Bóng đá Việt Nam và những cuộc ‘cách mạng’ về chiến thuật
Cùng với sự phát triển của bóng đá thế giới, bóng đá Việt Nam nói chung và ĐTQG cũng có con đường thay đổi, “tiến hóa” mô hình, sơ đồ chiến thuật tương đối rõ nét dù có thể chậm hơn ở từng thời điểm.
Tuy nhiên, với 3-4-3 và bản biến thể của nó, HLV Park Hang-seo đang giúp chúng ta có những bước đi tiên phong.
Sơ đồ chiến thuật sơ khai WM
Theo một số nguồn tài liệu, sơ đồ phổ biến của bóng đá thế giới vào năm 1930 là “WM”. Tại Anh, ông bầu CLB Arsenal, Herbert Chapman đã hệ thống hóa một kinh nghiệm đã được làm thử ở Scotland và ông đã làm cho WM trở thành một chiến thuật phổ cập.
Sơ đồ W là ba hậu vệ và hai tiền vệ ở khu phòng ngự, M là hai tiền vệ và ba tiền đạo của hàng tấn công. Bóng đá hiện đại có thể tạm gọi đây là sơ đồ 3-2-2-3. Trong 1 thời gian dài thời kỳ Pháp thuộc, các đội bóng Việt Nam sử dụng đội hình WM và được duy trì trong suốt những năm 50.
Sơ đồ chiến thuật WM. Ảnh minh họa
Kể từ khi khai sinh, sơ đồ WM đã tồn tại trong khoảng 30 năm trên thế giới trước các biến động của bóng đá. Người Hungary đã mở đầu cho sự thay đổi, gần như từ bỏ WM từ Olympic Helsinki 1952 và sau đó người Brazil biến đổi WM thành 4-2-4, và WM đi vào dĩ vãng.
Sơ đồ 4-2-4 đến 5-3-2
Để phá rối hàng phòng ngự trong WM và lối mòn một kèm một, người Hungary và Brazil tăng cường từ 3 hậu vệ, sơ đồ 4-2-4 có 4 hậu vệ, 2 tiền vệ trung tâm và số tiền đạo từ 3 trở thành 4. Sơ đồ 4-2-4 phổ biến trong những năm 60. Đây là sơ đồ có nhiều đất hoạt động cho các tiền đạo cánh.
Đến những năm 70, xu hướng 4-3-3 xuất hiện bằng việc một tiền đạo được kéo xuống thấp hơn để hỗ trợ kiểm soát trung tuyến. Vai trò của các tiền đạo cánh cũng đa năng hơn không chỉ dừng lại ở những quả tạt bóng thuần túy. Sơ đồ chiến thuật này đã giúp CLB Thể Công không có đối thủ trong thời kỳ đó.
Theo HLV Quang Tùng, đặc điểm chung và cũng là sự khác biệt của 4-2-4 và 4-3-3 ở bóng đá Việt Nam giai đoạn 1960/1970 là 2 trung vệ, họ không chơi dàn hàng ngang mà thường có xu hướng 1 người đá dập (kèm trung phong), người còn lại bọc lót “thòng” được chơi tự do “libero” đúng nghĩa.
Đội hình 4-3-3 vô đối của Thể Công những năm 70. Ảnh: BLV Quang Tùng
Đến giữa những năm 80, khi Bóng đá Việt Nam khó khăn vì cơ chế, chất lượng đi xuống. Việc có được các tiền vệ chất lượng rất hạn chế, tâm lý đá để “không thua” 5-3-2 trở nên phổ biến. Đó là khi 1 tiền vệ có xu hướng phòng ngự được kéo xuống thấp ngang trung vệ kèm người thành cặp trung vệ dập, vẫn có trung vệ “thòng”. Và 5-3-2 có thêm đất diễn cho các cầu thủ cánh khi họ quán xuyến cả một hành lang dài.
Sơ đồ 5-3-2 trong một thời gian dài không có nhiều sự tiến bộ, đặc biệt là ở các trung vệ, vì kỹ năng phòng ngự được đề cao trong khi khả năng chuyền bóng, tham gia tổ chức lối chơi ít có cải thiện. Trong giai đoạn này có một vài thời điểm ở ĐT Việt Nam xuất hiện 4-4-2, nhưng cực kỳ hiếm hoi và nhìn chung là chưa thành công.
Video đang HOT
Tại SEA Games 1995 diễn ra ở Chiang Mai (Thái Lan), trận gặp thắng Campuchia 4-0, vì đối thủ yếu nên HLV Weigang đã giữ lại Mạnh Cường – Hữu Thắng chơi trung vệ, đưa Chí Bảo vào thay trung vệ Anh Dũng, hợp cùng Công Minh thành một cặp tấn công ở cánh phải. Các trận còn lại ở SEA Games năm đó, 5-3-2 vẫn là phổ biến.
Thế hệ vàng không ngai của đội tuyển Việt Nam với 2 HCB liên tiếp Tiger Cup 98 và SEA Games 1999. Ảnh: VFF
Một thời điểm khác là 1998 giai đoạn đầu của HLV A. Riedl khi chuẩn bị cho Tiger Cup 1998 nhưng chưa phù hợp và buộc phải quay lại 5-3-2 truyền thống. Với bóng đá Việt Nam, 5-3-2 của HLV A. Riedl thực sự hoàn hảo ở SEA Games 1999 tại Brunei với trung vệ “thòng” Đỗ Khải, hai bên là trung vệ “dập” Phạm Như Thuần – Mai Tiến Dũng đã giữ sạch lưới cho đến trước trận chung kết.
Cuộc “cách mạng” 4-4-2
Không rõ 4-4-2 được hình thành chính xác từ bao giờ trong lịch sử bóng đá thế giới, nhưng thời kỳ Hoàng Kim nhất của sơ đồ tiên tiến này là những năm 1990. CLB AC Milan dưới thời của HLV Arrigo Sacchi (1987-1991) và Fabio Capello hay Manchester United của Sir Alex Furguson với hàng chục danh hiệu lớn nhỏ.
Đây là sơ đồ tối ưu hóa được khả năng của những trung phong hàng đầu, sát thủ trong vòng cấm thời gian sau đó như Ruud van Nistelrooy, Filippo Inzaghi, Van Basten, Fernando Torres… Trong bóng đá hiện đại về sau, sơ đồ 4-4-2 đã được biến tấu rất đa dạng thành 4-2-2-2-, 4-4-1-1, 4-3-1-2 hoặc 4-1-3-2.
So với bóng đá thế giới, 4-4-2 được áp dụng chính thức khá muộn tại Việt Nam. Sau khi HLV A. Riedl chia tay đội tuyển cuối năm 2000, ĐT Việt Nam liên tục có những sự thay đổi trên băng ghế huấn luyện, từ HLV Dido (2001), Calisto (2002). Và người mạnh dạn áp dụng 4-4-2 cho đội tuyển Việt Nam chính là HLV Nguyễn Thành Vinh – cựu HLV trưởng SLNA và là trợ lý đội tuyển Việt Nam thời điểm đó.
Đội hình U23 Việt Nam tại LG Cup năm 2003 và SEA Games 22. Ảnh: NVCC
Nhà cầm quân xứ Nghệ là một trong số 4 HLV Việt Nam được VFF cử đi học lớp cao cấp tại Hàn Quốc do Bộ Ngoai giao Pháp, chủ nhà Hàn Quốc và FIFA tổ chức cho các huấn luyện viên tiêu biểu tại châu Á. Bên cạnh những bài lý thuyết, họ được thực hành và dự khán gần 10 trận đấu tại World Cup 2002. Tại đây, giảng viên của FIFA đã đưa ra những lời ưu, nhược của 5-3-2 mà các đội châu Á đang áp dụng.
Sau khi trở về Việt Nam, HLV Thành Vinh được giao nhiệm vụ tạm quyền dẫn dắt đội U23 Việt Nam từ tháng 9/2002. Qua 3 trận giao hữu gặp các CLB Nhật Bản, Hàn Quốc (có tỷ số 0-0,1-1,0-0) để chuẩn bị cho Vòng loại Asian Cup 2004 và SEA Games 22, đội U23 Việt Nam (đại diện cho ĐTQG) đã được tập huấn thuần thục sơ đồ 4-4-2. Sự thay đổi này đã nhận được sự đồng tình cao của những chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại VFF và ĐT U19 Việt Nam thời điểm đó.
HLV Nguyễn Thành Vinh là người đã mạnh dạn áp dụng 4-4-2 cho U23 Việt Nam (ĐTQG) khi tạm quyền dẫn dắt đội tuyển. Đồ họa: TK
Tháng 6/2003, khi HLV Alfred Riedl trở lại dẫn dắt đội tuyển và U23 Việt Nam, khi HLV Nguyễn Thành Vinh cho biết đội U23 Việt Nam đang tập luyện theo sơ đồ chiến thuật 4-4-2. Ông đã thốt lên rằng: “Nếu U23 chơi với sơ đồ 4-4-2 thì tốt quá!”. Bởi trước đó, ông Riedl từng bị chỉ trích vì không từ bỏ 5-3-2, cái cách nửa vời. Sau khi trở lại tiếp quản công việc, HLV Riedl gần như giữ nguyên bộ khung mà trợ lý của mình đã xây dựng.
Theo HLV Nguyễn Thành Vinh, một trong những nguyên nhân khiến ông từ bỏ sơ đồ cũ 5-3-2 (3-5-2 khi tấn công) là bởi sơ đồ này đòi hỏi chất lượng từng cầu thủ một cách khá khắt khe. Các cầu thủ ngoài có nền tảng thể lực tốt thì 3 trung vệ còn phải có chiều cao, kỹ thuật cá nhân tốt và đặc biệt là vị trí hậu vệ cánh phải biết vận hành một cách trơn tru. Và với 4-4-2, tấn công là cách phòng ngự tốt nhất.
Giải đấu đầu tiên mà đội tuyển thực hành 4-4-2 là tại LG Cup 2003 tại TP Hồ Chí Minh diễn ra vào tháng 8. U23 Việt Nam đã mang về thành công bước đầu khi giành chiến thắng 3-2 trước CLB Kookmin của Hàn Quốc trong trận chung kết kịch tính kéo dài gần 120 phút. Trước đó, các đội bóng của Việt Nam đã 3 lần giành quyền vào trận tranh Cup này trong 4 kỳ tổ chức gần đây, nhưng đều thất bại.
Đội hình U23 Việt Nam năm 2003 vô địch LG Cup năm 2003. Đồ họa: TK
Đây cũng là giải đấu mà cặp trung vệ Huy Hoàng (đá dập), Như Thành (đá thòng) thi đấu đầy ấn tượng. Nếu như Huy Hoàng trở thành cầu thủ xuất sắc nhất trận chung kết thì Như Thành cũng được đánh giá là mẫu trung vệ có lối chơi đầy kỹ thuật, thông minh, hiệu quả và đặc biệt là rất hiếm khi phạm lỗi.
Với đội hình này, U23 Việt Nam thi đấu cực hay tại SEA Games 22 nhưng cũng chỉ có thể giành được tấm HCB vì không có sự phục vụ của những trụ cột như Như Thành, Quốc Vượng trong trận chung kết gặp Thái Lan (Văn Quyến ghi bàn thua 1-2). Dẫu vậy, SEA Games 22 chưa phải là giới hạn cực đại mà sơ đồ 4-4-2 mang lại.
Đỉnh cao 4-4-2 của bóng đá Việt Nam thời điểm này là tại lượt về Vòng loại Asian Cup 2004 diễn ra vào tháng 10. Sau lượt đi liên tục để thua vì không chuẩn bị tốt thể lực, U23 Việt Nam gây chấn động với chiến thắng 1-0 trước Hàn Quốc bằng pha lập công của Văn Quyến và tiếp tục đánh bại Nepal 2-0 trước khi thua Oman 0-2.
Đội hình xuất phát 4-4-2 trận chung kết lượt về AFF Cup 2008 gặp Thái Lan. Đồ họa: TK
Chiến thắng đó thực sự khiến bóng đá châu Á phải sửng sốt bởi ĐT Hàn Quốc thời điểm đó là “tứ đại anh hào” của bóng đá thế giới. Và đội tuyển Việt Nam lúc đó thực chất là U23 Việt Nam với những cầu thủ đã thi đấu thành công tại LG Cup 2003 trước đó, vốn được thay mặt cho ĐTQG.
Và từ đó về sau, sơ đồ 4-4-2 đều được các đời HLV trưởng của ĐT Việt Nam áp dụng. Cũng với 4-4-2, ĐT Việt Nam thi đấu thành công tại Asian Cup 2007 và vô địch AFF Cup lần đầu tiên vào năm 2008 dưới thời HLV Calisto. Sau thời HLV Toshiya Miura đến HLV Hữu Thắng, sơ đồ có sự biến đổi đôi chút với 4-4-1-1 hoặc 4-1-4-1.
Sơ đồ 3-4-3 “Made in Vietnam”
Cuối năm 2017, ĐT Việt Nam và U23 Việt Nam được tiếp quản bởi HLV Park Hang-seo. Sau một trận gặp Afghanistan tại VL Asian Cup 2019, HLV người Hàn Quốc quyết định tạo nên một cuộc cách mạng khi cho U23 Việt Nam thi đấu bằng sơ đồ 3-4-3 tại M-150 Cup diễn ra tại Thái Lan.
Việc HLV Park từ bỏ sơ đồ 4 hậu vệ để chuyển sang 3 hậu vệ đã gây ra những hoài nghi nhất định. Rất ít CLB và đội tuyển trên thế giới vẫn còn sử dụng sơ đồ này bởi sự khắt khe, yêu cầu về con người và sự tiêu hao thể lực cũng như cách vận hành phức tạp của nó. CLB Chelsea dưới thời HLV Antonio Conte là một ví dụ hiếm hoi sử dụng 3-4-3.
Tuy nhiên, thực tế đây là một chiến thuật giúp đội tuyển có được hệ thống phòng ngự rất chắc chắn và linh hoạt. Nếu một hậu vệ cánh lên tham gia tấn công và chưa kịp lui về, hậu vệ cánh đối diện sẽ lùi sâu, kết hợp với 2 tiền vệ trung tâm, 3-4-3 vẫn đảm bảo 6 cầu thủ nơi hàng phòng ngự. Khi tấn công, một cầu thủ hậu vệ cánh (Trọng Hoàng hoặc Văn Hậu) dâng cao, ĐT Việt Nam có đến 6 cầu thủ tấn công.
Đội hình U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á. Ảnh: VFF
Và M-150 Cup là giải đấu mà U23 Việt Nam chập chững chơi với sơ đồ mới rồi đánh bại Thái Lan 2-1 trong trận tranh hạng Ba với cú đúp bàn thắng của Công Phượng. Sơ đồ 3-4-3 cũng đã cùng các ĐTQG giành được rất nhiều danh hiệu, những trận thắng lẫy lừng suốt hơn 2 năm qua. Tại SEA Games 30, 3-4-3 được HLV Park Hang-seo biến đổi thành 3-5-2, 5-3-2 tùy thời điểm.
Dưới thời HLV Park, U23 Việt Nam thường có thành tích rất tốt khi đối đầu với kình địch Thái Lan, nhưng ở cấp ĐTQG, ĐT Việt Nam vẫn chưa một lần đánh bại được Thái Lan trong những trận đấu chính thức. Và King’s Cup 2019 là giải đấu hiếm hoi mà chúng ta vượt qua được người Thái.
Với những yêu cầu cấp thiết về việc làm mới hàng tấn công, thời gian tới HLV Park Hang-seo buộc phải thay đổi để có thêm nhiều phương án khi đối đầu với các đội bóng tại bảng G – Vòng loại World Cup 2022 và AFF Cup 2020. Những phương án như 3-4-1-2, 3-1-4-2 hay 3-5-1-1 đã được ông thầy người Hàn Quốc chuẩn bị.
HLV Park Hang-seo và các trợ lý đang bàn bạc về kế hoạch nâng cấp chiến thuật cho ĐT Việt Nam. Ảnh: VFF
Nhìn sang các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, thậm chí là đối thủ UAE tại bảng G – Vòng loại World Cup 2022, tất cả những đối thủ này đều đang trung thành với sơ đồ 4-2-3-1, chiến thuật tối ưu nhất, được cho là thịnh hành nhất giai đoạn này của bóng đá thế giới. Sơ đồ này cũng có 2 tiền vệ trung tâm án ngữ trước hàng hậu vệ, nhưng luôn thường trực 4 cầu thủ trên hàng tấn công.
Đến thời điểm này với những gì đã đạt được, sự thay đổi táo bạo của HLV Park Hang-seo là một cuộc cách mạng thành công nhất. Cuộc cách mạng này thành công ngoài công lao đến từ HLV người Hàn Quốc còn nhờ vào việc bóng đá Việt Nam đang sở hữu một thế hệ cầu thủ tương đối toàn diện về mặt thể hình, thể lực và kỹ thuật.
Trung Kiên
1 câu nói của HLV Wenger khiến bóng đá Việt Nam thay đổi
HLV Arsene Wenger xứng đáng nhận được lời cảm ơn từ người hâm mộ Việt Nam bởi một câu nói của ông đã góp phần thay đổi nền bóng đá nước nhà.
Thành công trong 2 năm qua của bóng đá Việt Nam có sự đóng góp rất lớn đến từ các cầu thủ trưởng thành ở Học viện HAGL Arsenal JMG. Ngoài lời cảm ơn dành cho bầu Đức, có lẽ NHM bóng đá Việt Nam cũng phải dành sự tri ân đến ông Arsene Wenger, cựu HLV nổi tiếng của CLB Arsenal.
Cái bắt tay lịch sử giữa HLV Arsene Wenger và bầu Đức vào năm 2007.
Mối lương duyên giữa HAGL và Arsenal để bắt tay hợp tác xây dựng nên Học viện HAGL Arsenal JMG bắt đầu từ cuộc gặp gỡ giữa HLV Arsene Wenger và bầu Đức vào năm 2007. Sau khi giành 2 chức vô địch liên tiếp ở đấu trường V.League, bầu Đức ngỏ ý muốn đưa đội bóng sang thi đấu giao hữu với CLB Arsenal, nhằm giúp các cầu thủ học hỏi từ môi trường bóng đá đỉnh cao châu Âu.
Tuy nhiên, HLV Arsene Wenger đã phản đối vì HAGL chẳng thể học hỏi được gì chỉ qua một vài trận đấu, ông nói: "Hãy về xây dựng hệ thống đào tạo trẻ đi đã, trước khi sang đây tập huấn và học hỏi".
Từ câu nói này của HLV Arsene Wenger, bầu Đức đã quyết tâm xây dựng Học viện HAGL Arsenal JMG. Thành quả là điều mà tất cả chúng ta đã nhận thấy, lứa cầu thủ Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường... là những nhân tố chính mang lại thành công cho bóng đá Việt Nam trong 2 năm qua.
Hiện tại, HAGL đã dừng hợp tác với CLB Arsenal và bắt tay với Feyenoord Rotterdam, một đại diện đến từ giải Hà Lan. Học viện HAGL JMG tiếp tục cho ra mắt những cầu thủ đầy tài năng và hứa hẹn là tương lai của bóng đá nước nhà.
Đó là các cầu thủ thuộc khóa 4 gồm Lâm Gia Đức, Lê Hữu Phước, Phan Hồ Khải, Võ Hữu Việt Hoàng. Nguyễn Nhật Minh, Trần Gia Huy, Nguyễn Duy Tâm , Hoàng Vĩnh Nguyên, Phan Nhật Thanh Long, Lê Văn Trường, Trần Đình Hùng... Dưới sự dẫn dắt của HLV Guillaume Graechen, U19 HAGL đã giành ngôi Á quân giải U19 Quốc gia 2019.
Lê Thành
HLV Park Hang-seo và bài học Calisto Không phải tự nhiên HLV Park Hang-seo trong thời điểm các giải vô địch quốc gia đang nghỉ dài vì dịch COVID-19 đã mày mò nghiên cứu thay đổi triệt để trên đội tuyển để tìm hướng đi mới hơn... Ông thầy người Hàn Quốc khoe sắp tới tính áp dụng ba hệ thống chiến thuật khác nhau cho học trò, bởi cách...