Bóng đá trẻ Việt Nam: Nhìn từ cách tuyển quân của ông Park
Bóng đá Việt Nam đang thành công ở cấp độ U23 và ĐTQG dưới thời HLV Park Hang Seo. Thế nhưng, ở cấp độ trẻ U18 có phần kém vui khiến Liên đoàn Bóng đá Việt Nam ( VFF) phải bổ nhiệm Philippe Troussier ngồi “ghế nóng”.
ĐT U22 Việt Nam hiện nay có sự kế thừa và tiếp nối để duy trì lối chơi đã được thày Park định hình cho ĐTQG và ĐT U23 Việt Nam. Ảnh: VFF
Đỉnh cao của bóng đá trẻ Việt Nam là việc U19 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Hoàng Anh Tuấn giành vé tham dự VCK U20 World Cup 2017. Đó là thời điểm mà các ĐTQG và U23 đều không có được thành tích tốt ở AFF Cup và SEA Games. Chính sự thành công của bóng đá trẻ đã tạo ra cú hích lớn trong giai đoạn được xem là “khủng hoảng” của bóng đá Việt Nam ở cả về mặt thành tích ĐTQG lẫn thượng tầng VFF.
Thế nhưng, sau thành tích này HLV Hoàng Anh Tuấn đã không thể giúp lứa U18-U19 Việt Nam có được những thành công tiếp theo. Bằng chứng là họ luôn bị loại từ vòng bảng ở những giải Đông Nam Á gần đây. Còn ở đấu trường châu Á thì cũng không thể tiến xa.
Việc U18 Việt Nam thất bại trước đội bóng đến từ nền bóng đá yếu hơn là U18 Campuchia tại giải U18 Đông Nam Á 2019 là một thành tích đáng thất vọng. Đó là “giọt nước tràn ly” buộc HLV Hoàng Anh Tuấn phải từ chức.
Điểm đáng ghi nhận của ông Hoàng Anh Tuấn trước khi rời ghế HLV trưởng chính là tinh thần cầu thị cần có vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Ông Tuấn đã thay đổi vì HLV Park Hang Seo. Thời điểm ông huấn luyện U18 Việt Nam chuẩn bị cho giải vô địch U18 Đông Nam Á đã có chủ trương để các cầu thủ vận hành theo chiến thuật như tại U23 và ĐTQG của thầy Park.
Đó là tư tưởng nhận được nhiều sự đồng tình của giới chuyên môn, điều này cũng tốt cho ĐTQG. Chỉ tiếc ông Tuấn đã không thể tiếp tục thực hiện được kế hoạch của mình. Thế nhưng, việc thất bại của bóng đá trẻ ở các giải đấu khu vực và châu lục hậu U20 World Cup 2017 còn xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác, trong đó vấn đề sàng lọc và lựa chọn lực lượng kế cận, có sự tiếp nối chưa thực sự tốt.
Video đang HOT
Nhìn vào cách mà ông Park sàng lọc lực lượng cho U22 Việt Nam, có thể coi là bài học cho bóng đá trẻ. Sau vòng loại U23 châu Á 2020, U23 Việt Nam với lực lượng có sự kết hợp của các tuyển thủ quốc gia và các cầu thủ mới đã có giải đấu ấn tượng, đặc biệt là chiến thắng 4-0 trước U23 Thái Lan.
Tuy nhiên, khi bắt tay vào kế hoạch chuẩn bị cho SEA Games, ông Park chỉ ra vấn đề bất ổn là nếu như chất lượng các cầu thủ thuộc ĐTQG có thể đảm bảo cho cuộc cạnh tranh tại vòng loại World Cup 2022 thì lực lượng của ĐT U22 QG vẫn chưa có được sự cân bằng về trình độ giữa các nhóm cầu thủ.
Chúng ta sẽ phải khắc phục một vấn đề, đó là một số cầu thủ đang trong độ tuổi thi đấu SEA Games nhưng đồng thời cũng là tuyển thủ đội tuyển quốc gia. Khoảng cách giữa các cầu thủ đó và các cầu thủ khác trong đội hình đội tuyển U22 phải được rút ngắn lại.
Chính vì thế mà ông Park đã để U22 Việt Nam tập trung thành các đợt ngắn hạn. Mỗi lần tập trung lại có những gương mặt mới được gọi theo danh sách sơ bộ. Điều này giúp cho các cầu thủ có cơ hội làm quen chiến thuật, còn ban huấn luyện có sự sàng lọc và lựa chọn những cái tên chất lượng.
Kết quả của cách làm này đã khiến cho U22 Việt Nam dần hình thành bộ khung chất lượng, trận đấu với U22 Trung Quốc vừa qua phần nào cho thấy sự tiến bộ của các cầu thủ. Ông Park khá hài lòng khi sử dụng được 20/24 cầu thủ nhưng lối chơi không hề có sự chệch choạc, các vị trí thay thế đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đó là đội hình có cả cầu thủ mới và cũ, có sự kế thừa và tiếp nối.
Mới đây, VFF đã bổ nhiệm HLV Philippe Troussier vào chiếc ghế trống mà ông Tuấn đã để lại với hy vọng mang về những thành công cho bóng đá trẻ. Dựa vào bảng thành tích ấn tượng của HLV từng dẫn dắt 7 đội tuyển quốc gia, đưa ĐT Nam Phi vào dự World Cup 1998, Nhật Bản dự World Cup 2002, đó là cơ sở để chúng ta tin tưởng. Thế nhưng, để thành công với bóng đá Việt Nam, đặc biệt là bóng đá trẻ lại cần đến cả sự may mắn.
Theo Song Huỳnh (Tiền Phong)
Trở ngại cho mục tiêu vàng SEA Games 30
Nhìn lại lai lịch các giải trẻ Đông Nam Á, kể cả bóng đá nam SEA Games, rất lo cho mục tiêu vàng của bóng đá Việt Nam.
Nếu không cải thiện thể lực và sức bền, mục tiêu vàng của bóng đá Việt Nam (VN) tại SEA Games có thể "gãy" như những đội trẻ Việt Nam gần đây đã "gãy".
Trận Việt Nam thua Thái Lan 0-3 ở lượt cuối vòng bảng SEA Games 2017. Ảnh: HUY PHẠM
Mới đây, chủ nhà SEA Games, Philippines đã chính thức điều chỉnh mục tiêu bóng đá nam từ vô địch xuống còn nằm trong tốp có huy chương. Nguyên nhân được báo chí Philippines phân tích là chủ nhà đã nhìn thấy thực lực của bóng đá trẻ trong khu vực.
Cũng từ những phân tích và nhận định, không loại trừ lễ bốc thăm bóng đá nam SEA Games vào tháng 10 có khả năng "dồn" một bảng cực kỳ nặng, tức "ghép" những ông lớn vào cùng một bảng, còn bảng còn lại thì chỉ vừa đủ có chủ nhà và một đội mạnh khác.
Tại SEA Games 30, U-22 VN được đánh giá là rất mạnh qua thành tích của U-23 ở vòng loại World Cup nhưng VN lại nằm ở nhóm hạt giống số ba (tính theo thành tích SEA Games trước). Vì thế mà càng dễ "dồn" các ứng viên vô địch vào một bảng tử thần hơn.
Một điều đáng chú trọng nhất là SEA Games có 11 quốc gia tham dự ở "ao làng" này thì không điều gì không thể xảy ra. Từ lá thăm làm sao để chủ nhà có lợi nhất đến việc dồn cho các ông lớn vừa "tiêu diệt" nhau ở vòng bảng, vừa mất sức với bảng sáu đội phải đá nhiều hơn với mật độ dày hơn. Thậm chí còn có dự báo rằng khả năng bảng tử thần cũng là bảng có sáu đội.
Các đội bóng VN, cụ thể ở đây là U-22 2 luôn là đội không phải có sức mạnh và sức bền tốt như Malaysia, Indonesia, Myanmar, Thái Lan... Những giải trẻ Đông Nam Á gần đây cho thấy khi giải có 12 đội chia làm hai bảng, đá cách nhật xuyên suốt giải thì các đội trẻ VN hay hụt hơi từ những trận cuối vòng bảng.
Vì thế mà trường hợp rơi vào bảng sáu đội thì thời gian nghỉ giữa vòng bảng và bán kết cũng rất ngắn. Nên nhớ môn bóng đá SEA Games 30 khai mạc ngày 25-11, trong khi đó bế mạc SEA Games 30 là ngày 10-12 tức mật độ thi đấu rất dày, dễ bào mòn thể lực các cầu thủ.
Các giải trẻ Đông Nam Á trong thời gian qua, khi có sự hiện diện của Úc, tức mỗi bảng đấu có sáu đội thì các đội trẻ VN "rơi rụng" ngay sau vòng bảng. Việc bị loại sớm có phần ảnh hưởng bởi phải đá năm trận trong chín ngày khiến nhiều cầu thủ VN hồi phục không kịp do mặt bằng thể lực và sức bền kém. Điểm yếu thể lực thường lộ ra khi gặp mật độ dày và thi đấu nhiều trận.
Nhìn U-18 Malaysia, U-18 Indonesia, U-18 Myanmar tại giải U-18 Đông Nam Á vừa qua mới thấy thể lực, sức mạnh và sức bền của họ rất tốt.
Ngay cả cấp độ đội U-23 VN cũng thể hiện điều này. Tại SEA Games 2017, U-23 VN ở bảng B có sáu đội gồm VN, Thái Lan, Indonesia, Campuchia, Đông Timor, Philippines. Đúng vào trận cuối vòng bảng, VN đối đầu với U-23 Thái Lan và thua 0-3 trong thế trận thua sút về sức lực lẫn tinh thần.
SEA Games 30 sắp tới, chắc chắn phòng các đội tuyển VFF và ban huấn luyện đội U-22 2 VN phải lường trước khả năng VN lại rơi vào bảng sáu đội và có thể là toàn các đối thủ xương xẩu.
Đó sẽ là bài toán cực kỳ nan giải cho thầy trò HLV Park Hang-seo trong mục tiêu lên ngôi vô địch.
Theo Tấn Phước (Pháp luật TPHCM)
Vòng loại World Cup sát với SEA Games: HLV Park Hang Seo khó tính điểm rơi Một số lượt trận thuộc vòng loại World Cup khu vực châu Á sẽ diễn ra đến tận giữa tháng 11, trong khi cuối tháng 11, SEA Games lần thứ 30 sẽ khởi tranh, điều đó đặt ra thách thức và áp lực cho HLV Park Hang Seo trong việc tính điểm rơi cho cả 2 đội tuyển. Với các nền bóng đá...