Bông hoa rừng trong mưa
Sau một đêm khó ngủ Thạch Anh thức dậy từ sáng sớm, cô thay quần áo rồi lấy cái gùi mây trên giá bếp xuống. Cô lấy thêm một con dao nhỏ bỏ vào trong cái gùi rồi đeo nó lên lưng.
ảnh minh họa
Như thể sợ làm bố mình thức giấc, cô cố bước thật khẽ và thật chậm xuống từng bậc thang, cô lại đếm từng bậc thang mình bước xuống. Cái thang nhà sàn chỉ có chín bậc mà trong suốt bao ngày qua cô cứ đếm đi đếm lại, đi ra khỏi nhà Thạch Anh bước đi theo con đường tắt phía sau nhà để lên nương.
Cô đi chân trần qua những nương ngô, nương sắn ướt đẫm sương, năm nay có vẻ như mưa thuận gió hòa nên ngô sắn trông tươi tốt hẳn. Những cây ngô, cây sắn non cao chưa đến đầu gối mà lá xanh mượt, thân cây chắc khỏe trông thật thích mắt. Thạch Anh cứ mải ngắm nhìn những đồi ngô, đồi sắn xanh mướt ấy mà bước đi lên đến tận đỉnh đồi, quên mất không để mắt xuống đất để kiếm tìm những cây nấm. Mùa mưa mới bắt đầu cũng là lúc nấm đầu mùa bắt đầu mọc, mấy hôm nay bố cô muốn ăn món nấm nướng nhưng cô đi kiếm mãi mà chả có. Sáng nay thức dậy, nhìn ra ngoài cửa sổ Thạch Anh thẩm nhủ sau trận mưa đêm qua chắc nấm sẽ mọc nhiều lắm nên cô quyết định đi hái nấm. Đứng trên ngọn đồi cao, Thạch Anh đưa mắt nhìn về cái bản làng bé nhỏ của cô ở dưới chân đồi, chưa bao giờ cô lại thấy yêu bản mình như lúc này. Cô đứng lặng im trên ngọn đồi như thể muốn để gió và nắng mai hong khô bộ váy áo ướt đẫm sương mai của mình vậy.
Thạch Anh nhìn sang quả đồi bên cạnh, có một cây xoan già cành lá xum xuê đứng ngay chính giữa ngọn đồi ấy. Những ngày bé cô vẫn thường cùng các bạn của mình chơi đủ thứ trò ở dưới gốc cây xoan đó. Cô tiến đến chỗ cây xoan già với một niềm hy vọng sẽ tìm thấy nấm ở đây. Ngày xưa vào mỗi mùa mưa đi hái nấm, đến đấy thể nào cố cũng hái được những giỏ nầm đầy, có lần mang gùi đi thì hái được đến tận lưng cái gùi mây to. Linh cảm của Thạch Anh quả nhiên đúng thật, dưới gốc cây xoan già có bao nhiêu là nấm mối mới mọc. Cô vui sướng vừa đưa tay hái những cây nấm nhỏ vừa lẩm nhẩm ca hát như những ngày xưa. Vậy là hôm nay cô có thể làm món nấm nướng cho bố cô rồi, ông đã mong món này từ lâu lắm. Từ đầu mùa đến giờ cô cũng một hai lần hái được chút nấm mối, nhưng vì những lần đó được ít quá nên toàn phải nấu canh thì mới đủ cả nhà ăn. Cô vừa hái vừa tưởng tượng đến cảnh bố cô trưa nay sẽ ăn thật ngon miệng với món ăn ưa thích của ông. Cây xoan già cũng rung rinh cành lá như thể đang reo vui cùng cô vậy, cho đến hôm nay những kỉ niệm ngày xưa mới ùa về chất chứa trong cô. Những ngày thơ bé thật là tươi đẹp, cô bé Thạch Anh được sinh ra và lớn lên giữa núi đồi. Sinh ra ở trên nương, chập chững những bước đi đầu tiên cũng ở trên nương, núi đồi đã dạy cô ca hát và mang đến cho cô những ước mơ. Cô luôn hỏi bố mình mỗi lần đứng trên những ngọn đồi câu hỏi:
“Bố ơi đi hết những ngọn đồi kia là gì hả bố?”. Bố cô mỉm cười trả lời câu hỏi của cô con gái bé bỏng,
“Là sông con ạ”
“Thế đi hết những dòng sông là gì hả bố?” cô lại ngây thơ hỏi tiếp.
“Đi hết những dòng sông là những cánh đồng, à không là biển con ạ!”
“Vậy biển là gì hả bố?”
“Bố không biết, bố được nghe bác cán bộ ở huyện mình bảo đó là một cái hồ nước màu xanh da trời khổng lồ, không thấy ba bên cái bờ còn lại ở đâu cả”…
Ước mơ được đi ra biển lớn của Thạch Anh bắt đầu từ những ngày ấy, mỗi một chiều đi nương về cô lại đòi bố cho cô ngồi lên lưng con ngựa thồ. Còn những gánh củi, bao sắn mà con ngựa phải thồ thì bớt sang đôi vai của bố mình. Ngồi trên lưng ngựa cô sẽ thấy mình cao hơn, có thể vươn tầm mắt hướng về phía xa, phía mặt trời vẫn mọc hằng ngày vì cô tin rằng biển ở chỗ đó. Học hết cấp một rồi lên cấp hai, khi các bạn cùng trang lứa bỏ học gần hết vì ngại đường đến trường xa xôi, Thạch Anh vẫn chịu khó băng rừng, vượt suối để tìm đến cái chữ. Năm tháng qua đi, cô con gái út của ông bà Panh đã trở thành một đóa hoa rừng xinh đẹp, mười lăm tuổi có người hỏi cô về làm dâu. Mẹ cô muốn cô nghỉ học đi lấy chồng, bà bảo cô “lũ con gái ở cái bản Xá này bằng tuổi mày có nơi có chốn hết rồi đấy!”. Thạch Anh chỉ mỉm cười, cô hồn nhiên đáp trả mẹ mình, “con không lấy chồng đâu, phải khi nào nhìn thấy biển con mới lấy”. Không chỉ có mẹ, bốn người chị gái của cô cũng khuyên cô là con gái thì cần gì học nhiều, mau sớm mà nghĩ đến chuyện lấy chồng đi thôi. Không ai có thể khuyên bảo được cô nghĩ đến chuyện đi lấy chồng, bởi vì bố cô đâu có phản đối chuyện cô đi học. Ông Panh chẳng nghĩ đến chuyện cho cô con gái út xinh đẹp của mình đi lấy chồng sớm, ông cũng muốn cô được ra biển xem nó trông như thế nào.
Những ngày đi học trung học phổ thông ở trường nội trú tỉnh, Thạch Anh nhận ra những ước mơ của mình ngày càng lớn dần. Cô bắt đầu đặt ra bao nhiêu thứ mục tiêu lớn bé, để rồi quyết tâm thực hiện chúng bằng được. Một lần được nghỉ học về nhà, cô cùng bố lên rừng cô lấy củi còn bố cô chặt gỗ tre để về đan sọt. Cô bảo với bố, “bố ơi năm sau bố cho con đi học đại học ở dưới thủ đô nhé…nếu mà con thi được”
“Xuống tận dưới đấy thì xa lắm, nhà mình không có tiền đâu” – bố cô đáp sau một hồi dài nghĩ ngợi.
Video đang HOT
“Không sao đâu bố, trước kia con muốn lên học ở tỉnh bố cũng nói vậy rồi. Con sẽ học hành chăm chỉ và làm việc để có tiền đi học, cô giáo con bảo ngày xưa cô cũng vậy mà.” Thạch Anh trả lời bố cô bằng một giọng chắc nịch.
“Nhưng mà đến đó nhất định con sẽ nhìn thấy biển chứ?”
“Nhất định con sẽ được đi ra biển”.
Cuộc sống ở một thành phố lớn không đơn giản như cô từng nghĩ, ở đây con người ta không phải ai cũng hiền hòa, phóng khoáng như mây trời, cây cỏ của núi đồi. Ở đây không phải là nơi con người ta có thể sống dựa vào thiên nhiên, nhưng Thạch Anh không rơi vào sự vỡ mộng. Hơn bao giờ hết cô càng ngày càng khát khao mạnh mẽ những ước mơ hào quang, cô học rất nhiều suốt cả tuần không có một ngày nghỉ. Khi tiền trở thành một vấn đề lớn trong cuộc sống, cô bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, tìm một công việc làm thêm phù hợp với thời gian của mình thật không dễ chút nào. Sau những lần bị lừa lọc, bị lợi dụng cô đã cảm thấy sợ đi làm thêm để kiếm tiền, trong khi đó cô lại tham vọng hơn người khác, học nhiều hơn người khác nên cũng cần nhiều tiền hơn người khác. Tham vọng nhưng không phải là người con gái liều lĩnh, lời dặn dò của bố cô trước lúc lên đường luôn văng vẳng trong tâm trí cô. “Là người con gái bản Xá thì dù đi đâu về đâu cũng là người Xá, con không được phép quên bản làng. Phải luôn giữ mình trong sạch, cái bụng mình tốt người ta cũng sẽ tốt lại với mình. Con mà tự làm vấy bẩn chính mình thì về sẽ không được phép bước chân xuống dòng suối bản ta nữa, không được phép đưa cái tay lên ngắt ngọn rau trong rừng nữa…” Rồi sau khi đặt vào tay cô một xấp tiền lớn, ông còn dặn dò thêm “bố nghe người ta ở trên huyện nói đi học thế này tốn tiền lắm, nhưng con đừng lo. Bố có bạc trắng, nhà mình có trâu, có bò con hãy viết thư gửi về cho bố, cố gắng mà học hành để còn được đi ra biển lớn”.
Cô đã đi hết những ngọn núi để đến được đồng bằng, đi đến tận cuối những dòng sông để đến biển cả. Khi nhìn thấy biển rồi cô còn muốn đi nữa, đi tới tận bờ bên kia của đại dương, cứ như thế cô đã đi hết ước mơ nay đến ước mơ khác. Hai mươi tư tuổi cô có được tấm bằng Thạc sĩ và quan trọng hơn là cô đã được đi qua hết cái đại dương bao la, đến với vùng đất mà trước kia chưa từng có trong những ước mơ của cô. Thạch Anh ở lại thành phố ồn ào nơi mà cô bắt đầu từ những ước mơ đến những tham vọng để lập nghiệp. Từ một cô gái miền núi thành một người phụ nữ thành phố hiện đại, Thạch Anh vẫn luôn là một bông hoa rừng xinh đẹp.
Những sóng gió cuộc đời bắt đầu xô dạt nơi bước chân của cô gái trẻ, một cuộc điện thoại với một giọng nói nghẹn ngào xen lẫn tiếng khóc đã đưa cô về lại bản Xá sau bao tháng ngày xa cách. Bố cô đổ bệnh nặng, mẹ cô cũng bị ốm. Thạch Anh bước đên bên giường bệnh của ông Panh, sáng hôm trước ông bỗng đau nặng và đến tận hôm sau các con gái, con rể ông mới đưa lên bệnh viện tỉnh được. Ngay sau đó họ gọi Thạch Anh về ngay, các bác sĩ tiến hành xét nghiệm cho ông Panh, họ xét nghiệm rất lâu. Trong lúc cả nhà đang quây quần bên giường bệnh ông Panh bác sĩ chỉ gọi mỗi Thạch Anh ra, họ nghĩ cần thông báo tình trạng bệnh của bố cô cho cô biết trước tiên. Họ đưa cho cô những kết quả xét nghiệm, những tấm phim chụp chiếu và nói qua về tình hình của bố cô. Thạch Anh ngồi lặng im như bức tượng đặt trên ghế mà nước mắt tuôn dòng, chỉ đến khi vị bác sĩ đặt tay lên vai cô để an ủi cô mới chợt khóc nấc lên.
Bố cô bị ung thư giai đoạn cuối rồi, các bác sĩ không thể làm gì được nữa. Bố bị bệnh nặng mà giờ đến giai đoạn cuối mới biết, cô tự hỏi vậy những ngày qua ông không thấy đau đớn gì hay sao mà không đi khám sớm. Rồi cô lại quay sang trách các chị mình, họ đều đi lấy chồng xa nhưng đâu có ở xa như cô vậy mà sao bố bệnh nặng cũng không biết. Cô trách đến mẹ cô, ở với chồng mà chồng bệnh cũng chẳng biết, chẳng bảo gì con cái. Cô lại nghi ngờ các bác sĩ, hay là họ đã nhầm rồi cô quyết định đưa bố mình xuống thành phố, cô không tin là bệnh của bố cô không thể chữa được.
Mấy ngày sau bố cô làm thủ tục xuất viện, cô bảo với cả nhà là sẽ đưa bố cô xuống thành phố với cô một thời gian. Mặc dù từ lúc biết kết quả bệnh của bố cô không nói gì với cả nhà, nhưng nhìn thấy mắt cô đỏ hoe và cứ thầm khóc khi ngồi bên giường bệnh bố mình khi ông đang ngủ, thì mọi người đã bắt đầu nghi ngờ. Mấy người chị của cô cứ tìm cách bám theo người bác sĩ điều trị cho bố họ để hỏi bằng được tình trạng bệnh của bố mình, rồi họ cũng được biết. Cả nhà lại đến bên giường bệnh ông Panh khóc nức nở, lúc đó Thạch Anh vừa ra ngoài mua hoa quả cho bố về. Thấy cảnh tượng cả nhà đang khóc như đưa đám, cô liền vứt túi hoa quả xuống sàn nhà và lớn tiếng như quát mọi người, “các người điên hay sao mà khóc lóc ầm ĩ ở đây”. Thạch Anh không muốn cho bố mình biết rằng ông đang bị bệnh nặng, cô lại càng sợ khi nghĩ đến cảnh tang tóc. Nhưng mà các chị cô không biết đến những điều cô đang nghĩ. Họ còn quay sang trách cô bao lâu nay không giúp gì được cho gia đình và chính cô là người làm bố đổ bệnh. Chị cả cô là người nói cô gay gắt nhất, chị ta bảo vì bao năm qua phải vất vả kiếm tiền dành dụm cho cô đi học, lúc ốm đau chẳng đi khám nên giờ bố họ mới bị như thế. Các cô chị mỗi người một lời, Thạch Anh chỉ biết khóc. Ông Panh lấy hết sức lực để quát lên mới đuổi được đám đông con gái, con rể ra ngoài. Ông gọi Thạch Anh lại, cô con gái út mà ông hằng yêu quý gục vào lòng ông khóc nức nở.
Lúc ấy đang là mùa xuân, hoa ban nở trắng tím khắp các núi đồi, ông Panh nhìn qua cửa sổ ô tô thích thú như một đứa trẻ. Những đồi núi khuất xa dần sau gần chục tiếng đồng hồ đi ô tô, rồi đồng bằng cũng đã hiện lên. Ông Panh vẫn chăm chú nhìn qua cửa sổ xe ô tô và nói “vậy là bố cũng được ra thành phố rồi”. Thạch Anh quay mặt đi, vội vã lau những dòng nước mắt, đây là lần đầu tiên bố cô ra thành phố và biết đâu cũng sẽ là lần cuối cùng. Nỗi niềm ân hận, xót xa và đau đớn lại trào dâng, cô trách mình vì cô mà bố cô khổ. Những năm tháng cô đi học, bố cô đã bán hết những đồng bạc cũ, trâu bò và đan sọt đem ra chợ phiên bán để lấy tiền. Ông luôn luôn cổ vũ, khích lệ để cô yên tâm học hành, ông nói với cô “đã yêu cái chữ thì phải đi theo nó đến tận cùng”.
Ở bệnh viện thành phố một thời gian ông Panh đòi về, thực ra ông biết bệnh mình đâu có chữa được nữa. Ông bảo với Thạch Anh ở thành phố ồn ào xe cộ và đông nghịt người chỉ làm ông thấy mệt thêm, ông muốn về với núi rừng, ở đó mới yên tĩnh. Thạch Anh muốn bố cô ở lại, dù bệnh của ông không thể chữa được nhưng các bác sĩ ở đây có thể giúp ông điều trị để thoát khỏi những cơn đau đớn và kéo dài thêm sự sống. Cô không biết làm thế nào để thuyết phục bố mình nữa, nghĩ một lúc cô bảo ông, “nhưng bố ơi, bố còn chưa nhìn thấy biển mà”. Mắt ông Panh bỗng sáng lên, ông đã được nghe và nhìn những tấm ảnh của con gái ông về biển, ông cũng mơ ước được tới đó nhưng không dám nói ra, sợ phiền con gái.
“Ô thế biển ở gần đây à, bố cứ nghĩ thành phố này không có biển chứ!”
“Vâng, nhưng nó ở một thành phố giáp thành phố này, đi vài tiếng bằng xe máy là cũng đến được. Bố cứ ở đây điều trị cho tốt, rồi một hai hôm nữa con đưa bố đi nhé”.
Thực ra nếu có tiền thì Thạch Anh đã đưa bố cô đi ngay rồi, nhưng thật sự thì cô đâu còn nhiều tiền nữa. Dù làm cho một công ty nước ngoài nhưng từ ngày bố cô đổ bệnh cô đã phải nghỉ khá nhiều, mới đi làm chưa đầy nửa năm cô cũng đâu dành dụm được gì. Chi phí điều trị của bố cô rất đắt đỏ, Thạch Anh phải tăng ca, nhận sách về dịch thêm cô làm việc suốt ngày nên dành rất ít thời gian ở bên bố. Khi cô đưa bố mình ra đến biển, ông ngắm nhìn hồi lâu rồi nói với cô, “thế này thì có chết bố cũng nhắm mắt được rồi”. Hai bố con cùng nhau đi dọc bờ biển, ông Panh hỏi con gái:
“Mấy ngày qua con làm gì mà bận thế?”
“Con đi làm ạ”
“Con làm nhiều thế, con không đi học nữa à!”
“Con đã học đến Thạc sĩ rồi, không học nữa, mà đi học ra cũng là để kiếm tiền mà bố”.
“Con cần kiếm nhiều tiền để làm gì?”
“Để đưa bố đi du lịch” – Phải rất khó khăn Thạch Anh mới trả lời bố mình được câu này, bố cô lại bảo.
“Bố không đi được nữa, bố yếu lắm rồi bố phải về bản thôi, bố không muốn chết ở đây”…
Biển rộng bao la, những con sóng biển xô dạt vào bờ càng lúc càng mạnh. Thạch Anh đang tự hỏi liệu có phải bố cô vất vả bấy lâu cho cô đi học chỉ là để đợi đến một ngày, cô được đi ra biển và sau đó cũng đưa ông cùng đi thôi hay sao? Trong ngày hôm ấy cô đã hiểu đươc rằng, có lẽ bố cô yêu quý cô nhất nhà là vì ông biết chỉ có cô mới có thể giúp ông thực hiện được ước mơ lớn lao của mình. Ước mơ được nhìn thấy biển.
Ông Panh được đưa về lại bản Xá, mỗi ngày ông một yếu đi. Cứ tối đến những cơn đau lại hành hạ ông, vợ ông và các con gái ở nhà cứ cầu cúng, làm lễ trừ ma trừ tà mà ông không đỡ hơn được. Chỉ có những liều thuốc Thạch Anh mang về từ thành phố vào mỗi cuối tuần là giúp ông có được những giấc ngủ ngon. Một ngày cuối tuần cô về nhà rất muộn, đên tối mới thấy cô xuất hiện ở nhà. Ngay sáng sớm hôm sau thấy cô lại vội vàng gói gém đồ đạc, bố cô đang ngồi sưởi bên bếp lửa quay sang hỏi “con lại đi đấy à, xuống đấy đi làm à?”. Cô không trả lời nhưng ra đến cầu thang, cô lại quay vào nhà “bố cho con ở nhà với bố mẹ vài ngày nhé”. Cả một tuần trôi qua Thạch Anh không xuống thành phố nữa, cô chỉ nhờ bạn ở đó gửi thuốc giảm đau về cho bố mình. Cô cứ đếm từng ngày trôi qua vội vã, bố cô sẽ còn ở lại với cô được bao lâu nữa? Rồi cô dường như quen với việc đo đếm dù cô sợ phải đếm, đếm từng bậc thang, đếm từng cơn mưa, từng giờ, từng ngày qua. Cô không ngừng cầu nguyện, đã có lần cô ước gì mình tìm được bông hoa cúc trong truyện cổ tích, cô sẽ xé nhỏ từng cánh nó ra để bố cô có thể sống thêm được nhiều năm nữa.
Có tiếng cười khúc khích và tiếng ngựa hí ở dưới chân đồi, người dân bản Xá đã bắt đầu lên nương rồi. Thạch Anh cũng đã hái được lưng đầy gùi nấm, đeo cái gùi lên lưng cô đi theo một lối khác về nhà. Lúc đi qua suối, cô lấy nấm ra rửa cho sạch những mẩu đất còn bám vào thân nấm. Khi ngẩng mặt lên, Thạch Anh nhìn thấy ở bờ bên kia có một bông hoa màu vàng, xinh đẹp đang nở giữa bụi rậm. Cô mỉm cười reo vui đến bên bông hoa ngắm nhìn hồi lâu, rồi lại thì thầm như cầu nguyện và xé nhỏ từng cánh hoa ra thành nhiều cánh. Sáng hôm sau cô lại trở lại chỗ cũ, sau một trận mưa to đêm qua bông hoa màu vàng vẫn còn đó, hàng chục cánh hoa nhỏ tỏa ra dưới nắng mặt trời, đẹp lộng lẫy. Thạch Anh vui mừng trở về nhà, từ xa cô đã nhìn thấy bố cô đang đan sọt bên cửa sổ, và ông vừa đan vừa hát.
Theo Iblog
Nhìn anh trai giặt ga giường dính máu của chị dâu mà tôi nhức mắt không chịu được
Sáng sớm, thấy anh trai tôi lụi hụi trong nhà tắm từ rất sớm để giặt đồ, tôi lấy làm lạ hỏi thì anh chỉ cười mà nói: "Chị dâu cô đến tháng mà không biết, dính hết ra chăn ga, nên anh mang đi giặt".
Chị dâu tôi ngoài đi làm, chẳng phải mó tay đụng chân vào bất cứ một việc gì. (Ảnh minh họa)
Tôi 24 tuổi, đã kết hôn được hơn một năm. Do nhà chồng xa nhà, nên cả năm tôi mới được về thăm bố mẹ, anh chị hai lần. Nhưng gần đây, do tôi thai nghén, mệt mỏi nên xin về mẹ đẻ nghỉ ngơi. Cũng chính vì ở lại lâu, nên có những chuyện khiến tôi không vừa mắt.
Nhà tôi có anh trai hơn tôi 3 tuổi, nhưng mới kết hôn được gần 1 năm nên tôi không có dịp tiếp xúc, gần gũi với chị dâu mấy.
Chị ấy hơn tôi 2 tuổi, cũng trẻ trung, xinh đẹp và giỏi giang. Hiện chị đang là nhân viên ở một ngân hàng lớn của thành phố. Tuy nhiên, theo như những gì tôi thấy thì chị không thuộc diện khéo léo, chăm chỉ, đảm đang và hòa đồng với mọi người trong gia đình. Thế nhưng lại được mẹ và anh trai tôi coi trọng, quý mến và cung phụng như bà hoàng.
Nói chẳng ngoa, chị dâu tôi ngoài đi làm, chẳng phải mó tay đụng chân vào bất cứ một việc gì. Sáng ra, chị chỉ việc ăn sáng rồi đi làm, nhưng việc mở cổng và dắt xe lại được anh trai tôi và mẹ làm hộ.
Vì anh làm gần nhà nên về sớm hơn chị, nhưng cứ hễ nghe thấy tiếng xe vợ về thì vứt mọi thứ chạy ra đon đả mở cổng, dắt xe, xách túi. Chị vào đến cửa nhà, thả đôi giày ở chân ra thì anh nhặt bỏ vào tủ... Cứ như thể sợ chị ấy mệt, không mang nổi những thứ ấy vậy.
Ngày thường đi làm đã đành nhưng chủ nhật được nghỉ, chị cũng ngủ nướng đến tận trưa, mẹ và tôi cơm nước bày biện sẵn, gọi mà chị vẫn chẳng muốn xuống ăn. Vậy là mẹ lại lấy riêng thức ăn ra đĩa, nháy anh trai bưng lên phòng cho chị. Bố tôi dù người lớn trong nhà, nhưng cũng kệ con dâu, chẳng nói năng gì.
Đã thế, khi tôi lên lấy bát đĩa đi rửa thì thấy chị đang ngồi nghe nhạc, còn anh trai thì xúc từng thìa, rồi nựng chị ăn chẳng khác gì một đứa trẻ. Thú thực, cho đến khi ấy, tôi cũng bình thường, chỉ thấy chị dâu thật may mắn và có phúc thôi. Nhưng cho đến buổi sáng hôm qua, thì tôi chẳng thể chịu nổi.
Sáng sớm, thấy anh trai tôi lụi hụi trong nhà tắm từ rất sớm để giặt đồ, tôi lấy làm lạ hỏi thì anh chỉ cười mà nói: "Chị dâu cô đến tháng mà không biết, dính hết ra chăn ga, nên anh mang đi giặt". Liếc nhìn sang bên cạnh thì là chậu quần áo kèm nội y của chị cũng đang chờ anh giặt... Đến mức ấy thì tôi thực sự ngán ngẩm, không hiểu anh tôi chiều vợ hay chị dâu quá vô tâm, ỉ lại nữa?
Rồi đến buổi trưa, mẹ tôi đi chợ về, tôi lấy đồ chuẩn bị nấu cơm thì thấy mẹ tôi mua một mớ rau đã úa. Khi nghe tiếng tôi bảo với mẹ sao cũng bỏ tiền ra mua mà mẹ không chọn mớ rau ngon, mẹ giải thích nguyên nhân vì thương bà cụ bán rau nên mua một mớ rau hơi héo của cụ. Chị dâu đi ngang qua nói một câu khiến tôi chẳng thể im lặng: "Ôi giời, người tiêu tiền có bao giờ biết thương người kiếm tiền đâu. Toàn phí tiền vào việc không đâu".
Trước thái độ và những lời nói lỗ mãng của chị dâu, tôi đã góp ý với chị rất lễ phép về cách ứng xử, thái độ với mọi người trong nhà. Rồi chị phải thương mẹ, đừng việc gì cũng ỉ lại, dựa dẫm vào chồng và mẹ chồng nhiều quá.
Chỉ có thế, chị lu loa lên rằng tôi vượt quyền, hỗn láo và dạy khôn chị. Rồi chị dỗi, chẳng thèm xuống nhà ăn cơm cùng mọi người. Mỗi bữa, hoặc là mẹ hoặc anh trai bưng lên tận phòng cho chị. Nhưng điều làm tôi buồn hơn, là mẹ và anh trai cũng cho rằng thái độ của tôi là sai. Bắt tôi xin lỗi chị dâu. Tôi nhất định không làm theo.
Tôi hiểu mẹ thương con cái, nhưng điều tôi nói là chiều chị thái quá và thái độ của chị dâu. (Ảnh minh họa)
Đêm ngủ, mẹ tôi thủ thỉ rằng: "Sau này bố mẹ sống với chị dâu con là nhiều, về già còn phải nương nhờ chị nên giờ chăm sóc cũng đúng. Chị dâu con chỉ đoảng và không khéo ăn nói, chứ thực tâm cũng là người tốt bụng và giỏi giang lắm".
Mẹ nói đến đó thì tôi cũng chẳng còn gì mà nói. Tôi hiểu mẹ thương con cái, nhưng điều tôi nói là chiều chị thái quá và thái độ của chị dâu.
Không những mẹ, mà anh trai cũng nói với tôi, nên xin lỗi chị một tiếng, vì chị đang rất giận. Rồi còn như năn nỉ "Thôi, vì anh, vì mẹ em xin lỗi chị ấy một tiếng cho yên nhà yên cửa".
Nói như anh và mẹ, hóa ra tôi là người làm đảo lộn sự bình yên của gia đình này. Tôi cũng như chị, cũng đi làm dâu nên cũng hiểu những điều tối thiểu một người con dâu, một người vợ phải làm là gì. Vậy mà chị hành xử như vậy, tôi góp ý có gì sai? Tôi có nên xin lỗi theo lời mẹ và anh trai cho xong chuyện, hay nhất quyết bảo vệ ý kiến của mình?
Theo Afamily
Em có chờ quà không? Chẳng có một quy ước, nhưng cứ đến hẹn lại... mong, ngày 8/3 nào cánh phụ nữ chúng mình cũng lại háo hức nhận quà, được nghe những lời yêu thương. Như một quy luật bất thành văn. Như mặt trời vẫn đều đặn mọc mỗi ngày. Nhưng, phụ nữ, thực ra họ có mong chờ điều ấy không? Với họ, điều gì...