Bộ Y tế hướng dẫn cách chọn măng khô
Ngày 8/1, Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm, Bộ Y tế đã khuyến cáo người dân cách lựa chọn măng không chứa lưu huỳnh nhân dịp Tết Nguyên đán.
Theo kết quả giám sát an toàn thực phẩm của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế, măng khô, măng tươi trên phạm vi cả nước vẫn phát hiện nhiều mẫu măng khô có tồn dư hóa chất lưu huỳnh và sulfite có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Mẫu măng khô an toàn
Lưu huỳnh (người dân thường gọi là diêm sinh) thường được sử dụng trong quá trình sấy khô măng để chống ẩm mốc, tạo màu vàng đẹp cho măng hơn hoặc ngâm hóa chất tẩy trắng để làm cho sản phẩm măng trắng hơn đánh lừa người tiêu dùng.
Tại Việt Nam lưu huỳnh được xác định là hóa chất độc hại không được phép sử dụng trong chế biến và bảo quản thực phẩm. Tuy nhiên theo khuyến cáo của WHO là hàm lượng lưu huỳnh không nên vượt quá 20mg cho một kg sản phẩm.
Nếu người tiêu dùng sử dụng thực phẩm có chứa chất lưu huỳnh có nồng độ cao, lâu dài mà không biết sẽ gây tổn thương về thần kinh, thay đổi hành vi ảnh hưởng hệ tuần hoàn, chức năng tim mạch, tổn thương mắt, giảm thị lực, ảnh hưởng chức năng sinh sản, hệ miễn dịch, tuyến nội tiết, ảnh hưởng đến sự phát triển của não. Nếu cấp tính, thì có biểu hiện ngạt mũi, chảy nước mắt, đau đầu, tức ngực…hoặc lưu huỳnh số lượng lớn, sử dụng ở nồng độ cao nó sẽ phản ứng với hơi ẩm để tạo ra axit Sunfurơ có thể gây tổn thương cho phổi, mắt thậm chí còn gây nhiễm độc máu, suy thận…
Măng mốc là măng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
Theo một số chuyên gia về lĩnh vực an toàn thực phẩm khuyến cáo cách lựa chọn, sử dụng, chế biến măng đảm bảo an toàn như: Măng có màu vàng nâu nhạt, xuất hiện màu hổ phách, đường vân tỉ mỉ, bề rộng thịt dày, khi sờ vào không có cảm giác ẩm tay, có thể bẻ gãy được. Nếu là măng non thì lưu giữ mùi thơm đặc trưng, không có mùi lạ, không bị mốc.
Video đang HOT
Bộ Y tế cũng khuyến cáo chỉ nên mua măng khô được bảo quản trong túi nilon có nhãn mác, có nguồn gốc xuất xứ.
Cách nhận biết măng không đảm bảo an toàn thực phẩm
- Măng sấy bằng lưu huỳnh sẽ có mùi khét đặc trưng của măng ngâm lưu huỳnh khi ngửi sẽ có mùi SO2 rất đặc trưng.SO2 (mùi diêm sinh).
- Măng ngâm hóa chất thường có độ bóng, trông bắt mắt, không bao giờ bị ẩm mốc.
- Không nên mua măng có màu sắc khác thường.
- Hạn chế mua măng chua trái mùa thu hoạch thông thường.
- Chỉ nên mua măng khô được bảo quản trong túi ly non có nhãn mác, có địa chỉ, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Cách xử lý măng trước khi chế biến
- Trước khi sử dụng măng cần được rửa thật kỹ bằng nước sạch (riêng đối với măng khô cần rửa sạch sau đó đổ ngập nước ngâm bằng nước ấm hoặc nước gạo (ngâm thời gian khoảng một đêm).
- Luộc măng kèm thay nước 2 đến 3 lần (mỗi lần 30 phút).
- Không sử dụng măng đã bị hỏng, mốc để phục vụ chế biến thành thức ăn
Theo 24h
'Công nghệ' chế biến tôm khô tẩm hóa chất
Tôm được chích lấy ra hết đất cát, rồi tẩm hóa chất cho có màu đó, sau đó luộc, phơi khô trên nền đất.
Những ngày gần tết, tôm khô bán rất chạy do là mặt hàng "sang trọng", giá cao (600 nghìn đồng một kg), thường dùng làm quà biếu. Công nghệ chế biến nó lại rất đơn giản và trông cực kỳ... bẩn!
Thị trấn Vàm Láng (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) nằm cách TP HCM khoảng 90 km là nơi có nhiều cơ sở chế biến tôm khô.
Phơi tôm trên nền sân xi-măng khoảng 2-3 ngày trước khi đập tách vỏ trở thành tôm khô.
Băng qua nhiều ngõ ngách chật hẹp của con đường xuyên chợ Vàm Láng là đến một hộ làm nghề sản xuất tôm khô từ 10 năm nay. Cái sân xi măng trước hiên nhà rộng thênh thang đang phơi đầy tôm còn nguyên vỏ. Do đây là tôm biển nên con nào con nấy to bằng ngón tay trỏ. Sân phơi không hề được che lót bằng tấm thảm nilon nên trông những con tôm lấm lem rất bẩn.
Chủ hộ cho hay, cứ khoảng 10-11 kg tôm tươi nguyên liệu sau quá trình sơ chế 2-3 ngày sẽ cho ra một kg tôm khô. Quy trình như sau: ban đầu mua tôm biển đông lạnh từ các vựa về đưa cho lao động nữ tập trung ngồi xoay vòng "chích" lấy hết cát trên lưng, sau đó mang đi rửa sạch, rồi cho vào chảo to luộc chừng 10 phút, vớt mang ra ngoài sân trần phơi khô, nắng tốt thì 2 ngày, còn nắng yếu mất 3 ngày.
Luộc tôm trước khi phơi, đây là giai đoạn bỏ hóa chất vào.
Cuối cùng là mang vào nhà "đập" bóc vỏ tôm ra là thành "tôm khô". Tất cả các công đoạn nói trên đều sử dụng bằng tay (không mang găng) và lao động toàn là nữ bởi đặc thù công việc đòi hỏi công phu, tỉ mỉ.
Các lao động nữ ngồi quây quần "chích lễ" lấy cát ở trên lưng từng con tôm.
"Ngày bình thường chúng tôi chế biến khoảng 300-400 kg tôm tươi, còn bắt đầu từ tháng một này thì sản lượng tăng gấp đôi. Vì thế, lao động ngày thường chỉ có 10 người thì nay tăng lên 20 chị em mà làm hàng vẫn không đủ giao", ông chủ nói.
Giải thích điều kiện lao động làm việc không đảm bảo như trang phục tự do, bảo hộ lao động tối thiểu là găng tay, khẩu trang không có, không đảm bảo vệ sinh thực phẩm cho con tôm khô, chủ hộ cười nhăn nhó: "Trong điều kiện sản xuất truyền thống tại gia đình rất khó thực hiện".
Chị Hường, một chủ vựa thu mua tôm biển ở chợ Vàm Láng tiết lộ, tất cả các hộ làm tôm khô ở đây đều lấy từ biển. Tôm biển có hai loại: tôm bạc và tôm huyết, trong đó nhiều nhất là tôm bạc vì đánh bắt gần bờ, còn tôm huyết do đánh bắt xa bờ nên lâu lâu mới có.
Đặc điểm vỏ tôm bạc có màu vàng trắng nên trước khi luộc tôm các hộ sản xuất đều có bỏ vào chút ít phẩm màu đỏ công nghiệp để cho màu con tôm đỏ, hấp dẫn. Ngay cả tôm đất tự nhiên đánh bắt trong các ao nước lợ, do có màu đỏ nhạt nên họ cũng làm như vậy. "Chúng tôi bán một kg tôm biển đông lạnh bình quân 40 nghìn đồng một kg; sau khi mang về nhà chế biến theo tỷ lệ 10 kg tươi = 1 kg khô, họ bán ra 500 nghìn, lãi 100 nghìn một kg", chị Hường nói.
"Những lỗi thường thấy nhất đối với các hộ sản xuất tôm khô, ruốc khô ở địa phương là họ sử dụng phẩm màu công nghiệp để tẩm. Tuy nhiên sau khi kiểm tra thì cơ quan chức năng chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở, chứ chưa lần nào lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính một hộ nào cả", bà Nguyễn Thị Thu, PCT UBND thị trấn Vàm Láng khẳng định.
Ở khu phố Lăng 1, chủ một hộ chuyên sản xuất tôm khô thừa nhận, tùy theo "nhận thức" kinh doanh của mỗi người mà sử dụng các loại hóa chất khác nhau. Người nào ham lãi cao thì dùng phẩm màu đỏ giá 20 nghìn đồng một kg; còn lãi thấp hơn thì dùng hóa chất có tên Willton giá bán 200 nghìn đồng một kg.
"Nói thật, ai bảo sản xuất tôm khô mà không tẩm hóa chất màu đỏ là không đúng. Nhưng chúng tôi sử dụng loại đắt tiền thì chắc cũng không độc hại gì", ông chủ này cho biết. Thật ra, hóa chất Willton mà ông nói là chai nhựa, in toàn tiếng Anh, không có hướng dẫn bằng tiếng Việt, mua từ một cửa hàng tại chợ hóa chất Kim Liên (quận 5, TP HCM.
Tùng, một lao động tại đây lấy cái vợt vớt tôm ra từ cái chảo đang đun nước sôi sùng sục. Ông chủ chỉ vào tôm giải thích: "Theo quy trình, người ta chỉ bỏ hóa chất một lần vào chảo đun sôi để tẩm màu đỏ con tôm, còn sau khi phơi khô có muốn tẩm thêm nữa cũng không được vì lúc đó vỏ tôm đã khô rồi".
Đa số những hộ sản xuất tôm khô mặc dù một ngày cho ra lò cả tạ tôm khô nhưng do quy mô gia đình, không đăng ký kinh doanh nên ngoài tầm kiểm tra, kiểm soát của chính quyền địa phương. Ngay cả việc kiểm tra an toàn thực phẩm cũng bị động, lúc nào có "chiến dịch" từ Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh xuống thì xã mới phối hợp cùng tham gia.
Theo Nông nghiệp Việt Nam
Rước bệnh vào thân vì đồ ăn vỉa hè Thấy khách yêu cầu đĩa bún, cô nhân viên bán hàng đang vặt lông vịt vội vàng nhúng tay vào chậu nước đã đổi màu, lau tay vào chiếc giẻ màu cháo lòng vừa được dùng lau bàn rồi nhanh chóng bốc bún bê ra bàn cho khách. Mất vệ sinh như... quán ăn vỉa hè Tại quán vịt cỏ Vân Đình trên...