Bốn nhóm giải pháp lớn cho tăng trưởng xuất khẩu gỗ và lâm sản 2020
Các quốc gia thị trường lớn của ngành gỗ Việt Nam, các đối tác và nhà phân phối đều thông báo cắt giảm, hoãn vô thời hạn hoặc hủy các đơn hàng đã ký.
Sản xuất sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu sang thị trường EU của Công ty CP WOODSLAND Tuyên Quang. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Tại Hội nghị “Bàn giải pháp khôi phục chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản sau bệnh dịch COVID-19″ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức sáng 15/5 ở Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh hiện nay chúng ta phải tập trung 4 nhóm giải pháp lớn cho tăng trưởng xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2020.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, giải pháp thứ nhất là tập trung giải quyết, tháo gỡ ngay những khó khăn cho 4.600 doanh nghiệp cùng các cơ sở sản xuất.
Các nhóm chính sách đó là tín dụng, an sinh, chính sách, thuế, chậm nộp tiền sử dụng đất.
Tất cả những nhóm chính sách này, các ngành sẽ đồng hành tháo gỡ để tạo điều kiện ngay lập tức cho các doanh nghiệp có thể phục hồi sản xuất nhanh nhất.
Thứ hai, chúng ta phải tập trung khai thác nhanh các thị trường mở trong thời gian tới. Những thị trường, khu vực, quốc gia nào khống chế được dịch COVID-19 thì phải khai thác ngay được thị trường đó.
Giải pháp thứ ba là tất cả hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp phải rà soát lại chiến lược kinh doanh đảm bảo có nguồn lực, điều kiện tốt nhất để khi Quý 3, Quý 4 thời cơ đến là bùng nổ để đạt kết quả cao nhất.
Giải pháp thứ tư là chúng ta tiếp tục tái cơ cấu ngành theo hướng hiện đại, bền vững. Vùng nguyên liệu phải tổ chức xây dựng phát triển bền vững, đủ sức cung ứng nguyên liệu đa dạng.
Về khu vực chế biến, chúng ta phải hình thành được những tập đoàn lớn, những tụ điểm lớn, khu công nghiệp lớn về chuyên sản xuất đồ gỗ mang tầm cỡ khu vực và toàn cầu, có thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Trước diễn biến dịch COVID-19 vẫn diễn ra phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là tại Mỹ và các quốc gia châu Âu, điều này sẽ tác động và có ảnh hưởng lớn đến hoạt động thương mại các sản phẩm gỗ và lâm sản, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, cho biết Tổng cục và các hiệp hội dự báo giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2020 sẽ đạt khoảng 11,75 tỷ USD, tăng 3,9% so với 2019, giảm 6,6% so với mục tiêu tăng trưởng đầu năm đề ra.
Cụ thể, dự báo tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng này trong quý 2 sẽ đạt khoảng 2,18 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong quý 3, nếu các quốc gia cơ bản khống chế dịch bệnh, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ được ổn định trở lại bình thường.
Tổng giá trị xuất khẩu quý 3 sẽ đạt khoảng 3,12 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng khoảng 43% so với quý 3.
Video đang HOT
Quý 4 sẽ là thời điểm tăng trưởng cao nhất, dự kiến giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản sẽ đạt mức 3,82 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong quý 1 vừa qua, xuất khẩu gỗ và lâm sản có mức tăng trưởng ở mức hai con số, phù hợp với quy luật một số năm gần đây.
Tuy nhiên, sang đến tháng Tư, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 tác động tại một số quốc gia là thị trường chính của ngành gỗ là Mỹ, các nước châu Âu, Australia, Canada… nên giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm mạnh, giảm 19,2% so với cùng kỳ 2019 và giảm trên 20% so với tháng Ba.
Nguyên nhân là các quốc gia thị trường lớn của ngành gỗ Việt Nam, các đối tác và nhà phân phối đều thông báo cắt giảm, hoãn vô thời hạn hoặc hủy các đơn hàng đã ký.
Khảo sát nhanh của các Hiệp hội, Tổng cục Lâm nghiệp tại hơn 200 doanh nghiệp cho thấy, 80% người mua dừng hoặc huỷ đơn hàng; hầu hết các doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất, chỉ có 7% doanh nghiệp hoạt động bình thường, 86% doanh nghiệp bị ngừng sản xuất 1 phần và khoảng 7% đã ngừng hoạt động toàn bộ do thiếu đơn hàng hoặc thiếu nguyên vật liệu và vốn đầu tư sản xuất.
Đánh giá về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhằm giảm khó khăn do dịch như như chính sách tín dụng, ông Nguyễn Quốc Trị cho biết mức độ thực hiện các chính sách có sự khác nhau giữa các ngân hàng. Do yêu cầu về đảm bảo hiệu quả của nguồn tín dụng, tránh tăng nợ xấu… nên đến nay rất ít các doanh nghiệp ngành gỗ tiếp cận được.
Với chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, đến nay 100% các doanh nghiệp đã được gia hạn nộp thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp, 80% doanh nghiệp được gia hạn nộp tiền thuê đất.
Tuy nhiên, việc gia hạn thời gian nộp tiền thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ thực hiện với những khoản còn thiếu của năm 2019 và khoản thuế tạm nộp của 3 tháng đầu năm 2020. Trong khi hầu hết các doanh nghiệp đã nộp đầy đủ khoản thuế năm 2019.
Hay việc gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất mới chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp một phần rất nhỏ, do chi phí thuê đất chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong cơ cấu vốn sản xuất.
Mặt khác, đối với các doanh nghiệp ngành gỗ, chủ yếu thuê mặt nằng, nhà xưởng tại các khu công nghiệp tập trung nên việc trả tiền thuê đất thường được thực hiện từ đầu năm hoặc cho giai đoạn 3-5 năm.
Nói về các chính sách hỗ trợ, ông Vũ Hải Bằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Woodsland, cho biết chính sách hỗ trợ cho người lao động còn nhiều vấn đề và bất hợp lý.
Theo ông Bằng, chính sách này chỉ hỗ trợ nộp chậm lại nhưng điều kiện được chậm rất khó. Điển hình như điều kiện doanh nghiệp giảm tổng tài sản 50% – như vậy chỉ có doanh nghiệp phá sản; hay doanh nghiệp phải có 50% lao động mất việc làm mới được hỗ trợ bảo hiểm xã hội trong khi Chính phủ, các bộ ngành khuyến khích doanh nghiệp hỗ trợ người lao động ở lại, đi làm luân phiên. Như vậy, chính sách lại đi ngược lại với tinh thần chỉ đạo.
Bên cạnh đó, người lao động đi làm 15-16 ngày/tháng nhưng doanh nghiệp cũng phải đóng toàn bộ bảo hiểm trong tháng. Điều này không những không hỗ trợ mà khiến doanh nghiệp còn khó khăn hơn. Thậm chí còn căng thẳng hơn khi doanh nghiệp đóng chậm bảo hiểm cho người lao động thì sẽ không được hưởng các chính sách ưu tiên khác, ông Vũ Hải Bằng nói.
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Đồng tình với ông Vũ Hải Bằng, ông Đặng Văn Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lâm sản Nam Định, kiến nghị các bộ, ngành xem xét lại yếu tố có 50% lao động nghỉ việc mới hỗ trợ. Đại dịch đã khiến công ty phải cắt giảm 40% lao động còn lại làm việc luân phiên.
Trước vướng mắc trên, các hiệp hội đề nghị Chính phủ quan tâm, xem xét bổ sung chính sách mới để hỗ trợ doanh nghiệp như gia hạn thời hạn nộp bảo hiểm xã hội, miễn nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động trong thời gian nghỉ việc do dịch bệnh, hoàn thuế VAT ngay sau khi xuất khẩu hàng hóa; gia hạn thời gian nộp bảo hiểm thất nghiệp, có thêm gói tín dụng hỗ trợ lãi suất… để hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp, người lao động để phục hồi và thúc đẩy sản xuất.
Với những kiến nghị của doanh nghiệp về các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết Bộ Nông nghiệp phối hợp các bộ, ngành liên quan tiếp tục tháo gỡ những điểm bất hợp lý. Các đơn vị sẽ tổng hợp báo cáo để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các ngành để sớm điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn của các doanh nghiệp./.
Ông Bùi Đức Thụ: Không nới lỏng tài khóa, tiền tệ, vẫn còn dư địa tăng GDP
Trao đổi với Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, ông Bùi Đức Thụ, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia cho rằng, vẫn còn dư địa để khơi thông nguồn lực đầu tư, đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP mà Quốc hội giao.
Chính sách tiền tệ ổn định mới hút được dòng tiền đầu tư
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid - 19 tác động đến nhiều ngành sản xuất, theo ông, chính sách tiền tệ nên ứng phó như thế nào?
Tôi đánh giá cao cách điều hành chủ động, tích cực, kịp thời của NHNN thời gian qua. Cụ thể, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng thương mại đánh giá mức độ thiệt hại của khách hàng, ban hành một loạt biện pháp về cơ cấu lại nợ, đồng thời cấp tín dụng mới cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19. Đây là những giải pháp rất kịp thời, thiết thực.
Câu hỏi đặt ra là, có nên ban hành gói hỗ trợ tín dụng cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid - 19 hay không? Tôi cho rằng, dịch bệnh hiện nay mới tác động ở mức độ, phạm vi ngành nghề nhất định nên trước mắt cần tập trung giải quyết khó khăn của những doanh nghiệp này, không nên có các gói hỗ trợ tín dụng phạm vi rộng.
Những năm gần đây, một trong những mục tiêu lớn của nước ta là ổn định vĩ mô, làm tiền đề để phát triển bền vững. Nhờ lãi suất, tỷ giá ổn định, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định mà Việt Nam đã thu hút được nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước rất lớn, bao gồm đầu tư tư nhân và vốn FDI. Nếu chúng ta nới lỏng tiền tệ, phá giá tiền đồng thì tất yếu lạm phát sẽ tăng lên, ổn định vĩ mô bị phá vỡ, ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư tư nhân và FDI vào nền kinh tế.
Ngoài ra, hai tháng đầu năm nay, chỉ số CPI cũng đang ở mức tương đối cao. Vì vậy, để đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm 2020 dưới 4% như Nghị quyết Quốc hội giao, những tháng còn lại của năm, lạm phát phải được kiểm soát chặt chẽ.
Với những lý do trên, theo tôi, hiện không nên không đặt ra vấn đè nới lỏng tiền tệ, hạ lãi suất huy động và cho vay với nền kinh tế.
Trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng, nhiều quốc gia trên thế giới nới lỏng tiền tệ, hạ lãi suất, phá giá đồng nội tệ. Việt Nam không điều chỉnh có hợp lý không, thưa ông?
Cần phải xem xét cụ thể bối cảnh từng nước để lý giải các quyết định của họ. Đơn cử Mỹ (và nhiều nước khác), mặt bằng lãi suất trước đây được họ đẩy lên rất cao (năm 2018, Cục Dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất 4 lần) nên bây giờ điều chỉnh giảm là bình thường. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất của Việt Nam hiện nay đang ở mức tương đối hợp lý.
Tương tự, với tỷ giá, nếu chúng ta điều chỉnh để đem lại lợi thế xuất khẩu thì sẽ gặp phản ứng rất lớn của các đối tác thương mại, nhất là trong bối cảnh Mỹ đã đưa Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ.
Chính vì vậy, tôi duy trì quan điểm, với tác động của dịch Covid - 19 hiện nay, chưa nhất thiết phải điều chỉnh chính sách tiên tệ mà cần duy trì môi trường vĩ mô ổn định để phát triển. Đương nhiên, chính phủ và NHNN vẫn phải tiếp tục theo dõi chặt diễn biến của dịch bệnh. Trong trường hợp dịch bệnh lan rộng, tác động sâu rộng đến nền kinh tế thì có thể cân nhắc khả năng và mức độ nới lỏng.
Chưa cần giảm thuế nhưng phải chấm dứt vô cảm với doanh nghiệp
Dư địa của giải pháp tiền tệ với kích thích tăng trưởng không còn nhiều. Một số ý kiến cho rằng, nên tập trung vào các giải pháp tài khóa. Quan điểm của ông như thế nào?
Chưa nên nới lỏng tài khóa bằng hình thức giảm thuế.
Thứ nhất, tỷ lệ huy động thuế, phí, lệ phí vào ngân sách tương đối thấp, khoảng 24% GDP.
Thứ hai, nếu nới lỏng tài khóa, tăng chi và giảm thu để kích thích kinh tế thì bội chi và nợ công sẽ tăng lên, đe dọa an ninh tài chính quốc gia.
Thứ ba, nếu giảm thuế gián thu (như thuế VAT) thì người tiêu dùng được hưởng lợi nhưng doanh nghiệp chỉ là người nộp hộ nên giảm loại thuế này, tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là không nhiều. Nếu giảm thuế trực thu (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân) thì không có căn cứ, bởi những ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như du lịch, nhà hàng, khách sạn... đang bị lỗ hoặc lợi nhuận ít, nghĩa vụ nộp thuế ít, việc giảm thuế này không có ý nghĩa với doanh nghiệp.
Vì vậy, tôi cho rằng, không nên nới lỏng tài khóa mà nên áp dụng một số giải pháp khác như: giãn nợ, giãn thời gian nộp thuế, lệ phí, giãn thời gian nộp bảo hiểm xã hội...
Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp không có nhiều ý nghĩa với các doanh nghiệp gặp khó vì dịch Covid - 19
Nếu không dựa nhiều vào các giải pháp tài khóa, tiền tệ, theo ông, đâu là những dư địa để Chính phủ khai thác, thực hiện thành công chỉ tiêu tăng trưởng GDP trong bối cảnh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn như hiện nay?
Theo tôi, cần cải cách môi trường đầu tư hơn nữa để giải phóng nguồn lực.
Thứ nhất, cần khơi thông, tháo gỡ khó khăn về thủ tục trong công tác đầu tư, kể cả đầu tư tư nhân lẫn đầu tư công. Hiện Tp.HCM có hàng ngàn dự án đang vướng mắc thủ tục, tình trạng này xhiện ở hàng loạt địa phương. Đây là lúc các bộ, ngành, địa phương phải xem xét cụ thể từng vấn đề, khắc phục tình trạng vô cảm với khó khăn của oanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, khơi dậy các nguồn lực đầu tư này.
Với đầu tư công, hiện nay chúng ta phải vay vốn quốc tế với lãi suất khá cao, nghĩa vụ trả nợ nặng nhưng tiền lại không giải ngân hết, chuyển nguồn năm nào cũng lên tới hơn 1/4 tổng mức được duyệt.
Làm sao để môi trường đầu tư được hấp dẫn, được khơi thông, tiến độ xây dựng cơ bản được đẩy nhanh... là câu hỏi nhức nhối đặt ra, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải giải quyết rốt, quyết liệt. Theo tôi, để làm được điều này, phải quy rõ trách nhiệm của người đứng đầu, của các đơn vị để chống lại sự vô cảm, sức ỳ của bộ máy nhà nước, mà thủ tướng gọi là vi rút trì trệ . Làm được như vậy thì mới thúc đẩy được kinh tế đi lên.
Thùy Liên
Theo baodautu.vn
Dư nợ mảng vay mua nhà để ở của Techcombank dự tăng 35% năm nay Ngân hàng sẽ tập trung cho vay 6 lĩnh vực kinh tế tăng trưởng cao để phân tán dần rủi ro.Riêng lĩnh vực cho vay mua nhà, ngân hàng cũng có cách thức quản trị để tránh rủi ro tập trung.Nhu cầu mua nhà vẫn lớn, dự kiến dư nợ mảng này tăng 35% năm nay. Phó Chủ tịch HĐQT Techcombank (HoSE: TCB)...