Bữa ăn với rau rừng của bộ đội chốt biên cương
Canh rau tàu bay, rau lạc tiên xào, củ từ hầm, hoa chuối nộm… là những món “đặc sản” của bộ đội biên phòng khi lập chốt bám biên chống Covid-19.
Trở về lán sau chuyến tuần tra, thượng uý Hoàng Văn Hạnh, nhân viên quân y chốt 168, đồn Biên phòng Tả Gia Khâu (huyện Mường Khương) xách theo hai bó rau xanh mướt. “Hôm nay gặp khóm tàu bay, lạc tiên nên hái về cải thiện bữa ăn”, anh nói, rồi cho rau vào ngâm trong chiếc chậu nhựa bạc màu.
Dựng lán trong rừng chốt chặn đường mòn, lối mở khu vực biên giới để phòng dịch, anh Hạnh và đồng đội “dựa vào rừng mà sống”. Nước hứng từ khe suối, củi khô nhặt trong rừng đem về đun, rau xanh cũng tranh thủ hái dọc đường tuần tra. “ Rau rừng ngon lắm, ăn nhiều thành nghiện đấy”, anh cười.
Vớt rau trong chậu, người lính quê Ninh Bình cho hay, rau tàu bay còn có tên khác là kim thất, là cây dại mọc hoang ở ven đồi, có vị hơi đắng. Còn cây lạc tiên là loại dây leo, thân mềm, lá cây mọc so le hình trái tim, mép và hai mặt có lông mịn, tua cuốn cuộn tròn.
Thượng uý Hoàng Văn Hạnh, nhân viên quân y ở chốt 168 rửa rau chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Ảnh: Hoàng Thuỳ
Bắc nồi nước lên bếp tạm bên sườn núi, thượng sỹ Lê Minh Hùng, học viên Học viện Biên phòng được tăng cường lên biên giới chống dịch nói, cậu sẽ luộc rau tàu bay, còn lạc tiên đem xào tỏi. Dù mới nhận nhiệm vụ một tháng, Hùng đã kịp làm quen với cách chế biến tất cả những loại rau dại đồng đội hái trên đường tuần tra.
Được thay ca về Đồn chiều qua, sáng Hùng dậy sớm đi chợ mua gà về làm thịt, tẩm ướp gia vị rồi mang lên chốt. Thời gian học nấu ăn, pha chế, sau đó làm anh nuôi khi nhập ngũ giúp chàng trai quê Bình Định có “tay nghề” làm bếp vượt trội so với mọi người. Để các anh có bữa cơm ngon miệng sau những giờ trèo đèo, vượt suối kiểm soát biên giới, cậu luôn nghĩ cách chế biến nhiều món khác nhau. Như rau rừng hôm nay nấu canh, ngày mai sẽ luộc, xào, làm nộm. Gà thì ngoài xào xả ớt có thể nướng, rang; cá có thể làm món kho tộ, kho tiêu…
“Thậm chí nếu lỡ may chốt hết gạo mà chưa kịp về Đồn lấy, đồ ăn trong rừng cũng sẽ đảm bảo một vài ngày với củ từ luộc, rau rừng nấu với mì tôm”, Hùng nói.
Video đang HOT
Bữa tối của bộ đội chốt 168, đồn Biên phòng Tả Gia Khâu, Mường Khương, với món rau rừng được hái dọc đường tuần tra. Ảnh: Hoàng Thuỳ
Ở chốt 170 cách đó vài km, những người lính quân hàm xanh cũng đặc biệt thích món ăn được chế biến từ rau củ ở rừng. Hàng ngày, những người không có ca gác sẽ men theo các lối mòn đi đào củ từ, củ mài, tìm hoa chuối rừng, rau tầm bóp, rau má… cải thiện bữa ăn.
Đại úy Tẩn Sành Nhàn, chính trị viên phó của đồn, phụ trách chốt 170 nói, củ từ sau khi đào xong đem đốt cháy trụi hết lông và gai bên ngoài để tránh bị xơ, sau đó sẽ mang nấu. Còn hoa chuối thì được xắt thành sợi, ngâm trong chậu nước rồi vớt ra rổ để xào tỏi hoặc trụng qua nước sôi làm món nộm.
“Củ từ hầm hay hoa chuối xào tỏi luôn có trong bữa cơm của lính vì vị chát dịu hòa cùng mặn, ngọt, rất lạ và ngon”, anh Nhàn nói.
Ở đây, rau lạc tiên còn được đại uý Lù A Vinh, đội trưởng trinh sát dùng nấu nước uống. Anh bảo, các loại rau rừng không chỉ sạch mà còn được xem là loại dược liệu quý, như lạc tiên nấu nước uống có vị thanh mát, giải độc, bổ gan.
“Chúng tôi lập chốt bám biên hơn hai tháng qua, ngoài việc tận dụng rau rừng cung cấp vitamin cho bữa ăn, anh em còn cuốc đất quanh lán để trồng hành sả, gieo các giống rau. Muốn có sức để chống dịch, bộ đội phải biết chăm lo sức khoẻ cho mình”, đại uý Vinh tâm sự.
Đại tá Kiều Phi Hùng, Tham mưu trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Lào Cai, cho biết tất cả cán bộ, chiến sĩ đều đã được hướng dẫn cách nhận biết và sử dụng các loại rau rừng. Khi huấn luyện dã ngoại và các tình huống tác chiến, bộ đội sẽ được học đặc điểm từng loại rau, từ thân, lá, hoa, quả, màu sắc, mùi vị, thời gian, địa hình cây sinh trưởng… để nhận biết loại có thể ăn được và loại nào độc hại.
“Từ những kiến thức đó, cán bộ, chiến sĩ đã vận dụng linh hoạt vào thực tiễn. Khi phải làm nhiệm vụ trong rừng sâu, sát biên giới, bộ đội chọn những loại rau, củ ở rừng để chế biến thành các món ăn, nước uống, phần nào bảo đảm hậu cần khi thực hiện nhiệm vụ”, đại tá Hùng nói.
Hai tháng qua, dọc tuyến biên giới đất liền, các đơn vị bộ đội biên phòng đã tổ chức hàng nghìn tổ, đội với hơn 5.000 cán bộ, chiến sĩ ngày đêm tuần tra, chốt chặn đường mòn, lối mở; quản lý, kiểm soát chặt chẽ cửa khẩu, không để Covid-19 lây truyền qua biên giới.
Hoàng Thùy
Nói chơi mà thiệt: Mang rau rừng trồng trong vườn, thành triệu phú
Thời gian vừa qua, nhiều người dân tỏ ra khá hứng thú khi tìm đến học hỏi kinh nghiệm của ông Lê Văn Dĩ, 54 tuổi, ở ấp Lộc Trát, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh khi khá thành công với mô hình đưa những cây rau rừng về mảnh vườn nhà thuần dưỡng và hiện trở thành vườn rau rừng đạt chuẩn VietGAP độc đáo đầu tiên ở Tây Ninh.
Ông Dĩ cho biết, trước khi bén duyên với nghề trồng rau rừng, gia đình ông đã có kinh nghiệm gần 10 năm bằng nghề trồng các loại rau thơm, rau gia vị. Ông hiểu rất rõ đặc tính đối với từng cây rau. Việc trồng rau gia vị không hề đơn giản bởi dù hiểu về rau nhưng gia đình ông vẫn thường xuyên bị lâm vào cảnh thua lỗ vì được mùa mất giá, được giá thì lại mất mùa.
Ông Lê Văn Dĩ chăm sóc vườn rau. Ảnh : Lê Đức Hoảnh.
Sẵn nghề tay trái là hái rau rừng ven sông Vàm Cỏ Đông hằng ngày để kiếm thêm thu nhập ngoài công việc chính, ông Dĩ nhận thấy cây rau rừng ngày càng nguy cấp bởi vùng đất Trảng Bàng đang trên đà công nghiệp hóa, nhiều nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp hình thành, dần dần các khu ven sông được cải tạo để phục vụ nhu cầu về phát triển kinh tế xã hội, vì thế những cây rau rừng tự nhiên đã nhanh chóng thưa dần theo thời gian.
Trong khi đó, nhu cầu của người dân về nguồn rau rừng sạch ngày càng lớn, đặc biệt rau rừng từ lâu được biết đến là loại rau không thể thiếu khi ăn kèm với món bánh canh và bánh tráng Trảng Bàng (đặc sản nổi tiếng ở Tây Ninh).
Cho thu nhập cao từ trồng rau rừng đặc sản trong vườn nhà ông Dĩnh.Ảnh: Lê Đức Hoảnh.
Do nguồn cung ngày càng cạn kiệt, không muốn thấy cảnh cây rau rừng biến mất ngoài tự nhiên, ông Dĩ bắt đầu lặn lội tìm kiếm, bứng từng cây về thuần dưỡng thử tại khu vườn của nhà mình; thấy cây rau rừng phát triển tốt trên đất nhà, nên ông đã mạnh dạn chiết cành để nhân giống.
Điểm đặc biệt của cây rau rừng là tính tự nhiên hoang dã, chịu đựng tốt trong điều kiện môi trường khắc nghiệt nên không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Từng loài cây có đặc tính riêng như rau mặt trăng, trâm ổi, lộc vừng thì chịu đất ẩm ướt; rau có, rau nhái, chùm mồi, bằng lăng thì chịu khô...
Nhờ đó, sau sáu năm nhân giống khu vườn của ông Dĩ hiện tăng hơn 1.000 gốc cây rau rừng đang cho thu hoạch, với hơn 13 loại rau rừng đặc sản như trâm ổi, lộc vừng, rau cách, mặt trăng, trâm sắn, sơn máu, rau chiếc, bí bái, chùm mồi, rau nhái, rau bứa, rau cóc, quế vị... Trên diện tích rộng gần 1 ha, vườn rau rừng của ông cho thu nhập bình quân gần 200 triệu đồng/năm.
Ông Lê Văn Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh cho biết, thấy được tiềm năng của các loại rau rừng, năm 2016, Hội Nông dân xã Gia Lộc và Phòng Nông nghiệp huyện Trảng Bàng đã vận động ông Dĩ cùng 5 hộ gia đình trong ấp Lộc Trát thành lập Tổ hợp tác rau rừng Lộc Trát, do ông Dĩ làm tổ trưởng.
Món đặc sản Tây Ninh bánh tráng cuốn thịt luộc không thể thiếu rau rừng.Ảnh: baotayninh.vn.
Sản phẩm của Tổ đã được cấp giấy chứng nhận thực hiện theo quy trình VietGAP, phân phối trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận. Về góc độ hiện tại bây giờ thì nguồn rau của tổ liên kết này đang phát triển mạnh, hiện tổ liên kết đã ký kết với một số đơn vị tiêu thụ lớn như Công ty cổ phần Lavifood, các siêu thị ở Trảng Bàng và Thành phố Hồ Chí Minh.
Rau rừng trở thành đặc sản ăn kèm với món bánh tráng, bánh canh Trảng Bàng bởi mỗi loại đều có những vị đặc trưng. Rau mặt trăng thì có vị chát nhẹ; chùm mồi thì có vị chua chua, chát chát; cóc, xương máu có vị chua. Từ chỗ chỉ là món ăn dân dã, bình dị, đến nay, bánh tráng phơi sương thịt luộc ăn kèm với rau rừng đã trở thành món ăn thương hiệu đặc sản của người dân ở Trảng Bàng, được đông đảo du khách gần xa đến với Tây Ninh tìm kiếm và thưởng thức.
Đánh giá về hiệu quả của mô hình Tổ hợp tác rau rừng Lộc Trát, ông Phan Văn Tấn, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh cho biết, việc thành lập Tổ hợp tác rau rừng Lộc Trát là một trong những bước đi đúng hướng của địa phương.
Đây không những là mô hình phát triển kinh tế mang về thu nhập ổn định cho các thành viên mà còn là cách để người dân giữ gìn và phát triển đặc sản của vùng đất Trảng Bàng trước tình trạng rau rừng đang dần cạn kiệt và dự kiến địa phương sẽ vận động nhân dân nhân rộng mô hình này ra để ổn định cuộc sống.
Thực tế cho thấy việc đưa rau rừng về trồng tại vườn nhà của những hộ nông dân ở ấp Lộc Trát (xã Gia Lộc) là một trong những mô hình chuyển đổi cây trồng hiệu quả của người dân huyện Trảng Bàng. Đây cũng là cách để đưa rau rừng và món bánh tráng phơi sương trở thành thương hiệu đặc sản phục vụ du khách du lịch đến với Tây Ninh.
Theo Phạm Thanh Tân (TTXVN)
Cần gấp 40 triệu đồng cứu thầy giáo trẻ dạy học trên hòn đảo nhỏ Sau buổi dạy trên hòn đảo thuộc vùng sâu vùng xa của tỉnh Kiên Giang chỉ có vài chục nóc nhà, thầy Văn đi xuống dốc hái rau rừng để ăn trưa. Không may đường trơn trượt, thầy Văn bị ngã gãy chân, máu chảy xối xả. Thầy giáo trẻ ai cũng mến thương Danh Văn sinh năm 1990, là con trai duy...