệm", Maxim A. Suchkov, nhà phân tích tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế Nga, một viện chính sách ở Moscow, đánh giá.
Một số chuyên gia Nga cho rằng những hành động của ông chủ Điện Kremlin thời gian gần đây khi liên tục ca ngợi nhà tài phiệt New York chính là sự chuẩn bị cho một tương lai đầy triển vọng trong quan hệ Nga - Mỹ.
"Putin sẽ duy trì chiến lược như hiện nay" bởi "Trump là một quý ông thật sự và cần được đối xử đàng hoàng", Vladimir Frolov, chuyên gia phân tích ở Moscow, bình luận, đề cập tới phản ứng bình tĩnh của Tổng thống Putin trước lệnh trừng phạt và quyết định trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga mà chính quyền Obama đưa ra hôm 30/12.
Ông Putin "không muốn làm bất cứ điều gì gây cản trở cho nỗ lực xích lại gần Nga của ông Trump", Frolov nhấn mạnh.
"Đấy là một bước đi sáng suốt", Steve Hall, cựu quan chức cấp cao Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), nhận xét. "Nó giúp củng cố mối quan hệ và đánh thẳng vào cái tôi lớn của ông Trump. Nó tạo điều kiện để ông Trump có thể dõng dạc tuyên bố rằng 'chính quyền Obama đang cư xử như trẻ con và chúng ta cần hành động chuyên nghiệp hơn'".
Tuy nhiên, hầu hết các viện chính sách ở Washington, dù bất đồng trước cách ông Trump giải quyết những xung đột cá nhân, đều khuyên nhà tài phiệt New York không nên chấm dứt thời kỳ Obama bằng cách chọn hướng về phía Nga.
"Đội ngũ của ông Trump sẽ phạm sai lầm lớn nếu đơn phương hủy bỏ các lệnh trừng phạt Nga", Andrew C. Kuchins, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Á - Âu, Đông Âu và Nga, cảnh báo.
Sau khi phỏng vấn hàng loạt chuyên gia, nhà lập pháp Mỹ và Nga về vấn đề trên, ông Kuchins tháng trước công bố một báo cáo, nhận định việc nâng mối quan hệ Nga - Mỹ lên cấp độ tổng thống "là một động lực để Moscow điều chỉnh và thích ứng", đồng thời là cơ hội làm mới các cuộc đối thoại song phương trên hàng loạt lĩnh vực, từ kiểm soát vũ khí và chống khủng bố đến an ninh mạng. Nhưng cùng lúc, cách tiếp cận này đòi hỏi Mỹ phải cam kết mạnh mẽ với các đồng minh NATO và kiên định duy trì những biện pháp nhằm kìm hãm sự mở rộng của Nga ở Đông Âu.
Theo Mark Dubowitz, giám đốc điều hành Tổ chức Phòng vệ Dân chủ, chính quyền Trump tương lai có khả năng giảm nhẹ hoặc hủy bỏ các lệnh trừng phạt Mỹ áp đặt lên Nga, công nhận việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea hoặc thể hiện rõ quan điểm Mỹ sẽ không cho phép Ukraine gia nhập NATO hay Liên minh châu Âu (EU). Nhưng đổi lại, một mối quan hệ gần gũi với Nga có thể giúp Mỹ "hạn chế ảnh hưởng của Iran ở Syria", đồng thời tạo cơ hội thay đổi bản thỏa thuận hạt nhân Iran mà cả Moscow và Washington cùng tham gia đàm phán.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters
Nhìn chung, các chuyên gia đều muốn nhấn mạnh vào tính minh bạch cũng như khả năng đối thoại trước một loạt vấn đề hiện rơi vào bế tắc giữa Nga và Mỹ, cây bút Karen DeYoung và David Filipov từ Washington Post đánh giá.
"Chúng ta không muốn mọi chuyện vượt khỏi tầm kiểm soát. Chúng ta cần những cuộc đối thoại để nắm bắt rõ đối phương muốn gì nhằm tránh tình trạng hiểu nhầm lẫn nhau", Graham quả quyết.
Theo ông, câu hỏi đặt ra lúc này là liệu tổng thống đắc cử Mỹ có đủ kiên nhẫn hay không bởi để có thể thực sự xích lại gần Nga, Trump cần một lượng lớn đồng minh hậu thuẫn.
"Liệu thiện cảm của Trump dành cho Putin có đủ lớn để ông quyết định ngồi xuống và đối thoại hay ông sẽ hành động như những tổng thống Mỹ khác?", Graham đặt vấn đề.
"Tôi nghĩ người Nga không đặt nhiều kỳ vọng vào viễn cảnh này nhưng họ tôn trọng nó", ông nói.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Hillary Clinton sẽ dự lễ nhậm chức của Donald Trump Hillary Clinton, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ bị đánh bại, sẽ dự lễ nhậm chức của Donald Trump vào ngày 20/1 tới. Bà Hillary Clinton cùng chồng, cựu tổng thống Bill Clinton. Ảnh: Reuters. Các trợ lý của nhà Clinton ngày 3/1 cho biết Hillary Clinton, cựu ứng viên tổng thống đảng Dân chủ, và chồng bà, cựu tổng thống Bill...