Bóng đá Việt Nam bao giờ hết xây nhà từ nóc?
HLV Alfred Riedl khi chia tay đội tuyển quốc gia sau chức á quân Tiger Cup 1998 (tiền thân của AFF Cup) đã phán một câu xanh rờn: “ Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc”.
Câu đánh giá ngắn gọn của ông thầy người Áo lột tả trần trụi cảnh ăn đong của cả một làng bóng hầu như chỉ săn sóc cho giải vô địch và đội tuyển quốc gia thay vì chăm chút căn cơ cho cả một nền bóng đá, đặc biệt ở khâu đào tạo trẻ. Phán xét của HLV Riedl gây khó chịu cho VFF dù giới chuyên môn đều thấm thía và thực tế những tồn tại này đã diễn ra hàng chục năm qua.
Dễ thấy các đội tuyển quốc gia cứ đến hẹn lại lên từ một giải vô địch vốn đã èo uột lại còn mang mầm bệnh mua bán độ, móc ngoặc xảy ra suốt một thời gian dài. Trong khi đó, các địa phương mạnh ai nấy làm bóng đá trẻ theo kinh nghiệm và theo mỗi kiểu khác nhau. Họ phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn cho đào tạo trẻ và thậm chí là thả nổi rồi đi mượn quân của nhau để đối phó mỗi mùa vào các giải trẻ.
Bóng đá trẻ Việt Nam phát triển nhờ sự đầu tư của các lò đào tạo trẻ trong khi các giải chuyên nghiệp lại đầu tư kiểu hình tháp ngược. Ảnh: CTV
Cách đây hơn 10 năm, VFF tận dụng kinh phí của FIFA đã xây dựng Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam nhưng thiếu tính mục đích và dĩ nhiên không cho ra đời tài năng trẻ nào. Phải chờ đến khi Học viện bóng đá tư nhân HA Gia Lai JMG đi tiên phong và sau đó một số lò đào tạo trẻ khác như PVF, Viettel,… khai sinh thì làng bóng có sinh khí hơn.
Đến cả các giải vô địch quốc gia bao nhiêu năm qua xây dựng theo hình tháp ngược không giống ai của VFF cho đến nay mới có sự dịch chuyển khi tạo sự đồng thuận giúp các CLB chung sức vun vén cho sự phát triển tự nhiên.
Hy vọng những nhà làm giải bóng đá Việt Nam sẽ dần thoát ra khỏi cảnh ăn đong ở trên tuyển, sau khi cơ cấu phù hợp hơn cho các giải vô địch quốc gia và định hướng, đầu tư hiệu quả cho công cuộc đào tạo trẻ để không còn bị mang tiếng xây nhà từ nóc.
CÔNG TUẤN
Trước thời HLV Park Hang Seo, tuyển Việt Nam từng có sơ đồ 3 trung vệ 'hoàn hảo'
Cùng với sự phát triển của bóng đá Thế giới, bóng đá Việt Nam cũng có con đường thay đổi, tiến hoá mô hình chiến thuật dù có thể chậm hơn ở từng thời điểm.
3 trung vệ buổi sơ khai: Đá để không thua
Sau khi trải nghiệm đội hình 2-3-5 cùng những người Pháp buổi ban đầu, suốt một thời gian dài thời Pháp thuộc, các đội bóng Việt Nam sử dụng đội hình WM được sáng tạo bởi HLV của Arsenal Herbert Chapman.
Việc quy định số áo ra sân của các cầu thủ cũng tương ứng với từng vị trí trong đội hình này, theo thứ tự từ số 1 đến 11 lần lượt từ hàng phòng ngự lên các tuyến trên. WM còn được duy trì sử dụng ở Việt Nam trong suốt những năm 50 dù ở tầm thế giới, người Hungary đã mở đầu cho sự thay đổi với dấu ấn là tấm HCV Olympic Helsinki 1952.
BLV Quang Tùng bên cạnh bảng sơ đồ WM của HLV huyền thoại Herbert Chapman trong bảo tàng của CLB Arsenal
Thay thế cho WM là 4-2-4 phổ biến trong những năm 60. Đây là sơ đồ có nhiều đất hoạt động cho các tiền đạo cánh. Đến những năm 70 xu hướng 4-3-3 xuất hiện bằng việc vị trí số 10 (không nhất thiết phải là cầu thủ mang áo số 10) được kéo xuống thấp hơn để hỗ trợ kiểm soát trung tuyến. Vai trò của các tiền đạo cánh cũng đa năng hơn, không chỉ dừng lại ở những quả tạt thuần tuý.
Đặc điểm chung của 4-2-4 và 4-3-3 ở bóng đá Việt Nam giai đoạn 1960-1970 là hai trung vệ. Họ không chơi giăng ngang mà thường có xu hướng một người đá dập, kèm trung phong và một người bọc lót, hay trung vệ thòng được chơi tự do, chính là một libero đúng nghĩa.
Đến giữa những năm 80, khi bóng đá Việt Nam gặp khó khăn vì cơ chế, chất lượng đi xuống. Việc có được các tiền vệ tốt rất hạn chế, 5-3-2 với tâm lý "đá để không thua" trở nên phổ biến. Đó là khi một tiền vệ có xu hướng phòng ngự được kéo xuống thấp ngang trung vệ kèm người, tạo thành cặp trung vệ dập và vẫn có trung vệ thòng.
Đội hình 4-3-3 "vô đối" của Thể Công những năm 70
Sơ đồ này có thêm đất diễn cho các cầu thủ cánh khi họ quán xuyến cả hành lang dài. Tuy nhiên 5-3-2 trong một thời gian dài không có nhiều sự tiến bộ, đặc biệt là ở các trung vệ, vì kỹ năng phòng ngự được đề cao trong khi khả năng chuyền bóng, tham gia tổ chức lối chơi ít có cải thiện.
Trong giai đoạn này có một vài thời điểm ở đội tuyển xuất hiện 4-4-2 nhưng cực kỳ hiếm hoi và nhìn chung là chưa thành công.
Video: Đoàn Văn Hậu có nên ở lại châu Âu chơi bóng? (Nguồn: Next Sports)
Một trong số đó là trận thắng Campuchia 4-0 tại SEA Games năm 1995 ở Chiangmai, Thái Lan. Do đối thủ yếu nên HLV Karl-Heinz Weigang giữ lại Mạnh Cường, Hữu Thắng chơi trung vệ. Ông đưa Chí Bảo vào thay trung vệ Anh Dũng, hợp cùng Công Minh thành một cặp tấn công ở cánh phải, tạo thêm yếu tố tiếp cận.
Một lần khác là giai đoạn đầu của HLV Alfred Riedl năm 1998 khi chuẩn bị cho Tiger Cup. Phương án này khi đó chưa phù hợp, nhà cầm quân người Áo buộc phải cho đội tuyển Việt Nam quay lại 5-3-2 truyền thống.
Sơ đồ 5-3-2 hoàn hảo của "thế hệ vàng không ngai"
Sơ đồ 5-3-2 của Riedl thực sự hoàn hảo ở SEA Games năm 1999 tại Bruinei, với Đỗ Khải đá thòng, Phạm Như Thuần, Mai Tiến Dũng chơi dập đã không thủng lưới bàn nào cho đến trước trận chung kết.
Đội hình Tuyển Việt Nam trận thắng Campuchia ở SEA Games 1995, lần sử dụng 4-4-2 hiếm hoi trong giai đoạn những năm 90
Cách chơi của ba trung vệ năm 1999 vẫn mang nhiều đặc thù Việt Nam, chưa vươn tới tầm của 3-5-2 đúng nghĩa, chưa phải là hàng thủ ba trung vệ giăng ngang chơi đa năng.
Tuy nhiên, bộ ba này là sự kết hợp có lý nhất, là sự bổ sung lẫn nhau trong cách chơi có sự đeo bám dẻo dai, quyết liệt khi cần thiết, có tầm vóc để áp chế, kiểm soát bóng bổng và cải thiện đáng kể khả năng thu hồi, giao nhận bóng, đóng góp vào lối chơi có sự phát động từ tuyến dưới.
Họ đã vô hiệu hoá được Kiatisuk Senamuang trong cả hai trận đối đầu Thái Lan. Điều đáng tiếc là các vị trí khác chưa bù đắp hết được, khi đội tuyển Việt Nam để thua trong hai tình huống sút xa ở trận chung kết.
SEA Games năm 1999, bóng đá Việt Nam có một lứa cầu thủ chín về tuổi đời và tuổi nghề nhưng thật tiếc trong lần cuối cùng dự SEA Games họ không thể có huy chương vàng. Cũng thật tiếc cho thế hệ này vì sau đó họ không có thêm bất cứ trận chung kết nào khác.
Những năm 2000, 5-3-2 vẫn còn duy trì nhưng không còn độc tôn và gần như biến mất ở nửa cuối thập niên để nhường chỗ cho sự phổ cập 4-4-2 với cặp trung vệ giăng ngang, cho đến nhưng năm gần đây cùng những vận động biến đổi của nó như 4-1-4-1, 4-4-1-1; 4-5-1 hay ưu việt hơn cả 4-2-3-1.
Khi mà chất lượng cầu thủ phòng ngự được cải thiện, bóng đá Việt Nam có thêm sự lựa chọn 3-4-3 tương đối cân bằng, có nhiều đột biến nhờ khả năng phát động của các trung vệ cùng tốc độ của các cầu thủ tấn công.
Thế hệ vàng không ngai của tuyển Việt Nam với 2 HCB liên tiếp ở Tiger Cup 1998 và SEA Games 1999
Điểm tiến bộ lớn nhất mà bóng đá Việt Nam có được kể từ khoảng cuối những năm 2000 là sự thay đổi sơ đồ chiến thuật trong từng trận đấu đã xuất hiện nhiều hơn và đem lại hiệu quả.
Đó là sự khác biệt đáng kể vì trước đây sự thay đổi thường chỉ là thay nhân sự hoặc ý đồ chơi tuỳ vào tình thế. Điều này chứng tỏ chất lượng cầu thủ có sự cải thiện cả về kỹ năng và sự hiểu biết chiến thuật, bên cạnh đó cũng là năng lực và sự cấp tiến của các nhà cầm quân.
NGÔ QUANG TÙNG
Báo Malaysia nhận xét đắng lòng về bóng đá trẻ Việt Nam Theo tờ VocketFC, bóng đá trẻ Việt Nam đang thụt lùi so với Malaysia và Thái Lan vì không có những ngôi sao trẻ sáng giá. Tờ VocketFC của Malaysia cho rằng ĐT Việt Nam hiện tại là đội bóng số 1 Đông Nam Á, nhưng bóng đá trẻ "đất nước hình chữ S" thua xa Malaysia cũng như Thái Lan. Bóng đá...