Bộ Xây dựng sắp trình Chính phủ đề án xử lý tranh chấp chung cư
Bộ Xây dựng sẽ hoàn thành các đề án quan trọng đối với an ninh kinh tế trong lĩnh vực bất động sản, bao gồm nhiều nội dung như: tín dụng, bong bóng bất động sản, tranh chấp, quản lý vận hành nhà chung cư, tranh chấp chung cư…
Đề án về xử lý tranh chấp chung cư
Tại buổi họp báo thường kỳ quý 2.2018 của Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết đơn vị này đang xây dựng đề án an ninh kinh tế trong lĩnh vực bất động sản, dự kiến tháng 12 tới sẽ trình Chính phủ.
Theo ông Ninh trong 6 tháng cuối năm, sẽ hoàn thành các đề án quan trọng đối với thị trường bất động sản, bao gồm: “Đánh giá tình hình, dự báo xu hướng, đề xuất các giải pháp thị trường, cơ chế chính sách quản lý để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh”; “An ninh kinh tế trong lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản đảm bảo an sinh xã hội”; “Quản lý, phát triển quỹ nhà ở công vụ của Chính phủ giai đoạn 2018 – 2021″.
Cư dân Hòa Bình Green City căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư trả sổ đỏ, tổ chức thành lập ban quản trị. (ảnh Trần Kháng)
Trong đó, có nhiều nội dung của thị trường như việc người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, vấn đề đầu tư nước ngoài vào thị trường địa ốc, tín dụng, bong bóng bất động sản, tranh chấp, quản lý vận hành nhà chung cư, tranh chấp chung cư
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng tiếp tục triển khai phần mềm sử dụng chung để kết nối, tích hợp, cập nhật số liệu, dữ liệu vào hệ thống thông tin nhà ở và thị trường bất động sản, tạo cơ sở dữ liệu ban đầu cho hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.
Video đang HOT
Sốt đất ở đặc khu đã ổn định
Lãnh đạo Bộ Xây dựng khẳng định tình trạng sốt đất ở các khu vực dự kiến trở thành đặc khu kinh tế đã bình ổn trở lại. Bên cạnh đó, thị trường trên cả nước không thể xảy ra bong bóng bất động sản như một số chuyên gia đã dự báo.
Qua kiểm tra tại các địa phương Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Phong (Khánh Hòa), các giao dịch bất động sản đã cơ bản dừng lại, các môi giới đã rút khỏi địa bàn. Tuy nhiên, tình trạng sốt đất nền vẫn đang diễn ra cục bộ tại một số địa phương khác như TPHCM, Đà Nẵng, Hà Nội…
Cũng theo ông Ninh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2018, thị trường bất động sản cả nước về cơ bản vẫn ổn định, nguồn cung dồi dào, phong phú.
Cụ thể, về lượng giao dịch tại Hà Nội, TP Hồ Chính Minh đều tăng. Về giá bất động sản trong các loại hình như: căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ giá đều tăng so với quý 1 và cùng kỳ. Tồn kho bất động sản tiếp tục giảm…
Thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tại một số địa phương ven biển như Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang), căn hộ văn phòng tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2018, thị trường này có xu hướng chững lại do nguồn cung tăng cao, còn thiếu các quy định pháp lý.
Thị trường trên cả nước không thể xảy ra bong bóng bất động sản.
Ông Ninh cho biết thêm, thời gian vừa qua đã xuất hiện tình trạng sốt cục bộ đất nền, giá tăng cao bất bình thường ở một số khu vực vùng ven TP. Hồ Chí Minh, huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai và đặc biệt là Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang) và Bắc Vân Phong (Khánh Hòa)…
Ông Ninh chỉ rõ các nguyên nhân chính là: Một số đối tượng lợi dụng chủ trương thành lập các đặc khu, chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư lớn về giao thông (như sân bay Long Thành, các tuyến Metro của TP. Hồ Chí Minh, đường cao tốc…) để tung tin gây thất thiệt, thổi giá, đầu cơ. Trong khi đó các cơ quan quản lý chưa làm tốt công tác truyền thông, công khai thông tin về quy hoạch, chủ trương và tiến độ các dự án đầu tư lớn; kiểm soát chuyển nhượng đất nền chưa chặt chẽ.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương thực hiện một số giải pháp quyết liệt, tình hình đã ổn định và bước đầu được kiểm soát. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và chính quyền địa phương tích cực vào cuộc, tình hình thị trường bất động sản tại các khu vực nêu trên đã ổn định trở lại./.
Theo Danviet
Nâng chiều cao cho việc cải tạo chung cư cũ?
Trong khi việc cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh đang "dậm chân tại chỗ", Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, cần sớm ban hành quy chuẩn phân khu nội đô ra sao cho hợp lý với các vị trí, tạo điều kiện chỗ nào cho phép nâng chiều cao, thực hiện được thì cho thực hiện
Tại buổi họp báo thường kỳ quý II.2018 của Bộ Xây dựng, nói về vấn đề cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội và TP.HCM đang dậm chân tại chỗ, đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng) cho rằng, theo báo cáo tổng kết có khoảng 25% chung cư thuộc diện bị hư hỏng, nguy hiểm. Theo phân loại cấp D - thuộc diện nguy cấp mới phải di dời, cải tạo, phá dỡ. Còn lại những chung cư hư hỏng chưa bắt buộc phải tháo dỡ.
Đại diện Vụ Pháp chế cũng cho hay, để thực hiện việc cải tạo chung cư cũ đang gặp khó khăn ở hai vấn đề. Một là, về thể chế đã có quy định các chủ sở hữu căn hộ thỏa thuận với nhà đầu tư để lựa chọn chủ đầu tư sửa chữa, nhưng việc này cũng khó vì hàng trăm hàng nghìn hộ trong một khu chung cư mà mỗi hộ lại một ý khác nhau, rất khó đồng thuận.
Thứ hai, quy định cưỡng chế các công trình nguy hiểm để cải tạo, song để làm việc này lại cần phải có vốn, quỹ nhưng rất khó khăn. Hiện nay, Vụ Pháp chế đang nghiên cứu đề xuất cần có quy định cụ thể thời hạn giải quyết, xử lý khi chủ sở hữu không lựa chọn được nhà đầu tư thì nhà nước phải chỉ định chủ đầu tư vào cải tạo.
Việc cải tạo chung cư vẫn gặp nhiều khó khăn, bế tắc. (ảnh Trần Kháng)
Nhưng vướng nhất trong việc cải tạo chung cư cũ, theo đại diện Vụ Pháp chế, Thủ tướng đã ban hành quy định các khu vực nội đô, trung tâm ở 2 TP lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh không được tăng chiều cao dự án, không tăng dân số. "Không cho tăng chiều cao thì doanh nghiệp không có lợi nhuận, không thể đền bù giải phóng mặt bằng. Bộ Xây dựng đang báo cáo Thủ tướng xin giải pháp tháo gỡ vướng mắc này", đại diện Vụ Pháp chế cho hay.
Về vấn đề này, thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cũng cho rằng, cần phải xã hội hóa, nhà đầu tư thấy có lợi nhuận mới làm. "Cần sớm ban hành quy chuẩn phân khu nội đô ra sao cho hợp lý với các vị trí, tạo điều kiện chỗ nào cho phép nâng chiều cao, thực hiện được thì cho thực hiện", ông Hùng chia sẻ.
Theo thống kê, hiện trên địa bàn Hà Nội có hơn 1.300 chung cư cũ tại 76 khu vực tập trung và hơn 300 khu chung cư cũ ở các nơi riêng lẻ. Các chung cư này đều được xây dựng từ những năm 1960 đến 1990 và đang trong tình trạng xuống cấp.
Trước thực trạng đó, từ hơn 10 năm trước, Hà Nội đã đưa ra chương trình cải tạo, nâng cấp, xây mới các chung cư cũ xuống cấp trên địa bàn Thành phố. Để thực hiện chính sách cải tạo chung cư cũ, Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền đã ban hành nhiều chính sách ưu tiên để kêu gọi doanh nghiệp tham gia.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, có rất nhiều vướng mắc khiến sau hơn 10 năm triển khai, chương trình này gần như dậm chân tại chỗ khi mới chỉ có 14 chung cư cũ được xây dựng mới đưa vào sử dụng, chiếm chưa tới 1%; 5 chung cư cũ đang phá dỡ, triển khai xây dựng; 4 khu chung cư cũ nguy hiểm cấp D đang tổ chức di dời, nhưng chưa có phương án xây dựng lại.
Theo Danviet
Sắp trình Chính phủ đề án xử lý tranh chấp chung cư Trong 6 tháng cuối năm, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thành các đề án quan trọng đối với an ninh kinh tế trong lĩnh vực bất động sản (BĐS). Tại buổi họp báo thường kỳ quý II/2018 của Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, cho biết đơn vị này đang xây dựng...