Bolero Việt – thể loại nhạc gây những cuộc tranh cãi ‘nảy lửa’
Ở Việt Nam, Bolero gây tranh cãi ngay từ việc định danh. Nhiều nghệ sĩ cho rằng nó là một dòng nhạc, số khác lại khẳng định đó chỉ là một điệu nhạc du nhập từ nước ngoài.
Sau phát ngôn thẳng thắn của Tùng Dương, Bolero một lần nữa lại là chủ đề làm dư luận “sục sôi” những ngày qua. Trước đó, nhạc sĩ Quốc Trung, Lê Minh Sơn, Bảo Yến cũng từng gây tranh cãi khi có những góc nhìn riêng về các vấn đề liên quan thể loại nhạc trữ tình này.
Với số đông công chúng Việt, Bolero là một tên gọi quen thuộc dù không thuần Việt. Thế nhưng, không phải khán giả trẻ nào cũng biết Bolero từ đâu đến, từng “làm mưa làm gió” như thế nào tại miền Nam và vì sao lại bùng nổ trở lại trong những năm gần đây.
Đáng nói hơn, lý do nào Bolero lại có thể tạo nên những cuộc tranh cãi trái chiều?
Những năm gần đây, Chế Linh thường xuyên về nước biểu diễn. Ảnh: Quang Minh.
Bolero có phải là một dòng nhạc?
Bolero vốn chỉ là một điệu nhạc chậm rãi có nguồn gốc Mỹ Latin, du nhập vào Việt Nam từ đầu thập niên 1950 và nhanh chóng phổ biến trong các bài hát tại miền Nam Việt Nam. Hầu hết các ca khúc Bolero đậm chất dân ca, giai điệu đều, chậm, lời ca vần, dễ thuộc, chủ đề đơn giản, ít có tính hình tượng và mang tính triết lý.
Với những đặc trưng như vậy, Bolero được nhiều người xem là một dòng nhạc ở Việt Nam thay vì chỉ là một điệu nhạc, tiết tấu nhạc như xuất xứ của nó. Trước năm 1975, Bolero từng ở vào thời kỳ hoàng kim, được đông đảo khán giả miền Nam yêu thích.
Sau đó, Bolero bị hạn chế một thời gian dài trước khi bùng nổ trở lại vào những năm gần đây. Nhiều ca sĩ Bolero hải ngoại như Giao Linh, Phương Dung, Hương Lan, Chế Linh,… về nước biểu diễn. Bolero được hát ở những sân khấu lớn, thậm chí trên cả truyền hình.
Một loạt cuộc thi, chương trình truyền hình thực tế về Bolero ra đời như Thần tượng Bolero, Song ca cùng Bolero, Tình Bolero, Kịch cùng Bolero,… Một số game show khác như Người hát tình ca, Tuyệt đỉnh song ca… nhạc Bolero cũng áp đảo. Đến cả cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội cũng chấp nhận Bolero.
“Người người nhà nhà” hát Bolero. Dòng nhạc này được cho là phát triển chưa từng thấy từ năm 1975 trở lại đây. Nhiều ca sĩ chuyên trị nhạc trẻ cũng chuyển sang hát Bolero và gây dựng được tên tuổi, ví dụ tiêu biểu nhất là Lệ Quyên. Còn số lượng giọng ca trẻ theo đuổi Bolero cũng như “nấm sau mưa”, “nhiều không kể xiết”.
Video đang HOT
Danh ca Bảo Yến cho rằng Bolero cũng có hạng, không phải nhạc sĩ nào cũng như nhạc sĩ nào.
Bolero cũng được phân hạng
Bảo Yến – một giọng ca Bolero thành danh – từng chia sẻ Zing.vn rằng Bolero cũng có hạng, không phải nhạc sĩ nào cũng như nhạc sĩ nào. “Có người đẳng cấp, có người bình thường, không thể đánh đồng được, giống như ca sĩ cũng có hạng A, hạng B, hạng C, hạng D”, nữ danh ca nhấn mạnh.
Theo Bảo Yến, ở dòng nhạc Bolero, Trúc Phương, Lam Phương được xem là “vua Bolero”, là hạng trên vì lời ca đầy chất văn. Muốn viết được những ca từ như thế phải sống qua đau khổ, dày dạn gió sương, phải chắt lọc để tinh tế.
Trong khi, các ca khúc của nhạc sĩ Vinh Sử ở hạng thấp hơn. “Nhạc của Vinh Sử với những lời như ‘Ước gì nhà mình chung vách, hai đứa mình thức trắng đêm nay’ thì sao có thể gọi là vua. Nhạc của Vinh Sử chỉ dành cho người bình dân, ít học”, giọng ca Bolero nêu quan điểm.
Trong khi đó, nhạc sĩ – nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long phân loại Bolero của Trúc Phương, Lam Phương là “văn minh”: “Nếu phải dùng mấy từ ngắn nhất để phân biệt với các ca khúc khác cùng thuộc dòng Bolero thì có thể dùng hai chữ văn minh”, nam nhạc sĩ nói.
Tuy vậy, theo nhà phê bình Nguyễn Quang Long bên cạnh những ca khúc được tạm dùng từ “văn minh” của Trúc Phương, Lam Phương, một phổ biến với Bolero là các bài mang tính dân dã. Thấy gì, nghe gì, thích gì, nghĩ gì viết nấy. Không nhất thiết phải tuân theo quy luật, khúc triết, ca từ mỹ miều, có chiều sâu. Các sáng tác của nhạc sĩ Vinh Sử thuộc loại này.
“Như vậy, xét về phương diện thẩm mỹ nghệ thuật, ít nhất Bolero được phân hai tầng, một tầng hàm chứa sự văn minh nhất định và một tầng hết sức dân dã. Tạm gọi là ‘văn minh’ và ‘bình dân’”.
Có điều từ khi Bolero được Việt hóa từ nguồn gốc điệu nhảy ngoại nhập thành một điệu nhạc được gọi theo tên gốc và tên Việt hóa, sau đó có thêm các điệu nhạc khác khiến Bolero mang dáng dấp là một dòng nhạc Việt, thì Bolero đã là đại diện nhạc đại chúng bình dân.
Bình dân có nghĩa phổ cập, ai, tầng lớp và học thức nào cũng có thể nghe được. Nên dù có văn minh thì cũng là ‘văn minh’ trong bình dân hay ‘bình dân’ trong bình dân”, nam nhạc sĩ phân tích.
Tùng Dương là tâm điểm dư luận những ngày qua vì phát ngôn thẳng thắn về Bolero.
Những cuộc tranh cãi không hồi kết
Không chỉ tranh cãi về sự định danh, sự phân cấp chia hạng, Bolero từng nhiều lần trở thành đề tài gây bão mạng xã hội, khiến báo chí – truyền thông “tốn nhiều giấy mực”.
Từ vấn đề giọng Bolero thuần, việc làm mới Bolero đến những quan điểm riêng về dòng nhạc này đều dễ dàng nhận những ý kiến trái chiều. Có người ví Bolero như “tổ kiến lửa” mà bất cứ ai động vào sẽ trở thành tâm điểm của dư luận và bị ném đá không thương tiếc.
Khi nhạc sĩ Lê Minh Sơn cho rằng “Việc bùng nổ đêm nhạc Bolero là trì trệ, đau khổ với người sáng tạo”, có ý kiến phản hồi “Tôi thà làm kẻ lạc hậu bên Bolero còn hơn nghe nhạc dị hợm”. Lê Minh Sơn chọn cách im lặng sau đó.
Trước Lê Minh Sơn, nhạc sĩ Quốc Trung cũng từng gây tranh cãi khi đặt câu hỏi: “Những thanh niên trí thức trẻ tuổi, sành điệu nhưng lại đắm đuối với nhạc sến liệu có gọi là bình thường?”. Một nhận định đã bị phản ứng dữ dội…
Mới đây nhất, Tùng Dương nêu quan điểm “Già trẻ lớn bé đều đắm đuối với Bolero thì đúng là sự thụt lùi trong âm nhạc”. Thực tế Tùng Dương không có ý bài bác Bolero, bản thân anh cũng cho rằng “Bolero là kỷ niệm, là dòng nhạc có sức sống bền bỉ, không ai được phép khinh bỏ”.
Nam ca sĩ đặt câu hỏi: “Nếu tất cả ca sĩ nhạc nhẹ đều chuyển sang hát Bolero để đắt show, để dễ kiếm tiền thì âm nhạc sẽ như thế nào”. Và một cơn bão chỉ trích bùng lên nhắm vào Tùng Dương.
Những cuộc tranh cãi về Bolero là không có hồi kết. Nhưng hẳn sự tôn trọng đối với những quan điểm cá nhân là điều cần thiết trong mọi cuộc tranh luận.
Theo Zing
Nhạc Bolero - Tài sản văn hoá phi vật thể của chúng ta
Những ca khúc có vẻ như sướt mướt ủy mị đó một thời đã làm mưa làm gió khắp các tỉnh thành phía Nam. Bạn có biết nhạc Bolero là gì? Dưới đây là bài viết của ca sỹ - nhạc sỹ Jimmy Nguyễn về thể loại này.
Thể loại nhạc Bolero có giai điệu du dương, êm đềm, dễ đi vào lòng người. Những ca từ cũng như nhạc điệu mỗi bài hát dễ tạo nên cảm xúc khi nghe, khiến cho người nghe cảm nhận được nổi lòng của tác giả, thấu hiểu dược tâm tư của tác giả.
Sự tồn tại của một thể nhạc chứng tỏ sức mạnh không thể chối bỏ của thể nhạc đấy. Bolero là thế. Tôi xin bỏ qua lịch sử của Bolero, từ đâu có và mốc thời gian xuất hiện vì bất cứ ai muốn biết, lên mạng tìm hiểu, biết ngay vì cũng như gốc của cây đàn ghita phím lõm cải lương, gốc của Bolero cũng gia trưởng lắm, Tây lắm.
Nếu nói về Bolero Việt Nam thì đấy là một dòng nhạc đã được tách rời từ gốc, hoàn toàn riêng biệt, đã đi vào lòng người và tồn tại mãi đến bây giờ qua bao nhiêu thế hệ, thăng trầm, đổi thay của văn hoá. Bolero phản ảnh chiến tranh và đã giúp người với người gần nhau hơn, hiểu nhau hơn, đồng cảm và tha thứ cho nhau. Tôi cũng nghe những chuyện thời chiến tranh vì cùng biết một bài hát Bolero mà hai chiến sỹ Nam, Bắc phải xin đổi đơn vị vì thà họ chết bởi bàn tay người lính xa lạ nào khác còn hơn là chết bởi người anh em biết nghe nhạc Bolero.
Với riêng tôi, Bolero phải được trân trọng như là tài sản văn hóa phi vật thể vì đã nuôi sống, an ủi tinh thần cho hàng triệu người dân lành Việt Nam khi những thể nhạc lai căng khác của nước ngoài vẫn chưa thể khoả lấp đươc những nỗi niềm triền miên đớn đau của dân tộc. Nghe Bolero không phải để hoài cổ mà để hiểu tâm tư và khắc khoải của người xưa và luôn cả người nay.
Bolero xứng đáng là dòng nhạc cho bất cứ ai yêu văn hoá, nghệ thuật chân chính Việt Nam. Cớ sao phải lên tiếng nặng nhẹ thể nhạc này và dèm pha những ai đam mê, thần tượng Bolero, biểu diễn và trình bày Bolero? Già thì có sao đâu? Trẻ cũng có sao đâu? Ca sỹ nổi tiếng hay không nổi tiếng yêu thích Bolero thì cũng có sao đâu? Âm nhạc là cho mọi người, cho bất cứ ai.
Khán giả Việt Nam sẽ định đoạt hết. Đi vào lòng khán giả thì khán giả sẽ cho tồn tại. Họ sẽ nghe ra rả cả ngày lẫn đêm từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong khi những thể nhạc từ khi xâm nhập vào Việt Nam cho đến nay vẫn còn bị lai căn, vẫn còn bị ảnh hưởng. Người ta vẫn còn phải đặt lời Việt cho những bài mới hoặc phải nhai đi nhai lại những bản chính gốc. Những ban nhạc rock tại Việt Nam loay hoay trên sân khấu một chặp rồi cũng phải giở những bài kinh điển của Mỹ Hotel California, Still Loving You v,v...., của Anh ra mà nhai. Nhạc pop cũng thế, lui tới trước sau gì cũng sẽ phải giở những bài hát của Mỹ, của Anh, của Trung Hoa, của Hàn v,v... với lời Việt ra mới có thể tồn tại.
Những thể nhạc này lúc nào cũng không thể mất gốc. Chúng ta không thể nào biến tấu, thoát ra khỏi cái gốc đấy hoàn toàn để thành một thể nhạc của Việt Nam được. Thế nhưng từ khi vào Việt Nam cho đến nay đã qua hàng chục thập niên, hiếm thấy bài Bolero nào của nước ngoài mà nhạc sỹ Việt Nam phải đặt lời Việt. Những bài Bolero đều được chính các nhạc sỹ cha chú sáng tác và những bài hát này đã đi vào tận các ngõ nghách của dải đất cong cong hình chữ S, ở mãi trong lòng người. "Thà làm thân gỗ cây tận rừng cao, thà làm viên đá âm thầm đáy biển thật sâu." Thế nên Bolero cần phải được trân quý như ta cần phải trân quý những thể loại nhạc truyền thống, dân gian của chúng ta. Vì Bolero đã thoát thân thành linh hồn riêng của nền âm nhạc Việt Nam ngay từ thuở đầu tiên cha ông ta nghe giai điệu đấy. Như 1920, khi cha ông ta nghe tiếng đàn ghita họ đã nhanh chóng biến tấu thành ghita phím lõm Việt Nam.
Từ đấy trở thành đàn cải lương, một loại đàn dân tộc của trường phái đàn ca tài tử đã được thế giới công nhận là tài sản văn hoá phi vật thể. Muốn biết sức mạnh của đàn ghita phím lõi cải lương "dân tộc" như thế nào không? Các rockers trên sân khấu khi sướng cầm đàn điện mình đang đeo tự đập banh chành thoải mái chẳng ai trách điều gì, thậm chí khán giả còn reo hò nhưng thử bảo họ cầm đàn cải lương mà đập xem sao? Dân mà biết thì cả ban rock có mà ăn đủ...dép.
Thể loại Bolero cũng vậy. Đã trở thành Bolêrô Việt Nam, thể nhạc mang đậm nét Việt Nam với những sáng tác bất hủ hoàn toàn của Việt Nam . Bolêrô Việt Nam đâu phải là nhạc ngoại nữa đâu mà đặt lời Việt? Người Mỹ đâu sáng tác nhạc cải lương để ta đặt lời Việt? Đâu thấy bài hát tiếng nước ngoài có ca sỹ trình bày giai điệu chách chách chùm chách chùm chách chùm. Chách chách chùm chách chùm chách chùm để ta đặt lời. Bolêrô Việt Nam riêng tôi xứng đáng là tài sản văn hoá phi vật thể của chúng ta.
Theo NS
Tranh cãi việc The Voice loại bolero vẫn có 'Thành phố buồn' Sự xuất hiện của "Thành phố buồn" do Trần Anh Đức thể hiện trong tập 2 The Voice gây tranh cãi trong cộng đồng mạng vì trước đó BTC tuyên bố không chấp nhận thí sinh hát bolero. Ngay khi thí sinh Trần Anh Đức bước ra sân khấu để hát ca khúc Thành phố buồn, rất nhiều khán giả đã đưa thắc...