Bộn bề trường lớp sau cơn lũ
Cơn lũ đi qua, nhưng bàn ghế ngổn ngang, sách vở ướt át, hư hỏng… Đó là những gì mà học trò vùng lũ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang phải đối mặt.
Mặc dù cơn lũ đã qua được mấy ngày, nắng đã hửng lên, thế nhưng cây cối, nhiều ngôi làng vẫn còn xác xơ, tiêu điều. Hàng ngàn học sinh (HS) các trường trên địa bàn huyện Nông Cống, Lang Chánh, Triệu Sơn, Thường Xuân, Thọ Xuân (tỉnh Thanh Hóa) vẫn chưa thể đến trường vì trường lớp vẫn còn ngập nước. Đồ dùng học tập bị lũ cuốn trôi và hư hỏng nhiều.
Nhiều điểm trường vẫn còn ngập nước.
Nhiều hộ gia đình vẫn còn “sống chung” với nước. Tình trạng nước rút chậm, đường sá, giao thông đi lại khó khăn. Hầu hết các trường trong vùng lũ, nước vẫn còn lênh láng, một số nơi nước rút thì nhầy nhụa với những lớp bùn non. Nhiều đồ dùng học tập như bàn ghế bị hư hỏng nặng khiến cho hàng nghìn HS có khả năng phải nghỉ học đến hết tuần.
Có mặt tại một số điểm trường vừa trải qua cơn lũ, nhiều bàn ghế bị hư hỏng do nước ngập. Tại các trường trên địa bàn xã Tân Thọ, Tân Khang, Trung Chính (huyện Nông Cống), xã Quảng Phú, Thọ Lập, Xuân Châu (huyện Thọ Xuân), xã Tân Ninh (Triệu Sơn)… Nhiều trẻ em vẫn phải nghỉ học vì nước vẫn ngập vào các trường học, sách vở bị trôi, ướt không thể dùng được.
Tại xã Trung Chính, huyện Nông Cống, do trên địa bàn huyện Nông Cống mưa lớn nhiều ngày, lượng nước mưa lớn cộng với lượng nước của sông Nhơm chảy tràn từ huyện Triệu Sơn xuống, làm cho địa bàn xã Trung Chính chịu hậu quả nặng nề nhất trong huyện.
Từ phòng học đến nhà thiết bị trường THCS Cổ Định, xã Tân Ninh (Triệu Sơn) nước vẫn còn ngập lênh láng, bàn ghế ngổn ngang.
Video đang HOT
Theo chân cán bộ xã Trung Chính xuống các trường trong địa bàn xã, nước vẫn còn ngập lênh láng, nhiều đồ dùng, trang thiết bị của trường bị nước ngập. Trường mầm non bán trú thì đồ dùng học tập, đồ chơi của các bé ngổn ngang, cùng giường chiếu cũng bị nước ngập làm ướt và hư hỏng.
Gặp ông Mai Văn Long chia sẻ: “Nhà có hai đứa con đang học, một đứa học cấp 1, một đứa học cấp 2. Đầu năm dành dụm mãi mua cho hai đứa hai bộ sách thì lũ về làm ướt sạch. Giờ nắng lên rồi mấy đứa nhỏ phải mang ra phơi mà nó cong queo và rách nát hết”.
Ông Nguyễn Thanh Lịch, Chủ tịch UBND xã Trung Chính cho biết: “Xã chúng tôi nằm gần như ven sông Nhơm, vì thế năm cũng có 1 vài lần nước lên cao, nhưng chưa có năm nào nước lũ lên mạnh như năm nay, nước tràn qua đường vào khu dân cư, trường học… khiến cho cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Từ UBND xã cho tới trường mầm non, tiểu học, trung học, nước vẫn còn lênh láng. Nhiều đồ dùng học tập như bàn ghế bị hư hỏng nặng, sách vở các cháu bị nước cuốn trôi hoặc bị ướt. Gần 800 học sinh của các cấp học có khả năng nghỉ học cho tới hết tuần”.
Các trường trên địa bàn xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, nước vẫn ngập cục bộ. Hệ thống nhà xe, phòng thư viện, lớp học nước rút rất chậm, những chỗ nước rút thì rác thải, bùn đất ứ đọng lại trên sân nhiều. HS ở đây cũng chưa thể đến trường.
Bàn ghế vẫn còn phải xếp đống.
Em Nguyễn Thị Hương, HS Trường tiểu học Cổ Định, xã Tân Ninh cho biết: “Hôm lũ về, cháu được mẹ đưa qua nhà bà ngoại. Ở nhà mẹ chưa kịp dọn sách vở của cháu thì bị nước vào làm ướt hết toàn bộ sách vở. Không phải mình cháu mà nhiều bạn trong lớp của cháu cũng bị nước ngập vào làm hư hỏng hết sách vở, cuốn trôi đồ dùng học tập”.
Tại xã Lương Sơn, một xã vùng cao của huyện Thường Xuân trận lũ quét lịch sử bất ngờ tràn qua đã làm tan hoang các trường học của xã. Bàn ghế, sách vở, đồ dùng giảng dạy và học tập của HS các cấp do không kịp di chuyển vì lũ về vào ngày nghỉ học nên đã bị hư hỏng hoàn toàn. Học trò nơi đây sau khi thấy trời nắng lên đã vội vã mang sách vở ra hong, nỗi buồn hằn lên trên những gương mặt ngây thơ còn lấm lem bùn đất.
Thầy Lê Văn Thịnh – Hiệu trưởng Trường tiểu học Lương Sơn cho biết: “Đợt lũ vừa qua về quá nhanh khiến cho nhiều HS không kịp cất giữ sách vở, đồ dùng học tập nên cuốn trôi, ướt, hư hỏng. Hầu hết các HS trong trường đều có hoàn cảnh hết sức khó khăn, vì thế sắp tới việc mua sắm lại sách vở, đồ dùng học tập là một vấn đề nan giải cho HS ở đây”.
Đồ dùng, quần áo của các cháu trưởng mầm non xã Trung Chính (Nông Cống) bị ướt và hư hỏng.
Gương mặt buồn của học sinh trường tiểu học Lương Sơn (huyện Thường Xuân) khi mang sách vở ra phơi sau ngày lũ.
Nguyễn Thùy – Duy Tuyên
Theo dân trí
Tha hương sau lũ
Sau lũ lụt, người dân Quảng Ngãi tiếp tục lên đường vào Nam tìm kế sinh nhai
Trắng tay sau thiên tai, người dân vùng nông thôn các tỉnh miền Trung lũ lượt rời quê vào Nam hoặc lên Tây Nguyên kiếm sống. Nhiều làng quê giờ đây chỉ còn lại người già và trẻ em.
Chúng tôi trở lại vùng lũ Hương Toàn (huyện Hương Trà), Quảng An (huyện Quảng Điền) thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế một tuần sau cơn lũ hồi giữa tháng 11. Những cánh đồng, vạt rau nằm bên dòng sông Bồ trước đây vốn xanh tốt nay còn nhuốm màu bùn lũ. Đường làng, ngõ xóm vắng hoe...
Tha hương vì thất nghiệp
Thôn Nam Thanh, xã Hương Toàn vốn là một làng nghề sản xuất gạch, dù đã vào mùa nhưng các lò gạch đều quạnh quẽ. Ông Phan Văn Thuận, một chủ lò gạch, cho biết toàn bộ lao động chính trong làng đã vào Nam làm ăn. Nhiều người đi từ sau Tết Nguyên đán, sau đợt lũ vừa rồi lại tiếp tục có thêm những nhóm người rời quê. Họ vào Đà Nẵng, TPHCM hoặc lên Tây Nguyên làm thuê lo cho cuộc sống trước mắt.
Hộ chị Võ Thị Đào, ngụ thôn Nam Thanh, giờ chỉ còn lại 3 mẹ con. Anh Trần Đình Thiên, chồng chị, vừa vào Đà Nẵng làm nghề phụ hồ, 2 đứa con trai lớn cũng ra tận Lạng Sơn để vừa học nghề vừa kiếm tiền. "Hôm lũ về, tôi không kịp đưa lúa lên gác nên hư hết. Vợ chồng tôi làm thuê ở lò gạch, thu nhập thấp quá nên phải rời quê kiếm sống thôi" - chị Đào nói.
Xã Quảng An, huyện Quảng Điền nằm bên phá Tam Giang, lại có sông Bồ chảy qua nên năm nào cũng "gánh" vài cơn lũ dữ. Ông Nguyễn Hiền, Chủ tịch UBND xã Quảng An, cho biết từ sau lũ đến giờ đã có hơn 250 người vào Nam làm thuê, nếu tính từ đầu năm thì có khoảng vài ngàn người.
Trên những thửa ruộng dọc hai bên con đường bê tông dẫn vào thôn An Xuân hiện chỉ có những phụ nữ, người già dọn bùn để chuẩn bị cho mùa vụ mới. Theo ông Hiền, khoảng 150 người ở thôn An Xuân vừa khăn gói đi xa làm ăn vì điều kiện gia đình khó khăn, trong đó có nhiều hộ đi cả nhà.
Nhà ông Trần Đình Gió ở xóm Cồn Bài, thôn An Xuân, nay chỉ còn mỗi em Trần Thị Lệ Ninh (học lớp 8) ở lại trông coi vì sau lũ vợ chồng ông cùng một con dắt nhau vào TPHCM làm phụ hồ kiếm sống.
Ở nhiều miền quê Quảng Bình giờ chỉ còn lại người già, phụ nữ và trẻ em
Bé Ninh tâm sự: "Ba mẹ nói ở quê không có việc, phải vào TPHCM làm, kiếm tiền về trả nợ. Em đang còn đi học nên không thể đi cùng ba mẹ". Cạnh đó, nhà bà Nguyễn Thị Hồng cũng chỉ còn lại 2 mẹ con, chồng bà vừa vào TPHCM làm thuê. Ông Trần Đức Hùng, xóm trưởng xóm Cồn Bài, cho biết: "Mùa này ở quê lũ lụt nhiều, việc làm không có nên phải ra đi".
Làn sóng dân lao động đi vào Nam sau lũ cũng diễn ra tại nhiều địa phương của tỉnh Quảng Bình. Theo ông Nguyễn Văn Hoàng, cán bộ phụ trách lao động - việc làm của xã Quảng Minh, huyện Quảng Trạch, hiện có khoảng 2.000 người dân trong xã vào TPHCM, Đà Nẵng và các tỉnh Tây Nguyên làm ăn. "Phải đi mới có tiền mua lại trâu bò, đồ đạc vì sau lũ đã mất sạch" - ông Hoàng giải thích.
Xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch cũng là địa phương bị thiệt hại nặng trong cơn lũ vừa qua. Ông Hoàng Trọng Thể, Chủ tịch UBND xã Liên Trạch, cho biết địa phương vừa có hàng chục lao động vào Nam, ra Bắc tìm kiếm việc làm để có tiền về quê giúp gia đình khôi phục sản xuất.
Chỉ còn người già và trẻ em
Sau hai đợt lũ lớn, nhiều gia đình ở Hà Tĩnh lâm vào cảnh trắng tay, đối mặt với cái đói. Họ tìm mọi cách để từng bước gượng dậy sau thiên tai, nhiều người đã chọn con đường vào Nam. Ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Hương Thủy, huyện Hương Khê - Hà Tĩnh, cho biết sau lũ đến nay, xã có hơn 60 lao động rời xứ vào Nam để làm thuê. Xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê cũng có hơn 50 người tha phương cầu thực. Trung bình mỗi nhà có 2 - 3 người đi làm ăn xa. Lao động chính ở địa phương bỏ đi cả nên ở đây hầu như chỉ còn người già và trẻ em.
Ông Châu Đại Dương, cán bộ phụ trách lao động - việc làm của huyện Bố Trạch, cho biết mỗi năm toàn huyện có đến vài ngàn lao động ly hương đi kiếm việc làm. Sau lũ vừa qua có đến vài trăm lao động, chủ yếu ở các xã miền Tây huyện Bố Trạch như: Sơn Trạch, Phúc Trạch, Hưng Trạch..., đi tìm kế sinh nhai.
Tìm đường mưu sinh
Huyện Bình Sơn là địa phương bị thiệt hại nặng nhất ở tỉnh Quảng Ngãi trong đợt lũ vừa qua. Trước khó khăn chồng chất, người dân nơi đây bắt đầu lũ lượt rời quê vào các tỉnh phía Nam để kiếm sống.
Từ sáng sớm, tại ngã ba Châu Ổ - Trà Bồng, hàng trăm người lỉnh kỉnh túi xách, vali ngồi chờ xe khách. Anh Phan Thanh Hoàng, 32 tuổi, ở đội 2, thôn An Điềm, xã Bình Chương, cho biết: "Gia đình tôi có 6 sào đất trồng lúa và hoa màu, lũ đã làm ngập trôi hết, giờ cả nhà không biết lấy gì ăn, đành phải vào Nam thuê đất trồng dưa, rủi ro lắm nhưng đành chấp nhận". Chị Nguyễn Thị Mai, ngụ xã Bình Mỹ, cho biết lũ lụt đã làm hư hại hết mọi thứ nên chẳng biết lấy gì sống, phải vào TPHCM bán vé số kiếm tiền nuôi con nhỏ, đến Tết sẽ về.
Các xã Bình Mỹ, Bình Minh, Bình Chương (huyện Bình Sơn) nằm ven sông Trà Bồng và cũng là vùng rốn lũ của Quảng Ngãi. Năm nay, đỉnh lũ cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 2009 đến gần 20 cm.
Nhiều gia đình chạy lũ trở về nhà đã trắng tay nên không còn cách nào khác hơn là phải tha hương kiếm sống. "Hầu như nhà nào cũng có người đi. Đó là con đường sống của họ vào thời điểm này" - ông Lê Đình Hoàng, cán bộ phụ trách văn hóa - xã hội xã Bình Minh, nói.
Theo Người lao động
Cơ sở giáo dục phải công khai việc sử dụng các nguồn tài trợ Ngày 11-9, quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đã được Bộ GD-ĐT ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 25-10-2012. Theo thông tư này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khuyến khích các nhà tài trợ tự tổ chức thực hiện việc đầu tư xây dựng, mua sắm, lắp đặt...