Bong bóng bất động sản liệu có quay lại theo chu kỳ?
Nhiều chuyên gia và nhà quản lý thị trường bất động sản cho rằng, hiện chưa đáng lo lặp lại bong bóng bất động sản, nhưng cũng không nên chủ quan.
Thị trường tăng trưởng mạnh
Đánh giá về thực trạng thị trường bất động sản nước ta hiện nay, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, sự phục hồi của thị trường bất động sản là tín hiệu tích cực với nền kinh tế. Tuy nhiên, VEPR cảnh báo: “cần thận trọng với sự tăng trưởng của thị trường bất động sản và ngăn ngừa sự hình thành bong bóng bất động sản có tính chu kỳ”.
Thị trường bất động sản đang tăng trưởng khả quan
Phân tích rõ hơn cảnh báo này, VEPR cho biết: thị trường bất động sản tăng trưởng mạnh mẽ trong quý III cũng như 9 tháng đầu năm 2015. Thông tư 36/2014 của Ngân hàng Nhà nước nới lỏng cho vay bất động sản, giảm hệ số rủi ro từ 250% xuống 150% đã tạo hiệu ứng tích cực.
Theo thống kê của Savills, trong quý III thị trường hấp thụ khoảng 5.220 và 6.650 căn tại TPHCM và Hà Nội, tăng tương ứng 59% và 50% so với cùng kỳ năm 2014. Giá bất động sản diễn biến khá ổn định, xu hướng nhẹ chưa có dấu hiệu sốt nóng.
Theo đánh giá của CBRE, lượng giao dịch tại thành phố Hồ Chí Minh phần lớn nằm ở phân khúc cao cấp. Tại thị trường Hà Nội, phân khúc trung cấp vẫn giữ vị trí thống trị, trong khi căn hộ cao cấp tăng mạnh.
Ngược lại phân khúc bình dân nhận được ít sự quan tâm. Gói cho vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng với đối tượng thu nhập thấp mới giải ngân được 26% tính đến tháng 9/2015. Trong khi đó, tốc độ cho vay bất động sản có dấu hiệu tăng mạnh, đạt 10,89% trong nửa đầu năm 2015.
Video đang HOT
Một điểm cần lưu ý nữa, theo VEPR, tín dụng cho bất động sản đang có xu hướng tăng cao, các giao dịch đang tập trung chủ yếu ở phân khúc cao cấp và mặt bằng giá có xu hướng tăng gây lo ngại về sự phát triển bền vững của thị trường. Vì thế, “khi thị trường đã phục hồi, cần điều chỉnh lại chủ trương khuyến khích cho vay bất động sản”- VEPR khuyến nghị.
Không thể chủ quan
Cảnh báo về nguy cơ bong bóng bất động sản quay trở lại của VEPR không phải cá biệt. Tại Diễn đàn Đầu tư Toàn cầu diễn ra tại Hà Nội hồi tháng 10, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, chưa có căn cứ để nói thị trường có bong bóng. Nhắc lại câu chuyện bong bóng bất động sản tại Việt Nam giai đoạn 2007-2010, ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, bong bóng bất động sản khi đó xảy ra thể hiện rõ nhất là giá nhà đất tăng chóng mặt từng ngày, lượng cung rất ít trong khi nhu cầu lớn.
Nhưng với thực tế diễn biến thị trường như hiện nay, Phấn cũng cảnh báo: “Bong bóng có thể xuất hiện nếu thị trường tăng trưởng nóng và giá tiếp tục gia tăng liên tục…”.
Thị trường nay đã khác xưa…
“Chưa có dấu hiệu đáng lo việc tái hiện bong bóng bất động sản ở Việt Nam. Bởi thị trường thời điểm này cơ bản khác với lần phát sinh bong bóng bất động sản trước đây. Trước đây, người mua chủ yếu là giới đầu cơ, còn hiện tại, người mua thực chiếm số đông do nhu cầu mua để ở, rồi cả mua để cho thuê và mua để tìm cơ hội kiếm lời từ bất động sản. Chủ đầu tư hiện nay cũng có nghiên cứu rất kỹ nhu cầu thị trường để cung ứng sản phẩm phù hợp nhằm đảm bảo bán được hàng. Đồng thời, môi trường vĩ mô hiện tại cũng khác khi mặt bằng chỉ số giá tiêu dùng có bước phát triển, mức lạm phát hiện tại thấp, trong khi lãi suất được kiềm chế.”- Ông Richard Leech, Giám đốc của CBRE Việt Nam.
Còn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khi trả lời chất vấn ở Quốc hội tại kỳ họp này có đánh giá: hiện nay đã bắt đầu xuất hiện hiện tượng đầu cơ trên thị trường bất động sản. Biểu hiện là người mua nhà phải trả giá cao hơn nhiều so với giá nhà của chủ đầu tư đưa ra, đặc biệt ở những dự án ở vị trí tốt, có tiến độ thi công nhanh. Bản thân chủ đầu tư cũng chủ động tăng giá và nhiều dự án đồng loạt khởi công đã dẫn đến lo ngại bong bóng bất động sản sẽ xuất hiện trong thời gian tới.
Bộ trưởng cho rằng, bong bóng bất động sản chỉ có thể xuất hiện khi hội tụ các yếu tố: Nền kinh tế phát triển không ổn định; các thị trường khác cũng phát triển không ổn định, thiếu hấp dẫn nên nhà đầu tư sẽ dồn tiền cho bất động sản; nguồn cung bất động sản thiếu hoặc lệch pha cung – cầu; chính sách tài chính tín dụng cho bất động sản lỏng lẻo; thiếu sự kiểm soát quản lý của nhà nước trong quá trình quản lý đầu tư xây dựng, phát triển đô thị và phát triển thị trường bất động sản.
Nhưng với thực tiễn của Việt Nam hiện nay, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhận định rất khó xảy ra bong bóng bất động sản. Đặc biệt là khi nền kinh tế của nước ta đang phục hồi, có mức tăng trưởng ổn định vĩ mô cũng như các cân đối lớn của nền kinh tế luôn giữ được sự ổn định cùng các yếu tố khác. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, “diễn biến của thị trường rất phức tạp, không thể chủ quan”./.
Theo_VOV
Tranh cãi chuyện 'bong bóng bất động sản'
Trước diễn biến thị trường bất động sản đang 'nóng' dần lên, nguồn cung tăng mạnh, giá tăng, vốn FDI cũng tăng mạnh... liệu thị trường có tái diễn tình trạng 'bong bóng'?
Vấn đề "bong bóng" bất động sản (BĐS) đang tồn tại nhiều nhận định trái chiều, có ý kiến cảnh báo nhưng có quan điểm lại khẳng định không quá lo ngại về tình trạng này.
Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu nhận định rằng, chưa có nguy cơ xảy ra "bong bóng" BĐS trong năm 2015 và có thể cả năm 2016.
Bởi theo ông, nền kinh tế nước ta chỉ mới đang trên đà hồi phục, tăng trưởng tín dụng năm 2013 ở mức 12,51%, năm 2014 ở mức 12,62%, dự kiến năm 2015 cũng chỉ ở mức khoảng 16%, trong lúc mức tăng trưởng tín dụng năm 2007 là năm đỉnh điểm của "bong bóng" BĐS lên đến 37,80%. Hơn nữa, giao dịch BĐS hiện vẫn đang diễn ra bình thường, chưa xuất hiện hiện tượng đầu cơ, đẩy giá ảo trên thị trường.
Thị trường bất động sản có nguy cơ xảy ra "bong bóng" bất động sản hay không? (Ảnh: Minh Thư)
Thế nhưng, với tình hình thị trường BĐS tăng trưởng mạnh mẽ trong quý 3 cũng như 9 tháng đầu năm, cùng với việc Thông tư 36/2014/TT-NHNN nới lỏng cho vay bất động sản, giảm hệ số rủi ro từ 250% xuống 150%, Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VERP) lưu ý, chính sách cần thận trọng với tăng trưởng của thị trường BĐS và ngăn ngừa sự hình thành bong bóng BĐS có tính chu kỳ. Tín dụng cho BĐS tăng cao, các giao dịch đang tập trung chủ yếu ở phân khúc cao cấp và các mặt bằng giá có xu hướng tăng gây lo ngại về sự phát triển bền vững của thị trường. Khi thị trường đã phục hồi cần điều chỉnh lại chủ trương khuyến khích cho vay BĐS.
VERP cho rằng, sự hồi phục của thị trường BĐS là tín hiệu tích cực với nền kinh tế, tuy nhiên cần thận trọng khả năng hình thành bong bóng tài sản do chính sách tiền tệ nới lỏng quá mức.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 9 tháng năm 2015, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm vào Việt Nam đạt 17,15 tỷ USD, tăng 53,4% so với cùng kỳ năm 2014, lĩnh vực kinh doanh BĐS đứng thứ ba trong thu hút đầu tư với 19 dự án đầu tư mới và 7 lượt dự án tăng vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,81 tỷ USD.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành phân tích, nhiều năm trước đây khi các đợt khủng hoảng của thị trường BĐS xuất hiện cũng xuất phát từ việc dòng tiền đổ vào lĩnh vực này tăng trưởng nóng.
Do vậy, khi thị trường BĐS vừa mới hồi phục từ đầu năm 2014, nay lại xuất hiện hiện tượng tiền "đổ" mạnh vào thì không thể không lo ngại việc "bong bóng" BĐS sẽ quay lại. Quan trọng nhất là dòng tiền đổ vào thị trường có phù hợp hay không khi mà nguồn cung hiện nay khá "khổng lồ", gấp nhiều lần so với thời gian trước. Nhất là nguồn cung lại chưa phù hợp với nhu cầu của người mua có nhu cầu thực.
"Nếu dòng tiền này không xuất phát từ nhu cầu thực sự của người tiêu dùng mà lại từ nhu cầu của giới đầu cơ thì nguy cơ "bong bóng" BĐS xảy ra là khó tránh khỏi", ông Đực nhận định.
Thế nhưng, ông Richard Leech, Giám đốc điều hành Công ty nghiên cứu và tư vấn thị trường bất động sản CBRE cho rằng, thị trường đã trải qua một thời kỳ phát triển "nóng" từ năm 2007 - 2010, thời gian này có nhiều nguồn cung chào bán sôi động nên cũng có thể có những lo ngại.
Tuy nhiên, CBRE nhận thấy thời điểm này nhu cầu của thị trường đã khác trước. Nếu như trước đây người mua nhà chủ yếu là người đầu cơ, đầu tư để lướt sóng kiếm lời, nhưng hiện nay đối tượng người mua nhà lại chủ yếu là người mua để ở.
Ngoài ra, nền kinh tế vĩ mô hiện cũng rất khác so với thời điểm 2007 - 2010. Hiện, mức lạm phát đang rất thấp, mặt bằng lãi suất đang ở mức độ kiểm soát. Do đó, CBRE nhận thấy đến thời điểm hiện tại, thị trường chưa có yếu tố, cơ sở hình thành "bong bóng" như chu kỳ trước đó.
Trong phiên trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội ngày 17/11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng khẳng định, khó có thể xảy ra tình trạng "bong bóng" BĐS vì kinh tế đang phục hồi và tăng trưởng dẫn đến ổn định.
Khi thị trường BĐS đóng băng vào đầu năm 2011 đã ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của nền kinh tế, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Do đó, theo yêu cầu của Trung ương, của Quốc hội và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu phải thực hiện các giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS theo nguyên tắc khắc phục lệch pha cung cầu và thực hiện quan điểm tháo gỡ khó khăn cho thị trường phải gắn liền với việc thực hiện Chiến lược nhà ở quốc gia.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Xây dựng cũng cho rằng, diễn biến của thị trường BĐS rất phức tạp nên không thể chủ quan, cần phải chủ động để thị trường phát triển bền vững.
Theo Infonet
Khi thước đo thứ bậc là thị phần và uy tín Lần đầu tiên tại TTCK Việt Nam, hoạt động bình chọn CTCK thành viên có dịch vụ môi giới tốt nhất và dịch vụ tư vấn tốt nhất đã được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) thực hiện, nhân dấu mốc 10 năm hoạt động. Mở cửa hoạt động năm 2005, thời điểm đỉnh cao, HNX có 102 công ty chứng...