Bơm chất độc vào tê giác để cảnh báo người VN
Các nhà bảo tồn đã bơm hóa chất độc hại vào sừng rất nhiều cá thể tê giác, nhằm ngăn chặn các hoạt động săn bắn bất hợp pháp và cảnh báo người tiêu thụ ở các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
LiveScience cho biết, một bộ phận người Việt Nam đang sử dụng sừng tê giác để chữa bệnh. Tuy nhiên, trang tin khoa học hàng đầu dẫn các nghiên cứu khẳng định, sừng tê giác hoàn toàn không có giá trị y khoa. Nó được cấu thành từ chất sừng, giống với móng chân, móng tay của con người. Chính vì vậy, sừng tê giác hoàn toàn không có giá trị chữa bệnh.
Tê giác con không chịu rời xác mẹ khi mẹ bị những kẻ săn trộm hạ sát. Ảnh: Waterbergrhino.com.
Dẫu vậy, niềm tin vào tác dụng thần kỳ của sừng tê giác ở các nước châu Á, điển hình là Trung Quốc và Việt Nam vô tình đẩy loài động vật này đến bờ vực của sự tuyệt chủng. Do được lùng mua với giá cao ở châu Á khiến những con tê giác ở châu Phi bị săn lùng ráo riết, bất chấp nỗ lực bảo vệ của các chuyên gia bảo tồn.
Chỉ tính riêng trong năm nay, 688 con tê giác Nam Phi đã bị giết để lấy sừng. Con số này khiến năm 2013 trở thành năm tồi tệ nhất với loài tê giác, vốn đang bị đẩy tới sát mép vực tuyệt chủng. Khi các biện pháp bảo vệ không đạt được hiệu quả, người ta buộc phải tiến hành các biện pháp nhằm nâng cao nhận thức của người sử dụng đối với sừng tê giác.
Theo LiveScience, Việt Nam là một trong những thị thường tiêu thụ sừng tê giác lớn nhất bởi khá nhiều người hiểu không đúng về giá trị thực sự của loại mặt hàng này. Những người đánh giá cao sừng tê giác coi đó là tiên dược, một món quà cao cấp hay biểu tượng của sự vương giả. Chính vì lẽ đó, các tổ chức bảo tồn đã hợp tác với chính phủ Việt Nam để khởi động chiến dịch kéo dài 3 năm, nhằm nâng cao nhận thức của người dân đối với giá trị thực của sừng tê giác.
Video đang HOT
Sừng tê giác không khác gì so với móng tay, móng chân của con người. Ảnh: WWF
Việc thay đổi nhận thức của người trưởng thành là một thách thức không nhỏ, chính vì vậy, kế hoạch này nhằm giáo dục nhận thức cho trẻ em về mối họa tuyệt chủng mà loài tê giác đang phải đối mặt. Cuốn sách mang tên “Tôi là con tê giác nhỏ” đã và đang được chuyển tới tay của trẻ em Hà Nội và các tỉnh thành khác.
Những người thực hiện chiến dịch hi vọng, việc giáo dục nhận thức của trẻ em sẽ tác động tích cực những người lớn trong gia đình, giúp lan truyền những kiến thức về giá trị thực của sừng tê giác. Mục tiêu cuối cùng nhằm giúp những người tin vào loại “biệt dược” sừng tê giác hiểu rằng, họ đang lãng phí tiền bạc và đẩy loài động vật này tới bước đương cùng.
Thậm chí, chương trình này còn cho biết một số sừng tê giác được tiêu thụ ở Việt Nam có khả năng ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của người sử dụng. Cụ thể, người ta nhắc đến nỗ lực trong tuyệt vọng của các nhà bảo tồn động vật hoang dã Nam Phi khi buộc phải bơm các loại hóa chất độc hại vào sừng tê giác. Tuy các chất độc không gây ảnh hưởng tới sức khỏe con vật nhưng nó sẽ tác động xấu tới sức khỏe người sử dụng.
Theo Trịnh Duy
Sừng tê giác chứa chất bảo quản gây hại
"Số sừng tê giác mà người dân đang mua với mục đích chữa bệnh có thể là những chiếc sừng đã được tiêm đầy hóa chất bảo quản, rất hại cho sức khỏe con người. Những chiếc sừng ấy chính là hiện vật đã bị lấy trộm từ rất nhiều bảo tàng động vật trên thế giới".
Bà Teresa Telecky - Giám đốc Bộ phận loài hoang dã thuộc Tổ chức Humane Society International (HSI) chia sẻ khi nói về thực trạng sử dụng sừng tê giác rất phổ biến của người Việt Nam hiện nay. Theo bà Teresa, những công dụng của sừng tê giác được mô tả như là liều thuốc thần kỳ có thể chữa bách bệnh, kể cả ung thư chỉ là những lời "thêu dệt" không có căn cứ.
"Nhiều kết quả nghiên cứu đã cho thấy, sừng tê giác không có tác dụng chữa bệnh mà chỉ có chất Keratin (như móng tay người) và một số thành tố khác có hại cho sức khỏe con người" - Bà Teresa Telecky nói.
Theo công ước CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) mà Việt Nam đã tham gia từ năm 1994, các loài động, thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng cao trong tự nhiên sẽ được bảo vệ và kiểm soát hoạt động buôn bán một cách chặt chẽ để tránh đe dọa sự sống còn của các loài này nhằm bảo tồn đa dạng sinh học trong tự nhiên.
Tuy nhiên, tính từ đầu năm 2008 đến nay, đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan cho biết toàn ngành đã bắt giữ được 13 vụ vận chuyển, có dấu hiệu buôn bán trái phép sừng tê giác, với số lượng lên tới 121,5kg. Theo Tổng cục Hải quan, đa số sừng tê giác nhập lậu có nguồn gốc từ Nam Phi, được vận chuyển về Việt Nam qua đường hàng không rồi tiêu thụ trái phép trong nước hoặc để buôn lậu sang Trung Quốc.
Kết quả nghiên cứu chứng minh rằng sừng tê giác chỉ có chất Keratin như trong móng tay con người và một số chất có hại cho sức khỏe (Nguồn: rhinoconservation.org)
Bà Kgomotso Ruth Nagau, Đại sứ nước cộng hòa Nam Phi tại Việt Nam cho biết: Từ đầu năm 2013 đến nay, có 583 cá thể tê giác tại Nam Phi đã bị những kẻ săn trộm giết chết để lấy sừng, phần lớn số sừng này được mang về châu Á tiêu thụ, trong đó có Việt Nam. Việc khẩn cấp giảm cầu đối với sừng tê giác ở Việt Nam là hành động tích cực nhằm chấm dứt thị trường buôn bán trái phép sừng tê giác. Đây là một trong những giải pháp quan trọng để cứu lấy sự tồn tại của loài tê giác tại Nam Phi.
Đồng thời, vị Đại sứ Nam phi cũng cảnh báo: "Nếu chúng ta không có những biện pháp hành động kịp thời thì tê giác đen và tê giác trắng trong tự nhiên sẽ tuyệt chủng chỉ trong một thời gian ngắn, rất có thể trước năm 2016".
Về phía cơ quan quản lý của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Trưởng ban chỉ đạo liên ngành thực thi pháp luật về kiểm soát buôn bán động, thực vật hoang dã, ông Hà Công Tuấn khẳng định: "Hợp tác quốc tế là một yêu cầu cần thiết trong việc bảo tồn động vật hoang dã. Việt Nam có trách nhiệm thực hiện các cam kết trong công ước quốc tế về bảo tồn động vật hoang dã, đặc biệt là đối với các loài có nguy cơ tuyệt chủng như: tê giác, voi, gấu và hổ.."
Mỗi năm, Nam Phi chi hàng triệu đô la để cố gắng ngăn chặn nạn săn bắn trộm tê giác lấy sừng. Tuy nhiên, ngoài những kẻ săn trộm đang bị bắt giữ, nạn săn bắn bất hợp pháp vẫn tiếp tục diễn ra rất mạnh do nhu cầu lớn ở các nước khu vực châu Á đẩy giá sừng tê giác lên rất cao.
Nam Phi, Kenya, Zimbabwe và Ấn Độ đều đã báo cáo bị mất một số lượng lớn tê giác bởi những kẻ săn trộm. Trong ba năm qua, các nhà bảo tồn động vật liên tục cảnh báo cả hai loài tê giác đen và trắng ở Nam Phi có thể tiến rất gần tới tuyệt chủng trong năm 2016 nếu việc săn bắn trái phép vẫn diễn ra như hiện nay.
Ông William Fowlds, một bác sĩ thú y về động vật hoang dã của Nam Phi, người chuyên điều trị các vết thương cho tê giác bị săn trộm sừng cho biết: "Với khoảng cách hàng ngàn dặm, sự đau đớn của loài tê giác ở nước tôi có thể không gây ấn tượng với những người đang sử dụng sừng tê giác tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Chúng tôi ở đây để nhắc nhở mọi người rằng sừng tê giác khi đến Việt Nam đã được lấy một cách tàn nhẫn từ con vật khi chúng vẫn còn sống. Đối với tôi, đó là thực tế đau lòng khi hằng ngày phải chứng kiến việc săn trộm tê giác lấy sừng cho những mục đích vô lý của con người".
Ngày 27/8, Cơ quan quản lý Cites (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) đã phối hợp cùng Tổ chức Humane Society International (HSI) phát động chiến dịch nâng cao nhận thức - Giảm cầu sử dụng sừng tê giác trong cộng đồng Việt Nam. Chiến dịch hướng tới đối tượng chính là các doanh nhân, phụ nữ, sinh viên và các bác sĩ Đông Y thường sử dụng sừng tê giác như một vị thuốc.
Theo Quang Thủy (Khampha.vn)
Các "bảo bối" để chống vũ khí hóa học Syria Đảm bảo an toàn cho các kho vũ khí hóa học ở Syria chắc chắn đòi hỏi sự tham gia của bộ binh và nếu Mỹ đảm trách nhiệm vụ này, lính Mỹ nhiều rủi ro sẽ bị nhiễm độc. Chính phủ Mỹ tin rằng Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã dùng chất độc chết người sarin để chống lại dân thường nước...