Bộ Y tế: Kiểm soát triệt để bệnh sốt xuất huyết không đơn giản
Trong năm 2023 ở Hà Nội có hơn 40.000 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết và chưa bao giờ Hà Nội có ca mắc nhiều như vậy.
Đến thời điểm này của năm 2024, Hà Nội có hơn 7.000 trường hợp mắc.
Nhân viên y tế hướng dẫn người dân xử lý nước thừa, nước đọng tại các vật dụng, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Bệnh sốt xuất huyết không đơn giản để kiểm soát. Trước đây chưa có vũ khí đặc hiệu, chưa có vaccine, vì vậy việc kiểm soát bệnh này chủ yếu kiểm soát phòng, chống bệnh sốt xuất huyết qua vector và điều trị triệu chứng.
Tuy nhiên kiểm soát vector rất khó, trước đây trong công tác phòng chống dịch dựa vào cộng đồng sử dụng các nhân sinh học để tiêu diệt bọ gậy.
Tiến sỹ Hoàng Minh Đức – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng nhấn mạnh như vậy tại Tọa đàm “Phòng tránh sốt xuất huyết – Những giải pháp nào hiệu quả?” do Cổng Thông tin Chính phủ tổ chức chiều 3/12 tại Hà Nội.
Sốt xuất huyết đã quay trở lại
Video đang HOT
Theo Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, hiện nay tại Việt Nam có 2 bệnh lưu hành trong công tác phòng, chống dịch rất quan tâm, đó là bệnh tay chân miệng và bệnh sốt xuất huyết. Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng 200.000 người mắc bệnh sốt xuất huyết và khoảng 40 trường hợp tử vong.
Trong năm 2023 ở Hà Nội có hơn 40.000 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết và chưa bao giờ Hà Nội có ca mắc nhiều như vậy. Năm nay, đến thời điểm này, Hà Nội có hơn 7.000 trường hợp mắc.
Tiến sỹ Hoàng Minh Đức – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng. (Ảnh: PV/Vietnam )
Theo ông Đức, trước đây, chúng ta có Chương trình mục tiêu quốc gia, chủ yếu dùng mạng lưới cộng tác viên ở thôn, bản, xã để truyền thông, hướng dẫn cho người dân loại bỏ loăng quăng, bọ gậy ở các dụng cụ chứa nước sạch trong nhà. Đặc điểm của muỗi vằn là chỉ đẻ trứng vào các dụng cụ chứa nước sạch chứ không phải ở sông, hồ, bụi rậm. Hệ thống cộng tác viên của Chương trình đã làm rất tốt, do đó số ca mắc đã giảm. Sốt xuất huyết là bệnh có ca mắc lớn, tuy nhiên điều trị tốt nên số ca tử vong rất thấp.
“Chương trình mục tiêu kết thúc vào năm 2020. Sau khi chương trình kết thúc, theo Luật Ngân sách, chúng ta yêu cầu các địa phương bố trí ngân sách phòng, chống sốt xuất huyết nhưng khi không có chương trình cụ thể, chưa có vũ khí là vaccine thì vấn đề tuyên truyền, chỉ đạo cũng giảm bớt. Chính vì thế trong những năm gần đây, sốt xuất huyết gần như quay trở lại,” Tiến sỹ Hoàng Minh Đức nhấn mạnh.
Tiến hành đồng thời các biện pháp
Tại tọa đàm, Phó giáo sư Nguyễn Thanh Hùng – Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá sốt xuất huyết là bệnh nguy hiểm cho Việt Nam trong hơn 40 năm qua, đặc biệt là các tỉnh Nam Bộ và miền Đông Nam Bộ. Gần như là tất cả các lứa tuổi đều mắc sốt xuất huyết.
“Chúng tôi gặp những ca trẻ sơ sinh vừa lọt lòng mẹ đã có triệu chứng sốt xuất huyết do người mẹ bị nhiễm sốt xuất huyết trong lúc mang thai, trong lúc đang sinh. Cho đến nay, chúng ta phát hiện ở miền Nam có tới 60-70% trẻ dưới 15 tuổi bị sốt xuất huyết. Nhưng ngược lại, ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc thì người lớn lại chiếm số lượng nhiều. Như vậy, có thể nói là tất cả người dân ai cũng có thể bị sốt xuất huyết – từ trẻ cho đến lớn. Đặc biệt, những đối tượng như phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi, trẻ có bệnh lý bẩm sinh, tim bẩm sinh, thiếu máu, hen suyễn… hoặc là người lớn suy thận là những nhóm đối tượng nguy cơ rất cao,” Phó giáo sư Nguyễn Thanh Hùng chỉ rõ.
Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho hay trong 40 năm qua thế giới đã rất cố gắng để có phương pháp hiệu quả nhất trong công tác phòng, chống dịch bệnh mà vũ khí hiệu quả nhất chính là vaccine. Trước đây chúng ta phải dùng phương pháp cổ truyền là tiêu diệt vector trung gian truyền bệnh. Tuy nhiên, việc tiêu diệt vector là tác nhân trung gian khó vì thế vẫn có khoảng trống trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết.
Ông Đức cho rằng điều quan trọng nhất vẫn là sản xuất ra được vaccine để giúp cơ thể kháng lại virus. Trong những năm gần đây, thế giới đã có vaccine sốt xuất huyết và Việt Nam đã cấp phép cho loại vaccine này.
Các chuyên gia tham dự tại Tọa đàm. (Ảnh: PV/Vietnam )
Theo các chuyên gia, trong công tác phòng chống dịch, vaccine là vũ khí hiệu quả nhất trong công tác phòng chống các bệnh truyền nhiễm. Trong 58 bệnh truyền nhiễm, hiện có hơn 40 bệnh có vaccine. Vaccine sốt xuất huyết được cấp phép vào tháng 5/2024 và từ đó chúng ta có thêm một trong những vũ khí hiệu quả. Hiện vaccine này đang được đưa vào chương trình tiêm dịch vụ, người dân tự trả tiền.
Giáo sư Vũ Sinh Nam – Cố vấn cao cấp về Sốt xuất huyết, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Tổng Thư ký Hội Y học Dự phòng Việt Nam phân tích: “Phòng chống sốt xuất huyết truyền thống là diệt muỗi truyền bệnh – diệt vector và bây giờ chúng ta có thêm vũ khí mới là vaccine. Nếu chỉ sử dụng vaccine không thì không thể ngăn ngừa bệnh toàn diện bởi vì vẫn còn muỗi, bọ gậy. Vì vậy, ngoài tiêm vaccine thì vẫn phải song song với biện pháp diệt muỗi, diệt bọ gậy để đảm bảo tính bền vững khi sử dụng vaccine.”
Theo Giáo sư Vũ Sinh Nam, Chiến lược của Tổ chức Y tế Thế giới cũng hướng dẫn ngoài việc sử dụng vaccine thì không thể lơ là công tác phòng, chống vector. Điều này cũng thể hiện ở nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia. Mặc dù đã áp dụng vaccine nhưng vẫn đồng thời tiến hành các biện pháp diệt vector để đảm bảo tính bền vững của vaccine. Trong đó, cần giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng để sử dụng vaccine nhưng đồng thời tích cực tham gia chủ động loại bỏ dụng cụ phế thải, diệt loăng quăng, muỗi ở hộ gia đình để đảm bảo việc phòng chống có hiệu quả lâu dài…/.
Cả nước ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết
Các chuyên gia nhận định rằng sốt xuất huyết không còn là bệnh phát triển theo chu kỳ mà năm nào cũng có số ca mắc cao do biến đổi khí hậu, môi trường và đặc điểm dân cư.
Bác sĩ thăm khám, điều trị cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. (Ảnh: Huy Hải/TTXVN)
Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay, cả nước ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 1 trường hợp tử vong.
So với cùng kỳ năm 2023 số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết giảm 1,6 lần, trong đó có 1 trường hợp tử vong (giảm 5 ca so với cùng kỳ).
Tại Hà Nội, theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, toàn thành phố ghi nhận gần 600 ca mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2023). Các quận, huyện có nhiều ca mắc là Đống Đa (89 ca), Hà Đông (67 ca), Hoàng Mai (46 ca), Hai Bà Trưng (39 ca), Chương Mỹ (33 ca), Bắc Từ Liêm (32 ca)...
Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), Việt Nam lưu hành cả 4 týp virus Dengue, tuy vậy trong năm 2023 týp D2 chiếm 88%; năm 2024 týp D2 chiếm 70%. Phân bố theo thời gian trong năm cho thấy, trường hợp mắc sốt xuất huyết thường tăng cao từ tuần 26 đến tuần 47 (từ tháng 7 đến tháng 11).
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính có thể bùng phát thành dịch do vi rút Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt bệnh nhân đã nhiễm virus rồi truyền sang cho người bình thường. Bệnh có 3 giai đoạn chính: sốt, nguy hiểm và phục hồi.
Các chuyên gia nhận định rằng sốt xuất huyết không còn là bệnh phát triển theo chu kỳ mà năm nào cũng có số ca mắc cao do biến đổi khí hậu, môi trường và đặc điểm dân cư.
Để phòng chống sốt xuất huyết, người dân cần loại bỏ bọ gậy, tiêu diệt muỗi trưởng thành khi có ổ dịch nhỏ; Khoanh vùng, cách ly điều trị bệnh nhân; Tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, tổ chức phun diệt muỗi tại các ổ dịch, trong cơ sở y tế điều trị.../.
Sốt xuất huyết uống nước dừa được không? Sốt xuất huyết thường gây ra tình trạng sốt, cơ thể mệt mỏi, mất nước. Do đó, việc bổ sung nước và chất điện giải cho người bệnh sốt xuất huyết là vô cùng quan trọng. Dịch sốt xuất huyết đang bùng phát trên cả nước, đặc biệt tại Hà Nội. Chỉ trong một tuần, Thủ đô đã ghi nhận 2.578 ca bệnh...