BTV Thời sự Hoài Anh: ‘Tôi đã nghĩ đến trường hợp không được về nhà’
Hoài Anh chia sẻ do đặc thù công việc của người làm thời sự, cô luôn phải chuẩn bị sẵn tinh thần có thể phải cách ly tại cơ quan bất cứ lúc nào.
Trong những ngày dịch Covid-19 bùng phát, các biên tập viên của Ban Thời sự được phân chia công việc theo từng kíp và làm việc liên tục trong một tuần trước khi thay ca. BTV Hoài Anh chia sẻ việc chia kíp như vậy để giảm thiểu rủi ro lây nhiễm có thể xảy ra.
Chúng tôi chuẩn bị sẵn phương án phải cách ly
- Các biên tập viên truyền hình, nhất là BTV Thời sự ắt hẳn rất bận rộn trong những ngày qua. Chị có thể chia sẻ để khán giả hiểu hơn về công việc của mình và các đồng nghiệp trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát?
- Quả thật đây là giai đoạn mà những người làm Thời sự chúng tôi phải đối mặt với những thách thức chưa từng trải qua, vừa phải đảm bảo công việc sản xuất, đi lấy tin tức, thực hiện phóng sự, vừa đảm bảo tuân thủ các giải pháp phòng chống dịch của Chính phủ, và cũng phải giữ an toàn sức khoẻ cho bản thân và đồng nghiệp nữa.
Lãnh đạo Đài cũng như Ban Thời sự luôn quyết tâm với chủ trương: dù các công sở đóng thì VTV vẫn phải hoạt động, dù cả tòa nhà VTV có phải cách ly, thì tầng 4 Ban Thời sự vẫn phải hoạt động, và dù Ban thời sự có người bị nhiễm virus thì bản tin vẫn phải được đảm bảo lên sóng đầy đủ, cập nhật và trọn vẹn. Trước tình hình cấp bách và hoàn cảnh chưa từng có này, Lãnh đạo của chúng tôi đã có những chỉ đạo rất sát sao.
Vất vả nhất phải kể đến những anh chị em phóng viên, quay phim tác nghiệp tại hiện trường. Họ tiếp cận điểm nóng nhưng vẫn phải tuyệt đối an toàn, do đó, có những trường hợp ghi hình ở sân bay hay bệnh viện, toàn bộ ê-kíp mặc đồ bảo hộ theo đúng quy định phòng dịch. Máy móc thiết bị cũng được bao bọc, bảo vệ hết sức kỹ càng.
Khi thực hiện những phóng sự về ổ dịch lớn như Bệnh viện Bạch Mai, hay những khu cách ly, ê-kíp còn phải ở lại 14 ngày mới được trở về. Mọi hoạt động tác nghiệp được thực hiện tại hiện trường, tin bài hình ảnh được dựng bằng máy tính cầm tay của phóng viên và gửi về Đài để phát sóng.
Hoài Anh là một trong những BTV Thời sự được khán giả mến mộ. Ảnh: FBNV.
- Vậy còn lịch lên sóng của các biên tập viên dẫn chương trình như chị được phân chia như thế nào?
- Những biên tập viên – người dẫn như chúng tôi, cùng với đội ngũ đạo diễn, kỹ thuật, phát sóng, thư ký biên tập… là những người có nhiệm vụ bám trụ tại cơ quan để đảm bảo các bản tin được lên sóng hàng ngày.
Quy trình làm việc tại Đài cũng có những thay đổi lớn. Tất cả phải đeo khẩu trang khi làm việc, thường xuyên sát khuẩn tay, bàn phím máy tính, chuột… Các cuộc họp được chuyển thành trực tuyến. Chúng tôi được chia thành nhiều kíp, làm việc xuyên suốt trong nhiều ngày trước khi đổi sang kíp khác.
Mỗi kíp riêng biệt không gặp nhau để giảm thiểu rủi ro lây nhiễm, đồng thời cũng chuẩn bị sẵn tinh thần có thể phải cách ly bất cứ lúc nào. Kíp nào chưa đến lịch làm việc thì không được lên cơ quan. Ai không có tên sẽ không được vào cơ quan.
Những kịch bản giả định trường hợp xấu nhất cũng đã được đặt ra, đó là khi các người dẫn bị cách ly, hay toà nhà VTV bị phong toả. Những trường quay dự phòng, hoặc người dẫn lên hình tại nhà… là những phương án đã được tính đến.
Video đang HOT
- Đây có phải giai đoạn khác biệt nhất và cũng khó khăn nhất trong nhiều năm làm nghề của chị?
- Chắc chắn rồi. Khó khăn này không chỉ của riêng tôi, mà còn với tất cả đồng nghiệp tại Đài, cũng như nhiều ngành nghề khác nữa. Bản thân người dẫn chúng tôi cũng phải làm việc liên tục không nghỉ theo kíp cả tuần liền, khá mệt và căng thẳng.
Các đạo diễn, quay phim, kỹ thuật, thư ký, phát sóng… còn phải mang theo vali quần áo, đồ dùng cá nhân để ở lại cơ quan nhiều ngày liền. Chúng tôi được bố trí những căn phòng lớn, rộng rãi để ngủ, chăn nệm được phát đầy đủ, mỗi người nằm cách nhau 2 m. Chúng tôi gọi vui đó là “penthouse” của những người làm Thời sự.
Khoảnh khắc khi không lên sóng của BTV Hoài Anh và các đồng nghiệp. Ảnh: FBNV.
- Chắc hẳn trong chị cũng có ít nhiều nỗi lo lỡ một ngày mình cách ly, phải xa gia đình?
- Đúng vậy, có những lúc tôi có chút hoang mang, nghĩ đến trường hợp lỡ mình phải cách ly, lỡ một ngày đến cơ quan mà không được trở về nhà vì có lệnh phong toả VTV đột xuất… Tưởng tượng 14 ngày không được gặp con thì thế nào. Tôi gần như chưa bao giờ xa con lâu như thế! Nhà tôi lại không có ông bà hay giúp việc. Nếu chỉ có hai cha con loay hoay trong nửa tháng, quả thật tôi không thể yên tâm!
Tâm sự với mẹ, mẹ tôi nói “Dù có thế nào, đã là nhiệm vụ được phân công, con phải đảm nhận, như mọi công dân ở các vị trí khác đang thực hiện nhiệm vụ của mình trong thời dịch. Không những đảm nhận, còn phải hoàn thành tốt!”.
Mặt khác, tôi cũng hiểu rằng, những nỗi lo của tôi cũng là mối lo chung, khó khăn chung của nhiều người, đâu phải riêng tôi. Thế là tôi lại vững tâm sắp xếp một vali đồ thiết yếu để sẵn, bước vào những ngày làm việc liên tục tại cơ quan.
Chúng ta giãn cách về địa lý, nhưng gần nhau hơn nơi tấm lòng
- Điều gì khiến chị áp lực nhất khi đảm nhận công việc trong giai đoạn này?
- Có lẽ hơn bao giờ trách nhiệm bảo vệ sức khoẻ cho bản thân, cũng chính là bảo vệ sức khoẻ chung cho các đồng nghiệp là quan trọng nhất lúc này, bởi công việc của chúng tôi là công việc của tập thể. Chỉ cần một người nhiễm bệnh thì sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến toàn bộ máy. Giữ gìn sức khoẻ của mỗi người, chính là giữ vững an toàn sóng. Bằng mọi giá, an toàn sóng phải được đảm bảo.
Bên cạnh đó còn là áp lực làm sao chuyển tải kịp thời những thông tin chính xác nhất đến quý khán giả, đặc biệt trong bối cảnh có nhiều nguồn tin sai lệch về dịch bệnh khiến người dân hoang mang. Hơn bao giờ, thông tin rất có ý nghĩa với người dân lúc này. Thông tin đúng sẽ giúp việc tuyên truyền và chung tay đẩy lùi dịch bệnh đạt được hiệu quả cao nhất, người dân cũng sẽ biết tự bảo vệ sức khoẻ của mình và gia đình đúng cách hơn.
- Với áp lực như vậy, chị đầu tư thời gian và công sức như thế nào cho mỗi chương trình trước giờ lên sóng trực tiếp?
- Mỗi ngày, Ban Thời sự có rất nhiều cuộc họp để chọn đề tài, tổ chức sản xuất, chọn tin bài cho các bản tin trong một ngày hôm đó, lên kế hoạch sản xuất cho ngày hôm sau.
Một ngày, chúng tôi có hơn chục bản tin phát trực tiếp, và rất nhiều chuyên mục liên tục từ sáng sớm đến khuya, nên lượng tin bài rất lớn, cần phải xử lý nhanh chóng để kịp thời gian phát sóng, nhưng cũng phải thật kỹ lưỡng từng câu từ để đảm bảo tính chính xác.
Với các biên tập viên dẫn chương trình, ngoài các cuộc họp liên quan đến các bản tin mình dẫn, trước khi lên sóng trực tiếp, chúng tôi dành nhiều thời gian để biên tập nội dung, kịch bản, viết lời dẫn, viết headlines, kết nối tin bài, kiểm tra lại các thông tin nguồn để đảm bảo tính chính xác một lần nữa.
Và không chỉ là tính chính xác, cách đưa tin cũng phải cân nhắc để đảm bảo đúng tinh thần, không gây hoang mang dư luận, nhưng cũng không khiến người dân chủ quan về dịch bệnh.
- Những ngày qua, nhiều hình ảnh đẹp về đội ngũ y bác sĩ, các chiến sĩ biên phòng nơi tuyến đầu, những tấm gương tốt được chia sẻ, lan tỏa… Câu chuyện nào khiến chị xúc động?
- Mỗi sự đóng góp hy sinh đều thật cao đẹp, và để lại trong tôi nhiều xúc động, khó có thể so sánh câu chuyện nào xúc động hơn. Câu chuyện về những bác sĩ bị nhiễm bệnh ngay trên trận tuyến cứu chữa bệnh nhân của mình…
Câu chuyện về các chiến sĩ biên phòng nằm rừng, ngủ lán. Có những đêm mưa gió thổi thốc cả bạt, nước mưa dột vào tận chỗ nằm, các anh ngồi cả đêm không ngủ… nhưng ai cũng kiên quyết trụ vững nơi đơn vị dù đã nhiều tháng không về nhà. Có chiến sĩ biên phòng còn không thể về chịu tang cha, nén đau thương tiếp tục ở lại làm nhiệm vụ.
Hoài Anh và các BTV thời sự làm việc trong mùa dịch.
Và chẳng phải ở đâu xa, những câu chuyện đẹp có thể tìm thấy ở ngay chính những đồng nghiệp chúng tôi. Họ là những người đã đích thân có mặt tại những vùng tâm dịch, các chốt biên phòng… để ghi lại những hình ảnh chân thực nhất về những ngày cả nước đương đầu với dịch Covid 19.
Họ cũng từng phải nhận những cái nhìn ái ngại và giữ khoảng cách của người khác khi biết họ vừa tác nghiệp trở về từ vùng dịch. Họ cũng đã luôn hiểu rằng nguy cơ lây nhiễm là rất cao khi đứng chung hàng ngũ nơi tuyến đầu để ghi lại những hình ảnh ngay tại các phòng cách ly, phòng cấp cứu; những chuyến bay đón công dân Việt Nam từ nước ngoài trở về…
Và không chỉ nơi tuyến đầu, rất nhiều con người ở tuyến sau cũng đang không ngừng lao động sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp, rủi ro lây nhiễm có thể xảy ra. Những sự quyên góp, giúp đỡ nhau trong cộng đồng, những cây ATM gạo, những chủ nhà miễn giảm tiền thuê nhà cho những lao động xa quê.
Bản thân tôi cũng đã tham gia một số hoạt động kêu gọi và ủng hộ cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Tôi nghĩ mỗi người đều có những cách riêng để tự viết nên những câu chuyện đẹp của chính mình trong những ngày lịch sử không thể quên này.
Dịch bệnh đã khiến chúng ta giãn cách về địa lý, nhưng gần nhau hơn nơi tấm lòng.
Tôi thấy mình may mắn khi trong những ngày này vẫn được làm công việc của mình, kết nối, đưa những thông tin quan trọng đến với người dân, để người dân có thể chủ động trong việc ứng phó với dịch bệnh; thông tin về sự đóng góp chung tay của toàn xã hội, những câu chuyện đẹp, những cống hiến quên mình… Những câu chuyện khiến tôi thấy thêm tự hào về đất nước, tự hào được làm việc tại VTV và chung tay cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh.
Dịch bệnh rồi cũng sẽ qua đi, mọi thứ sẽ dần ổn định trở lại, và quãng thời gian này sẽ là không thể quên. Đó là những tháng ngày không ai bị bỏ lại phía sau, những tháng ngày mà ai cũng biết vì người khác. Những điều tốt đẹp này tôi tin rằng sẽ còn ở lại sau khi cơn khủng hoảng đi qua, để mỗi chúng ta sống ý nghĩa hơn trong chặng đường sắp tới.
Hiền Hà
Những BTV biểu tượng một thời của VTV
NSƯT Kim Tiến, Lại Văn Sâm, Tạ Bích Loan... đều là những biên tập viên (BTV) biểu tượng ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả VTV.
NSƯT Kim Tiến (SN 1948) là một trong những phát thanh viên đầu tiên của ban Thời sự Đài Truyền hình Việt Nam. Bà thuộc thế hệ biên tập viên, người dẫn chương trình truyền hình đầu tiên kể từ khi VTV lên sóng. Bên cạnh đó, NSƯT Kim Tiến còn làm thuyết minh cho phim truyền hình như "Tây Du Ký" bản 1986... Sau hơn 20 năm gắn bó, BTV Kim Tiến thôi làm phát thanh viên bản tin Thời sự từ tháng 5/2001 và chuyển sang làm việc tại chương trình Hộp thư Truyền hình trên VTV1. Đến năm 2002, NSƯT Kim Tiến chính thức nghỉ hưu nhưng vẫn thường xuyên nhận được lời mời cộng tác của nhà đài. Ngoài ra, bà còn tự mở lớp và trở thành giảng viên dạy phát thanh, biên tập viên cho các bạn trẻ.
Lại Văn Sâm sinh ngày 10/6/1957 tại Phú Thọ. Ông bắt đầu làm việc tại VTV vào cuối năm 1987. Kể từ đó, ông dẫn dắt nhiều gameshow ăn khách như SV 96, SV 2000, Trò chơi thi đấu liên tỉnh, Đấu trí, Đấu trường 100, Chiếc nón kỳ diệu, Hãy chọn giá đúng, Chúng tôi là chiến sĩ, Ai là triệu phú... Năm 2017, nhà báo Lại Văn Sâm về hưu, rời vị trí Trưởng ban Sản xuất các chương trình giải trí (VTV3). Dù vậy, nhà báo 62 tuổi vẫn không dừng lại niềm đam mê với các chương trình truyền hình khi tiếp tục giam gia Mặt trời bé con, Ký ức vui vẻ, Cơ hội cho ai?, Siêu trí tuệ Việt Nam...
Nhà báo Tạ Bích Loan sinh năm 1968 tại Hưng Yên. Chị là người tham gia biên tập và dẫn các chương trình như Bảy sắc cầu vồng, Đường lên đỉnh Olympia, Người đương thời, Khởi nghiệp... đã và đang phát trên sóng VTV3. Tạ Bích Loan có học vị Tiến sĩ báo chí và từng được tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn là một trong 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất tại Việt Nam. Sau khi nhà báo Lại Văn Sâm về hưu từ năm 2017, Tạ Bích Loan trở thành Trưởng ban VTV3.
Đặng Diễm Quỳnh sinh năm 1972 tại Hà Nội. Cô bắt đầu làm việc tại VTV vào năm 1997. Cô được yêu mến qua các chương trình truyền hình như Trò chơi âm nhạc, Tạp chí MTV, Quán thanh xuân, chương trình trực tiếp trên VTV... Bên cạnh đó, cô còn làm giám khảo cho cuộc thi Cầu vồng, Vietnam Idol. Năm 2006, cô giữ cương vị Phó trưởng ban Thanh thiếu niên đài truyền hình VTV6. Năm 2017, Diễm Quỳnh được bổ nhiệm làm trưởng ban VTV6 thay Tạ Bích Loan.
BTV Quang Minh sinh năm 1976. Anh được biết đến nhiều nhất với vai trò là biên tập viên chương trình Thời sự 19h của VTV từ những năm 2000 đến năm 2015. Năm 2008, anh được bình chọn là "Người dẫn chương trình truyền hình yêu thích nhất" do Tạp chí Truyền hình Việt Nam tổ chức. Anh cũng từng được đề cử giải Biên tập viên lên hình ấn tượng của VTV Awards năm 2014. Hiện tại, BTV Quang Minh chuyển sang làm Giám đốc VTV24, ít trực tiếp lên sóng.
Vân Anh (SN 1975) và Hoài Anh (SN 1980) là hai BTV quen thuộc và nhận được nhiều tình cảm từ người xem đài qua chương trình Thời sự 19h. Bộ đôi để lại dấu ấn trong những lần lên sóng bởi trang phục áo dài nền nã, gương mặt xinh đẹp, nghiêm túc và giọng dẫn cuốn hút. Trong đó, việc Hoài Anh dẫn chương trình "Thời sự" được coi là một bước đi đột phá của VTV, vì trước đó đài chỉ dùng các BTV có giọng Hà Nội chuẩn để dẫn. Trong bình chọn "Người dẫn chương trình truyền hình yêu thích nhất" năm 2008 do Tạp chí Truyền hình Việt Nam tổ chức, Vân Anh và Hoài Anh đều giành được số phiếu nhiều thứ nhì, chỉ sau BTV Quang Minh. Hiện tại, Vân Anh đã rời khỏi VTV.
Theo Tiền phong
Sao Việt đón sinh nhật "độc lạ" giữa mùa Covid-19 Trong khi Á hậu Hoàng Thùy được tặng cà rốt, dầu ăn như để đi cách ly; Diva Hồng Nhung đón tuổi 50 với khách mời duy nhất là... cặp song sinh thì NTK Đỗ Mạnh Cường thuê resort mừng sinh nhật con trai. Do sinh nhật rơi vào đúng thời điểm dịch Covid-19 hoành hành, bị hạn chế tụ tập đông người...