Bỗng dưng “đô” yếu: Hãy coi chừng!
Đột ngột có nhiều cảm xúc thiếu kiểm soát, tửu lượng kém đi và mệt mỏi hơn sau các cuộc nhậu có thể là tín hiệu báo động cho các vấn đề về sức khỏe
Ông N.T.T (55 tuổi, một doanh nhân ở quận Gò Vấp, TP HCM) than thở gần đây tự nhiên “đô” của mình yếu đi đột ngột. Chỉ một nửa lượng bia so với nửa năm trước đó cũng khiến ông mệt mỏi, nhức tay chân đến 1-2 ngày sau.
Gan có vấn đề
Bác sĩ (BS) chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện (BV) Thống Nhất, cho biết tửu lượng kém đi một cách đột ngột là dấu hiệu cảnh báo sự bất ổn của gan. Với người đã có những năm tháng dài tuổi trẻ sử dụng nhiều rượu, bia, càng nên coi chừng điều đó.
Có thể trước đó khi còn trẻ dù có uống nhiều vẫn cảm thấy khỏe, không sao nhưng việc uống quá thường xuyên đã âm thầm làm gan bị tổn thương, đến một ngày nào đó mới bộc phát vấn đề. Chức năng gan kém đi, khả năng chuyển hóa rượu, bia giảm, nguy cơ tạo ra những phản ứng nôn ói, loạn khuẩn đường ruột, tiêu chảy… cũng cao hơn.
Video đang HOT
Lấy máu làm xét nghiệm tổng quát tại Trung tâm Y khoa Medic, TP HCM. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Theo BS Trương Quang Anh Vũ, về tạm thời, người uống rượu, bia vào có cảm giác nôn nao, khó chịu, bị đau bụng, tiêu chảy, nhức mỏi tay chân… nên bổ sung điện giải qua đường uống bằng các dung dịch điện giải thông dụng (có thể mua ở nhà thuốc), để bù các chất điện giải như Na, K, Ca…
“Đô” yếu đi đột ngột là dấu hiệu của tình trạng suy yếu chức năng gan, khiến việc chuyển hóa rượu, bia kém đi, do vậy người gặp tình trạng này cần nhanh chóng đi kiểm tra chức năng gan, vì không loại trừ đã mắc phải các vấn đề nguy hiểm như viêm gan do rượu, xơ gan.
Tâm bất an
Khác với ông N.T.T, ông Trần M.T (50 tuổi; quận 3, TP HCM) thì gặp rắc rối kiểu khác, gần đây mỗi lần có chút hơi men là tự nhiên ông trở nên khá nóng nảy, hay nói những lời khó nghe, mắng con vô cớ. Chưa kể ông M.T còn phải đối diện với tình trạng mất ngủ kéo dài, khiến sức khỏe sụt giảm.
BS chuyên khoa II Trần Minh Khuyên, chuyên khoa tâm thần kinh Phòng khám BV Đại học Y Dược 1, cho biết nếu một ngày bạn thường xuyên bị khó ngủ sau cuộc nhậu, hay tỉnh giấc lúc nửa đêm hoặc ngủ chập chờn, đó là dấu hiệu cho thấy việc sử dụng rượu, bia đã tàn phá sức khỏe khá nghiêm trọng.
Theo BS Trần Minh Khuyên, nhiều người thấy rằng khi có chút hơi men, bản thân như hoạt bát hơn, vui vẻ hơn, nói nhiều hơn. Tuy nhiên, bản thân trạng thái hưng phấn tạm thời đó cũng bắt nguồn từ khả năng kiểm soát cảm xúc giảm, chúng ta dễ làm những thứ mà bình thường sẽ cân nhắc hoặc không làm. Vì kiểm soát cảm xúc kém nên khi đối diện với tình huống căng thẳng thì nguy cơ bộc phát sự nóng giận, phẫn nộ, buồn rầu quá độ cũng tăng lên. Về lâu dài, nếu một lúc nào đó bạn cảm thấy chỉ cần một chút rượu, bia đã có thể có những cảm xúc, hành động quá đáng, khó kiểm soát, đó là dấu hiệu báo động.
Người ở độ tuổi trung niên trở lên phải tự hiểu rằng cho dù mình khỏe cỡ nào, chức năng gan và tửu lượng cũng kém theo thời gian, nhất là khi trải qua một thời thanh niên đã dùng rượu, bia quá đà. Nếu tửu lượng chỉ có vẻ hơi kém đi, mệt hơn xưa một chút thôi… thì cũng không được chủ quan cho rằng tuổi tác thì phải thế. Đó là dấu hiệu cho thấy nên giảm bớt việc tiêu thụ rượu, bia song song với thay đổi chế độ ăn lành mạnh hơn; thể dục, vận động thường xuyên hơn.
Mượn rượu, bia dỗ giấc là sai lầm
Nhiều người nghĩ rằng uống chút rượu, bia vào để dễ ngủ là sai vì rượu, bia chỉ gây cảm giác mệt, buồn ngủ, muốn đi nằm nhưng giấc ngủ của người vừa sử dụng rượu, bia thường không chất lượng (cảm thấy buồn ngủ nhưng rốt cuộc vẫn ngủ không ngon), dẫn đến cảm giác mệt mỏi, nhức đầu vào sáng hôm sau. Tình trạng rối loạn giấc ngủ này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe về mọi mặt, từ thể chất lẫn tinh thần.
Đau bao tử liên tục, phải làm sao?
Bạn đọc Trần Nguyên (nguyent...@gmail.com) hỏi: Suốt nửa năm nay tôi bị đau bao tử liên tục, uống thuốc thì đỡ nhưng vài ngày đau lại. Bệnh này có thể nào trị dứt không? Đợt này tôi làm việc khuya và nhậu với đối tác nhiều, có liên quan không?
Ảnh minh họa
Bác sĩ chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM), trả lời: Đau dạ dày (đau bao tử) là từ ngữ thường gọi để diễn tả tình trạng viêm loét niêm mạc vùng dạ dày, tá tràng, tùy mức độ sẽ điều trị bằng thuốc hay phẫu thuật khi viêm loét nặng.
Khi trị bệnh này phải song song với điều chỉnh lối sống: ăn đúng giờ; giảm gia vị chua, cay; kiêng rượu, bia; giảm stress; tập thể dục thể thao thường xuyên...
Trường hợp đã bị đau tái đi tái lại như anh thì nên ngừng việc tự mua thuốc uống, đến khám chuyên khoa tiêu hóa, nội soi dạ dày tá tràng, làm Clo-test để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây viêm loét niêm mạc dạ dày tá tràng, có nhiễm HP (Helicobacter pylori) hay không.
Việc bệnh tái đi tái lại sẽ làm tăng nguy cơ các biến chứng như xuất huyết tiêu hóa (do ổ loét xâm lấn mạch máu), thậm chí là ung thư dạ dày.
Vì vậy anh không nên chậm trễ việc đi khám nữa. Để càng lâu, cơ hội điều trị thành công của bệnh càng giảm, đặc biệt là nếu anh vẫn không ngưng rượu, bia, vẫn ăn uống thất thường, lạm dụng các thuốc giảm đau... thì căn bệnh dạ dày sẽ khó lành.
Cảnh báo những nguy cơ đột tử Vụ việc phó giám đốc sở tài chính một tỉnh ở miền Tây đột quỵ rồi mất luôn trong lúc ngủ khi tuổi đời còn rất trẻ, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về căn bệnh nguy hiểm với những cái chết đột ngột Theo các chuyên gia, nếu cách dùng quạt và máy lạnh không đúng, đi kèm với bệnh nền...