Bô xít Tân Rai có thể ra lò sản phẩm vào năm sau
Sau 4 lần lùi thời gian xuất xưởng, Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam ( Vinacomin) cho biết sẽ cho ra lò sản phẩm đầu tiên vào tháng 1/2013 thay vì cuối năm nay như dự kiến.
Một nguồn tin từ tập đoàn Công nghiệp Than Khoang sản Việt Nam (Vinacomin) cho hay hiện nhà máy alumin Tân Rai (Lâm Đồng) vẫn chưa chạy chính thức. Kế hoạch của Tập đoàn là cuối năm nay ra lò sản phẩm đầu tiên song có khả năng phải lùi sang đầu năm sau mới xuất xưởng. “Do việc vận hành nhà máy alumin Tân Rai rất phức tạp nên nhà máy vẫn đang trong quá trình hiệu chỉnh lại các thông số để đồng bộ tất cả các khâu”, nguồn tin này cho hay.
Vinacomin đã 4 lần lỗi hẹn xuất xưởng sản phẩm alumina. Quý II/2011, Dự án Tổ hợp Bô xít nhôm Tân Rai hứa sẽ ra lò sản phẩm alumina đầu tiên. Tuy nhiên, do một số nhà thầu phụ có tốc độ thi công chậm nên kế hoạch phải lùi sang đầu quý III/2011. Sau đó, Vinacomin lại hoãn kế hoạch xuất xưởng sang đầu quý II năm nay và hiện kế hoạch này lại lùi sang đầu năm sau.
Trước đó, Vinacomin cho biết chưa chính thức ký hợp đồng với các đối tác song có nhiều đơn vị muốn đàm phán. Đơn cử như hai công ty Chalco (Trung Quốc) và Marubeni (Nhật Bản) đã bắt đầu đàm phán với tập đoàn từ năm ngoái để mua alumina sản xuất từ dự án bô xít Tân Rai.
Vinacomin đang triển khai 2 Tổ hợp bô xít nhôm Tân Rai và Nhân Cơ. Sản lượng alumina tại nhà máy Tân Rai trước mắt sẽ đạt 300.000 tấn và tăng lên 520.000 tấn trong những năm tiếp theo. Dự án Nhân Cơ, tỉnh Đăk Nông sẽ bắt đầu đi vào sản xuất vào năm 2014 với sản lượng 300.000 tấn và có thể lên tới 650.000 tấn vào năm 2016.
Video đang HOT
Vinacomin cũng cho biết, khoản nợ quá hạn của EVN đối với Vinacomin lên đến gần 2.000 tỷ đồng, vừa qua EVN đã trả được khoảng 1.500 tỷ đồng, còn lại khoảng 500 tỷ đồng. Từ 15/9 đến hết năm 2012, EVN có kế hoạch mua than của Vinacomin để sản xuất điện với giá trị khoảng 600 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay EVN đã giảm lượng mua than, không mua theo kế hoạch, dự kiến giảm xuống chỉ còn 550 tỷ đồng. Trong 2 tháng cuối năm, EVN chỉ mua than chạy điện với giá trị khoảng 300 tỷ đồng.
Phía PetroVietnam cho biết, EVN vừa trả cho tập đoàn khoảng 1.000 tỷ đồng tiền nợ cũ từ trước năm 2010. Số nợ còn lại khoảng 13.000 tỷ đồng, EVN cam kết đến hết năm 2013 sẽ trả dứt điểm khoản nợ trên.
Theo VNE
Điện lực, hàng không, viễn thông thiệt hại nặng nề vì bão
Sau hai ngày cơn bão số 8 quét qua, nhiều khu vực ở miền Trung bị mất điện, hàng loạt chuyến bay bị hoãn. Cột viễn thông của Mobifone đứt gẫy làm "bay" nhà của một người dân ở Nam Định.
Theo thông báo mới nhất vào sáng nay của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tình hình thời tiết khu vực Bắc miền Trung ở tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng có mưa to kèm theo gió cấp 6 khiến nhiều khu vực bị mất điện trên diện rộng. Bão gây ảnh hưởng đến các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình làm hơn 100 lộ đường dây trung thế gặp sự cố.
Do gió bão và mưa lớn nên hệ thống lưới điện trung thế khu vực miền Bắc (từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh) gặp nhiều sự cố. Toàn tỉnh Nam Định, Thái Bình, bị mất điện. Hiện "nhà đèn" mới chỉ khắc phục được ở trung tâm của Thành phố. Hải Phòng cũng gặp phải tình trạng tương tự do 45 lộ trung áp bị sự cố.
Sau khi qua Philippines khiến ít nhất 24 người thiệt mạng, cơn bão Sơn Tinh đã càn quét qua các tỉnh miền Bắc và miền Trung Việt Nam với sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão đạt cấp 12-13 tính đến cuối ngày hôm qua. Do ảnh hưởng của bão số 8, ở các tỉnh ven biển phía Đông Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ đã có mưa vừa, mưa to đến rất to. Ở các tỉnh ven biển phía Đông Bắc Bộ đã có gió mạnh cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10 một số nơi có gió mạnh hơn, đến cấp 12, cấp 13.
Tháp truyền hình bị đổ do bão số 8 gây ra. Ảnh: Trọng Nghiệp.
EVN cho hay, Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí bị gió to đã làm bay các tấm tôn lợp mái lò, gây đứt dây dẫn trong giàn phân phối trạm 220kV.
Ngoài ra 6 đường dây 110kV gặp sự cố và vẫn đang trong tình trạng khắc phục gồm: Phủ Lý - Thanh Nghị, Uông Bí-Hoành Bồ, Chợ Rộc - Cái Lân, Nam Ninh - Hải Hậu, Giao Thuỷ - Hải Hậu, Hoành Bồ - Cẩm Phả, Ninh Bình - Phủ lý. EVN cho biết chưa có số liệu thống kê cụ thể về chi phí và vẫn đang tiếp tục tổng hợp các thiệt hại.
Không chỉ EVN mà các hãng hàng không cũng đang tính toán thiệt hại sau bão. "Chưa có con số cụ thể, tuy nhiên trận bão này có số lượng hoãn hủy chuyến lớn nhất trong năm nay", đại diện hãng hàng không Vietjet cho biết. Trước mắt, gần trăm chuyến bay đã bị hủy trong mấy ngày vừa qua. Sau khi thông báo hủy 62 chuyến tính đến chiều chủ nhật, tối qua Vietnam Airlines cho biết hủy thêm 6 chuyến chặng Hà Nội - Vinh và và TP HCM - Vinh.
Lịch trình của các hãng thay đổi từng giờ theo đường đi của cơn bão. "Hôm nay theo lịch sẽ có chuyến lúc 12h trưa đến Hải Phòng từ TP HCM và Hà Nội. Tuy nhiên hiện hãng theo dõi sát xem có phải hoãn không vì bão đang di chuyển qua khu vực này", đại diện của Vietjet Air cho hay. Hôm qua, hãng này đã phải hủy 12 chuyến đến và đi từ sân bay Đà Nẵng do bão.
Theo thông báo mới nhất, Jetstar Pacific vừa hoãn một chuyến từ TP HCM đi Hải Phòng trưa nay, dời đến tối để chờ tan bão. Hôm qua, hãng này cũng hủy các chuyến bay đến Vinh, Đà Nẵng.
Theo luật, thời tiết là sự cố bất khả kháng nên các hãng không phải bồi thường cho khách hàng mỗi khi hoãn, hủy chuyến. Tuy nhiên trên thực tế, các hãng cũng gánh thiệt hại không ít. "Nhất là khi không hạ cánh được vì bão, máy bay phải bay vòng đến sân bay gần nhất. Chi phí nhiên liệu cho mỗi chuyến bay như thế tốn hàng nghìn đôla Mỹ. Ngoài ra hãng cũng sẽ phải mua thực phẩm, lo nơi ăn chốn nghỉ cho hành khách tại các sân bay dự bị", đại diện một hãng hàng không giải thích.
Hãng viễn thông cũng gánh thiệt hại nặng do bão. Cụ thể Mobifone có cột viễn thông cao 48 mét bị đổ ở Nam Trực, Nam Định. Cột Mobifone này được thuê đặt trong vườn nhà một người dân. "Cột bị đổ vào 2h sáng qua khi gió đang lúc mạnh nhất. Gia đình chúng tôi đang chờ công ty xuống tính toán thiệt hại. Cột đổ làm sập 2 căn bếp, một nhà từ đường của gia đình và cả một căn bếp của nhà hàng xóm", anh Phiêu, chủ nhà cho biết.
Một nguồn tin từ Mobifone cho hay hãng đang kiểm các sự cố và sẽ đưa ra phương án xử lý kịp thời. "Do hôm qua là ngày nghỉ, nên chúng tôi vẫn đang tổng hợp lại để xem xét", nguồn tin cho hay.
Tương tự, VNPT cũng phải nhiều sự cố. Mặc dù các tuyến truyền dẫn trục nội tỉnh cơ bản được đảm bảo, song theo báo cáo mới nhất của VNPT, bão có cấp độ lớn cùng với mưa rất to, điện lưới mất trên diện rộng đã gây "thiệt hại nghiêm trọng đến mạng lưới của các đơn vị". Tại tỉnh Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình và Hải Phòng, nhiều cột Anten bị đổ, một vài khu vực bị mất điện lưới cùng đứt cáo quang treo do cây đổ, cột đổ. Một số tổng đài bị hỏng do ảnh hưởng của sét gây mất liên lạc trên diện rộng. VNPT cho biết đang khắc phục hậu quả bão lụt và chỉ đạo các đơn vị rà soát, thống kê thiệt hại.
Sáng nay (29/10), sau khi đi vào khu vực ven biển tỉnh Quảng Ninh, bão số 8 đã suy yếu nhanh thành một vùng áp thấp. Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chủ yếu theo hướng Đông Đông Bắc, mỗi giờ đi được 10 km, suy yếu và tan dần.
Theo VNE
Bế tắc cảng Kê Gà Sau 5 năm chuẩn bị, với 4 lần dự kiến khởi công, đến nay dự án (DA) cảng Kê Gà (Bình Thuận) vẫn rơi vào bế tắc. Năm 2007, sau khi DA cảng Kê Gà (H.Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) được đưa vào danh mục các cảng nước sâu và được Thủ tướng phê duyệt, UBND tỉnh Bình Thuận đã thông báo ngừng...