Bốn năm săn lúa chín của vợ chồng trẻ
Quang Hà và Quỳnh Trang đi phượt suốt 4 mùa lúa chín ở các tỉnh miền núi phía Bắc kể từ năm 2016, nhưng năm 2021 đành lỡ hẹn vì Covid-19.
Quang Hà và Quỳnh Trang đều sống tại Hà Nội, có tính cách khác nhau khi Hà trầm lặng, còn Trang “tăng động”. Tuy nhiên cả hai đều mê xê dịch, đặc biệt là vào những mùa thu vùng cao và họ đã gặp nhau tình cờ trong chuyến săn ảnh lúa chín tại Y Tý, Lào Cai vào năm 2016.
Cặp đôi chụp kỷ niệm ngày 9/9/2017 bên cung đường đi ngắm lúa chín ở Hoàng Su Phì, Hà Giang. Hoàng Su Phì là nơi có lúa chín muộn nhất cả nước, thường thời điểm lúa chín ở các bản không đều nhau mà rải rác từ giữa tháng 9 sang tháng 10.
Một sớm trên nương lúa chín tại thôn Choản Thèn, xã Y Tý, huyện Bát Xát, Lào Cai chụp vào tháng 9/2016. Thôn Choản Thèn có khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, là nơi sinh sống của người Hà Nhì đen, được công nhận là điểm du lịch vào tháng 6/2021.
“Trên Y Tý, tôi gặp nhóm phượt của một người anh và được sắp xếp chở Quỳnh Trang. Trong chuyến đi đó của “chàng xế, nàng ôm”, cả hai tìm thấy gu sở thích chung và bắt đầu hẹn hò, cà phê. Đến bây giờ chúng tôi vẫn nhớ như in từng cung đèo, những trận mưa rào mùa thu và đêm ngủ bụi lạnh căm căm ở chợ Y Tý, đi vất vả nhưng bù lại được chiêm ngưỡng tầng tầng ruộng bậc thang chín vàng ngút tầm mắt”, Hà chia sẻ.
Hà từng làm kỹ sư viễn thông nhưng sau đó nghỉ việc để có thêm thời gian cùng Trang thực hiện các chuyến đi xuyên Việt. Đó cũng là ước mơ của Trang khi còn thanh xuân. Trong đó có tháng 9/2017, cả hai đi phượt tiếp mùa lúa chín tại Sơn La và Hà Giang.
Video đang HOT
Trong ảnh là một sớm yên bình trên cánh đồng lúa chín, bao quanh là đồi núi ở xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, cách TP Sơn La khoảng 80 km. Ngọc Chiến nằm ở độ cao khoảng 1.800 m, được xem là vùng cao nhất của huyện Mường La. Nơi đây nổi tiếng với giống gạo nếp tan thường để nấu xôi hoặc các loại bánh trong lễ hội cơm mới của người Thái trắng.
Bản Phùng, Hoàng Su Phì bên lưng chừng đồi núi vào mùa lúa chín năm 2017. Mỗi khu vực vùng cao đều có ruộng bậc thang với những đặc trưng khác nhau. Nếu như ở Y Tý bao quanh đường là các ruộng bậc thang trải dài, thì ở Hoàng Su Phì là những thửa ruộng bao quanh bởi núi cao hùng vỹ.
Hành trình tuổi trẻ của cặp đôi Hà và Trang gắn liền với những cung đường để tìm kiếm trải nghiệm, sống hết mình với đam mê. Qua lần gặp nhau tình yêu sét đánh từ năm 2016 và sau chuyến phượt năm 2017, hai bạn trẻ hiểu nhau nhiều hơn và đi đến hôn nhân. Đến năm 2018, cặp đôi đón thành viên mới là bé gái Hồng Mận, vì thế đây cũng là năm hai người bỏ lỡ mùa lúa chín.
Tiếp nối niềm đam mê xê dịch, Hà và Trang cũng muốn con gái được du lịch Việt Nam ngay từ khi còn rất nhỏ. Tháng 9/2019, gia đình quay lại Lào Cai để săn mùa vàng. Trên hình là ảnh gia đình Quang Hà chụp tại một homestay trên lưng chừng đồi ở Hầu Thào, Sa Pa.
Sườn núi ruộng bậc thang tại Sâu Chua, Sa Pa chụp tháng 9/2019. Bản Sâu Chua được xem là “nàng lọ lem” của núi rừng, cách trung tâm Sa Pa khoảng 8 km. Ngoài đặc sản biển mây, mùa lúa chín lưng đồi ở Sâu Chua luôn cuốn hút du khách.
“Từ 2016 đến 2020, khi đã cưới và có em bé thì hai vợ chồng mỗi năm đều cố gắng sắp xếp đi Tây Bắc vào mùa thu để nhìn ngắm ruộng bậc thang và cảm nhận không khí mùa thu tuyệt vời ở đây. Tuy đã đi nhiều lần, nhưng mỗi lần có cơ hội đi tiếp thì chúng tôi đều rất háo hức”, Quang Hà chia sẻ.
Năm 2020, gia đình Hà – Trang tiếp tục chuyến đi săn ảnh lúa chín tại Mù Cang Chải, Yên Bái. Trang chụp ảnh bên nương lúa chín, đoạn từ La Pán Tẩn qua ruộng bậc thang đồi mâm xôi của Yên Bái.
“Ngắm ruộng bậc thang thật nhiều cảm xúc tựa như cung bậc, hương vị tình yêu. Trong hành trình phượt, chúng tôi không ít lần giận nhau, nhưng anh Hà lại chịu được tính trẻ con của tôi. Chúng tôi luôn trân quý với những kỷ niệm trên từng chuyến đi và cùng nhau xây dựng, vun đắp cho mái ấm gia đình”, Quỳnh Trang cho hay.
Những thửa ruộng bậc thang xếp tầng bên đường QL32 trước khi vào thị trấn Mù Cang Chải, Yên Bái vào mùa thu 2020.
Tháng 1/2020, ruộng bậc thang Mù Cang Chải là một trong 7 di tích được Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Di tích này có diện tích 330 hecta nằm trên địa bàn 3 xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình. Mù Cang Chải cũng từng được tạp chí du lịch Mỹ Travel Leisure bình chọn vào top ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới và luôn là cái tên được các tín đồ du lịch nhắc đến khi tìm kiếm điểm đến hấp dẫn để khám phá vào mùa thu.
Những nếp nhà trông coi lúa của người HMông bên triền ruộng bậc thang Mù Cang Chải, chụp ngày 22/9/2020.
Đôi vợ chồng trẻ chia sẻ, năm nay, do ảnh hưởng của Covid-19 nên họ đành lỡ hẹn đi mùa lúa chín và dự kiến tiếp tục hành trình vào năm sau khi dịch được kiểm soát, để hâm nóng tình yêu trên những chặng đường xa lạ mà thân quen.
Thôn Choản Thèn, xã Y Tý được công nhận là điểm du lịch
Ngày 7/6/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1926/QĐ-UBND công nhận thôn Choản Thèn, xã Y Tý, huyện Bát Xát là điểm du lịch.
Choản Thèn có khung cảnh thiên nhiên thơ mộng.
Đây là kết quả sau nhiều năm huyện Bát Xát vận động nhân dân địa phương bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống bản địa; vận động nhân dân cải tạo tập quán lạc hậu, thực hiện ăn, ở, sinh hoạt hợp vệ sinh như: Di chuyển chuồng nuôi nhốt gia súc, gia cầm ra xa nhà ở, xa khu dân cư, chỉnh trang nhà cửa, đầu tư các hạng mục thiết yếu cần thiết để đón khách du lịch ăn, nghỉ tại các hộ dân (dịch vụ homestay).
Choản Thèn là thôn có 100% đồng bào Hà Nhì đen sinh sống. Thôn nằm liền kề trung tâm xã với cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, mây núi hữu tình, khí hậu trong lành, mát mẻ, kiến trúc nhà cửa độc đáo và con người chân chất, mến khách, để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.
Từ việc được công nhận là điểm du lịch sẽ là tiền đề để Choản Thèn nói riêng, Y Tý nói chung thúc đẩy phát triển du lịch trong tương lai.
Mục tiêu của tỉnh Lào Cai là phát triển du lịch Y Tý trở thành Sa Pa thứ hai.
Vẻ đẹp ruộng bậc thang mùa nước đổ tại xã vùng cao Y Tý Tháng 5 là mùa nước đổ của đồng bào các dân tộc ở xã vùng cao biên giới Y Tý, Mường Hum, Sàng Ma Sáo (Lào Cai) với vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang uốn lượn trải dài trên sườn núi như tranh vẽ. Những thửa ruộng bậc thang tại các xã vùng cao của huyện biên giới Bát Xát (Lào...