Bóng dáng đầy ám ảnh của một thiên hà đang giẫy chết
Từ các sinh vật nhỏ bé như vi khuẩn đến cây cổ thụ khổng lồ, cái chết là lẽ dĩ nhiên của chu kỳ sống và tiến hóa, và thực tế này cũng áp dụng cho các thiên hà vĩ đại nhất.
Thiên hà NGC 1947 NASA
Đối với trường hợp các thiên hà, quá trình tử vong diễn ra chậm chạp, thể hiện qua bằng chứng vừa được kính viễn vọng Hubble của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cung cấp, theo nasa.gov.
Video đang HOT
Đối tượng chụp ảnh là thiên hà NGC 1947. Dù ở khoảng cách 45,4 triệu năm ánh sáng (thuộc phạm vi chòm sao Kiếm Ngư), chúng ta có thể thấy thiên hà đang mờ nhạt đi.
Manh mối về sự sống của các thiên hà nằm ở khối lượng bụi và khí. Một thiên hà vào thời điểm sung mãn sẽ chứa đầy những dạng vật liệu cần thiết để hình thành các ngôi sao mới. Theo thời gian, chúng vơi đi và cạn kiệt dần, như trường hợp của NGC 1947.
Đây là một dạng thiên hà hiếm, gọi là thiên hà hình hạt đậu. Nhóm này có hình dạng đĩa, như Dải Ngân hà hoặc thiên hà Tiên Nữ, nhưng không có các cánh tay xoắn ốc.
Phải nói rằng NGC 1947 từng như Dải Ngân hà, nhưng nó đã sử dụng gần như cạn kiệt khí và bụi, hiện giờ tất cả chỉ còn lại một vài dải mỏng trên nền ngược sáng của ánh sao.
Những thiên hà không còn hình thành sao trong vài tỉ năm được xác định đã tử vong, nhưng vũ trụ tồn tại chưa đủ lâu để con người chứng kiến chuyện gì xảy ra khi toàn bộ sao của một thiên hà tắt ngúm.
NASA công bố hình ảnh ngoạn mục về khoảnh khắc "hấp hối" của thiên hà
Khoảng khắc về sự lụi tàn của một thiên hà mới đây đã được kính viễn vọng không gian Hubble ghi lại.
Kính viễn vọng Hubble của NASA đã chụp được hình ảnh tuyệt đẹp về khoảnh khắc một thiên hà đang "hấp hối", có tên NGC 1947, từ chòm sao Dorado (Kiếm Ngư).
Hơn 200 năm kể từ lần đầu tiên được phát hiện bởi nhà thiên văn học người Scotland - Janes Dunlop, thiên hà có dạng thấu kính này đang dần mất đi khả năng thiết lập các vật chất cấu thành vòng xoắn ốc đặc trưng - cấu hình tạo nên quỹ đạo quay xung quanh trung tâm thiên hà. Và trong quá trình thực hiện nghiên cứu, các nhà thiên văn học phải dựa vào ánh sáng nền từ hàng triệu ngôi sao trong vùng lân cận mới có thể tìm ra những tàn tích mờ nhạt của nhánh xoắn ốc mang tính biểu tượng này.
Nhóm nghiên cứu cho biết, sự tàn lụi và cái chết sau đó của thiên hà NGC 1947 là không thể đảo ngược, bức ảnh do kính viễn vọng Hubble chụp lại được đã cung cấp chi tiết về cách mà nó tiếp tục mất đi vật chất hình thành sao cơ bản, cụ thể là khí và bụi đã được giải phóng vào không gian.
Khoảnh khắc về sự lụi tàn của thiên hà NGC 1947. Ảnh: NASA
Theo quy luật, khi các đám mây khí và bụi dày đặc sụp đổ dưới tác dụng của trọng lực cao, đám mây sẽ hình thành một đĩa vật chất làm xuất hiện ngôi sao mới. Tuy nhiên, nếu không có đủ khí và bụi để tạo thành những đám mây dày đặc đó, NGC 1947 sẽ tiếp tục mờ dần theo thời gian, các nhà thiên văn học cho hay.
Theo Sputnik, Hubble là kính viễn vọng lớn và mạnh nhất từng được phóng vào không gian cho tới hiện tại. Nó được đưa lên và hoạt động trên quỹ đạo của Trái Đất tại độ cao khoảng 610 km, cao hơn khoảng 220 km so với độ cao quỹ đạo của trạm vũ trụ quốc tế ISS. Gần đây, nó đã cung cấp hình ảnh về trái tim phát sáng của thiên hà M61 - một khám phá đáng kinh ngạc về sự hình thành sao, giúp các nhà khoa học có thể hoàn tất việc phân loại M61 là thiên hà bùng nổ hình sao.
Dải Ngân hà rực sáng trên đảo Rhode, Mỹ Video timelapse của một nhiếp ảnh gia ghi lại cảnh dải Ngân hà hiện lên khi hai con tàu gặp nhau ngoài khơi đảo Rhode, Mỹ đầu giờ sáng ngày 21/3.