‘Bùa hộ mệnh’ của cảnh sát Mỹ
Tòa tối cao liên bang tạo ra nguyên tắc “miễn trừ hợp lệ” vì cho rằng công chức không thể bị kiện nếu thực thi pháp luật với tinh thần thiện chí.
Là người vô gia cư, Christopher Maney đã quen với giấc ngủ trong bụi rậm nhưng không ngờ bị cảnh khuyển ập tới cắn vào đầu. Sống sót sau vụ tấn công vào năm 2010, Maney khởi kiện người điều khiển cảnh khuyển thuộc phòng cảnh sát Highpoint, bang California với cáo buộc biết rõ mình không phải nghi phạm nhưng không khống chế con chó.
Tại tòa, cảnh sát khai rằng cảnh khuyển đang đánh hơi kẻ cướp tới căn nhà bỏ hoang thì đột nhiên xông vào bụi rậm nơi Maney nằm ngủ. Người này thừa nhận đã nhận ra Maney không phải nghi phạm nhưng không gọi chó về ngay mà vẫn bắt anh ta giơ tay lên. Lúc này, Maney đang cố gắng bảo vệ bản thân trước con chó nên không thể làm theo. Sau 10 giây, cảnh sát mới gọi chó về, còng tay Maney và gọi cấp cứu.
Tiếp nhận sự việc, tòa phúc thẩm liên bang số 4 nhận định rằng viên cảnh sát đúng là đã kéo dài thời gian vụ tấn công để yêu cầu Maney đầu hàng. Nhưng trước đó chưa có án lệ rõ ràng nào cấm hành động như vậy của cảnh sát. Từ đó, tòa phúc thẩm bác đơn kiện của Maney vào năm 2017 dựa trên nguyên tắc “miễn trừ hợp lệ”.
Đây không phải trường hợp công dân kiện cảnh sát duy nhất thất bại trên căn cứ “miễn trừ hợp lệ”. Nguyên tắc này đã trở thành chủ đề gây tranh cãi trong thời gian gần đây, đặc biệt là sau cái chết do bị cảnh sát quỳ gối vào gáy của George Floyd.
Nguyên tắc “miễn trừ hợp lệ” có nguồn gốc từ thời kỳ Tái thiết trong lịch sử Mỹ. Sau nội chiến, vào năm 1871, chính phủ liên bang thông qua luật cho phép công dân khởi kiện công chức vì bị vi phạm quyền dân sự trong bối cảnh chính quyền tiểu bang và địa phương “ngó lơ” hoặc thậm chí tiếp tay cho hoạt động khủng bố người da màu mới thoát ách nô lệ.
Video đang HOT
Gần một thế kỷ sau, trong án lệ năm 1967, tòa tối cao liên bang tạo ra nguyên tắc “miễn trừ hợp lệ” vì cho rằng công chức không thể bị kiện nếu thực thi pháp luật với tinh thần thiện chí, từ đó giúp cân bằng quyền cá nhân với nhu cầu giải phóng công chức khỏi những vụ kiện tiêu tốn thời gian và tiền bạc.
Theo nguyên tắc này, để khởi kiện, nguyên đơn phải chứng minh rằng cảnh sát đã vi phạm quyền hợp pháp của mình, đồng thời quyền lợi ấy đã được “xác lập rõ ràng”. Điều này được hiểu là hành vi của cảnh sát vi phạm vào án lệ tương tự trước đó. Tuy nhiên, vì rất khó để tìm được án lệ có hoàn cảnh và tình tiết đủ giống vụ việc đang kiện, nguyên đơn gần như không thể đáp ứng yêu cầu thứ hai của nguyên tắc “miễn trừ hợp lệ”.
Những người ủng hộ lập luận rằng nguyên tắc “miễn trừ hợp lệ” đặc biệt cần thiết đối với cảnh sát vì họ cần có mức độ tự do nhất định để có thể nhanh chóng hành động trong tình huống nguy hiểm tới tính mạng bản thân và người khác.
Tuy nhiên, nhiều người phản đối lại cho rằng nguyên tắc “miễn trừ hợp lệ” đã trở thành công cụ gần như bất bại để giúp cảnh sát tránh bị trừng phạt và chối bỏ quyền hợp pháp của nạn nhân. Tiêu chuẩn “xác lập rõ ràng” cũng được cho là mang tính chủ quan và đòi hỏi quá cao, theo Law and Crime.
Theo Reuters, từ năm 2005 tới nay, tòa án ngày càng thường xuyên áp dụng nguyên tắc “miễn trừ hợp lệ” để bác vụ kiện cáo buộc cảnh sát dùng vũ lực quá mức. Trong năm 2017-2019, nguyên tắc “miễn trừ hợp lệ” đã bảo vệ cảnh sát trong gần 40 vụ kiện dân sự.
Ví dụ, tại vùng ngoại ô thành phố Dallas, bang Texas, 5 cảnh sát được tòa án nhận định là không thể bị kiện sau khi nổ súng giết chết người đạp xe cách đó gần 100 m vì nhận diện nhầm là nghi phạm. Trong sự việc khác, cảnh sát thành phố Heber, bang Utah không phải chịu trách nhiệm dân sự sau khi quật một tài xế xuống đất gây chấn thương não bộ, dù đối phương không có vũ khí và chỉ bị dừng xe do kính chắn gió bị vỡ.
Trước làn sóng phê bình ngày càng lớn, hai trong 9 thẩm phán tối cao liên bang cũng đã bày tỏ sự lo ngại đối với nguyên tắc “miễn trừ hợp lệ”. Năm 2018, trong khi viết ý kiến cho phía thiểu số, thẩm phán Sonia Sotomayor nhận định rằng việc phía đa số ra quyết định có lợi cho cảnh sát sẽ cho thấy rằng “họ có thể bắn trước và nghĩ sau”.
Trước số lượng đơn kháng án liên quan tới “miễn trừ hợp lệ” ngày càng tăng, tòa tối cao đang cân nhắc việc xem xét lại nguyên tắc pháp lý đã tồn tại hơn 50 năm nói trên. Ngày 30/5, hạ nghị sĩ Justin Amash đề xuất dự luật Chấm dứt miễn trừ hợp lệ ra trước Hạ viện. Ngày 3/6, một số thượng nghị sĩ cũng có hành động tương tự tại Thượng viện.
Tòa án đặc biệt 'giải cứu' người vô gia cư
Nhận vé phạt 300 USD, John Doe tự hỏi cảnh sát nghĩ gì khi lập biên bản xử phạt người đi ăn xin vỉa hè như mình.
John cầm giấy hẹn nộp phạt trong tay mà không biết sẽ tới tòa án bằng cách nào vì nơi đó cách xa hàng chục dặm. Không có phương tiện đi lại, tiền bạc, nơi ở, hay việc làm ổn định, John không có cách nào để trả số tiền phạt. Anh ta chọn cách thờ ơ với giấy hẹn và ít lâu sau bị bắt giữ vì không trình diện theo triệu tập của tòa.
Với người vô gia cư như John Doe, chỉ một vé phạt về hành vi ít nghiêm trọng (như chiếm dụng vỉa hẻ, say xỉn và tiểu tiện nơi công cộng, cúp vé xe bus,...) cũng đủ khiến cuộc sống rơi vào vòng luẩn quẩn pháp lý, không thể thoát ra. Một khi có tiền sự bị bắt giữ, người vô gia cư sẽ gặp khó khăn rất lớn trong tìm việc làm và nơi ở, từ đó càng khó thoát khỏi cuộc sống "màn trời chiếu đất".
Để giải quyết tận gốc vấn đề thay vì chỉ xử lý phần ngọn, một số địa phương ở Mỹ đã thành lập chương trình tòa án dành cho người vô gia cư để xóa sạch án tích cho những người thật sự muốn làm lại cuộc đời, giúp họ vượt qua rào cản pháp lý trên hành trình hướng tới mục tiêu tự nuôi sống bản thân.
Mỗi tháng, tòa dành cho người vô gia cư mở một lần để giải quyết công việc. Khi tòa làm việc, luật sư bào chữa giới thiệu và trình bày sự tiến bộ của bị cáo vô gia cư trong thời gian vừa qua. Sau đó, thẩm phán sẽ xóa tiền án tiền sự về vi phạm ít nghiêm trọng cho bị cáo, giúp họ có "khởi đầu mới". Thay vì án tù hoặc phạt tiền, thẩm phán áp dụng bản án thay thế như yêu cầu bị cáo tham gia chương trình cai nghiện, xóa mù chữ và kiến thức máy tính, tìm kiếm, đào tạo việc làm, và tham gia công việc tình nguyện.
Để bị cáo thuận tiện đi lại, phòng xét xử của dạng tòa án chuyên biệt này thường được đặt tại cơ sở bảo trợ người vô gia cư trong địa phương. Mỗi phiên xử có đủ sự góp mặt của thẩm phán địa phương, đại diện phòng công tố, thư ký tòa, luật sư bào chữa, cảnh sát hỗ trợ tư pháp,... như phiên tòa truyền thống. Tuy nhiên, cách tổ chức sắp đặt trong phòng xét xử khiến không khí bớt phần nghiêm trọng, giúp bị cáo không có tâm lý sợ hãi, e ngại.
Cách tổ chức sắp xếp của phòng xét xử giảm bớt không khí nghiêm trọng. Ảnh: Nelvin C. Cepeda.
Do tòa dạng này có nguồn lực hạn chế, để được đứng trước tòa án đặc biệt này, người vô gia cư cần thỏa mãn điều kiện nhất định như phải được tổ chức phi lợi nhuận đứng ra bảo đảm, hoặc không phạm tội nghiêm trọng trong 10 năm trở lại. Thường khi được đứng trước tòa, bị cáo đã tham gia chương trình tái hòa nhập cộng đồng của tổ chức phi lợi nhuận được một thời gian. Mỗi bị cáo chỉ được tòa án dành cho người vô gia cư xóa án tích một lần.
Thông qua tòa án dành cho người vô gia cư, sự tôn nghiêm của tòa án vẫn được bảo đảm. Các bị cáo đồng thời được cung cấp dịch vụ phù hợp với nhu cầu và khó khăn riêng. Theo NCSC, tòa dành cho người vô gia cư có tác động tích cực tới bị cáo vì chương trình này trực tiếp xử lý nhu cầu cơ bản của họ, thay vì chỉ "dán băng gạc" để giải quyết tình thế tạm thời.
Tòa án dành cho người vô gia cư được thành lập đầu tiên tại thành phố San Diego, bang California vào năm 1989 rồi sau đó được tổ chức tại một số khu vực khác trong nước Mỹ. Hiện, 10 bang ở Mỹ có chương trình tòa án cho người vô gia cư, bao gồm South Carolina, California, Texas, Arizona, New Mexico, Missouri, Utah, Washington, Colorado, và Michigan.
Cựu luật sư công Steve Binder, người giúp xây dựng tòa án dành cho người vô gia cư đầu tiên, cho biết sáng kiến này đã giúp đỡ hàng nghìn người vô gia cư trong những năm qua, với số lượng cáo trạng bị hủy lên tới hàng chục nghìn.
Theo Steve, hầu hết những bị cáo đều giữ được bản thân sạch tiền án tiền sự sau khi dự tòa án dành cho người vô gia cư. Một số nghiên cứu cho thấy tỉ lệ tái phạm của những bị cáo này ở mức 18%.
Quốc Đạt (Theo NCSC, San Diego Union Tribune)
Theo vnexpress.net
Con đường sa ngã của nữ cảnh sát phải lòng trùm ma túy: Tuổi thơ bất ổn Dù bị nhận xét là nông cạn, hời hợt và có vấn đề về thần kinh, Antoinette Frank cuối cùng vẫn được làm việc trong sở cảnh sát theo đúng mơ ước của mình. Từ nhỏ, Antoinette Frank luôn ấp ủ giấc mơ trở thành cảnh sát thực thụ. Và đúng như ước vọng, Antoinette lớn lên đã trở thành một nữ cảnh...