Bộ Y tế: Không thiếu sinh phẩm xét nghiệm bệnh COVID-19
Bộ Y tế cho biết không thiếu sinh phẩm xét nghiệm bệnh COVID-19, trong đó có gồm cả sinh phẩm để làm xét nghiệm real time RT-PCR, test xét nghiệm nhanh.
Thông tin tại cuộc họp trực tuyến của Bộ Y tế với các địa phương về khu vực phía Bắc về kiểm soát, giám sát, phòng chống lây nhiễm COVID-19 với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai diễn ra chiều ngày 29/3, đại diện Bộ Y tế nhấn mạnh: Chúng ta không thiếu sinh phẩm để chẩn đoán, địa phương nào có nhu cầu cần liên hệ với Cục Y tế Dự phòng. Giai đoạn này, chúng ta tập trung nhanh việc xét nghiệm, mở nhanh diện xét nghiệm. Xét nghiệm, cách ly, khoanh vùng dập dịch và điều trị là chiến lược trong giai đoạn hiện nay
Trong ngày 30/3, Bộ Y tế sẽ có 100.000 sinh phẩm để chẩn đoán xét nghiệm COVID-19. Các địa phương có nhu cầu số lượng như thế nào có thể nhắn tin cho Cục Y tế Dự phòng, sau đó gửi văn bản sau để Cục tổng hợp nhanh chóng cung cấp cho các địa phương, đảm bảo việc xét nghiệm được nhanh chóng.
Trong ngày 7/4, Bộ sẽ tiếp tục mua thêm 100.000 sinh phẩm nữa để xét nghiệm. Như vậy trong tuần tới, Việt Nam sẽ có 200.000 sinh phẩm để xét nghiệm.
Bộ Y tế cho biết không thiếu sinh phẩm xét nghiệm bệnh COVID-19, trong đó có gồm cả sinh phẩm để làm xét nghiệm real time RT-PCR, test kit xét nghiệm nhanh
Bộ cũng đã cung cấp một số máy xét nghiệm Real time RT-PCR cho một số địa phương để chủ động trong việc xét nghiệm. Theo đó các phòng xét nghiệm nào có khả năng xét nghiệm được có thể thực hiện ngay mà không cần đợi tuyến trung ương hay Bộ hay các viện cho phép.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, Bộ “bỏ qua tất cả các thủ tục hành chính để đẩy nhanh vấn đề xét nghiệm”. Những phòng xét nghiệm khác nếu có mẫu dương tính thì gửi cho 24 đơn vị trên để khẳng định lại.
Hiện nay Bộ Y tế đã cho phép 24 phòng xét nghiệm được phép khẳng định mắc COVID-19. Các phòng xét nghiệm này ngoài tuyến Trung ương như Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Paster TP.Hồ Chí Minh, Viện Paster Nha Trang, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108… còn có các đơn vị khác như Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Viện Y học dự phòng Quân đội, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của một số tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Yên Bái, Lào Cai, Quảng Ninh và Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ…
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng cho biết đã nhập 200.000 kit test xét nghiệm nhanh. Số xét nghiệm này sẽ ưu tiên cho những đối tượng trong khu cách ly tập trung, cách ly tại nhà, nhóm từ Bệnh viện Bạch Mai đi về các địa phương. Hiện cả nước có khoảng 37.000 người đang được cách ly tập trung. Các địa phương nếu có điều kiện thì làm xét nghiệm real time RT-PCR, nếu không thì đợi test nhanh để làm.
Video đang HOT
Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng lưu ý kit test nhanh chỉ dùng sau 7 ngày kể từ khi tiếp xúc với mầm bệnh hoặc từ Bệnh viện Bạch Mai đi về. Trước 3 ngày thì độ nhạy, độ đặc hiệu thấp vì đây là test kháng thể không phải kháng nguyên. Cục Y tế Dự phòng sẽ có hướng dẫn sử dụng sinh phẩm cụ thể.
Để phòng chống dịch bệnh COVID-19, Bộ Y tế đề nghị người dân thực hiện tốt 5 điểm sau đây:
1. Hạn chế tối đa ra ngoài, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết.
2. Nếu buộc phải ra ngoài luôn luôn đeo khẩu trang, hãy giữ khoảng cách tiếp xúc, tốt nhất là 2m.
3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
4. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, lau rửa thường xuyên, để thông thoáng, sinh hoạt lành mạnh.
5. Thực hiện khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày, giữ liên hệ thường xuyên với cán bộ y tế, cơ sở y tế.
Thái Bình
Công nhân nhà máy khẩu trang làm việc 24/24 đáp ứng nhu cầu chống dịch viêm phổi
Báo cáo của các nhà sản xuất khẩu trang y tế trong nước cho thấy hiện quy mô sản xuất đạt trung bình khoảng 3 triệu chiếc/ngày. Với tiến độ này, nguồn cung ứng sẽ sớm ổn định.
Chiều 03/02, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cùng đoàn công tác Bộ Y tế và đại diện Cục Quản lý Thị trường, Cục Cảnh sát môi trường y tế... đã đến làm việc tại một số đơn vị sản xuất khẩu trang y tế trên địa bàn Hà Nội để nắm bắt tình hình, đôn đốc việc sản xuất
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết, hiện dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) đang có diễn biến phức tạp, nhu cầu về trang thiết bị phòng dịch gia tăng.
Do đó, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị sản xuất trong nước đẩy nhanh công tác sản xuất cung ứng khẩu trang y tế, trang phục phòng hộ và vật tư y tế phòng dịch.
Thứ trưởng Trương Quốc Cường cùng đoàn công tác tại buổi làm việc
Báo cáo với Thứ trưởng và đoàn công tác, đại diện Công ty Cổ phần Tanaphar chia sẻ, quy mô sản xuất của doanh nghiệp đạt 70.000 chiếc khẩu trang ngày.
Từ ngày mùng 6 Tết đến nay, các công nhân của công ty đang làm việc hết công suất 24/24h để đẩy nhanh tiến độ sản xuất, đáp ứng nhu cầu người dân.
Tại Công ty Cổ phần Đại Uy, đại diện nhà sản xuất cho biết, đối với việc sản xuất khẩu trang, nguyên liệu quan trọng nhất là màng lọc.
Hiện đơn vị này còn khoảng 6 tạ nguyên liệu màng lọc. Nếu các máy hoạt động hết công suất 3 ca/ ngày thì quy mô sản xuất đạt khoảng gần 100.000 chiếc/ngày. Tuy nhiên, đúng theo tiến độ này, khoảng 10 ngày nữa đơn vị sẽ hết nguyên liệu để sản xuất.
"Công ty Đại Uy đang liên hệ tìm nguồn nguyên liệu tại phía Nam, tuy nhiên không biết có mua được nguyên liệu hay không. Đối tác hứa sẽ sớm cũng cấp 5 tấn nguyên liệu", ông Lê Xuân Hiền, Giám đốc công ty Cổ phần Đại Uy cho hay.
Cũng theo ông Hiền, công ty ông hiện vẫn bán khẩu trang 3 lớp với giá 30.000đồng/hộp 50 chiếc khẩu trang như trước đây, không hề tăng giá. Tuy nhiên, để tránh tình trạng đầu cơ, công ty chỉ bán cho mỗi nhà thuốc tối đa 50 hộp, mỗi người dân đến mua tối đa 10 hộp.
Công nhân nhà máy sản xuất khẩu trang làm việc hết công suất, đáp ứng nhu cầu chống dịch của người dân
Cả hai đơn vị đều cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là tìm nguồn nguyên liệu. Do đó, hai công ty mong muốn được hỗ trợ tìm nguồn nguyên liệu để tăng cường sản xuất hết công suất. Đồng thời, các đơn vị cũng đề xuất được xem xét giá xuất bán điều chỉnh tăng theo giá nguyên liệu đầu vào.
Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong nước về việc thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết: Bộ Công thương đang liên hệ tìm nguồn nguyên liệu tại các thị trường Nam Phi, Ai Cập, Ấn Độ... để cung ứng đủ cho sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, bản thân các đơn vị cũng cần nỗ lực, cố gắng, chủ động tìm nguồn cung cấp nguyên liệu, đồng thời thực hiện chặt chẽ việc cung ứng, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, báo cáo của các nhà sản xuất trong nước cho thấy quy mô sản xuất hiện nay đạt trung bình khoảng 3 triệu chiếc khẩu trang/ ngày.
"Với tiến độ sản xuất như hiện nay, nguồn cung ứng sẽ ổn định. Như vậy, sẽ sớm không còn tình trạng đầu cơ và khan hiếm khẩu trang", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Nguyễn Liên
Theo vietnamnet
Chống "giặc" nCoV: Trách nhiệm lớn nhất là của cấp ủy và chính quyền địa phương Để ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh nCoV, về quy định chúng ta đã có đủ, ngành y tế cũng cam kết triển khai các biện pháp hỗ trợ cho các địa phương về kỹ thuật, thuốc men, trang thiết bị y tế phục vụ điều trị,... do đó vấn đề quan trọng nhất lúc này là tổ chức thực hiện. Trách nhiệm...