Brazil: Nỗ lực dập tắt cháy rừng ở vùng đầm lầy Pantanal
Ngày 10/7, Bộ trưởng Môi trường và Biến đổi khí hậu Brazil, bà Marina Silva cho biết nước này đã đạt được tiến bộ trong nỗ lực dập tắt các đám cháy rừng ở khu vực Pantanal – một trong những vùng đầm lầy nhiệt đới lớn nhất thế giới, khi đã xử lý được 30 trong số 54 đám cháy tại đây.
Khói lửa bốc lên từ đám cháy rừng ở bang Mato Grosso do Sul, Brazil ngày 12/6/2024. Ảnh: Reuters/TTXVN
Phát biểu sau cuộc họp về giải quyết tình trạng cháy rừng và hạn hán tại Brazil, Bộ trưởng Silva cho biết hiện vẫn còn 24 đám cháy, trong đó 13 đám cháy đã nằm trong tầm kiểm soát của lực lượng chữa cháy. Ngoài ra, có 3 đám cháy mới bùng phát và lực lượng cứu hỏa đang triển khai kế hoạch xử lý.
Khoảng 830 nhân viên chính phủ liên bang cùng sự hỗ trợ của 15 máy bay, 15 tàu thủy và 3 căn cứ quân sự đang nỗ lực dập tắt các đám cháy ở Pantanal, vùng đầm lầy thuộc cả bang Mato Grosso và bang Mato Grosso do Sul của Brazil. Hiện cảnh sát liên bang đang điều tra nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy này.
Theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu không gian quốc gia (INPE) Brazil, trong 6 tháng đầu năm nay, vùng đầm lầy nhiệt đới Pantanal đã ghi nhận số vụ cháy rừng kỷ lục.
Tại Pantanal, nơi sinh sống của hàng triệu con cá sấu caiman, vẹt, rái cá lớn và là nơi có mật độ báo đốm cao nhất thế giới, đã xảy ra 3.538 vụ cháy rừng trong nửa đầu năm nay, tăng hơn 2.000% so với cùng kỳ năm ngoái. Giới chuyên gia cho rằng tình hình này rất đáng quan ngại vì đỉnh điểm mùa cháy rừng thường diễn ra vào nửa cuối năm, đặc biệt là tháng 9 hằng năm khi thời tiết khô nhất.
Cháy rừng vượt tầm kiểm soát tại Hy Lạp
Ngày 30/6, một đám cháy rừng lớn do gió mạnh đã vượt tầm kiểm soát của các lực lượng cứu hỏa trên đảo Serifos của Hy Lạp, do đó nhà chức trách yêu cầu nhiều khu dân cư sơ tán.
Một quan chức đội cứu hỏa cho biết lực lượng này cùng 4 xe chữa cháy đã nỗ lực dập lửa. Dù lửa bốc lên ở thảm thực vật thấp nhưng lan nhanh do gió lớn và nhiều khả năng sẽ bùng lên mạnh hơn nữa vào ban đêm.
Trong một tuyên bố trên truyền hình, Bộ trưởng Bộ Bảo vệ dân sự Vassilis Kikilias cho biết lực lượng cứu hỏa sẽ phải làm việc suốt đêm để khống chế "giặc lửa".
Trong điều kiện nắng nóng, gió lớn tại nhiều khu vực trên cả nước, chỉ riêng ngày 29/6 đã xảy ra khoảng 50 đám cháy rừng. Chính quyền sở tại khuyến cáo người dân tránh xa các khu vực rừng.
Các quan chức cho biết đám cháy rừng ở khu vực ngoại ô thủ đô Athens đã dịu bớt trong ngày 29/6, nhưng hiện vẫn có tới 160 lính cứu hỏa đang nỗ lực dập lửa. Trong khi đó, gió giật với vận tốc hơn 62m/h đã cản trở nỗ lực khống chế đám cháy trên núi Parnitha, cách Athens khoảng 20 km về phía Bắc, đe dọa lan sang khu bảo tồn thiên nhiên.
Các nhà khí tượng học dự báo các đợt gió mạnh sẽ chưa suy giảm trong ngày 30/6.
Cháy rừng thường xuyên xảy ra tại Hy Lạp. Tuy nhiên các vụ cháy đã trở nên tàn khốc hơn trong những năm gần đây khi mùa Hè khô hơn, nóng hơn và nhiều gió hơn do các tác động của biến đổi khí hậu. Một phần lớn khu bảo tồn thiên nhiên Núi Parnitha, nơi có nhiều cây thông và cây linh sam, đã bị thiêu rụi trong một trận hỏa hoạn lớn vào năm 2007.
Nguy cơ khí hậu và hệ sinh thái từ cháy rừng tại Bắc Cực Các đám cháy rừng hoành hành ở khu vực Vòng Bắc Cực, chủ yếu tại Nga, đã thải ra lượng khí thải carbon trong một tháng 6 cao thứ ba trong hai thập kỷ qua. Bầu không khí mù mịt do cháy rừng tại Tây Kelowna, Canada ngày 21/8/2023. Ảnh: AFP/TTXVN Cơ quan Giám sát khí quyển Copernicus (CAMS) của Liên minh châu...