Bộ Y tế ra quy định mới, không phải tiếp xúc F0 là thành F1
Trong tình hình mới, các quy định phân loại F0, F1 của Bộ Y tế khoanh chặt hơn so với trước đây.
Bộ Y tế vừa ban Hành hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống Covid-19 để áp dụng tại các cơ sở y tế dự phòng và khám, chữa bệnh trên toàn quốc. Trong đó, hướng dẫn quy định rõ các khái niệm F0, F1, F2.
Trước đây, quy định phân loại F0, F1 được Bộ Y tế nêu trong phác đồ điều trị, tuy nhiên trong hướng dẫn mới nhất ngày 30/7, Bộ Y tế phân rõ hơn, khoanh chặt hơn các điều kiện. Cụ thể:
- Ca bệnh nghi ngờ
Là người có ít nhất 2 trong số các biểu hiện sau đây: Sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người – mệt mỏi – ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác. Trường hợp thứ 2 là người có kết quả xét nghiệm sàng lọc dương tính với virus SARS-CoV-2 qua test nhanh.
Trong khi tại phác đồ chẩn đoán và điều trị lần 6 của Bộ Y tế cập nhật vào ngày 14/7 vừa qua, khái niệm ca bệnh nghi ngờ mở rộng hơn. Trong đó quy định người bệnh chỉ cần có sốt kèm (hoặc) viêm đường hô hấp cấp tính không lý giải được nguyên nhân. Hoặc các trường hợp có bất kỳ một triệu chứng hô hấp nào và có tiền sử đến/qua/ở/về từ vùng dịch tễ, ổ dịch. Người tiếp xúc với ca bệnh nghi ngờ hoặc F0 đã được xác định mắc Covid-19 trong 14 ngày trước khi khởi phát triệu chứng.
Người dân sống trong khu vực phong tỏa do liên quan ca F0 tại TP.HCM. Ảnh: Hoàng Giám.
- Ca bệnh F0 xác định
Là trường hợp có kết quả xét nghiệm rRT-PCR dương tính tại các cơ sở xét nghiệm khẳng định đã được Bộ Y tế cấp phép. Trước đây, trong phác đồ cập nhật lần 5 ban hành ngày 26/4, Bộ Y tế từng quy định F0 bao gồm cả trường hợp nghi ngờ và trường hợp có xét nghiệm rRT-PCR dương tính. Tuy nhiên, phác đồ lần 6 đã bỏ nội dung đầu.
- Trường hợp F1
Là người có tiếp xúc gần trong vòng 2 m hoặc trong cùng không gian kín tại nơi lưu trú, làm việc, cùng phân xưởng, học tập, sinh hoạt, vui chơi giải trí… hoặc trong cùng khoang trên phương tiện vận chuyển với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0. Trường hợp F1 được phân thành 2 cấp bậc gồm:
Nếu tiếp xúc với F0 có triệu chứng: Một người chỉ trở thành F1 khi tiếp xúc trong vòng 3 ngày trước khi F0 khởi phát triệu chứng cho đến khi được cách ly y tế. Tiếp xúc trước đó trên 4 ngày đều không được tính. Thời điểm F0 khởi phát bệnh được tính là ngày bắt đầu có triệu chứng bất thường về sức khoẻ theo các dấu hiệu phía trên.
Nếu tiếp xúc với F0 không triệu chứng, chia thành 2 trường hợp. Nếu F0 đã xác định được nguồn lây, một người chỉ trở thành F1 khi tiếp xúc với F0 trong khoảng thời gian từ khi F0 tiếp xúc lần đầu với nguồn lây đến khi được cách ly y tế.
Ví dụ: A. có kết quả khẳng định dương tính với SARS-CoV-2 và chuyển cách ly ngày 1/8. Qua truy vết, A. tiếp xúc với nguồn lây từ ngày 25/7. Một người được xác định là F1 của A. nếu tiếp xúc với A. trong các ngày từ 25/7-1/8.
F0 được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 2 ở TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu.
Nếu F0 chưa xác định được nguồn lây: F1 là người tiếp xúc với F0 trong khoảng thời gian 14 ngày trước khi F0 được lấy mẫu xét nghiệm khẳng định dương tính cho đến khi F0 được cách ly y tế.
Một số nhóm người tiếp xúc gần thường gặp gồm:
- Người sống trong cùng hộ gia đình, cùng nhà, cùng phòng.
- Người trực tiếp chăm sóc, đến thăm hoặc người điều trị cùng phòng với ca bệnh xác định.
- Người cùng nhóm làm việc hoặc cùng phòng làm việc.
- Người cùng nhóm có tiếp xúc với ca bệnh: nhóm du lịch, công tác, vui chơi, buổi liên hoan, cuộc họp, lớp học, cùng nhóm sinh hoạt tôn giáo, cùng nhóm sinh hoạt các câu lạc bộ, trên cùng một phương tiện giao thông…
- Trường hợp F2
Là người tiếp xúc gần trong vòng 2 m với F1 trong khoảng thời gian từ khi F1 có khả năng lây nhiễm từ ca bệnh (F0) cho đến khi F1 được cách ly y tế.
Trong phác đồ lần 6, Bộ Y tế xác định F1 trên phạm vi rộng hơn, bao gồm tất cả người tiếp xúc gần tại các cơ sở y tế, bao gồm:
Trực tiếp chăm sóc người bệnh Covid-19
Làm việc cùng nhân viên y tế mắc Covid-19
Tới thăm người bệnh hoặc ở cùng phòng bệnh có người bệnh mắc Covid-19.
Ngoài trường hợp tiếp xúc gần ca F0 xác định, F1 cũng được tính ngay cả khi tiếp gần dưới 2 m với trường hợp nghi nhiễm; sống cùng nhà với trường hợp bệnh nghi ngờ; làm việc cùng nhóm hoặc cùng phòng với ca bệnh nghi ngờ.
Theo đánh giá, những quy định mới của Bộ Y tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương phân loại ca bệnh nghi ngờ, F1 trong bối cảnh hầu hết khu cách ly đều đang quá tải như hiện nay.
10 khuyến cáo cho F1, F0 thực hiện cách ly tại nhà. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khuyến cáo khi được xác định là người mắc Covid-19 hoặc tiếp xúc gần, người dân phải có trách nhiệm với sức khỏe của chính mình và cộng đồng.
Tâm dịch ở TP HCM khi tổng ca nhiễm nCoV nhiều nhất nước
Số ca dương tính ở TP HCM đang nhiều nhất cả nước, vượt mốc 6.000 trong một tháng rưỡi bùng phát dịch, cao hơn Bắc Giang.
Số ca nhiễm nCoV tại TP HCM đã tăng gần 1.100 ca, từ 4.938 lên 6.034 tính từ sáng 3/7 đến chiều 4/7, theo công bố của Bộ Y tế. Phần lớn ca nhiễm đã được truy vết, trong vùng cách ly, phong tỏa. Song cũng có một số ca cộng đồng đang phải truy vết nguồn lây.
"Tập trung cao nhất chống dịch tại TP HCM", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói trong cuộc họp bàn biện pháp chống dịch với một số tỉnh, chiều 4/7.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh đợt dịch này với những diễn biến chưa từng có tiền lệ. Nhưng càng khó khăn càng phải đoàn kết, chia sẻ trách nhiệm và lắng nghe ý kiến của nhau. Tình hình dịch tại TP HCM ảnh hưởng lớn đến các tỉnh trong khu vực, việc phòng chống cũng phức tạp hơn nên phải ưu tiên xử lý. Hai phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Trương Hòa Bình được giao trực tiếp chỉ đạo công tác chống dịch tại địa phương này.
Phút nghỉ ngơi của nhân viên y tế TP HCM trong nhà thi đấu Phú Thọ, tháng 6/2021. Ảnh: Hữu Khoa
Lãnh đạo Bộ Y tế đánh giá TP HCM đang gặp khó trong chiến lược xét nghiệm tầm soát diện rộng . HCDC đang quá tải, thời gian trả kết quả xét nghiệm chậm. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị thành phố tổ chức lại vấn đề xét nghiệm, lập các bộ phận xét nghiệm tại quận huyện và giao về địa phương tự điều phối.
Bộ khuyến cáo thành phố tăng sử dụng test kháng nguyên nhanh, kết hợp với xét nghiệm gộp mẫu và rút ngắn thời gian trả kết quả trong 6 giờ. Ngành y tế dự báo thời gian tới TP HCM còn ghi nhận các ca nhiễm mới do mầm bệnh đã âm thầm lây lan trong cộng đồng, đặc biệt ở các khu nguy cơ cao như nhà máy, khu công nghiệp, chợ dân sinh.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị Trung ương hỗ trợ khẩn cấp 2 triệu test nhanh kháng nguyên, máy xét nghiệm PCR cùng kỹ thuật viên vận hành máy. Ông Phong cho biết thành phố đang đàm phán mua 1,4 triệu test nhanh kháng nguyên, tập trung khắc phục hạn chế về tổ chức, năng lực và đội ngũ xét nghiệm.
Trong công thức chống dịch 3T của thế giới gồm Test - Track - Treat (Xét nghiệm - Truy vết - Điều trị), xét nghiệm được coi là mắt xích đầu tiên. Ngành y tế thành phố nhìn nhận "cần chấn chỉnh lại công tác xét nghiệm". TP HCM sẽ lập Trung tâm điều hành xét nghiệm Covid-19 do một phó chủ tịch UBND thành phố phụ trách, nhằm phân bổ lực lượng linh hoạt. Mỗi quận huyện bổ sung thêm hàng chục nhân lực để đẩy nhanh tốc độ truy vết.
Lãnh đạo Sở Y tế TP HCM đề xuất tổ chức lại hai quy trình, gồm xét nghiệm và mạng lưới giám sát điều tra dịch tễ, truy vết các F. Cả hai bước này đều cần phải tổ chức lại khoa học hơn. Việc lấy mẫu sẽ được áp dụng theo hình thức cuốn chiếu, phân chia giờ giấc, giãn cách hợp lý. Người lấy mẫu phải chuyên nghiệp, có kinh nghiệm và trang bị vật tư đầy đủ. Công tác tổ chức lấy mẫu phải đúng diện, tập trung khu vực trọng điểm.
Thí sinh thi THPT quốc gia tại TP HCM xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm, ngày 4/7/2021. Ảnh: Hữu Khoa
Nằm cạnh TP HCM, người lao động Đồng Nai hôm qua đã ùn ùn đến bệnh viện làm xét nghiệm, một ngày trước khi quy định người qua lại TP HCM, Bình Dương làm việc phải có kết quả âm tính trong vòng 7 ngày của tỉnh này có hiệu lực, từ 5/7. Hàng nghìn công nhân lao động, phụ huynh đưa con đi xét nghiệm trước kỳ thi THPT quốc gia. Nhiều người chen lấn đăng ký test nhanh khiến chính quyền địa phương phải cử lực lượng giữ trật tự, yêu cầu giãn cách để phòng dịch.
Trong khi đó chỉ 10 ngày bùng phát dịch, từ 24/6, Phú Yên đã ghi nhận tổng cộng 301 ca dương tính. 21 ca chưa được Bộ Y tế công bố, xem như nghi nhiễm. Tỉnh thành lập thêm 4 cơ sở cách ly tập trung và 3 cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19. Toàn tỉnh đang giãn cách xã hội từ ngày 27/6.
Chiều mai, khoảng một triệu thí sinh dự thi THPT quốc gia đợt đầu tiên sẽ làm thủ tục để bước vào hai ngày thi chính thức 7-8/7. Đây không phải là năm đầu kỳ thi phải chia hai đợt, song mang đậm nỗi âu lo của hàng triệu gia đình, khi dịch xuất hiện ở 54 tỉnh thành. Cả nước có hơn một triệu thí sinh đăng ký dự thi, 3/4 trong đó lấy kết quả xét tuyển đại học. Bộ Giáo dục và Đào tạo hai ngày trước cho biết nếu đến ngày thi mà dịch vẫn diễn biến phức tạp, thí sinh ở địa phương đang giãn cách, cách ly xã hội có thể thi đợt sau.
Gỡ thế bí cho thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT tại TP HCM nhưng hiện ở tỉnh, không kịp lên thành phố trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng, Sở Giáo dục TP HCM ra giải pháp thí sinh ở nơi nào thi nơi đó. Học sinh ngoài công lập có hộ khẩu tỉnh thành khác không kịp lên thành phố thi tốt nghiệp đợt 1 có quyền đăng ký tại địa phương. Song đơn đăng ký phải có sự thống nhất giữa hai Sở Giáo dục Đào tạo địa phương nơi thí sinh ở và TP HCM, thủ tục xong trước 14h ngày 5/7.
Nếu không được sự thống nhất về việc chuyển hội đồng thi, các em có thể đăng ký đợt 2 tại TP HCM. Phần lớn phụ huynh và thí sinh nội trú trường tư thục TP HCM xác nhận với trường sẽ lên thành phố để tham gia thi đợt đầu tiên. Các em ở tỉnh xa đã di chuyển sớm từ ngày 3/7, thí sinh vùng lân cận sẽ đi trong hôm nay hoặc giáp thời gian làm thủ tục.
Diễn tập thi THPT quốc gia tại Hà Nội, tháng 7/2021. Ảnh: Giang Huy
Cách kỳ thi ba ngày, nhiều địa phương phía Nam đã đổi kế hoạch thi THPT quốc gia khi dịch vẫn lan rộng. Phú Yên đã xét nghiệm cho toàn bộ thí sinh và giáo viên tham dự kỳ thi đợt 1. Bình Thuận test nhanh cho gần 2.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia kỳ thi. 262 thí sinh đảo Phú Quý không vào đất liền dự thi như mọi năm và thi tại chỗ. Đề thi được chuyển ra đảo bằng tàu cao tốc, có công an bảo vệ.
Dịch bùng phát ở thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi) khiến 1.265 thí sinh tỉnh này phải chuyển qua thi đợt 2. Bình Định yêu cầu cán bộ, giáo viên không đến nơi khác trước kỳ thi. Hơn 2.500 cán bộ, giáo viên, nhân viên, công an... phục vụ kỳ thi sẽ được tiêm vaccine, lấy mẫu xét nghiệm.
Đợt dịch thứ tư đã lan ra 54 tỉnh thành, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ninh Thuận, Bến Tre là hai tỉnh mới nhất ghi nhận ca nhiễm. Cả nước gần 16.500 bệnh nhân Covid-19 đợt này, nhiều nhất TP HCM 6.034 ca, Bắc Giang 5.713 ca.
Thứ trưởng Y tế: 'Dịch ở TP HCM vẫn rất khó lường' Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định diễn biến dịch bệnh TP HCM vẫn rất khó lường và khả năng tiếp tục tăng, phạm vi lan rộng các tỉnh, thành lân cận. Ý kiến được ông Sơn chia sẻ tại họp ban chỉ đạo chống Covid-19 tại TP HCM, sáng 2/7. Thứ trưởng Sơn cho rằng thành phố còn một...