Bồi thường án oan sai: Chậm vì qua nhiều nấc trung gian
Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng tại cuộc họp báo thường kỳ quý II – 2016 của bộ này vào chiều 7.7.
Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Tư pháp, một trong những điểm mới của dự án Luật TNBTCNN là “Cải cách mạnh mẽ trình tự thủ tục giải quyết bồi thường oan sai theo nguyên tắc dân sự, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc giải quyết bồi thường”.
Người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén (trái) dù đã được minh oan nhưng vẫn chưa thống nhất và nhận được tiền bồi thường. ảnh: I.T
Cụ thể, về phạm vi trách nhiệm bồi thường nhà nước, nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành, dự thảo luật đã bổ sung các trường hợp thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước như: Buộc thôi việc đối với công chức giữ chức vụ từ tổng cục trưởng và tương đương trở xuống để phù hợp với quy định của Luật Khiếu nại năm 2011 (nghĩa là công chức giữ chức tổng cục trưởng trở xuống bị buộc thôi việc sai sẽ được bồi thường); bổ sung bồi thường cho trường hợp người bị bắt, bị giữ trong các trường hợp khẩn cấp, pháp nhân thương mại bị khởi tố, truy tố, xét xử, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật.
Theo Thứ trưởng Trần Tiến Dũng, thời gian qua một số vụ án đòi bồi thường oan sai mà thời gian giải quyết lâu là quy trình dài, phải qua nhiều tầng nấc trung gian, chính vì thế dự luật lần này đã quy định thêm và lượng hóa một số thiệt hại được bồi thường mà Luật TNBTCNN hiện hành chưa quy định để đảm bảo phù hợp với Bộ luật Dân sự.
Bên cạnh đó, dự luật còn quy định thời hạn trong các thủ tục giải quyết bồi thường tại tòa án và các cơ quan giải quyết bồi thường.
Dự luật cũng quy định chặt chẽ, cụ thể trách nhiệm kỷ luật và tăng mức hoàn trả để tăng cường trách nhiệm của người thi hành công vụ nhằm đảm bảo tính răn đe và hạn chế tiêu cực đến hoạt động công vụ bình thường của cán bộ, công chức. Bổ sung quy định về việc xem xét, xử lý kỷ luật người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại…
Phóng viên NTNN/Dân Việt đặt câu hỏi: Dự luật có cần bổ sung quy định bồi thường thiệt hại cả cho người nhà, người thân của người bị tù oan khi họ bỏ thời gian, công sức, mất việc làm, thu nhập… trong thời gian phải đi kêu oan cho người ở trong tù?
Trả lời câu hỏi này, ông Trần Việt Hưng – Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước cho biết: Dự án Luật TNBTCNN được sửa đổi 45 điều, bổ sung 50 điều, chỉ giữ lại 5 điều.
Video đang HOT
Thông tư liên tịch số 05 ngày 2.11.2012, liên bộ đã hướng dẫn về thực hiện bồi thường nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự đã quy định việc bồi thường những chi phí mà thân nhân của người ở tù đã bỏ ra thuê luật sư, ăn ở đi lại… trong quá trình tham gia tố tụng để có được kết quả khẳng định người ở tù oan.
“Như vậy về mặt thực tiễn quy định đã có, khi thi hành không có gì vướng. Còn trong dự thảo luật, một trong những thiệt hại được bổ sung, chúng tôi quy định gọi là các chi phí khác, vì đó không phải là thiệt hại, đó là chi phí mà người bị thiệt hại phải bỏ ra để có được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường” – ông Hưng cho biết.
Theo Danviet
Chánh án TAND Tối cao: 'Nhanh chóng bồi thường cho ông Nén'
Làm việc với các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình chỉ đạo nhanh chóng giải quyết bồi thường oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén.
Ngày 4/5, ông Nguyễn Hòa Bình làm việc với các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận và Cục Bồi thường Nhà nước, chỉ đạo giải quyết bồi thường oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén.
Theo ông Bình, việc tòa án tỉnh Bình Thuận đòi gia đình ông Nén cung cấp chứng từ, hóa đơn... là gây khó và đề nghị nên giải quyết theo hướng có lợi cho đương sự hơn là thuận lợi cho cơ quan Nhà nước. "Có những khoản không cần phải đòi hỏi hóa đơn, nếu xét thấy hợp lý nên thỏa thuận", ông Bình nói.
Chánh án Bình cũng đề nghị TAND tỉnh Bình Thuận lập tổ chuyên trách xử lý việc này, có kế hoạch cụ thể cho từng khoản đàm phán.
"Các cơ quan tố tụng đã xin lỗi công khai thì việc bồi thường thiệt hại cần được làm một cách khẩn trương", ông Bình chỉ đạo và cho hay, nếu cần thiết TAND Tối cao sẽ đề nghị Bộ Tài chính cử chuyên gia giỏi vào Bình Thuận hỗ trợ giải quyết hồ sơ, đẩy nhanh công tác thẩm định các khoản yêu cầu bồi thường oan sai cho ông Nén.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình chỉ đạo giải quyết có lợi nhất cho ông Nén. Ảnh: VOV.
Chánh án TAND Tối cao cũng yêu cầu các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận nhanh chóng hoàn tất hồ sơ, sớm đưa bị can Nguyễn Thọ - người bị xác định là hung thủ giết bà Lê Thị Bông đêm 24/3/1998 tại xã Tân Minh, huyện Hàm Tân - gây oan cho ông Nén.
Trao đổi với VnExpress, thẩm phán Trần Thị Thiên Hương - Phó chánh Tòa Hành chính, đại diện TAND tỉnh Bình Thuận nhận đơn yêu cầu bồi thường của ông Nén - cho biết, việc thu thập thêm chứng cứ, tài liệu nếu ông Nén làm được thì rất tốt cho việc giải quyết bồi thường oan sai. Nhưng nếu ông và gia đình không thể cung cấp tòa sẽ xác minh, những khoản nào hợp tình thì tòa sẵn sàng chấp nhận.
"Chúng tôi làm việc với tinh thần có lợi nhất cho ông Nén. Nếu có những khoản pháp luật quy định mà ông Nén và gia đình không yêu cầu chúng tôi cũng xem xét. Nhưng nếu ông Nén có quá nhiều yêu cầu không hợp tình, hợp lý thì bản thân chúng tôi cũng gặp khó khăn bởi không xem xét thì lương tâm cũng áy náy", bà Hương chia sẻ.
Theo bà Hương, việc giải quyết yêu cầu bồi thường cho ông Nén gặp khó khăn vì có những khoản nằm trong luật định đã có phần cứng (tổn thất thu nhập) nhưng có những khoản như tổn thất về tinh thần do cùng lúc vướng hai bản án oan thì việc giải quyết không đơn giản.
Về việc tạm ứng trước một phần thiệt hại cho ông Nén, bà Hương cho rằng nguyên tắc tài chính cũng như pháp luật không quy định về vấn đề này. Do vậy, cần phải có sự hỗ trợ từ chuyên gia tài chính.
TAND tỉnh Bình Thuận cho biết sẽ giải quyết có lợi nhất cho ông Nén và đúng pháp luật. Ảnh: Phước Tuấn.
Trước đó, ngày 11/4, ông Nén cùng gia đình đã đến TAND tỉnh Bình Thuận nộp đơn yêu cầu bồi thường số tiền 18 tỷ đồng do bị kết án oan trong hai bản án. Ông đã phải ngồi tù oan hơn 17 năm với cáo buộc giết bà Dương Thị Mỹ (năm 1993 còn gọi là kỳ án vườn điều) và vụ sát hại bà Bông.
Khi toà yêu cầu bổ sung tài liệu chứng cứ, ông Nén gửi đơn đến TAND tỉnh Bình Thuận nói rằng toà "đánh đố", gia đình ông không thể cung cấp bởi không nghĩ có ngày được giải oan để giữ lại những hoá đơn chi phí.
Ngày 26/4, TAND tỉnh Bình Thuận đã có buổi làm việc với ông Nén và một số người liên quan. Ông Nguyễn Thận, người đại diện của ông Nén cho biết, gia đình ông Nén đã chứng mình được các chi phí hợp lý mà pháp luật qui định. "Buổi làm việc hôm đó chúng tôi đều có thiện chí, trao đổi cởi mở, thẳng thắn những nội dung yêu cầu bồi thường", ông Thận nói.
Người đại diện của ông Nén cho biết, tòa chỉ chấp nhận bồi thường 15 năm 5 tháng 5 ngày tù bị bắt giam và 36 ngày được tại ngoại để điều tra. Đối với bản án 2 năm tù giam về tội Cố ý hủy hoại tài sản, TAND tỉnh Bình Thuận không chấp nhận. Hiện, ông Nén đã gửi đơn lên VKSND Tối cao đề nghị Giám đốc thẩm về tội danh này nhưng chưa nhận được văn bản trả lời.
Trong buổi làm việc, tòa không yêu cầu ông Nén phải đảm bảo có đầy đủ tất cả các chứng cứ, hóa đơn, liệt kê cụ thể. Nhưng yêu cầu phải cung cấp được những giấy tờ, tài liệu tối thiểu mà gia đình ông hiện có để việc thương lượng sắp tới diễn ra được thuận lợi.
Là người duy nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam mang 2 án oan về tội Giết người, ông Nén được TAND tỉnh Bình Thuận công khai xin lỗi tại địa phương vào cuối năm ngoái.
Tháng 4/1998, ông bị cho là hung thủ giết bà Bông cướp chiếc nhẫn, bị TAND tỉnh Bình Thuận tuyên phạt tù chung thân về tội Giết người, 3 năm tội Cướp tài sản và 2 năm về tội Cố ý hủy hoại tài sản.
Trong thời gian bị điều tra vụ án này, ông Nén và 9 người bên vợ bị cáo buộc giết bà Mỹ xảy ra 5 năm trước. Do không chứng minh được hành vi phạm tội, 12 năm sau cơ quan điều tra phải minh oan cho họ, bồi thường gần một tỷ đồng. Riêng ông Nén đang thi hành bản án chung thân nên không được giải quyết.
Ngay khi được minh oan, ông đề nghị xử lý hình sự 14 cán bộ trong ngành công an, VKS, TAND tỉnh Bình Thuận gây oan sai cho ông và 9 thành viên trong gia đình vợ. Trong đó chỉ rõ điều tra viên, thủ trưởng cơ quan điều tra ký kết luận điều tra, kiểm sát viên, lãnh đạo VKS ký cáo trạng, thẩm phán xét xử cấp sơ thẩm.
Cơ quan điều tra của VKSND Tối cao đã đến thị trấn Tân Minh, Hàm Tân, Bình Thuận làm việc với những người liên quan để xác minh sự việc.
Tư Huynh - Hải Duyên
Theo VNE
Không cứng nhắc trong việc bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén Theo Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình, việc áp dụng bồi thường của ông Huỳnh Văn Nén tới đây cũng sẽ tương tự như ông Nguyễn Thanh Chấn. Ông Huỳnh Văn Nén trả lời báo chí Ảnh: Quế Hà Hôm qua 26.4, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết TAND tối cao đã nắm được thông tin về...