Bữa ăn bán trú bị tính thuế VAT
Trường Tiểu học Chu Văn An thông báo thu thuế giá trị gia tăng (VAT) 10% với suất ăn bán trú của học sinh khiến phụ huynh phản ứng.
Ngày 12/10, phụ huynh học sinh lớp 1B, trường Tiểu học Chu Văn An cơ sở 2, phường Sao Đỏ, thành phố Chí Linh, nhận được tin nhắn thông báo nhà trường thu 10% thuế VAT cho mỗi suất ăn bán trú của học sinh từ đầu năm học 2020-2021. Suất ăn của các cháu từ 17.000 đồng tăng lên thành 18.500 đồng.
Phản ứng trước việc này, một bà mẹ cho rằng việc thu thuế VAT vào suất cơm bán trú là không đúng. “Luật Thuế không quy định. Vì tiền ăn bán trú của học sinh do bố mẹ đóng và nhà trường chỉ đứng ra thu hộ, chi hộ”, chị này phân tích.
Chiều 15/10, bà Đỗ Thị Huyền, Hiệu trưởng trường Tiểu học Chu Văn An, cho rằng việc đề ra khoản thu thêm thuế VAT là do Hợp tác xã dịch vụ thương mại Anna, đơn vị ký hợp đồng cung cấp suất ăn bán trú cho học sinh nhà trường. Nhiều năm nay cơ sở Anna cung cấp suất ăn bán trú cho học sinh nhà trường khá tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và giá suất ăn trong năm học 2019-2020 được phụ huynh thống nhất là 17.000 đồng.
Trường Tiểu học Chu Văn An cơ sở 2, phường Sao Đỏ, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Ảnh: Giang Chinh
Ông Trần Văn Mạnh, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ thương mại Anna, khẳng định chính trường Tiểu học Chu Văn An, cụ thể là nữ kế toán nhà trường, yêu cầu ông xuất hóa đơn VAT 10% cho suất ăn bán trú của học sinh. Từ năm học 2019, nhà trường đã yêu cầu xuất hóa đơn VAT, nhưng thấy vô lý nên ông không thực hiện.
“Vừa rồi, chị kế toán lại yêu cầu tôi viết hóa đơn thì mới thanh toán tiền ăn từ đầu năm học đến nay. Sau đó tôi đã gặp lãnh đạo nhà trường trao đổi, thống nhất giá mỗi suất cơm trưa cho các cháu giảm đi 200 đồng so với suất ăn của năm 2019 và giá sau thuế là 18.500 đồng”, ông Mạnh nói.
Khẳng định thu thuế VAT suất ăn bán trú là sai, ông Trần Văn Đoàn, nguyên Chi cục trưởng Chi cục thuế thành phố Chí Linh, phân tích Luật Thuế quy định các cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT tổ chức bếp ăn và các đơn vị ngoài hợp đồng với nhà trường nấu ăn cho giáo viên, học sinh đều không thuộc đối tượng chịu thuế VAT. Phụ huynh không phải trả thêm khoản tiền thuế cho suất ăn của trẻ.
Hơn nữa, tiền ăn của học sinh là tiền do phụ huynh bỏ ra, không phải là tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ nên khoản tiền đó không thuộc danh mục nhà trường phải báo cáo thuế hàng năm với cơ quan chức năng.
Ông Trịnh Xuân Dương, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Chí Linh, cho biết đã nhắc nhở lãnh đạo trường Tiểu học Chu Văn An. “Nếu nhà trường không tổ chức được bếp ăn bán trú cho học sinh thì hãy giao lại cho Chi hội phụ huynh để họ liên hệ, đặt suất ăn ngoài cho các cháu…”, ông Dương nói.
Trường Tiểu học Chu Văn An hiện có hơn 500 học sinh học ở cơ sở 2.
Phụ huynh 'phanh phui' trường bớt xén thức ăn: 'Ngót' đi hàng chục ký thịt mỗi ngày
Khi 'lọt vào' được bếp ăn bán trú (có bảo vệ cấm quay phim, chụp ảnh) của Trường tiểu học Phước Long 1, Nha Trang, phụ huynh phát hiện nhà bếp đã bớt xén rất nhiều thức ăn của học sinh bán trú cả trường.
Bữa ăn bán trú của học sinh một lớp tại Trường tiểu học Phước Long 1, TP Nha Trang - Ảnh: Phụ huynh học sinh cung cấp
Theo lãnh đạo phường Phước Long, sự bức xúc và phản ứng của phụ huynh sau khi phát hiện sự việc "là như bão cấp 12" và hiện phường đang chỉ đạo xem xét giải quyết.
Chiều tối 15-10, nhà trường tổ chức họp ban đại diện phụ huynh học sinh tất cả các lớp để bầu lại ban chấp hành mới Hội cha mẹ học sinh của trường, sau khi có nhiều bức xúc, phản ứng của phụ huynh.
Báo 65kg thịt, chỉ nấu 44kg
Trường tiểu học Phước Long 1 có quy mô 30 lớp với hơn 1.230 học sinh. Việc tổ chức bán trú cho học sinh ăn trưa tại trường đã thực hiện nhiều năm qua, hiện có khoảng 930 học sinh bán trú.
Mỗi tháng một học sinh bán trú phải nộp tổng cộng 609.000 đồng. Trong đó tiền ăn mỗi ngày của một học sinh là 27.000 đồng (gồm bữa trưa 19.000 đồng, bữa xế 5.000 đồng, còn lại là tiền chất đốt).
Phụ huynh kiểm tra thức ăn bán trú ở Trường tiểu học Phước Long 1, TP Nha Trang - Video: Phụ huynh cung cấp
Vừa qua, vào trưa 1-10, đại diện phụ huynh học sinh một lớp có việc được vào bếp ăn bán trú của trường mới phát hiện lượng thực phẩm nấu cho học sinh ít hơn rất nhiều so với số lượng báo của nhà bếp nên đã đề nghị cân lại.
Theo phụ huynh, kết quả cân lại, thịt heo chuẩn bị nấu chỉ có 32kg kể cả thau, rổ đựng thịt, trong khi lượng thịt mà những người phụ trách bếp báo nấu cho học sinh là 65kg. Nhà bếp nói còn thịt đã mua chưa đem về kịp. Sau khi chờ thêm số thịt này, cân lại luôn tất cả cũng chỉ được 44kg.
Kiểm tra suất ăn bán trú của học sinh vào trưa cùng ngày, phụ huynh thấy mỗi suất ăn chỉ có cơm với hai miếng trứng rán có trộn thịt heo và canh.
Hai ngày sau, lãnh đạo trường chấp thuận cho đại diện phụ huynh một số lớp vào bếp để tiếp tục kiểm chứng. Theo một đại diện phụ huynh học sinh, xô canh bữa trưa dành cho một lớp bán trú (tối thiểu 30 em) được nhà bếp báo là có 5 lạng (gram) thịt bò, nhưng thực tế chỉ được chừng 1 lạng.
Trường tiểu học Phước Long 1 (đường Bửu Đóa) thuộc trung tâm TP Nha Trang (Khánh Hòa) - Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN
Trường âm thầm khoán nấu suất ăn bán trú
Đại diện phụ huynh học sinh một số lớp đã cùng gởi đơn trực tiếp cho hiệu trưởng đề nghị kiểm tra, giải quyết trong nội bộ trường. Thế nhưng theo các phụ huynh, đơn ấy đã bị hội trưởng Hội phụ huynh trường chụp lại, đưa lên mạng Zalo đồng thời phê phán và dọa "tôi sẽ mời công an phường cùng làm việc, để các anh chị khỏi đơn từ làm ảnh hưởng tinh thần của các thầy cô".
Ngày 5-10, đại diện phụ huynh của 9 lớp đã cùng gởi thêm đơn kiến nghị đến ban giám hiệu trường, Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa, Phòng GD-ĐT TP Nha Trang và các cấp trên để đề nghị kiểm tra làm rõ nhiều vấn đề trong việc thu chi tiền bán trú và nhiều khoản tiền khác tại Trường tiểu học Phước Long 1.
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, bà Phan Thị Mỹ - bí thư Đảng ủy phường, chủ tịch HĐND phường Phước Long - cho biết ngay sau khi nhận được phản ảnh của phụ huynh, bà đã yêu cầu nhà trường tổ chức cuộc họp công khai với đại diện phụ huynh học sinh toàn bộ 30 lớp và giáo viên, bảo mẫu của trường để xem xét.
"Hiện nay, lãnh đạo phường đang chờ nhà trường báo cáo giải trình mọi vấn đề mà phụ huynh đã thắc mắc, phản ảnh để xem xét, xử lý" - bà Mỹ nói.
Suất ăn chính của học sinh bán trú Trường tiểu học Phước Long 1, TP Nha Trang - Ảnh: Phụ huynh học sinh cung cấp
Về bếp ăn bán trú của trường, theo phụ huynh, hiệu trưởng Trường tiểu học Phước Long 1 hiện nay là bà Đặng Thị Hoa đã trả lời là nhà trường không kiểm tra định lượng thực phẩm đầu vào. Vì việc nấu ăn bán trú của trường đã được khoán theo suất ăn cho bên phía nhà bếp đang nấu hiện nay. Mỗi suất ăn bán trú khoán nấu là 27.000 đồng.
Theo đại diện phụ huynh nhiều lớp, việc xã hội hóa khoán nấu ăn bán trú đã được thực hiện từ trước đây nhưng đại diện phụ huynh của 30 lớp không được biết, không được thảo luận gì về thay đổi đó. Còn bà Hoa chỉ mới về làm hiệu trưởng trường từ đầu năm học này.
Hiệu trưởng cũ của trường mới nghỉ hưu là bà Phan Thị Tiến Lợi. Bà Lợi cũng là hiệu trưởng của Trường tiểu học Tân Lập 1, TP Nha Trang, nơi bị phát hiện "ăn bớt" suất ăn của học sinh tiểu học" vào năm 2013 mà báo Tuổi Trẻ đã phản ánh.
13 đối tượng hưởng hết tiền thu "phục vụ bán trú"
Theo kế hoạch thu chi bán trú năm học 2020-2021 của Trường tiểu học Phước Long 1, riêng khoản tiền "phục vụ bán trú" mỗi tháng một học sinh phải nộp 105.000 đồng. Toàn bộ tiền này hằng tháng được chia hết cho 13 đối tượng. Cụ thể, hiệu trưởng và 30 bảo mẫu (được hưởng cao nhất, 2,2 triệu đồng); hiệu phó và kế toán (1,76 triệu); cán bộ thanh tra, Công đoàn, nhân viên y tế (880.000 đồng), tổng phụ trách Đội (660.000 đồng); 3 bảo vệ và 2 phục vụ (mỗi người 400.000 đồng); quản lý thu tiền, viết biên lai (1,8 triệu đồng) và công khiêng vạc giường (4 triệu đồng).
Theo phụ huynh học sinh, có nhiều khoản chi rất vô lý, khó chấp nhận được. Bởi có nhiều đối tượng được chia trong khoản tiền "phục vụ bán trú" thu của học sinh đó mà phụ huynh không hiểu là họ phục vụ gì cho học sinh bán trú?
Phải bầu lại ban chấp hành Hội cha mẹ học sinh, khắc phục nhiều phản ảnh
Gần 17h30 chiều 15-10, phóng viên Tuoitre Online đã gặp trực tiếp bà Đặng Thị Hoa - hiệu trưởng Trường tiểu học Phước Long 1.
Bà Hoa trao đổi sau khi có các phản ứng của phụ huynh, đến nay nhà trường đã cài đặt phần mềm quản lý chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh toàn trường. "Còn những vấn đề khác liên quan đến bữa ăn bán trú; việc thu các khoản tiền, trang bị vật chất... thì nhà trường đang thực hiện, giải quyết dần dần. Vì trường còn phải đảm bảo việc dạy học bình thường cho học sinh" - bà Hoa nói.
Còn về việc nấu ăn bán trú cho học sinh ở trường là thực hiện "khoán theo suất ăn". Việc khoán đó là thực hiện từ năm học trước, theo hợp đồng giữa nhà trường với bộ phận nấu ăn, khi bà Phan Thị Tiến Lợi còn làm hiệu trưởng. Do đó, việc có thay đổi khoán nấu suất ăn bán trú cho học sinh theo hợp đồng đó hay không sẽ được xem xét sau khi bầu lại ban chấp hành mới Hội cha mẹ học sinh trường vào tối 15-10 này.
Hiện tại, đại diện phụ huynh của tất cả các lớp của trường đang tập trung chuẩn bị họp để kiện toàn, bầu lại ban chấp hành mới Hội cha mẹ học sinh của trường, sau khi có phản ứng của phụ huynh về chất lượng bữa ăn bán trú của học sinh và nhiều vấn đề tài chính khác.
Quan tâm hỗ trợ học sinh bán trú có nhà xa trường học Cử tri tỉnh Tuyên Quang đề nghị quan tâm, xem xét điều chỉnh, bổ sung đối tượng thụ hưởng theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở thôn, xã đặc biệt khó khăn. Ảnh minh họa/INT Hiện nay, một số học sinh ở các thôn, bản không thuộc vùng đặc biệt...