Brazil quyết trở thành cường quốc dầu mỏ hàng đầu thế giới
Công ty dầu khí nhà nước Brazil, Petrobras, tuyên bố sẽ đầu tư 102 tỷ USD trước cuối năm 2028 trong nỗ lực đưa quốc gia lớn nhất Mỹ Latinh vươn lên thành một cường quốc dầu mỏ hàng đầu thế giới.
Petrobras – mũi nhọn cho tham vọng vươn tầm
Trong khi các nền kinh tế lớn trên thế giới đầu tư mạnh vào năng lượng sạch, loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, Brazil lại đang chi nhiều tiền hơn bao giờ hết cho sản xuất dầu. Quốc gia Nam Mỹ này là nước sản xuất dầu lớn thứ 9 trên thế giới và lớn nhất Mỹ Latinh vào năm ngoái, với sản lượng trung bình 3 triệu thùng/ngày, tăng 4% so với năm 2021.
Giám đốc điều hành Petrobas, Jean Paul Prates, cho biết công ty sẽ đầu tư 102 tỷ USD cho việc khai thác dầu từ nay đến năm 2028. Ảnh: Reuters
Nhưng như vậy vẫn chưa đúng với kỳ vọng. Chính phủ Brazil đặt mục tiêu “thăng hạng” lên vị trí nhà sản xuất dầu lớn thứ tư toàn cầu vào năm 2030 bằng cách nâng sản lượng bình quân lên khoảng 5,4 triệu thùng/ngày, vượt qua các nước như Iran, Canada hay Kuwait. Và, Petrobras, tập đoàn dầu khí quốc gia Brazil, là mũi nhọn cho kế hoạch đầy tham vọng ấy.
Theo Wall Street Journal, hội đồng quản trị Petrobas mới đây đã công bố kế hoạch chiến lược cho giai đoạn 2024-2028 mà trong đó trọng tâm là kế hoạch đầu tư 102 tỷ USD cho việc mở rộng khai thác. “Ai đó phải sản xuất dầu, phải không?” – Giám đốc điều hành Petrobas, ông Jean Paul Prates, tuyên bố như vậy khi giới thiệu về chiến lược mới của công ty. “Chúng tôi đã đi đến kết luận rằng việc thế giới cần năng lượng sạch và ngày càng cần nhiều năng lượng hơn không có nghĩa là chúng ta nên lên án dầu mỏ và ngừng bơm dầu qua đêm”.
Kế hoạch đầu tư giai đoạn 2024-2028 của Petrobras như vậy sẽ cao hơn 31% so với mức 78 tỷ USD mà doanh nghiệp dầu khí lớn nhất Mỹ Latinh công bố trong kế hoạch 5 năm trước đó, cho giai đoạn 2023-2027. Và, trong 102 tỷ USD dự kiến chi ra, khoảng 70% sẽ được dành cho hoạt động sản xuất và thăm dò.
Những mỏ “tiền muối” (dầu nằm sâu dưới lớp đá muối) ngoài khơi Đại Tây Dương có thể đem lại cho Brazil tới 11,5 tỷ thùng dầu. Ảnh: ReseachGate
Petrobras cuối tuần qua cũng cho biết sản lượng dầu thô của họ trong quý 3 đã tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tập đoàn này đã khai thác 2,32 triệu thùng dầu thô mỗi ngày trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9. Nếu tính gộp cả sản lượng khí đốt tự nhiên, gã khổng lồ dầu mỏ Brazil sản xuất trung bình hàng ngày 2,877 triệu thùng dầu tương đương, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo các lãnh đạo Petrobras, đà tăng trưởng này sẽ còn tiếp tục. Joelson Falcao Mendes, giám đốc thăm dò và sản xuất của tập đoàn, tuyên bố: “Năm nay chúng tôi sẽ vượt mục tiêu (và) vượt qua những gì chúng tôi dự đoán. Chúng tôi có sản lượng đáng kể và ngày càng tăng trong những năm tới”.
Video đang HOT
Điểm tựa “tiền muối”
Theo đánh giá của tạp chí Financial Times, điểm tựa cho tham vọng mở rộng sản xuất của Petrobas chính là một dải thềm lục địa giàu hydrocarbon ngoài khơi bờ biển phía đông nam của đất nước.
Vùng đất rộng lớn này được gọi là khu vực “tiền muối” (pre-salt) vì trữ lượng dầu thô ở đây – con số cuối cùng đã được kiểm chứng là 11,5 tỷ thùng – nằm dưới lớp đá muối natri clorua dày và sâu dưới đáy đại dương. Đây là nơi có phát hiện dầu mỏ được coi là quan trọng nhất ở Tây bán cầu trong vòng 3 thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21.
Tổng thống Brazil, Luiz Inacio Lula da Silva đang theo đuổi chính sách bảo vệ môi trường, chống lại nạn phá rừng và bảo vệ hệ sinh thái Amazon. Ảnh: Reuters
Được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2006 và chủ yếu nằm ở Lưu vực Santos, các mỏ “tiền muối” đặt ra những thách thức kỹ thuật rất lớn. Những mỏ dầu này nằm ở độ sâu lên tới 7 km dưới mặt nước Đại Tây Dương, bao gồm các lớp đá và 2.000 mét muối phải khoan xuyên qua, nên việc tổ chức khai thác đòi hỏi một lượng vốn khổng lồ và một trình độ kỹ thuật cao.
“Từng có những nghi ngờ về việc liệu chúng tôi có thể mở rộng khai thác được hay không”, José Ferreira Junior, một nhà quản lý tại giàn khoan ngoài khơi của Petronas cho biết. “Nhưng sự kỳ vọng đã được đền đáp và những mỏ này sẽ giúp chúng tôi bước sang một trang mới, đưa Brazil lên tầm thế giới với tư cách là một nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu”.
Hiện tại, Petrobras đang vận hành hơn 30 giàn khoan nổi ở khu vực này để khai thác dầu “tiền muối” và khoảng hơn 60% sản lượng trong số hơn 3 triệu thùng dầu thô mỗi ngày của Brazil được hút lên từ đây. Nhờ các mỏ “tiền muối” và việc giá dầu thế giới tăng cao, Petrobas đã đạt được lợi nhuận kỷ lục là 39 tỷ USD trong năm tài chính vừa qua.
Một tàu giàn khoan của Petronas đang khai thác ngày đêm tại mỏ dầu “tiền muối” ở Lưu vực Santos (Brazil). Ảnh: Offshore Enegy
Để tăng cường khai thác hơn nữa, Petrobas có kế hoạch triển khai 11 giàn khoan khác ở khu vực “tiền muối” vào năm 2027. Bên cạnh đó, tập đoàn này cũng đang để mắt đến những trữ lượng mới khổng lồ gần cửa sông Amazon, dọc theo bờ biển bang Amapa. Đây là một phần của khu vực rìa xích đạo tại Brazil, khu vực mà Petrobras coi là biên giới mới đầy hứa hẹn nhất cho hoạt động thăm dò dầu khí.
Dù Petrobas chưa được cơ quan bảo vệ môi trường bang Ibama “bật đèn xanh” cho hoạt động khai thác, nhưng giám đốc điều hành Jean Paul Prates tuyên bố ông hy vọng công ty có thể bắt đầu khoan dầu tại Amapa vào nửa đầu năm 2024.
Thách thức về môi trường
Theo Pedro Galdi, nhà phân tích đầu tư tại công ty môi giới Mirae Asset Brasil, vấn đề với Petrobras bây giờ không phải là dòng tiền hay năng lực kỹ thuật mà là các yếu tố chính trị và những thách thức về môi trường.
Các nhà hoạt động môi trường tại Brazil lo ngại rằng tham vọng của Petrobras sẽ mâu thuẫn với mục tiêu bảo vệ sinh thái và phát triển bền vững của Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva. Khi nhậm chức vào tháng 1 năm nay, nhà lãnh đạo 78 tuổi của Brazil đã cam kết tăng cường bảo vệ môi trường, chống nạn phá rừng và nhanh chóng thực thi các chính sách này, một sự thay đổi đáng kể so với người tiền nhiệm cánh hữu Jair Bolsonaro.
Những mỏ dầu ở cửa sông Amazon và khu vực rìa xích đạo mà Petrobas đang nhắm đến. Ảnh: TeleSUR
Theo dữ liệu vệ tinh của chính phủ Brazil, trong 6 tháng đầu tiên ông Lula da Silva nhậm chức Tổng thống, nạn phá rừng tại nước này đã giảm 33,6%. João Paulo Capobianco, thư ký điều hành Bộ Môi trường Brazil mới đây cũng tự hào đánh giá thành tích kể trên: “Nỗ lực bảo vệ rừng đã gặt hái thành công. Đó là sự thật. Chúng tôi đã đảo ngược đường cong khi nạn phá rừng không gia tăng”.
Nhưng việc Petrobras hiện muốn khoan dầu gần cửa sông Amazon lại đang tạo ra những thách thức cho chính sách bảo vệ môi trường của chính phủ. Vùng rìa Xích đạo của Brazil có giá trị sinh thái lớn vì tính đa dạng sinh học và kề với rừng nhiệt đới Amazon. Bất cứ hoạt động khai thác tài nguyên nào tại đây cũng đều tạo ra những tác động tiêu cực với hệ sinh thái vô cùng quý giá này.
Vì thế, song hành với chiến lược mở rộng khai thác các mỏ dầu, Petrobras cũng đã cam kết chi nhiều hơn cho các dự án năng lượng xanh, bơm quỹ dầu mỏ của mình vào các giải pháp năng lượng thay thế sạch hơn. Trong tháng này, Petrobas đã ký một biên bản ghi nhớ với công ty European Energy của Đan Mạch để khám phá tiềm năng phát triển một nhà máy metanol điện tử ở Brazil.
E-metanol là nhiên liệu có hàm lượng carbon thấp được sản xuất bằng cách kết hợp hydro xanh và carbon dioxide thu được. Nhiên liệu này có thể được sử dụng để cung cấp nhiên liệu cho các hoạt động công nghiệp trong những ngành khó giảm bớt nhu cầu về xăng dầu, khiến nó trở nên rất hấp dẫn trong quá trình chuyển dịch khỏi dầu khí.
Động thái hợp tác kể trên là sự tiếp nối một số thỏa thuận với các công ty năng lượng tái tạo trong những tháng gần đây khi Petrobras cố gắng thực hiện tốt cam kết thoái vốn tài chính ngoài nhiên liệu hóa thạch. Vào tháng 9, tập đoàn này cũng đã ký Biên bản ghi nhớ với TotalEnergies và Casa dos Ventos Holding để đánh giá các quan điểm và cơ hội chung trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và hydro carbon thấp ở Brazil.
Nỗ lực mở rộng sản xuất dầu của Petrobras phụ thuộc nhiều vào việc liệu chính phủ Brazil có cho phép họ tiến hành khoan thêm hay không. Do đó, để đạt được mục tiêu, Petrobas sẽ phải trả giá bằng những cam kết bảo tồn sinh thái. Theo Reuters, tập đoàn dầu khí số một Mỹ Lantinh này hiện cũng đã có kế hoạch chi 11,5 tỷ USD cho các dự án giúp giảm lượng khí thải carbon, tinh chế sinh học, thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS) và hydro.
Nhưng theo giám đốc điều hành Petrobas, Jean Paul Prates, tất cả các dự án kể trên đều chỉ có thể vận hành nếu tập đoàn này được phép mở rộng sản xuất. Bởi không có lợi nhuận từ dầu mỏ, Petrobras sẽ không thể đầu tư vào năng lượng tái tạo. “Chuyển đổi xanh là một quá trình vận động liên tục, không thể diễn ra trong một sớm một chiều”, ông Prates nhấn mạnh. “Các mặt hàng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên sẽ tiếp tục là động lực chính tạo ra giá trị, giúp tăng khả năng phục hồi về kinh tế và môi trường và tài trợ cho quá trình chuyển đổi công bằng”.
Giữa bão trừng phạt, kinh tế Nga sắp tăng trưởng nhanh gấp 3 châu Âu
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga được dự báo tăng 1,5% trong năm 2024, gấp 3 lần khu vực đồng tiền chung euro, chỉ dấu cho thấy các lệnh trừng phạt của phương Tây kém hiệu quả.
Hãng tin Anh Telegraph ngày 24/11 trích dẫn báo cáo của Amundi, nhà quản lý quỹ lớn nhất châu Âu tính theo quy mô tài sản, dự báo GDP của Nga sẽ tăng trưởng 1,5% trong năm 2024, trong khi khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) chỉ đạt mức tăng trưởng khoảng 0,5%.
Khu vực cao ốc thương mại ở Moscow nhìn từ khu vực Điện Kremlin. Ảnh: GettyImages
Sang năm 2025, Amundi đánh giá Nga đạt mức tăng trưởng GDP 2%, còn Eurozone có thể đạt mức 1,2%. "Điều đó có nghĩa là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Australia - những nước phát triển lớn - không thể trừng phạt hiệu quả một quốc gia", ông Vincent Mortier, đại diện Amundi, nói.
Theo đại diện nhà quản lý quỹ lớn nhất châu Âu, lệnh trừng phạt có tác động phần nào đối với những số cá nhân và tổ chức của Nga bị phong tỏa tài sản, nhưng hoạt động xuất nhập khẩu của Nga cơ bản không bị ảnh hưởng.
Do không thể tiếp cận các thị trường phương Tây vì "bão" trừng phạt, Nga đã điều hướng thành công phần lớn dòng chảy thương mại sang các đối tác thuộc nhóm BRICS (Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) và các nước như Thổ Nhĩ Kỳ hay Kazakhstan, ông Mortier nêu quan điểm.
Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Mỹ và các quốc gia đồng minh phương Tây ban bố hàng loạt lệnh trừng phạt nhắm vào Moscow, động thái được Washington mô tả là để cắt nguồn ngân sách và loại bỏ Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.
Tuy nhiên, trong năm 2022, GDP của Nga chỉ suy giảm 2,1%, thấp hơn kì vọng của phương Tây. Năm 2023, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán kinh tế Nga trở lại đà tăng với mức tăng trưởng dương nhờ giá năng lượng cao và việc Nga đã đa dạng hóa được các đối tác thương mại.
"Ngân hàng Trung ương Nga và các nhà hoạch định chính sách của Nga đã ngăn chặn được cơn hoảng loạn ngân hàng cũng như các khủng hoảng tài chính", nhà kinh tế trưởng Pierre-Olivier Gourinchas của IMF hồi năm ngoái đánh giá.
Tháng 8/2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nước này đã lọt top 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới, viện dẫn dữ liệu của World Bank xếp hạng các nền kinh tế dựa trên GDP tính theo sức mua tương đương (PPP). Các nước xếp trên Nga trong danh sách này là Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản.
Pakistan nộp đơn xin gia nhập BRICS vào năm 2024 Đại sứ Pakistan ở Nga cho biết, Pakistan đã nộp đơn xin gia nhập nhóm Các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) vào năm 2024. Chia sẻ với hãng thông tấn Tass, Đại sứ Pakistan ở Nga Muhammad Khalid Jamali xác nhận Pakistan hy vọng sẽ trở thành thành viên của BRICS vào năm 2024, thời điểm Nga giữ...