BOT An Sương – An Lạc: IDICO cần minh bạch thông tin nhiều hơn nữa
Những ngày qua, BOT An Sương – An Lạc tiếp tục bị tài xế phản đối, vẫn các lý do như “thu phí lố” hay “không đi phải trả tiền”. Phóng viên trao đổi với lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM, nhân viên IDICO tại trạm BOT,… nhưng vẫn chưa được giải đáp đủ thắc mắc về pháp lý dự án cũng như cơ sở để đặt tới 6 trạm thu và thu phí cả phương tiện không sử dụng trực tiếp dịch vụ (!?).
Nâng cấp quốc lộ và xây cầu vượt là cần thiết
Trước hết, phải khẳng định dự cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn An Sương – An Lạc và dự án xây 04 cầu vượt trên tuyến là phù hợp với thực tế khách quan.
Theo Sở GTVT TP.HCM, từ 2005, tuyến Quốc lộ 1 đoạn An Sương – An Lạc (quận Bình Tân) mọc lên nhiều khu dân cư, khu công nghiệp, các điểm giao cắt trên tuyến thành điểm nóng về kẹt xe, tai nạn giao thông. Như vậy, việc cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 và xây các cầu vượt sẽ góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.
Về việc giao IDICO làm 04 cầu vượt không qua đấu thầu, theo Sở GTVT, là trên cơ sở chủ trương được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh hợp đồng BOT đã có trước đó.
Thêm nữa, nếu tổ chức đấu thầu thì sẽ phải thêm trạm thu phí để nhà đầu tư mới thu hồi vốn phần cầu vượt; việc bóc tách từ quản lý, khai thác đến tài chính cho các nhà đầu tư riêng lẻ sẽ phức tạp;…
IDICO đầu tư BOT An Sương – An Lạc phần lớn bằng tiền đi vay, tổng thời gian thu phí kéo dài tới 28 năm.
Về vị trí đặt trạm chính và 05 trạm thu phụ, là do Bộ GTVT đã phê duyệt từ 2005.
Như thông báo của IDICO chúng tôi vừa nhận được, dự án BOT đầu tư Quốc lộ 1 đoạn An Sương – An Lạc được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận vào 25/4/2000 và điều chỉnh, bổ sung bởi Bộ GTVT vào 24/11/2003, trong đó dự án cải tạo nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1 đoạn An Sương – An Lạc có tổng mức đầu tư 831.639.000.000 đồng, đưa vào sử dụng 31/12/2004, thu phí tới 31/1/2017.
Cũng theo thông báo trên, IDICO được Thủ tướng và cơ quan nhà nước cho phép đầu tư bổ sung các hạng mục: Cầu vượt nút giao Tỉnh lộ 10 và 10B (tổng mức đầu tư 704.584.000.000 đồng, hoàn thành vào 30/8/2013); Cầu vượt nút giao Hương lộ 2 (tổng mức đầu tư 407.039.000.000 đồng, hoàn thành vào 31/12/2014); Cầu vượt nút giao Lê Trọng Tấn (tổng mức đầu tư 511.543.000.000 đồng, hoàn thành vào 17/5/2017).
IDICO đã đầu tư tổng cộng 1.623.166.000 đồng (4 cầu vượt – PV) để được kéo dài thời gian thu phí hoàn vốn thêm 16 năm, từ 1/2/2017 đến 31/1/2033.
Bộ GTVT sai sót, IDICO yếu kém về tài chính từ ban đầu
Như Báo Nhà báo & Công luận đã thông tin, ngày 6/6/2017, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã ban hành kết luận 1423/KL-TTCP, ghi rõ: Dự án BOT cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn An Sương – An Lạc được Bộ GTVT giao IDICO làm nhà đầu tư; tổng mức đầu tư hơn 831,6 tỷ đồng, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu, 70% vốn vay; thời gian thu phí hoàn vốn là 114 tháng;…
Khung cảnh hỗn loạn trước BOT An Sương – An Lạc vào buổi tối.
TTCP cho biết, việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án khả thi của Bộ GTVT chưa đầy đủ, thiếu chính xác, trong đó phê duyệt tăng sai tổng mức đầu tư (chi phí dự phòng) gần 17,7 tỷ đồng.
Ngày 27/11/2003, Bộ GTVT và nhà đầu tư ký hợp đồng BOT thay thế hợp đồng BOT năm 2000 với thời gian thu phí là 145 tháng (tăng 31 tháng). TTCP cho rằng, nhà đầu tư trong năm 2005 đã được hoàn thuế VAT gần 8,9 tỷ đồng và năm 2006 là hơn 10,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, hai bên thống nhất tính toán phương án hoàn vốn bao gồm cả thuế VAT hơn 19,5 tỷ đồng vào tổng vốn đầu tư dự án, dẫn đến kéo dài thời gian thu phí hoàn vốn không đúng quy định.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, dự án hoàn thành và đưa vào thu phí hoàn vốn từ 2/1/2005, tổng mức đầu tư được phê duyệt là hơn 755 tỷ đồng, giảm so với dự kiến là hơn 831,6 tỷ đồng; tỷ lệ chi phí hoạt động doanh thu, chi phí thuế VAT thay đổi nhưng UBND TP.HCM và nhà đầu tư không tổ chức đàm phán lại theo quy định tại Điều 8 của Hợp đồng BOT…
Như vậy, từ kết luận của TTCP, cần phải minh bạch: IDICO đã đầu tư 831,6 tỷ đồng hay 755 tỷ đồng cho dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn An Sương – An Lạc? IDICO chỉ thu 755 tỷ đồng hay đã thu 831,6 tỷ đồng để hoàn vốn? Nếu IDICO “thu lố” hơn 76.6 tỉ đồng hoàn vốn trong 12 năm qua, số tiền “thu lố” sẽ trả lại cho ngân sách hay chủ phương tiện đã đóng phí?
Đáng chú ý, theo TTCP, tổng vốn đầu tư dự án được quyết toán hơn 755 tỷ đồng (bao gồm VAT), nhưng IDICO đã phải vay tới 555 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu thực tế đầu tư dự án chỉ hơn 194,5 tỷ đồng, tương đương 25,76% tổng mức đầu tư, không đủ tỷ lệ 30% theo quy định.
Oằn mình gánh lãi cho khoản vay ngàn tỉ
Theo VTC, sau kết luận của TTCP, UBND TP.HCM đã cho rằng việc giao IDICO thực hiện dự án bổ sung dựa trên chủ trương của Thủ tướng. Thêm nữa, trong 3 văn bản chứng nhận đầu tư của TP.HCM đều thể hiện rõ khả năng tài chính yếu kém của IDICO trong việc thực hiện các hạng mục đầu tư bổ sung này.
Trạm thu phụ đặt dưới chân cầu vượt để thu phí cả phương tiện không sử dụng cầu vượt – Ảnh: LĐO
Cụ thể, tại dự án đầu tư bổ sung lần 1 công trình cầu vượt tại nút giao Tỉnh lộ 10/Quốc lộ 1 và Tỉnh lộ 10B/Quốc lộ 1 với tổng mức đầu tư hơn 704,5 tỷ đồng, chủ đầu tư chỉ có gần 112 tỷ đồng, số còn lại (634 tỉ đồng, chiếm 85%) phải đi vay. Tương tự, tại 2 dự án đầu tư bổ sung ở nút giao Hương lộ 2/Tây Lân/Quốc lộ 1 với tổng mức đầu tư hơn 407 tỷ đồng; công trình cầu vượt tại nút giao Lê Trọng Tấn/Nguyễn Thị Tú/Quốc lộ 1 với tổng mức đầu tư hơn 511,5 tỷ đồng, IDICO chỉ có 15% vốn và phải vay đến 85% tổng vốn.
Có nghĩa, trong tổng vốn đầu tư hạng mục bổ sung (4 cầu vượt) là 1.623.166.000 đồng, IDICO nếu chỉ có 15% vốn và phải vay đến 85% tổng vốn, thì số tiền vay sẽ lên tới 1.379.691.100 đồng (?!).
Hiện chưa rõ lãi suất vay tại BOT An Sương – An Lạc là bao nhiêu. Tuy nhiên IDICO cũng “na ná” Công ty Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang về nguồn lực (chỉ góp hơn 200 tỷ đồng để thực hiện dự án 1.398,2 tỷ đồng). Cổ đông BOT Cai Lậy nói với báo chí rằng, mỗi tháng phải trả cho ngân hàng hơn 10 tỷ đồng tiền lãi; mỗi ngày phải huy động hơn 1 tỷ đồng để trả vốn. IDICO cũng đối mặt với áp lực tiền lãi và gốc phải trả rất lớn. Chi phí “khủng” ấy, về bản chất là người dân trả.
Như Nhà báo & Công luận nhiều lần khẳng định, ngân sách không thể đủ cho đầu tư phát triển hạ tầng, việc kêu gọi đầu tư BT, BOT,… giúp đẩy nhanh sự phát triển đất nước. Tuy nhiên, thời gian qua đã xảy ra hàng loạt bất cập, mới nhất là BOT TP.HCM – Trung Lương bị nhóm Đinh Ngọc Hệ can thiệp kỹ thuật để “ăn gian” doanh số; Nguyễn Văn Dương thu lời bất chính 1.655 tỷ đồng nhờ tổ chức đánh bạc và “rửa” qua dự án BOT;…
Thiết nghĩ, với những dự án BOT giao thông có tỷ lệ vốn vay vượt quy định, cơ quan hữu trách cần xem xét, đề xuất, chỉ đạo thanh kiểm tra toàn diện để xử lý sai phạm (nếu có), làm việc với các ngân hàng để giảm phí và thời gian thu, dẹp bớt trạm thu phụ hoặc mua lại dự án (nếu hợp lý),…
Về phía IDICO, để khẳng định tâm huyết, năng lực, rất cần tổ chức họp báo công khai, trao đổi cởi mở với các nhà xe và người dân, bởi tờ giấy vắn tắt về dự án BOT An Sương – An Lạc thông tin còn một chiều, cần minh bạch hơn nữa để báo chí và người dân trọn tin và ủng hộ.
Kiên Giang
Theo CLO
TP. Hồ Chí Minh: Cần công bố thông tin chính xác về dự án BOT An Sương - An Lạc
BOT Cai Lậy hiện vẫn "xả trạm" từ cuối 2017 tới nay, nhưng vẫn là từ khóa "nóng" trên trang tìm kiếm Google, được xem là sự "bắt đầu" của chuỗi BOT có sai phạm được các cơ quan thanh kiểm tra phát hiện sau đó. BOT An Sương - An Lạc cũng bị TTCP "nêu tên" từ tháng 6/2017, nhưng tới nay mới phát sinh thắc mắc về sự đúng - sai trong quá trình đầu tư, thực hiện dự án.
Một tiền lệ không tốt ?
Như Nhà báo & Công luận đã thông tin, chiều 3/12, nhiều tài xế khi qua trạm thu phí BOT An Sương - An Lạc trên quốc lộ 1 (quận Bình Tân, TP.HCM) cho rằng chủ đầu tư - Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng IDICO chỉ được thu phí đến tháng 1/2017, đã quá 31 tháng nên từ chối mua vé.
Lực lượng chức năng có mặt tại khu vực BOT An Sương - An Lạc tối 3/12/2018.
Phản ứng của tài xế suốt từ chiều và tối 3/12, tiếp tục vào tối 4/12 và rạng sáng 5/12, khiến giao thông khu vực tê liệt, IDICO phải liên tục "xả trạm". Tới tối 5/12, khi các tài xế khi tới BOT An Sương - An Lạc tiếp tục từ chối mua vé, nhân viên trạm thu phí đã thực hiện mở gác chắn cho xe đi qua.
Về lý do các tài xế phản đối, theo tìm hiểu, kết luận 1423/KL-TTCP ngày 6/6/2017 của TTCP nêu rõ: Dự án BOT cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A, đoạn An Sương - An Lạc được Bộ GTVT giao cho IDICO làm nhà đầu tư; chiều dài tuyến 13,7 km; thi công từ tháng 4/2001 tới quý I/2004; tổng mức đầu tư hơn 831,6 tỉ đồng, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu, 70% vốn vay ngân hàng; thời gian thu phí hoàn vốn là 114 tháng (tháng 1/2017).
Nhưng vì sao đã hết thời hạn thu phí mà IDICO vẫn không "dỡ trạm"?
Chiều 4/12, khi Sở GTVT TP.HCM và IDICO tổ chức họp báo, đã thông tin: Trước khi kết thúc thời hạn thu phí, IDICO tiếp tục đầu tư giai đoạn II các hạng mục như cầu vượt tỉnh lộ 10, tỉnh lộ 10B, cầu vượt hương lộ 2 và cầu vượt ngã tư Gò Mây. Vì vậy, thời gian thu phí được điều chỉnh tới 2033.
Rạng sáng 5/12, BOT An Sương - An Lạc phải "xả trạm".
Trao đổi với báo chí, TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch cho rằng, khi nhận bàn giao hợp đồng với Bộ GTVT, UBND TP.HCM nên thực hiện đúng hợp đồng đã bàn giao. Sau đó, nếu thấy cần phải đầu tư thêm các hạng mục khác, có thể làm một hợp đồng mới với thời hạn thu phí mới.
Theo ông Sơn, BOT An Sương - An Lạc khi hết thời hạn thu phí, sau đó đầu tư thêm để kéo dài thời hạn thu phí là một tiền lệ không tốt và không nên nhân rộng mô hình này.
Sở GTVT TP.HCM phát ngôn cẩn trọng?
Chủ trì buổi họp báo chiều 4/12, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Nguyễn Văn Tám đã xác nhận toàn bộ cơ sở pháp lý mà IDICO công bố. Ông Tám phát biểu: " Dự án có đầy đủ cơ sở pháp lý, làm đúng theo quy định pháp luật, không hề có dấu hiệu tiêu cực nên rất dễ để giải thích cho người dân hiểu và đồng thuận. Tuy nhiên đối với những nhóm đối tượng cố tình hiểu nhầm, kích động,... cần có giải pháp giải quyết triệt để, tránh tái phạm."
Đại diện quận UBND quận Bình Tân, Phó Chủ tịch Nguyễn Gia Thái Bình cũng đề nghị IDICO thông tin kịp thời tính pháp lý của dự án với các cơ quan truyền thông, đến trực tiếp tài xế, người dân... để hiểu rõ.
Khi mà UBND quận Bình Tân, cơ quan quản lý địa bàn còn đang đề nghị "thông tin kịp thời tính pháp lý của dự án", thì Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường ngày 4/12 đã khẳng định: "BOT An Sương không thu phí quá hạn" và " đoạn đường từ An Sương đến An Lạc là đường đô thị"...
Theo ông Cường, chủ đầu tư đang thu phí theo hợp đồng mới với TP.HCM và việc này đã được Thủ tướng cho phép.
Việc Bộ GTVT hay UBND TP.HCM, Sở GTVT ký hợp đồng, các phụ lục hợp đồng BOT với IDICO đúng hay sai, cần rà soát các kết luận của TTCP. Riêng nhận định "đoạn từ An Sương đến An Lạc là đường đô thị" của ông Bùi Xuân Cường chưa thực sự cẩn trọng.
Bởi Điều 39 Luật GTĐB ghi rõ: Quốc lộ là "đường nối liền Thủ đô Hà Nội với trung tâm hành chính cấp tỉnh; đường nối liền trung tâm hành chính cấp tỉnh từ 3 địa phương trở lên;... đường có vị trí đặc biệt quan trọng với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng, khu vực"; Đường đô thị là "đường trong phạm vi ranh giới địa chính nội thành, nội thị".
Cần phải khẳng định rằng, quốc lộ 1A đoạn qua An Sương - An Lạc là quốc lộ, có vị trí đặc biệt quan trọng với sự phát triển kinh tế - xã hội tầm quốc gia.
Có hợp lý hay không khi coi tuyến đường này là đường đô thị của TP.HCM, để TP.HCM ký thêm các hạng mục BOT cho IDICO thu phí cả phương tiện từ các tỉnh khác, khi hợp đồng BOT do Bộ GTVT ký đã quá thời hạn thu phí?
Cần thông tin minh bạch về dự án để bảo vệ môi trường đầu tư
Về dự án BOT An Sương - An Lạc, kết luận 1423/KL-TTCP ngày 6/6/2017 của TTCP đã chỉ ra rất nhiều vấn đề về đầu tư, tài chính,..., được Nhà báo & Công luận đăng tải qua bài viết "Vì sao BOT An Sương - An Lạc bị tài xế phản đối, liên tục "xả trạm"?.
Đáng chú ý, TTCP kết luận, vốn chủ sở hữu thực tế đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A, đoạn An Sương - An Lạc chỉ hơn 194,5 tỷ đồng, tương đương 25,76% tổng mức đầu tư dự án, không đủ tỷ lệ 30% theo quy định của hợp đồng vốn chủ sở hữu phải đạt, vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định 77/CP ngày 18/6/1997 của Chính phủ.
BOT An Sương - An Lạc hết thời hạn thu phí từ tháng 1/2017, nay nới tới 2033.
Theo VTC, UBND TP.HCM đã có phản hồi, cho rằng việc giao IDICO thực hiện 2 dự án bổ sung dựa trên chủ trương của Thủ tướng. Thêm nữa, trong 3 văn bản chứng nhận đầu tư của thành phố đều thể hiện rõ khả năng tài chính yếu kém của IDICO trong việc thực hiện các hạng mục đầu tư bổ sung này.
Cụ thể, tại dự án đầu tư bổ sung lần 1 công trình cầu vượt tại nút giao Tỉnh lộ 10/Quốc lộ 1 và Tỉnh lộ 10B/Quốc lộ 1 với tổng mức đầu tư hơn 704,5 tỉ đồng, chủ đầu tư chỉ có gần 112 tỉ đồng, số còn lại (634 tỉ đồng, chiếm 85%), IDICO phải đi vay.
Tương tự, tại 2 dự án đầu tư bổ sung ở nút giao Hương lộ 2/Tây Lân/Quốc lộ 1 với tổng mức đầu tư hơn 407 tỉ đồng; công trình cầu vượt tại nút giao Lê Trọng Tấn/Nguyễn Thị Tú/Quốc lộ 1 với tổng mức đầu tư hơn 511,5 tỉ đồng, IDICO đều chỉ có 15% vốn và phải vay đến 85% tổng vốn.
UBND TP.HCM cho rằng, các hạng mục bổ sung không phải là một dự án độc lập mà thuộc phạm vi tuyến An Sương - An Lạc nên không thể đầu tư độc lập theo hình thức BOT mà phải gắn liền trong tổng thể dự án BOT An Sương - An Lạc. Vì vậy, việc giao lại cho IDICO là hoàn toàn hợp lý (cả 4 hạng mục ngàn tỉ nói trên đều không qua đấu thầu công khai).
Đại diện chủ đầu tư thông tin về trạm thu phí BOT An Sương - An Lạc - DTO.
Như vậy, dù TTCP chỉ ra sai phạm, nhưng UBND TP.HCM chưa đồng thuận, thì người dân phải làm thế nào để tránh khỏi "hiểu nhầm", khi chưa có một cơ quan có thẩm quyền nào đưa ra phán quyết chính xác cuối cùng?
Về phía IDICO, khi cầm những hợp đồng, phụ lục hợp đồng, giấy chứng nhận đầu tư còn giá trị pháp lý, thì những thiệt hại về nguồn thu do các tài xế từ chối mua vé cần sớm được cơ quan chức năng TP.HCM vào cuộc xử lý trên tinh thần thượng tôn luật pháp, để không làm xấu đi môi trường đầu tư, bảo đảm an ninh trật tự, giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh, đi lại của người dân địa phương và cả nước được thông suốt.
Theo các luật sư, bên cạnh việc đòi hỏi trách nhiệm của TP.HCM trong việc đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, minh định sự hợp pháp của toàn bộ dự án, IDICO hoàn toàn có thể lập tức khởi kiện UBND TP.HCM hoặc các tài xế ra tòa và yêu cầu bồi thường.
Kiên Giang
Theo Dantri
Phó giám đốc Trần Quang Lâm được phân công người quản lý, điều hành Sở GTVT TPHCM Ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, người từng đảm nhiệm Giám đốc Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn (hầm Thủ Thiêm) vừa được phân công quản lý, điều hành Sở GTVT thay nguyên Giám đốc Bùi Xuân Cường. Ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM sẽ phụ trách Sở GTVT thay nguyên Giám...