‘Bóc mẽ’ chiêu trò trốn thuế của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam
Nhiều doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FN FDI) sử dụng mánh lới tinh vi để trốn thuế. Trong đó, chiêu trò được sử dụng nhiều nhất là chuyển giá, nâng chi phí đầu vào sản xuất cao hơn nhiều so với thực tế, từ đó kéo giảm lợi nhuận…
DN FDI có nhiều chiêu trò trốn thuế. ảnh minh hoạ
Đó là thông tin vừa được Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) đã chỉ ra tại nghiên cứu “Trốn và tránh thuế của thuế thu nhập doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam”.
Theo PGS.TS Phạm Thế Anh – Kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), trốn và gian lận thuế diễn biến ngày càng phức tạp, quy mô lớn. Doanh nghiệp FDI lợi dụng lỗ hổng trong quy định về hải quan và thuế để trốn và gian lận thuế.
TS Nguyễn Hoàng Oanh (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết, “chiêu trò” phổ biến là chuyển giá. Có đủ hình thức chuyển giá, thường gặp là các doanh nghiệp FDI lợi dụng góp vốn vào DN trong nước bằng máy móc, thiết bị công nghệ lạc hậu hoặc đã khấu hao hết nhưng được đẩy giá lên rất cao so với giá trị thực. Hoặc nâng chi phí đầu vào sản xuất cao hơn nhiều so với thực tế, từ đó kéo giảm lợi nhuận, thậm chí lỗ và trốn được trách nhiệm nộp thuế thu nhập DN…
Hình thức chuyển giá cũng rất phổ biến là chuyển nợ quốc tế. Các doanh nghiệp mẹ đặt ngoài Việt Nam lợi dụng quy định chi phí lãi vay được khấu trừ khỏi thu nhập thực tế, từ đó khuyến khích các công ty con tại các nước có thuế suất cao chuyển khoản nợ sang doanh nghiệp có mức thuế suất thấp để hưởng lợi khoản khấu trừ thuế, lãi vay đối với khoản nợ.
Chuyển thuế trong các doanh nghiệp FDI còn được thực hiện dưới hình thức họ sẽ tài trợ hoặc thực hiện nghiên cứu ở quốc gia có mức thuế suất cao, sau đó chuyển lợi nhuận về quốc gia có mức thuế suất thu nhập thấp để né tránh thuế.
Các doanh nghiệp FDI còn trốn thuế bằng cách lợi dụng quy định cho trì hoãn thuế từ khoản lợi nhuận công ty con chuyển về công ty mẹ. Các chi nhánh công ty con của doanh nghiệp FDI nếu như có lợi nhuận sẽ có hai lựa chọn, hoặc là chuyển về công ty mẹ dưới dạng chuyển cổ tức, hoặc là có thể giữ lại lợi nhuận này. Nếu chọn hình thức chuyển về công ty mẹ sẽ rất tốn kém và công ty mẹ sẽ phải chịu thuế thu nhập DN với mức thuế suất cao hơn so với công ty con. Do đó các công ty con thường giữ lại lợi nhuận này để chuyển sang tài sản thụ động, rồi cho công ty mẹ vay lại với lãi suất ưu đãi, sử dụng khoản lợi nhuận này tiếp tục đầu tư tại một nước khác có thuế suất cao hơn để hưởng khấu trừ thuế ở nước đó.
PGS.TS Phạm Thế Anh cho rằng, để ngăn chặn việc DN FDI trốn thuế, cơ quan chức năng cần nghiên cứu áp dụng các biện pháp phòng chống trốn và tránh thuế đang áp dụng tại các nước tiên tiến. Như các nước châu Âu và Mỹ đặt ra quy tắc chi nhánh doanh nghiệp nước ngoài nhằm hạn chế chuyển lợi nhuận từ quốc gia có thuế suất cao sang quốc gia có thuế suất thấp.
Ngoài ra còn có các quy tắc như: giảm thiểu dàn xếp chênh lệch về thuế ở các quốc gia, hạn chế chuyển nợ quốc tế, lợi nhuận từ nước này sang nước kia; cho phép đánh thuế vào các tài sản sở hữu trí tuệ trước khi chuyển sang các quốc gia; đưa ra mức trần về lãi vay mới được khấu trừ vào khoản thu nhập trước thuế, hạn chế các công ty có vốn mỏng vay nhiều, lợi dụng khấu trừ khoản lãi vay để trốn thuế.
Chống thất thu thuế đối với thương mại điện tử
Chống thất thu thuế đối với thương mại điện tử là nội dung chính của hội thảo công bố kết quả nghiên cứu "Trốn và tránh thuế của thuế thu nhập doanh nghiệp FDI tại Việt Nam" do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 28/4.
Thuế được coi là nguồn thu quan trọng, chủ yếu của ngân sách vì nguồn thu này mang tính chất ổn định, đảm bảo tự chủ và độc lập quốc gia. Tuy nhiên, tình trạng trốn và tránh thuế của các doanh nghiệp ở Việt Nam ngày càng diễn biến phức tạp, phạm vi ngày càng rộng, quy mô ngày càng lớn và thủ đoạn ngày càng tinh vi; trong đó, bao gồm các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
Theo PGS. TS. Phạm Thế Anh, Trưởng nhóm nghiên cứu, Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô (Khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân), trong nền kinh tế số, sự tồn tại cùng một lúc các mô hình kinh doanh khác nhau như truyền thống, bán truyền thống và phi truyền thống đang tạo ra một cuộc cạnh tranh bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài ngay tại thị trường Việt Nam. Điều này dẫn tới thách thức đối với các chính sách quản lý doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam trong cuộc chiến chống thất thu thuế.
Nghiên cứu đã đưa ra ví dụ đối với Facebook và Google là hai gã khổng lồ trong lĩnh vực internet đến từ Mỹ đã và đang thực hiện hoạt động kinh doanh quảng cáo tại Việt Nam nhưng không thực hiện nghĩa vụ thuế ở Việt Nam.
Theo số liệu dự đoán từ Công ty nghiên cứu thị trường ANTS, chỉ riêng Facebook và Google đã chiếm tới hơn 66% thị phần quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam. Hoạt động kinh doanh không thông qua một đối tác quảng cáo ở Việt Nam và tự thu tiền về tài khoản của mình như vậy là bất hợp pháp. Hậu quả là không kiểm soát được nội dung quảng cáo, "chảy m áu" doanh thu quảng cáo ra nước ngoài, thất thu nguồn thuế cho nhà nước và làm thiệt hại thị phần của các doanh nghiệp nội dung số trong nước.
Hay như liên quan tới việc kiểm soát hoạt động đăng ký kinh doanh để quản lý thuế đối với loại hình kinh doanh này, Bộ Công Thương đã ra Thông tư số 47/2014/TT-BCT ngày 05/12/2014 về quản lý website thương mại điện tử quy định trách nhiệm đăng ký kinh doanh là của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thông tư này lại không quy định rõ trách nhiệm kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vì thế, nhiều doanh nghiệp "né" trách nhiệm đăng ký mà vẫn không bị xử lý. Ngành thuế thất thu vì không có nguồn dữ liệu doanh nghiệp điện tử để tính thuế.
Để giải quyết vấn đề này, Luật Quản lý thuế (sửa đổi) năm 2019 chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2020, đã quy định về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Cụ thể, khoản 4, Điều 42 nêu rõ: Đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Mặc dù, Luật Quản lý thuế (sửa đổi) năm 2019 hiện chưa chính thức có hiệu lực nhưng các chuyên gia về thuế và luật trong nước đánh giá, quy định quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử là một trong những nội dung quan trọng trong công tác quản lý thuế. Từ đó, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế hiện đại, góp phần chống thất thu thuế trong bối cảnh nền kinh tế số phát triển. Xu thế toàn cầu hóa và hiện đại hóa đang tạo cơ hội cho các doanh nghiệp mở rộng và hội nhập nhanh hơn vào thị trường khu vực và quốc tế, nhất là trong nền tảng số.
TS. Nguyễn Hoàng Oanh, Giảng viên kinh tế vĩ mô và kinh tế học thuế khóa, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, từ quy định của luật, thời gian tới Chính phủ sớm ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể về nội dung quản lý đối với hoạt động thương mại điện tử nhằm hướng tới môi trường kinh doanh bình đẳng và chống thất thu cho ngân sách nhà nước.
Diệp Anh
Tân Chủ tịch ngân hàng Agribank, ông Phạm Đức Ấn là ai? Ông Phạm Đức Ấn - Chánh văn phòng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - vừa được điều động, bổ nhiệm giữ chức chủ tịch Hội đồng thành viên ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank). Theo Quyết định của Ban Thường vụ Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương, chỉ định ông Phạm Đức Ấn -...