Bữa sáng dân dã cùng bánh hỏi lòng heo Phú Long
Nằm gần cửa ngõ thành phố Phan Thiết, thị trấn Phú Long được nhiều thực khách sành ăn tìm đến bởi nơi đây có món bánh hỏi lòng heo nổi danh cả nước.
Điều này cũng thật dễ hiểu bởi tại Phú Long có rất nhiều lò làm bánh hỏi, được truyền qua nhiều thế hệ. Theo đó, để làm ra sợi bánh hỏi thì người thợ luôn chỉn chu trong từng công đoạn làm bánh. Cụ thể từ khâu chọn bột, lăn bột đến bỏ vào máy ép thành sợi.
Chưa hết, bánh sau công đoạn trên còn hấp lại một lần nữa trước khi đem phơi cho ráo. Và để sợi bánh nhìn bắt mắt, nhất định bánh phải làm từ bột gạo (ngâm nước qua đêm) và có độ trắng tinh khiết. Thời gian để cho ra mẻ bánh mất khoảng 2-3 giờ. Khác với dạng bánh hỏi theo từng lá ở các địa phương khác như Phú Yên, Bình Định, bánh hỏi Phan Thiết có dạng tơi như những sợi bún tươi.
Về lòng heo, các hàng quán nơi đây đều mua lòng tươi về làm sạch rồi mới chế biến, bởi nếu mua lòng luộc sẵn rất dễ gặp vấn đề về chất lượng làm ảnh hưởng đến món ăn. Lòng sau luộc chín thường được người nấu ngâm qua nước lạnh để lòng săn lại, có độ giòn, không bị mềm cũng như bị bở. Chính vì sự chỉn chu này đã tạo nên thương hiệu cho bánh hỏi lòng heo Phú Long.
Video đang HOT
Khi thực khách gọi món, chủ quán sẽ dọn lên một phần bánh hỏi lòng heo gồm lòng heo luộc (tim, gan, cật, phèo non, thịt ba chỉ), bánh hỏi rưới mỡ hành, bánh tráng, rau sống và nước chấm đặc biệt. Theo đó, bánh tráng ngon là phải mỏng, cắt miếng và phơi sương để bánh có độ dẻo. Hỗn hợp nước chấm tạo nên từ tỏi ớt xay nhuyễn pha với nước cốt me, muối đường để tạo vị chua ngọt vừa phải.
Khi thưởng thức, thực khách sẽ cuộn lòng heo cùng bánh hỏi, rau sống và bánh tráng rồi chấm nước mắm me. Cảm giác bánh mềm ướt thơm mùi gạo hòa quyện cùng vị thanh mát của rau sống, vị thơm ngon của lòng heo và vị chua nhẹ của nước chấm đã tạo nên một món ăn nổi tiếng cho vùng đất Phú Long.
Bánh hỏi lòng heo trứ danh xứ Nẫu
Một anh bạn dân gốc Phú Yên nói với tôi là nếu chưa ăn cháo lòng, bánh hỏi, bánh tráng Hòa Đa (xã An Mỹ, huyện Tuy An, Phú Yên) coi như chưa đến Phú Yên. Lạ, vì cháo lòng bánh hỏi thì nơi nào chẳng có?
Nhưng chưa ăn chưa biết món ăn rất giản dị ấy có sức hút như thế nào? Thì ra ngoài sò huyết nức tiếng ở đầm Ô Loan, Tuy An còn có món bánh hỏi lòng heo.
Đã gọi là món ngon thì phải đi xa, có nghĩa là tới đúng nơi: Hòa Đa - nơi này cách trung tâm thành phố Tuy Hòa khoảng 15km. Và dẫu chẳng nằm trong phố, nhưng món ngon đã kéo khách đến rất đông.
Quán nằm ven lộ, cây cỏ bao quanh, có thể khẳng định là chủ nhân của quán bánh hỏi lòng heo này yêu cây cỏ như món ăn mà họ đã tạo ra thành thương hiệu. Những chiếc bàn để xa nhau để khách có khoảng không gian riêng khi ăn, khách có mấy người là mấy phần ăn.
Theo đó, mỗi phần ăn gồm có bánh tráng sản xuất tại Hòa Đa nhúng và nướng (bánh tráng làm bằng bột gạo khi nhúng nước rất dẻo), một đĩa rau thơm, một đĩa lòng, một đĩa bánh hỏi và một tô cháo. Kèm theo là nước chấm pha chế công phu, một đĩa ớt trái và tỏi.
Cách ăn rất đa dạng, và tôi hơi bất ngờ vì cách ăn ở nơi này. Bánh tráng nhúng cuốn với lòng heo và bánh hỏi, nước mắm nguyên chất, cắn cọng rau thơm, cắn trái ớt sim, cắn tép tỏi. Ăn ngon lạ, như trong đó có cái bình dị của đồng quê, của những cây lúa đang dịu dàng lung lay theo cơn gió. Ăn ngon miệng đến hết lúc nào không hay. Phần cuối cùng là ăn cháo lòng. Cháo nóng, ngọt, hạt gạo nấu mềm như dồn hết tinh túy của đất trời vào đó.
Người chủ quán để nồi cháo nấu ngay khu vực bếp, khách có thể quan sát, nồi cháo sôi sùng sục, tỏa mùi thơm như gọi mời thưởng thức. Nồi cháo nấu bằng xương heo, xương cứ nấu cho ra nước ngọt rồi lựa những hạt gạo ngon đã gút sạch thả vào. Nồi cháo ấy cứ để riu lửa, để cho khách nhìn thấy như đánh thức sự ham muốn ăn ngon của khách.
Bí quyết đầu tiên của món ăn này nằm ở bánh tráng. Theo đó, bánh tráng phải là của Hòa Đa, một làng bánh tráng, cung cấp những chiếc bánh tráng cho khắp nơi. Chiếc bánh tráng Hòa Đa to, đường kính tới 0,5m, màu trắng đục. Do làm bằng gạo tốt nên bánh tráng khi nhúng nước không bị nhão mà có độ dẻo độc đáo. Chiếc bánh tráng Hòa Đa đôi khi chỉ chấm nước mắm không ăn cũng đã ngon.
Bí quyết thứ hai là cách chọn lòng heo. Lòng heo lựa kỹ càng, cách nấu sao cho miếng lòng, miếng thịt khi dọn lên có màu tươi và mềm mại, ăn có vị ngọt hòa trộn. Cái ngon còn ở vị cay cay của rau sống, của nước mắm nhĩ không pha chế dầm vào một trái ớt sim. Cái ngon nữa là tô cháo nóng ngọt do xương nấu, hạt gạo thơm lạ như tan trong miệng cái ấm, cái nhuần nhuyễn tinh túy đất trời.
Món ngon như thế mà thành từ cái tâm huyết của người chế biến, để trở thành danh thực. Bánh tráng, bánh hỏi, cháo lòng. Cái tên thật dài dòng kèm theo địa danh Hòa Đa, vượt khỏi những ruộng lúa, đã đi xa đến mọi miền đất nước hình chữ S.
Món lòng heo được nâng tầm lên thành đặc sản, ngon ngất ngây Đến Quy Nhơn, Bình Định mà chưa ăn đặc sản bánh hỏi lòng heo thì coi như chưa thật sự đến đây. Bánh hỏi là món khá quen thuộc với nhiều địa phương. Ví dụ như Phan Thiết có bánh hỏi heo quay, Phú Yên có bánh hỏi chà bông... Thế nhưng, món bánh hỏi gắn bó mật thiết đến nỗi người dân...