Bộ Y tế chi viện thuốc, nhân lực cho Bình Dương
Trước tình hình số ca nhiễm ở Bình Dương tăng cao, bệnh nhân nặng nhiều, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết tiếp tục hỗ trợ thuốc kháng đông, kháng viêm, đặc biệt là thuốc kháng virus remdesivir.
Làm việc với Bộ trưởng Long chiều 17/8, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đề nghị Bộ Y tế tăng cường nhân lực y tế hỗ trợ chống dịch, đặc biệt là trong công tác điều trị, thêm trang thiết bị, thuốc chuyên khoa và phân bổ thêm vaccine.
Đến nay Bình Dương đã ghi nhận hơn 49.000 ca nhiễm, theo Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hồng Chương. Khoảng 80% F0 không triệu chứng điều trị ở tầng 1 , theo mô hình điều trị tháp 3 tầng của Bộ Y tế. Tầng 1 được bố trí ở các khu cách ly tập trung có điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo, đủ lực lượng bác sĩ, điều dưỡng và các xét nghiệm cơ bản tối thiểu, máy chụp X-quang di động.
Tầng 2 điều trị gần 6.700 bệnh nhân triệu chứng nhẹ. Tầng này là hệ thống các trung tâm y tế tuyến huyện. Tầng 3 điều trị 532 bệnh nhân nặng, nguy kịch, gồm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương và Bệnh viện dã chiến Hồi sức cấp cứu bệnh nhân Covid-19 Bình Dương.
Tổng cộng Bình Dương có 22 cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19, tổng số giường là 15.627, nhân lực phục vụ 2.851 người.
Số bệnh nhân quá đông, hệ thống điều trị và nhân lực y tế tại Bình Dương đang chịu nhiều áp lực. Bộ trưởng Long cho biết “tiếp tục hỗ trợ ngay thuốc kháng đông, kháng viêm, remdesivir để điều trị, tuy nhiên tỉnh cần chủ động về vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch”.
Bộ Y tế cũng điều động 50 y bác sĩ từ Bệnh viện C Đà Nẵng vào hỗ trợ Bình Dương điều trị bệnh nhân. Song, ông Long cho rằng “tỉnh đang sắp xếp chưa hợp lý, có phần lãng phí nhân lực điều trị”.
Video đang HOT
Ví dụ, Bộ trưởng cho rằng Bình Dương cần xem xét ngay việc sắp xếp điều tiết nhân lực y tế phù hợp với thực tế ở tầng 1, tăng cường cho tầng trên, “tránh nơi dư nơi thiếu”. Thuốc kháng đông và kháng viêm được sử dụng cho bệnh nhân ở tầng 1, trang bị cơ số bình oxy vừa đủ để kịp thời dùng khi cần và biến cơ sở cách ly F1 thành cơ sở thu dung, điều trị.
Tầng 2 đặc biệt quan trọng, phải đảm bảo trang bị đủ cả 3 yếu tố gồm oxy bồn, thuốc kháng đông và kháng viêm. “Ở tầng này điều trị kịp thời, tốt sẽ giúp hạn chế tình trạng bệnh nhân nặng phải lên tuyến 3″, Bộ trưởng nói.
Với tầng 3, ngoài việc tính toán xây dựng thêm bệnh viện dã chiến, việc cần làm ngay của Bình Dương là phải tổ chức giao ban thường xuyên giữa tầng 3 với tầng 2 để chia sẻ thông tin về số giường trống, số máy thở… kịp thời điều phối bệnh nhân khi cấp cứu. Đồng thời, giao quyền cho bác sĩ chuyên môn tầng trên được chỉ đạo chuyên môn tầng dưới.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu (trái) báo cáo với Bộ trưởng Long về công tác điều trị tại Trung tâm Hồi sức Covid-19 đặt tại Bệnh viện Becamex, Bình Dương. Ảnh: MOH
Bộ trưởng cũng đề nghị tỉnh Bình Dương nghiên cứu, áp dụng công thức 5 điểm chống dịch mà Bộ trưởng đã đề nghị triển khai tại TP HCM, bao gồm: Thực hiện nghiêm giãn cách là cơ bản, quan trọng và quyết định; An sinh xã hội là trọng yếu và thường xuyên; Xét nghiệm là then chốt; Giảm tử vong là ưu tiên hàng đầu; Vaccine là chiến lược lâu dài.
Thêm 9.605 ca Covid-19
Trong 9.605 ca nhiễm Bộ Y tế công bố tối 17/8 có 9.595 ca ở 40 tỉnh thành, tăng 951 ca so với hôm qua; 4.331 người khỏi bệnh; 331 ca tử vong.
Trong 24 giờ qua số ca nhiễm tại TP HCM tăng 218 ca, Bình Dương tăng 810 ca, Long An giảm 18 ca, Tiền Giang tăng 259 ca, Đồng Nai giảm 290 ca.
9.595 ca ghi nhận tại: TP HCM (3.559), Bình Dương (3.332), Long An (581), Tiền Giang (411), Đồng Nai (298), Cần Thơ (172), Đồng Tháp (170), Khánh Hòa (139), Đà Nẵng (124), Tây Ninh (88), Trà Vinh (79), Bà Rịa - Vũng Tàu (79), Vĩnh Long (76), Phú Yên (71), Hà Nội (61), Bình Thuận (55), Sóc Trăng (44), An Giang (33), Kiên Giang (31), Gia Lai (26), Đăk Lăk (24), Bắc Ninh (20), Hà Tĩnh (19), Nghệ An (16), Bình Định (12), Thanh Hóa (12), Ninh Thuận (11), Quảng Nam (11), Bến Tre (10), Quảng Ngãi (5), Quảng Trị (5), Lào Cai (4), Bạc Liêu (3), Lạng Sơn (3), Lâm Đồng (3), Bình Phước (3), Cà Mau (2), Thái Bình (1), Thái Nguyên (1), Thừa Thiên Huế (1) trong đó có 4.465 ca trong cộng đồng.
Đợt dịch thứ 4, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 289.276 ca, trong đó có 108.534 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
6 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Hải Phòng.
5 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Kon Tum, Hà Giang, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang.
5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP HCM (156.386), Bình Dương (49.833), Long An (15.579), Đồng Nai (14.502), Bắc Giang (5.795).
Về điều trị, 4.331 người được công bố khỏi bệnh trong ngày 17/8. Tổng số ca được điều trị khỏi: 111.308 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 600 ca. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 20 ca.
Ngày 17/8 ghi nhận 331 ca tử vong tại: TP HCM (285), Bình Dương (12), Long An (9), Tiền Giang (7), Đồng Nai (6), Cần Thơ (4), Đồng Tháp (3), Bến Tre (1), Bình Định (1), Bình Thuận (1), Khánh Hòa (1), Vĩnh Long (1).
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến 17/8 là 6.472 ca, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca mắc và ngang với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới.
Về xét nghiệm, trong 24 giờ qua đã thực hiện 167.734 xét nghiệm cho 644.262 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4 đến nay đã thực hiện 8.466.817 mẫu cho 24.442.316 lượt người.
Về tiêm chủng, trong ngày 16/8 có 592.104 liều vaccine được tiêm. Như vậy, tổng số liều đã được tiêm là 15.271.562 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 13.869.728, tiêm mũi 2 là 1.401.834.
Hôm nay, Sở Y tế TP HCM phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Bộ Y tế ra mắt bảng điều khiển tình hình thu dung điều trị Covid-19, sử dụng nguồn dữ liệu từ phần mềm "Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh Covid-19". Công cụ này giúp cho Tổ điều phối chuyển viện của Sở Y tế và các bệnh viện dễ dàng tìm bệnh viện còn giường bệnh không oxy, giường bệnh có oxy... để liên hệ chuyển viện cho phù hợp. Các bệnh viện phải liên tục cập nhật tình hình tiếp nhận người bệnh, số giường còn trống... mỗi ngày vào các khung giờ quy định cụ thể là 8h, 16h và 20h.
Tính tới ngày 16/8, qua giám sát 13.579 trường hợp ho, sốt được người dân phản ánh qua các ứng dụng công nghệ phòng chống dịch như Bluezone, tokhaiyte.vn, Hà Nội đã ghi nhận 95 trường hợp dương tính với nCoV.
Từ ngày 18-20/8, TP Cần Thơ tổ chức xét nghiệm đợt 4 trên tinh thần có trọng tâm, trọng điểm, chỉ thực hiện ở những ấp, khu vực có nguy cơ cao và rất cao chứ không xét nghiệm trên diện rộng, để tiếp tục sàng lọc các ca F0 trên địa bàn.
Ngày 17/8, UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định thành lập Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 với quy mô 300-500 giường bệnh. Đây là bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 đầu tiên ở Lâm Đồng đặt tại Trung đoàn 994, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.
'Không mở rộng thử nghiệm vaccine Nanocovax' Hồi đáp đề xuất tiêm thí điểm vaccine Nanocovax của các tỉnh Khánh Hòa, Bình Dương, Bộ Y tế cho biết "chưa phê duyệt mở rộng địa bàn nghiên cứu trong giai đoạn ba". Trong công văn hồi đáp hôm 14/8, Bộ Y tế "ủng hộ mở rộng địa bàn nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine Nanocovax về mặt chủ trương". Các...