Bộ Y tế đẩy mạnh giám sát khách nhập cảnh từ vùng Ebola
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa có công văn khẩn đề nghị các bộ, ngành phối hợp giám sát hành khách nhập cảnh từ vùng dịch Ebola.
Theo Bộ Y tế, ngày 4/11, dịch Ebola trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp với số trường hợp mắc mới và tử vong liên tục tăng cao, đặc biệt đã ghi nhận dịch bệnh tại các quốc gia ngoài khu vực châu Phi. Hiện nay, Việt Nam chưa phát hiện trường hợp mắc bệnh Ebola.
Bộ Y tế đề nghị các ban ngành cùng phối hợp ngăn ngừa Ebola vào Việt Nam
Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi Bộ Công an, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao về việc tăng cường phối hợp giám sát hành khách nhập cảnh từ các quốc gia có dịch bệnh Ebola. Bộ Y tế cũng có công văn gửi Bộ Giao thông vận tải về việc bố trí phòng cách ly, khu vực cách ly y tế tại sân bay quốc tế.
“Đề nghị Bộ Công an chỉ đạo Công an cửa khẩu phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm dịch y tế để rà soát, kiểm tra hộ chiếu của tất cả hành khách nhập cảnh từ các quốc gia có dịch Ebola trong vòng 21 ngày để áp dụng tờ khai y tế; tiếp tục gửi danh sách hàng ngày tất cả các hành khách nhập cảnh từ các quốc gia đang có dịch bệnh về Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) để có kế hoạch quản lý, giám sát và theo dõi sức khỏe hành khách tại cộng đồng”, công văn nêu rõ.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch phối hợp chặt chẽ với sở y tế các tỉnh để theo dõi khách đến từ vùng có dịch Ebola chưa qua 21 ngày lưu trú tại các khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn; đồng thời hướng dẫn, tuyên truyền cho người quản lý khách sạn và hành khách tự theo dõi tình hình sức khỏe và thông báo cho cơ sở y tế khi cần thiết.
Bộ Ngoại giao tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc gửi danh sách hành khách từ các quốc gia đang có dịch Ebola xin thị thực nhập cảnh vào Việt Nam cho Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế); đồng thời phối hợp với Bộ Y tế để tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh Ebola cho cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và những người chuẩn bị về Việt Nam tại các nước có dịch.
GS.Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các sân bay, nhất là các sân bay quốc tế bố trí hợp lý khu vực kiểm tra, giám sát thân nhiệt, khai tờ khai y tế, đủ phòng cách ly y tế theo quy định, khu vực cách ly y tế phù hợp, thuận tiện để thực hiện quy định kiểm dịch y tế.
Theo Diệu Thu (Khám phá)
Video đang HOT
Các tình nguyện viên quả cảm và cuộc chiến chống Ebola
Với một chế độ đào tạo vất vả, phải đối mặt với nhiều khó khăn, thậm chí là tử thần nhưng những tình nguyện viên tham gia vào cuộc chiến chống Ebola vẫn không nản lòng.
Trong khu vực yên tĩnh của Hội Chữ thập đỏ ở Geneva, Thụy Sỹ, một nhóm người đang vật lộn để mặc những chiếc áo khoác bằng cao su, mặt nạ, kính và đeo tới hai đôi găng tay. Họ đang được huấn luyện cho nhiệm vụ mà người giám sát của họ mô tả là "khó khăn nhất."
Những người tham gia khóa huấn luyện này là các nhân viên chăm sóc sức khỏe, bác sĩ, y tá, những người tình nguyện tới những quốc gia đang bị dịch Ebola hoành hành để đảm nhiệm công việc mà tất cả họ đều biết là chứa đựng nhiều rủi ro, thậm chí là đối mặt với cái chết.
Cô Leah Feldman, một trong những tình nguyện viên tham gia vào cuộc chiến chống Ebola
Cô Leah Feldman, một y tá cấp cứu tới từ New York, Mỹ cho biết: "Tôi cảm thấy nó là trách nhiệm. Tôi có những kỹ năng mà có thể giúp đỡ người dân ở đó. Tôi thực sự cảm thấy là họ đang cần chúng tôi ngay bây giờ."
Feldman cho biết, mặc dù đã có một số nhân viên chăm sóc sức khỏe nhiễm Ebola, nhưng cô không thấy lo lắng về những rủi ro mà mình có thể gặp phải.
Cô nói: "Đó là câu hỏi đầu tiên mà mọi người hỏi. Nhưng tôi tin là không. Có những quy tắc để giảm thiểu rủi ro, và nhiệm vụ của tôi là giữ an toàn chừng nào mình có thể."
Chế độ tập luyện vất vả
Một phần nhiệm vụ của Feldman, trước khi đặt chân tới đất nước bị ảnh hưởng bởi dịch Ebola là tham gia vào các khóa đạo tạo của Hội Chữ thập đỏ. Đó là chế độ tập luyện vất vả, gò bó, các tình nguyện phải từ bỏ rất nhiều thứ mà họ học được từ chương trình đào tạo y khoa thủa ban đầu.
Thậm chí trước khi bước vào khu vực điều trị Ebola, các tình nguyện viên phải mặc rất nhiều lớp quần áo bảo hộ theo trình tự. Virus Ebola lây lan quan tiếp xúc với dịch trên cơ thể người bệnh, vì vậy da, mắt, mũi, miệng của các nhân viên phải được bảo vệ.
Luôn phải làm việc với những bộ quần áo khó chịu như vậy, Leah Feldman nói: "Thật là nóng và ngột ngạt khi phải mặc những bộ quần áo như vậy. Hiện tôi đang ở Thụy Sĩ, vì vậy tôi có thể tưởng tượng nó như thế nào khi mặc bộ trang phục này ở những nơi như Monrovia."
Mắt, mũi, miệng là những bộ phận được các nhân viên y tế đặc biệt chú ý khi tiếp xúc với người bệnh nhiễm Ebola
Chỉ một sơ suất nhỏ cũng sẽ khiến họ nhiễm bệnh
Sự chậm rãi
Một trong những điều khó khăn nhất mà các tình nguyện viên phải học đó là thực hiện mọi thứ một cách thật chậm rãi.
Ông Panu Saaristo, một giám sát viên của Hội Chữ thập đỏ giải thích: "Các nhân viên y tế tại các bệnh viện ở phương Tây luôn trong tư thế khẩn trương. Nhưng đây có lẽ là nơi duy nhất mang lại cho họ trải nghiệm trái ngược với điều đó, vì mọi thứ được tập trung vào sự an toàn và phòng chống lây nhiễm."
Điều này có nghĩa là riêng việc mặc quần áo bảo hộ cũng đã mất tối thiểu 15 phút, không kể việc thường xuyên tái khử trùng các trang thiết bị như găng tay.
Leah Feldman thừa nhận: "Tôi thường di chuyển với tốc độ rất nhanh. Và phần khó khăn nhất ở đây đó là việc đi lại rất chậm chạp, tỉ mỉ, và phải chú ý sát sao tới mọi hành động mà bạn đang làm."
Trang phục bảo hộ là cách tốt nhất để họ không vị virus Ebola tấn công
Sự kỳ thị Ebola
Có lẽ khó khăn nhất với tất cả các tình nguyện viên là sự kỳ thị của xã hội mà họ có thể phải đối mặt một khi họ đã tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm Ebola.
Việc một số bang của Mỹ cách ly các nhân viên y tế đã khiến những cơ quan cứu trợ như Chữ thập đỏ quan ngại, vì điều này có thể ngăn nhân viên y tế tham gia vào công tác tình nguyện viên trong tương lai, những người đang thực sự rất cần cho cuộc chiến chống Ebola tại các quốc gia đang bị dịch bệnh này hoành hành.
Ông Saaristo nói: "Điều này thực sự rất vô lý. Đó là những quan niệm sai lầm, sự sợ hãi, kỳ thị và những sự giải thích không được dựa trên khoa học."
Leah Feldman không biết cô sẽ phải đón nhận điều gì khi quay trở lại New York, tuy nhiên cô khẳng định: "Tôi cho rằng nếu như chính phủ đưa ra các quyết định, thì đó là để bảo vệ người dân, và tất nhiên tôi sẽ chấp thuận bất kỳ quy định nào."
Sau khi qua khóa đào tạo, Felman hy vọng cô có thể chữa trị cho bệnh nhân nhiễm Ebola. Không nản lòng với những bộ quần áo bảo hộ hay những biện pháp bảo vệ rườm rà, cô khẳng định mình đã sẵn sàng để tới bất cứ nơi đâu ở Tây Phi.
Theo Khampha
Sierra Leone: 121 người chết vì Ebola trong 1 ngày Bộ Y tế Sierra Leone hôm qua (5/10) thông báo 121 người nước này thiệt mạng do nhiễm virus Ebola chỉ trong vòng một ngày. Theo số liệu thống kê của Trung tâm hoạt động khẩn cấp Sierra Leone, 121 người nước này đã thiệt mạng do virus Ebola và 81 người có triệu chứng sốt cao trong ngày 4/10. Đây là ngày...