Bộ Y tế họp về nCoV: Người dân hạn chế đi lễ hội, tụ tập đông người
Chiều 31/1, Bộ Y tế đã có buổi chia sẻ thông tin với báo chí về tình hình dịch viêm phổi Vũ Hán do virus Corona mới (nCoV).
Đại diện Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng dịch nhưng mức độ phòng dịch thế nào thì đáp ứng cho hợp lý và khuyến cáo người dân không nên tụ tập đông người.
Virus Corona mới (nCoV) còn nhiều ẩn số
PGS.TS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam – nhận định, tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona mới (nCoV) ở Trung Quốc đã diễn ra quá nhanh. Cho đến nay, hiểu biết về căn bệnh này, về virus, nguồn lây bệnh… còn chưa rõ ràng.
Theo Bộ Y tế, tính đến 13h30 ngày 31/1, toàn thế giới đã có 9.833 trường hợp nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (nCoV) và 213 trường hợp tử vong. Riêng ở Trung Quốc là 9.699 ca mắc và 213 ca tử vong. Hiện Trung Quốc còn hơn 15.200 ca nghi nhiễm chờ xét nghiệm và hơn 1.500 ca mắc nCoV nguy kịch, hơn 102.000 người đang được theo dõi.
PGS Trần Đắc Phu tại buổi chia sẻ thông tin của Bộ Y tế chiều 31/1.
Tại Việt Nam, tính đến chiều 30/1 cũng đã có 5 ca mắc (trong đó: 2 công dân Trung Quốc – 1 người đã khỏi; 3 công dân Việt Nam đều trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc). Hiện đã có 1 bệnh nhân người Trung Quốc âm tính với nCoV và 4 người khác đều có sức khỏe ổn định. Hiện 2 bệnh nhân đang điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy, 1 bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa và 2 bệnh nhân ở Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư.
Ngày 31/1/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức tuyên bố dịch virus nCoV là tình trạng y tế KHẨN CẤP TOÀN CẦU.
Nhiều người chưa rõ về tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu là gì và lo lắng, hoang mang, yêu cầu Việt Nam có các phản ứng mạnh mẽ hơn. Chúng ta đã vào cuộc rất quyết liệt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp chỉ đạo ngành y tế, làm rất quyết liệt phòng chống dịch; thành lập Ban chỉ đạo, ban hành kế hoạch đáp ứng từng cấp độ, chuyên môn thu dung, điều trị; giám sát cửa khẩu…
Theo đại diện Bộ Y tế, người dân nên hạn chế tụ tập đông người.
Giám sát ở cơ sở y tế rất quan trọng. Giám sát ở cửa khẩu cần thiết nhưng không phải lúc nào cũng “bắt” được ca bệnh. Thậm chí đã có trường hợp ở nước ngoài uống thuốc hạ sốt để thoát khỏi máy đo thân nhiệt… Do đó, giám sát ở bệnh viện rất quan trọng.
“Cần đẩy mạnh truyền thông cho người dân hiểu, đi từ vùng dịch về phải có khai báo, cách ly tại nhà, khi sốt thì đeo khẩu trang đến cơ sở y tế và gọi điện thông báo ra sao. Đồng thời, tuyên truyền các biện pháp tự bảo vệ mình như đeo khẩu trang, rửa tay, tránh tiếp xúc với người bệnh cúm… Bộ Y tế quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng dịch nhưng mức độ phòng dịch thế nào thì đáp ứng cho hợp lý chứ không phải là có bệnh dịch đi đến cùng tất các biện pháp. Vì ảnh hưởng an ninh xã hội, kinh tế là rất quan trọng, dù chúng ta quyết liệt phòng dịch nhưng phải cân nhắc thật thấu đáo” – PGS Phu nhấn mạnh.
Video đang HOT
Theo PGS Phu, người dân không nên hoang mang mà tuân thủ những khuyến cáo của ngành y tế.
Nói thêm về dịch nCoV, PGS Phu cho biết, tuy chúng ta đã có kinh nghiệm về phòng chống dịch virus Corona SARs trước đó, tuy nhiên tình hình dịch tễ hiện giờ đã khác, giao lưu toàn cầu mạnh mẽ hơn cũng ảnh hưởng đến việc bùng phát dịch nCoV nên còn tiếp tục phải tìm hiểu.
“Tôi và đồng nghiệp đều mong dịch bệnh không lan tràn nhưng Trung Quốc đang bùng phát dịch rất mạnh mẽ, phức tạp, nằm sát Việt Nam nên rất khó ngăn chặn. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ làm hết sức để tránh bùng phát bệnh dịch trên diện rộng” – PGS Phu nói.
Đã làm tối đa các biện pháp phòng dịch
PGS Phu cho biết, về tình trạng công bố khẩn cấp, Việt Nam chưa bao giờ có sự công bố. “Công bố đó chỉ có tính chất kêu gọi quốc gia chung tay phòng chống dịch bệnh: Đưa ra giải pháp, tạo nguồn lực hợp tác… Đối chiếu ở Việt Nam, theo khuyến cáo của WHO, chúng ta đã làm các biện pháp rất mạnh để đáp ứng phòng dịch chia sẻ thông tin, thành lập ban chỉ đạo, chuẩn bị cho nguồn lực, yêu cầu các ban ngành chính quyền vào cuộc… Các động thái này còn làm trước khi có tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp của WHO”.
Về vấn đề khẩu trang, PGS Phu nhấn mạnh, đeo khẩu trang phòng được nhiều bệnh truyền nhiễm, phòng ô nhiễm môi trường. Nhưng chúng ta phải xác định ở mức độ nào, nguy cơ nào, trường hợp nào mới dùng khẩu trang. “Hiện nay có dịch thì dùng ở nơi có nguy cơ cao như đám đông, đến bệnh viện… Chỉ cần dùng khẩu trang thông thường, thậm chí có thể dùng khẩu trang vải, nhưng phải đảm bảo vải phải giặt hàng ngày, thay phiên những khẩu trang được giặt mới để đeo. Còn hiện nay Bộ Y tế khuyến cáo chỉ bác sĩ điều trị bệnh nhân mắc nCoV, người đi vào vùng dịch mới phải dùng khẩu trang đặc hiệu N95 và mặc quần áo bảo hộ” – PGS Phu khuyến cáo.
Về việc người dân có nên tụ tập đi lễ hội hay không, PGS Phu cho biết, hiện tại virus nCoV còn nhiều ẩn sổ. Do đó, nếu không có việc người dân không nên đến chỗ đông người. Nếu không khẩn cấp cũng không tổ chức các sự kiện đông người. Kể cả lễ hội không cần đi du xuân để có nguy cơ nhiễm bệnh. “Chưa có việc cấm hay không từ Chính phủ. Dịch đến đâu Bộ Y tế sẽ tiếp tục tham mưu, căn cứ vào dịch bệnh lây lan”.
Còn các trường học chưa có khuyến cáo học sinh nghỉ học vì chưa có ca lây lan ra cộng đồng (5 ca mắc nCoV đều qua vùng dịch Trung Quốc). Còn nếu có sự lây lan khác thì sẽ có các động thái xử lý tiếp theo.
Bà Satoko (Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam).
“Khẩn cấp toàn cầu” để kêu gọi sự chung tay
Bà Satoko (Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam) cho biết, ngày 31/1, WHO đã chính thức tuyên bố dịch virus nCoV là tình trạng y tế KHẨN CẤP TOÀN CẦU. Quyết định này được dựa trên một số yếu tố bao gồm: Nguy cơ lây lan dịch bệnh ra quốc tế và khả năng cần thiết phải có sự phối hợp quốc tế để ngăn chặn bệnh dịch.
Theo bà Satoko, ý nghĩa của việc công bố nhằm mục đích khẳng định chúng ta cần phối hợp toàn cầu, cần sự hỗ trợ nhau để đáp ứng phòng chống dịch bệnh. “Chúng tôi hiểu sự băn khoăn, thắc mắc thậm chí sợ hãi của công chúng sau khi WHO công bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Tuy nhiên, tôi khẳng định sự công bố này không nâng mức đe dọa của dịch bệnh trên toàn cầu. Chúng ta nhìn thực tế phần lớn ca bệnh chỉ được báo cáo tại Trung Quốc. Tuy đã có ca xâm nhập ra 22 nước khác nhưng chỉ chiếm số ca rất ít. Tuy nhiên, chúng tôi quan ngại hơn tới việc dịch này lây lan sang các nước mà y tế chưa đủ mạnh để đáp ứng việc ngăn chặn dịch bệnh” – bà Satoko nói.
Bà Satoko đánh giá cao việc tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca bệnh và điều trị cho ca bệnh của ngành y tế Việt Nam. WHO cũng nhận thấy sự cam kết cao nhất của Chính phủ Việt Nam để ứng phó với dịch bệnh. WHO tin vào năng lực ứng phó, kiểm soát dịch bệnh nCoV của ngành y tế Việt Nam.
Trước đó, sáng 31/1, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế vừa có công văn gửi Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Giám đốc Sở Y tế Thanh Hoá về việc quản lý, điều trị người bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV.
Để quản lý và điều trị tích cực cho người bệnh, Cục Quản lý khám chữa bệnh yêu cầu các bệnh viện đặc biệt lưu ý, bảo đảm nguyên tắc quản lý người bệnh, cách ly triệt để người bệnh. Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cho các cán bộ y tế trực tiếp tham gia khám, điều trị, chăm sóc người bệnh, không để xảy ra hiện tượng lây nhiễm sang cán bộ y tế.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn (mặc bảo hộ, thứ 3 từ phải qua) kiểm tra khu vực cách ly người nghi nhiễm ở Khánh Hòa ngày 30/1.
Trước câu hỏi về nguồn cung khẩu trang, khẩu trang y tế đang được đẩy giá, ông Nguyễn Tử Hiếu – Phó Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế đã tham mưu lãnh đạo Bộ gửi cho hơn 30 đơn vị sản xuất cung ứng khẩu trang y tế. Hiện khó khăn là sau nghỉ Tết, nhiều doanh nghiệp công nhân chưa quay lại làm việc, chưa đi vào sản xuất.
Yêu cầu các đơn vị phải có trách nhiệm bình ổn giá, không bán cho các cơ sở bán hàng đẩy giá, trước mắt đáp ứng cho các cơ sở y tế phòng chống dịch.
Ông Hiếu nhận định. năng lực sản xuất của các đơn vị hiện nay đáp ứng được nhu cầu trong nước. Ông Hiếu thừa nhận vài ngày gần đây đã có tình trạng gom hàng và tâm lý người dân để đẩy giá. Bộ Y tế đã và sẽ phối hợp với cơ quan quản lý thị trường để kiểm soát, kiểm tra xử phạt về tình hình tăng giá khẩu trang bất thường.
Theo danviet.vn
Thổi đo nồng độ cồn có sợ bị lây nhiễm nCoV?
Chiều 30/1, tin từ Bộ Y tế cho biết đã có thêm 3 ca dương tính với nCoV là người Việt Nam từ Vũ Hán trở về, nâng tổng số người mắc nCoV tại Việt Nam lên 5 người.
Điều này khiến nhiều người dân lo lắng về các hình thức lây nhiễm nCoV, trong đó có việc thổi đo nồng độ cồn đang phổ biến hiện nay.
Về nguy cơ lây nhiễm nCoV qua việc thổi đo nồng độ cồn, tại cuộc họp về phòng chống dịch nCoV do Bộ Y tế tổ chức trước đó, PGS-TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai đã cho biết, nếu thực hiện thổi nồng độ cồn theo quy trình không đúng thì tất cả các bệnh truyền nhiễm đều có khả năng lây nhiễm qua đường hô hấp từ người này qua người khác chứ không chỉ riêng gì virus corona.
"Tuy nhiên, khi thiết kế ra ống thổi, các nhà sản xuất đã đưa ra khuyến cáo dùng ống thổi một lần và đã tính toán kỹ lưỡng để hạn chế lây lan bệnh truyền nhiễm. Do đó, nếu tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật mà nhà sản xuất đã khuyến cáo thì sẽ không có chuyện lây truyền bệnh truyền nhiễm. Người dân không nên hoang mang về điều này" - PGS Cường khẳng định.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra công tác chuẩn bị điều trị, thu dung các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm nCoV tại Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, nCoV ban đầu xuất hiện từ nguồn động vật nhưng có khả năng lây lan từ người sang người. Điều quan trọng cần lưu ý là sự lây lan từ người sang người có thể xảy ra liên tục.
Ở người, nCoV lây từ người này sang người kia thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh. Tùy thuộc vào mức độ lây lan của chủng virus, việc ho, hắt hơi hay bắt tay có thể khiến người xung quanh bị phơi nhiễm.
nCoV cũng có thể bị lây từ việc ai đó chạm tay vào một vật mà người bệnh chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi, mắt họ. Những người chăm sóc bệnh nhân cũng có thể bị phơi nhiễm virus khi xử lý các chất thải của người bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, nCoV là 1 virus thuộc nhóm coronavirus tương tự với bệnh SARS (gây dịch viêm đường hô hấp cấp năm 2003 khiến hơn 8.000 người mắc và gần 800 người tử vong) và MERS-CoV (bệnh viêm đường hô hấp cấp Trung Đông). Trên cơ sở những thông tin hiện tại, người ta nhận thấy nCoV cũng chỉ lây truyền hạn chế từ người sang người qua tiếp xúc gần tương tự với SARS và MERS-CoV.
Tuy nhiên, nCoV chỉ gây tử vong khoảng 3-4% trong số các bệnh nhân nhập viện, trong khi tỷ lệ tử vong tương ứng với SARS là khoảng 9% và với MERS-CoV là 35,5%. Trên những cơ sở đó có thể cho rằng nCoV có độc lực thấp hơn SARS và MERS-CoV.
Khuyến cáo người dân phòng tránh nCoV của Bộ Y tế
"Để đề phòng bệnh, người dân cần tuân thủ tốt các hướng dẫn của Bộ Y tế bao gồm: Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi. Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Hạn chế tiếp xúc gần với các trang trại nuôi động vật hoặc động vật hoang dã.
Những người trở về từ vùng có dịch hoặc có tiếp xúc gần với người đã nghi ngờ có viêm phổi do n-CoV trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời" - bác sĩ Cấp khuyến cáo.
Tính đến 17h30 ngày 30/1, thế giới đã có 7822 ca mắc nCoV, 170 ca tử vong. Riêng Trung Quốc là 7711 ca mắc. Và 108 ca khác xuất hiện tại 19 quốc gia và vùng lãnh thổ khác. 170 ca tử vong đều ở Trung Quốc.
Tại Việt Nam, số người mắc bệnh là 05 trường hợp, trong đó 2 công dân Trung Quốc (1 người đã âm tính với virus cCoV); 3 ca mắc mới đều công dân Việt Nam đều từ Vũ Hán, Trung Quốc trở về. Hiện còn 29 ca khác nghi nhiễm nCoV đang được cách ly và chờ kết quả xét nghiệm.
Theo danviet.vn
Một DN Trung Quốc hủy nhập 300 container thanh long do virus corona Trước lo ngại dịch viêm phổi Vũ Hán do vi rút Corona (coronavirus) mới gây ra, doanh nghiệp cung cấp nông sản Hồng Thái Dương (Trung Quốc) đã hủy 300 container thanh long ruột đỏ, tương đương 6.000 tấn. Chiều 31/1, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết như vậy...