Bởi vì… mất giấy kết hôn
Lấy nhau một thời gian, cuộc sống của vợ chồng cô trở nên căng thẳng. Cứ vài hôm lại cãi nhau, vài hôm lại chiến tranh lạnh. Đến lúc cảm thấy không chịu đựng được nữa, họ quyết định ly hôn.
Rất bình tĩnh, hai người cùng nhau đến tòa để làm thủ tục ly hôn. Khi họ đến, cô nhân viên bộ phận tiếp nhận giấy tờ làm thủ tục ly hôn đang cầm điện thoại nói chuyện với ai đó, vẻ mặt tươi cười. Nhưng khi nghe nói hai người muốn ly hôn, vẻ mặt cô ta trở nên lạnh nhạt, nói: “Đưa đây!”. Hai người lặng một chút, anh hỏi: “Đưa cái gì?”. “Giấy đăng ký kết hôn. Không có giấy đăng ký kết hôn, tôi làm sao biết được hai người là vợ chồng giả hay vợ chồng thật”, cô ta nói. Anh trả lời: “Chúng tôi vội quá quên mất”, rồi quay sang nói với cô đang đứng bên cạnh: “Chúng ta về nhà tìm đã”.
Trên đường về, bọn họ lại người trước kẻ sau. Mùa xuân tới rồi, trong vườn hoa ở bên cạnh rộn ràng tiếng chim quyên và rực rỡ sắc màu của trăm hoa đua nở. Cảnh vật tràn đầy sức sống nhưng cả hai người đều chẳng có tâm trí nào để thưởng thức.
Anh là một doanh nhân, công ty có chi nhánh khắp cả nước. Còn cô, là quản đốc một công ty lớn. Cả hai đều rất bận. Và không ai muốn dứt ra khỏi công việc của mình. Mâu thuẫn của họ bắt đầu từ đó…
Về đến nhà, họ liền chia nhau tìm giấy đăng ký kết hôn. Tìm mãi, tìm mãi vẫn chẳng thấy tăm hơi đâu. Dường như đã lâu lắm rồi, hai người không nhìn thấy nó. Mấy năm qua họ đều bận, ai nào quan tâm tới tờ giấy đó làm gì. Mà xét cho cùng, tờ giấy ấy có ý nghĩa gì đâu khi việc ký vào nó khiến tình yêu phai nhạt, chỉ còn lại cãi lộn không dứt.
Hai người tìm đi tìm lại, vẫn không thấy. Nó có thể đi đâu? Thật là chuyện lạ, chẳng nhẽ ai vứt đi rồi sao? Không thể có khả năng đó, bởi dù giấy đăng ký kết hôn không có tác dụng gì nhưng cũng chẳng ai vứt đi. Có lẽ nó bị nhét vào góc nào đó mà thôi.
Video đang HOT
Họ lại tìm lần nữa, rất cẩn thận, kỹ càng, suốt từ phòng ngủ đến phòng bếp, lại tìm đến phòng khách. Vẫn không thấy. Cuối cùng, họ đi tới phòng con trai. Con trai đang đi học, phòng rất gọn gàng, sạch sẽ. Đứng trong phòng con một lát, anh nói: “Giấy đăng ký kết hôn làm sao có thể chạy đến phòng con trai chứ”, rồi đi ra. Cô đứng lại một mình, trong lòng dâng lên một cảm xúc kỳ la…
Giường của con trai ngăn nắp sạch sẽ đến khó tin. Cô chậm rãi đi đến bên giường con, ngồi xuống, cảm thấy mình thật có lỗi với con. Làm một người mẹ, cô nợ con rất nhiều khi không quan tâm, chăm sóc con mình chu đáo. Bàn tay cô chậm rãi sờ lên gối của con, chiếc gối bông đã cũ, sợi bông đã cũ nhưng vẫn sạch sẽ, không có một vết ố nào. Tay cô nhẹ nhàng vỗ về cái gối nhưng trong lòng rưng rưng…
Chợt cô cảm thấy cái gối hình như hơi nhô cao… Cô cầm gối lên, ở phía dưới xuất hiện một cái hộp nhỏ, mỏng, rất tinh xảo. Cái hộp này cô mua làm kỷ niệm trong một chuyến du lịch, bên trong đựng bức tranh nước chảy trên núi được mạ vàng. Mua về nhưng cô lại ném nó vào một góc, không nhớ đến nó nữa.
Cô cầm chiếc hộp nhỏ lên, mở ra và ngây ngẩn cả người: Bên trong chiếc hộp là tờ giấy đăng ký kết hôn mà họ đã tìm hồi lâu. Con trai giữ gìn giấy đăng ký kết hôn của bố mẹ như vẫn còn mới.
Nước mắt cô lập tức tuôn trào.
Anh ở phòng khách, hết đi tới đi lui, thấy lâu rồi mà cô chưa ra nên trở lại phòng con trai. Nhìn thấy cô nghẹn ngào bên chiếc hộp đựng tờ giấy đăng ký kết hôn, anh lặng người đi… Tình yêu trong cuộc hôn nhân của họ không hề mất đi, mà nó đã được đứa con trai giữ gìn trong im lặng.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Cú sốc của anh chồng vũ phu
Trân trân nhìn người vợ thảm hại vẫn ăn đòn của mình suốt mười mấy năm qua, vẻ mặt anh chồng trở nên đầy sợ hãi. Anh ta không dám đánh vợ thêm một lần nào nữa.
Trong rất nhiều phụ nữ bị chồng hoặc gia đình chồng bạo hành tìm đến sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý tại phòng khám TuNa (Hà Nội), phần lớn đều không thể tự mình thoát khỏi cảnh đày đọa đó, thậm chí cả sự can thiệp từ bên ngoài cũng chỉ giúp họ thoát đòn ít lâu rồi đâu lại vào đấy. Thế nhưng có một người vợ vốn ăn đòn chồng như cơm bữa bỗng một ngày nhận ra anh ta không còn dám động đến mình, sau một cú sốc mà chị gây ra.
Kẻ dữ đòn bỗng nhiên sợ vợ
Chuyên gia tâm lý Lã Linh Nga, Phó trưởng phòng khám TuNa, cho biết người vợ này đã nhẫn nhục chịu đòn của chồng suốt mười mấy năm, dù cả hai đều là dân trí thức. Để con cái khỏi lo buồn, chị cắn răng nhẫn nhịn, nhưng sự "biết điều" đó chẳng làm anh chồng nhẹ đòn đi một chút. Một ngày, trước một việc làm quá quắt của chồng, người phụ nữ ấy phẫn nộ đến mức quên cả sợ hãi. Trong cơn điên giận, chị vừa gào lên vừa lao vào đấm đá, cấu xé chồng. Chị đánh tới tấp, mắng sa sả với sức mạnh chưa từng có, trong khi ông chồng cứ trố mắt chịu trận, choáng đến mức không thể phản ứng dù anh ta vẫn khỏe hơn vợ rất nhiều.
Rồi người vợ nhận ra là sau hôm đó, chồng không đánh mình thêm một lần nào nữa. Không biết vì anh ta sợ bị "phản đòn" hay vì bất ngờ nhận ra một nét tính cách tiềm ẩn của vợ khiến anh ta không thể tiếp tục dùng chị làm "bao cát" cho mình. Nhưng sự thay đổi chắc chắn bắt nguồn từ cú sốc đó, khi anh ta đờ người mặc cho vợ đấm đá.
Chuyện tương tự cũng xảy ra với Hồng Ngân, sống ở thành phố Đông Hà, Quảng Trị. Cô gái này bị chồng đánh từ hồi chưa lấy nhau, nhưng vì trót "ăn ở" với nhau nên không dám bỏ. Dĩ nhiên là sau khi làm vợ, cô càng ngày càng bị chồng "tẩn" dữ hơn, đến mức đến bố mẹ chồng đôi khi cũng phải xót ruột mà can giúp. Một ngày sau khi cưới khoảng 6 năm, khi Ngân đi làm về, anh chồng hầm hầm chửi "đồ mẹ ngu không biết dạy con" rồi vung tay phang một tát. Không kịp xoa má, cô hớt hải chạy vào xem con, thấy nó bị bố đánh mặt mũi sưng vù, môi rỉ máu, lưng và mông rách tướp bởi những vết roi đỏ. Thằng bé nằm thoi thóp, nhìn mẹ mà khóc không nổi nữa.
Xót con, người mẹ trẻ rú lên thê thảm, lao vào bếp lấy cái chày, lăn sả vào chồng mà nện. Mặc cho anh ta vừa mắng chửi, đe dọa vừa đánh lại, Ngân vẫn ra tay quên cả sống chết: "Anh định giết con tôi à? Tôi giết anh. Đồ man rợ. Tôi không tha cho anh!!!". Kể từ lần đó, số lần đánh vợ của chồng Ngân giảm hẳn. Cô nhận ra anh ta cố gắng kiềm chế mỗi khi giận dữ. Thế rồi Ngân cũng dần dần không sợ chồng nữa, chấm dứt chuyện chịu lép một bề.
Thoát nạn nhờ món trứng vịt lộn
Cách đây không lâu, có người kể trên trang mạng xã hội câu chuyện một người thân của mình làm dâu bên Hàn Quốc. Chỉ vì một lần quên nêm gia vị vào món ăn, cô chị chồng và nhà chồng đánh rất đau và kể từ đó, họ luôn đánh cô mỗi lần không vừa ý, mỗi ngày một dã man hơn.
Nàng dâu tội nghiệp được giao nhiệm vụ mỗi ngày nấu cho nhà chồng mộtmón ăn Việt, nếu họ hài lòng thì hôm đó sẽ được yên thân, nếu bị chê thì dĩ nhiên là lại ăn đòn. Sau một thời gian, vốn liếng nấu ăn đã cạn, cô không còn nghĩ ra được một món nào khác ngoài trứng vịt lộn. Thiếu phụ này vẫn biết, trứng vịt lộn là món ăn "độc" của người Việt, người nước ngoài rất sợ món này, nhưng nếu không có món mới thì cầm chắc hôm đó sẽ bị hành hạ nên cô vẫn liều mình đi mua trứng về luộc.
Khi những quả trứng vịt trông rất bình thường được nàng dâu bóc vỏ, cả nhà chồng kinh hoàng nhìn thấy bên trong là hình hài những chú vịt con. Thấy thế, cô gái Việt sợ quá, ra sức giải thích rằng ở Việt Nam, đây là món ăn rất thông dụng và bổ dưỡng. Và để chứng minh, cô rắc các gia vị và ăn ngon lành quả trứng vịt lộn trước cặp mắt kinh dị của gia đình chồng.
Một thời gian sau, cô gái nhận ra mình đã không còn bị đánh đập nữa. Cô hỏi chồng lý do và được biết, sau hôm cô "đãi" món trứng vịt lộn, ông bố chồng đã rỉ tai con trai rằng: "Đừng có đánh nó nữa, kẻo đến bước đường cùng thì nó dám ăn thịt cả nhà mất". Sự hiểu lầm liên quan đến nét khác biệt về văn hóa ẩm thực trong trường hợp này đã đem lại lợi ích, nó cứu cô dâu Việt khỏi cảnh bạo hành.
Trên đầy dù chỉ là những câu chuyện cá biệt nhưng nó cũng nói lên một điều, các ông chồng chỉ quen tay đánh vợ khi nghĩ rằng người vợ không dám, không có khả năng phản kháng. Chính vì thế, cho dù được người nhà, hàng xóm, cơ quan đoàn thể, chính quyền... cứu giúp bằng cách lôi anh chồng ra khuyên nhủ, giáo dục..., người vợ may lắm cũng chỉ được yên thân một thời gian ngắn mà thôi. Không ai có thể cạnh 24/24h để bảo vệ họ.
Hồng Ngân chia sẻ: "Tôi nghe nói ở Hà Nội có nhà tạm lánh và những lúc bị chồng đánh, tôi vẫn nghĩ đến nó. Nhưng giờ thì tôi nghĩ rằng, tôi không thể ở đó cả đời và khi quay trở về, anh ta sẽ lại đánh tôi. Tôi sẽ không để anh ta làm thế nữa". Quả thật, sẽ không có chốn nào cho người phụ nữ lánh nạn đến cuối cuộc đời nếu ở nơi đó, cô ấy không biết tự bảo vệ mình.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Về đâu khi tắt nắng? Cô vẫn bước từng bước chông chênh và xiêu vẹo. Khi những giọt nắng cuối ngày vụt tắt, cô khuỵu ngã dưới một gốc cây phượng già, tờ giấy xét nghiệm trên tay rơi xuống... Cô bắt đầu yêu anh từ tám năm về trước. Khi ấy, cả anh và cô đều chỉ là những cô cậu bé miệng còn ngậm ô mai,...