Bốn ngày nghỉ lễ, 79 người chết vì tai nạn giao thông
Chiều 3/5, Cục CSGT – Bộ Công an cho biết, trong bốn ngày nghỉ lễ 30/4-1/5, toàn quốc xảy ra 133 vụ tai nạn giao thông, làm chết 79 người, bị thương 76 người.
So với 4 ngày của kỳ nghỉ lễ năm 2019, tăng 18 vụ, giảm 2 người chết và 2 người bị thương.
Trong đó, giao thông đường bộ xảy ra 133 vụ tai nạn khiến 79 người chết và 75 người bị thương. Thiệt hại ước tính ban đầu khoảng 1,231 tỷ đồng. Kỳ nghỉ lễ năm nay không xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng.
Qua thống kê, tai nạn đường bộ liên quan ô tô, xe máy chiếm 60,96%. Nguyên nhân do người điều khiển phương tiện như: đi không đúng phần đường, làn đường; không chú ý quan sát gây tai nạn; chuyển hướng không đúng quy định; sử dụng rượu, bia; vi phạm tốc độ; không giữ khoảng cách an toàn với xe chạy liền trước.
Các vụ tai nạn chủ yếu xảy ra trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ vào khung giờ từ 18-24h hàng ngày.
Video đang HOT
Cũng trong kỳ nghỉ lễ, đường sắt ghi nhận một vụ tai nạn khiến 1 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2019, giảm 4 vụ, giảm 2 người chết.
Cục CSGT – Bộ Công an cũng cho biết, do nhu cầu đi lại của người dân về quê và đi du lịch trong dịp lễ nên lưu lượng phương tiện tăng cao vào ngày 30/4, 1/5 dẫn đến một số tuyến đường, khu vực ra vào cửa ngõ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt… xảy ra tình trạng ùn ứ kéo dài, các phương tiện di chuyển chậm.
Lực lượng CSGT các địa phương đã chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch, bố trí lực lượng, phương tiện tổ chức điều tiết, phân luồng, hướng dẫn giao thông tại các tuyến, địa bàn trọng điểm, qua đó đã hạn chế thấp nhất tình trạng ùn tắc giao thông .
Lái xe quá tốc độ có thể bị phạt tới 12 triệu đồng
Nghị định 100/2019 vừa được Chính phủ ban hành tăng nặng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm tốc độ.
Nghị định 100 xử phạt xe ô tô vi phạm tốc độ cao nhất lên đến 12 triệu đồng - Ảnh minh họa
Nghị định số 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thay thế Nghị định số 46/2016 vừa được Chính phủ ban hành với nhiều điểm mới. Đáng chú ý Nghị định tăng nặng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm tốc độ.
Cụ thể, phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 5 km/h đến dưới 10 km/h. Nghị định 46/2016 trước đây chỉ phạt 600.000 - 800.000 đồng. Hành vi này đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy bị phạt từ 200.000 - 300.000 đồng.
Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h. Mức vi phạm tốc độ này, Nghị định 46 chỉ phạt 2 - 3 triệu đồng. Đối với mô tô, xe máy sẽ bị phạt 600.000 - 1.000.000 đồng.
Phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h đến 35 km/h. Nghị định 46 chỉ xử phạt 5 - 6 triệu đồng. Đối với xe máy nếu chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h sẽ bị phạt từ 4 - 5 triệu đồng.
Phạt tiền từ 10 - 12 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 35 km/h. Với mức vi phạm này, Nghị định 46/2016 trước đây chỉ phạt 7 - 8 triệu đồng. Trường hợp người điều khiển phương tiện không chú ý quan sát, điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông cũng bị phạt với mức phạt trên.
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng.
TS. Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, vi phạm tốc độ là 1 trong 6 hành vi nguy hiểm, rủi ro cao, trực tiếp dẫn tới tai nạn giao thông (TNGT).
Một nghiên cứu gần đây của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy có mối quan hệ rõ ràng giữa tốc độ và số vụ TNGT. Theo đó, nếu giảm tốc độ 5% thì sẽ giảm số TNGT nghiêm trọng tới 30%.
Một nghiên cứu khác tại Châu Âu cũng chỉ ra rằng khi tốc độ giao thông thay đổi tăng hay giảm 1km/h thì tai nạn thay đổi trong khoảng từ 1 - 4% với các đường đô thị, và 2,5 - 5,5% đối với các con đường ở ngoại ô theo quy luật tốc độ tăng thì TNGT tăng, tốc độ giảm thì TNGT giảm. Bởi vậy các quốc gia trên thế giới kiểm soát rất chặt chẽ việc tuân thủ tốc độ, với các mức xử phạt tương xứng với tốc độ vi phạm.
Tại Việt Nam, cùng với vi phạm quy định về nồng độ cồn, vi phạm quy định về tốc độ (10%) là hai trong số những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới TNGT tại Việt Nam. Hành vi đi sai phần đường làn đường, vượt sai quy định cũng có nguyên nhân sâu xa từ sự khác biệt về tốc độ trong dòng giao thông hỗn hợp.
Thời gian để người lái xe nhận thức và bắt đầu phản ứng với một sự cố thông thường mất khoảng 2,5 giây. Khoảng cách phanh phụ thuộc rất lớn vào tốc độ. Bởi vậy tốc độ càng cao thì khoảng cách phanh và dừng xe càng lớn. Điều đó đồng nghĩa với việc tốc độ càng cao, thì rủi ro xảy ra tai nạn càng lớn.
Ngoài ra tốc độ càng cao thì hậu quả càng lớn. Nếu ô tô va chạm người đi bộ ở tốc độ 70 km/h thì khả năng người đi bộ thiệt mạng rất cao, nhưng ngược lại nếu va chạm người đi bộ ở tốc độ 40 km/h thì người đi bộ có cơ hội sống sót rất lớn.
"Đối với xe tải, xe khách có tự trọng lớn, quán tính lớn nên khoảng cách dừng xe lớn hơn. Nếu có va chạm thì hậu quả thường lớn hơn. Vì vậy, việc kiểm soát tốc độ các loại phương tiện có rủi ro cao này cũng cần tiếp tục phải theo dõi chặt chẽ. Ngoài ra những khu vực có điều kiện giao thông phức tạp như trường học, đèo dốc, bệnh viện, quốc lộ có mật độ người đi bộ qua lại lớn... nên có hướng dẫn thật cụ thể để kiểm soát tốc độ", TS Minh nói.
Trần Duy
Theo GTVT
Va chạm với ô tô, cô giáo mầm non Quảng Trị tử vong Một cô giáo mầm non ở tỉnh Quảng Trị đã tử vong sau khi va chạm với ô tô trên quốc lộ 9. Ngày 14/2, Công an huyện Đakrông (Quảng Trị) cho biết đang điều tra vụ tai nạn giao thông khiến một cô giáo mầm non tử vong. Hiện trường vụ tai nạn giao thông khiến cô giáo mầm non tử vong....