Bộ Xây dựng nói gì về việc Him Lam xin chuyển đất cho thuê tại sân golf Long Biên thành nhà để bán
Mới đây, Bộ Xây dựng có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ nêu ý kiến về việc điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô liên quan đến khu đất dự án Khu nhà ở sinh thái cho thuê Him Lam Long Biên, quận Long Biên, thành phố Hà Nội.
Theo đó, Bộ Xây dựng đã yêu cầu UBND TP Hà Nội đánh giá quỹ đất cây xanh theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch chung) được duyệt, việc triển khai quản lý và phát triển hệ thống công viên cây xanh cấp thành phố trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, Bộ cũng yêu cầu thành phố làm rõ việc sử dụng đất quốc phòng (sân bay Gia Lâm) và tác động ảnh hưởng của vấn đề chia tách dự án Khu nhà ở sinh thái cho thuê Him Lam Long Biên trong tổng thể dự án Sân golf và dịch vụ Long Biên.
Đồng thời, làm rõ giải pháp cân bằng quỹ đất cây xanh trong khu vực quận Long Biên (Quy hoạch phân khu đô thị N10) khi chuyển đổi quỹ đất 7,8 ha từ đất cây xanh cấp thành phố sang đất nhà ở, đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn về chỉ tiêu đất cây xanh (m2/ng) và định hướng phát triển không gian của đồ án Quy hoạch chung.
Bộ Xây dựng cũng lưu ý, trường hợp Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương, UBND thành phố Hà Nội có trách nhiệm tổ chức việc điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung và Quy hoạch phân khu đô thị N10 theo đúng trình tự, quy định pháp luật hiện hành về quy hoạch đô thị. Trong quá trình triển khai cần tổ chức lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân liên quan trong việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị; đảm bảo việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất tuân thủ đúng quy định.
Được biết, trước đó trong công văn gửi UBND TP Hà Nội, Công ty cổ phần Đầu tư Long Biên (LOBICO) đề nghị được cập nhật chức năng sử dụng đất dự án Khu đô thị nhà ở sinh thái cho thuê Him Lam Long Biên theo hướng chuyển đổi khu đất cây xanh thể dục thể thao sang đất ở.
Khu đô thị nhà ở sinh thái cho thuê Him Lam Long Biên có quy mô 7,7 ha nằm trong quần thể dự án Sân golf và dịch vụ Long Biên, Hà Nội (tổng diện tích 119,2 ha) – vốn được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 từ năm 2012.
Năm 2015, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận chủ trương cho doanh nghiệp được triển khai phần 7,7 ha này thành dự án riêng có tên gọi Khu nhà ở sinh thái cho thuê Him Lam Long Biên. Dự án này đã được Sở Quy hoạch – Kiến trúc cấp phép quy hoạch mặt bằng. Tuy nhiên, sau đó, thành phố đã đồng ý cho doanh nghiệp chuyển mục đích sử dụng đất sang nhà ở để bán theo đề nghị của Sở Tài nguyên – Môi trường và UBND quận Long Biên.
Video đang HOT
Theo mặt bằng được Sở Quy hoạch – Kiến trúc chấp thuận, Khu nhà ở sinh thái cho thuê sẽ là những công trình nhà thấp tầng, với 73 căn, mật độ xây dựng khoảng 50%.
Trong văn bản gửi Chính phủ, UBND TP Hà Nội nhận định, việc Công ty Long Biên đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng đất Khu nhà ở sinh thái cho thuê sẽ làm giảm quy mô diện tích khu sân golf và dịch vụ Long Biên; thay đổi chức năng sử dụng đất khu đất dự án được xác định trong Quy hoạch chung xây dựng thủ đô đã được phê duyệt từ đất cây xanh sang đất đơn vị ở.
Việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch theo đề xuất của Công ty Long Biên sẽ làm giảm diện tích đất cây xanh, thể dục thể thao và chỉ tiêu đạt được trong quy hoạch phân khu đô thị còn khoảng 11,34 m2 mỗi người. Tuy nhiên, theo cơ quan này, đối chiếu với định hướng tại Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội được phê duyệt thì mức nêu trên là phù hợp.
UBND Hà Nội cũng cho rằng đề xuất điều chỉnh của Him Lam vẫn đảm bảo nguyên tắc không làm thay đổi nội dung quy hoạch đã được duyệt, phù hợp theo định hướng tại Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội. Do đó, UBND TP Hà Nội đã có đề nghị Thủ tướng xem xét, quyết định kiến nghị của doanh nghiệp.
Được biết, LOBICO không chỉ sở hữu sân golf Long Biên mà còn cả sân golf Tân Sơn Nhất. Lãnh đạo các công ty trực thuộc Công ty cổ phần Him Lam hiện đứng tên sở hữu cổ phần tại doanh nghiệp này.
Lan Nhi (Tổng hợp)
Theo Trí thức trẻ
Đây là nơi dân đổ xô gom đất, giá tăng chóng mặt, chính quyền lệnh dừng phân lô, bán nền
Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có văn bản số 979/VPĐK-HCTH yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã dừng giải quyết tất cả hồ sơ xin phân lô, tách thửa trên địa bàn tỉnh kể từ ngày 15/8/2018.
Theo đó, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu yêu cầu các chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai các huyện, thành phố, thị xã tạm dừng việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ tách thửa, san lấp mặt bằng, phân lô, bán nền trên địa bàn quản lý kể từ ngày 15/8/2018.
Đối với các hồ sơ tiếp nhận trước ngày 15/8, các chi nhánh Văn phòng phải thống kê, lập báo cáo danh sách cụ thể về Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trước ngày 25/8 và tiếp tục giải quyết theo quy định.
Giám đốc chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm trước Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường nếu để xảy ra sai phạm.
Phòng Đăng ký và Cấp giấy chứng nhận chủ trì, khẩn trương tham mưu về việc điều chỉnh quyết định số 23/2017/QĐ-UBND ngày 15/7/2017 quy định về tách thửa trên địa bàn tỉnh, báo cáo trong tháng 8.
Ông Trần Ngọc Cẩm Tuấn - Phó giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết thêm, Văn phòng Đăng ký đất đai ra văn bản số 979 là căn cứ vào kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tại phiên họp ngày 14/8. Trước thực trạng nhiều cá nhân, tổ chức chuyển đổi đất nông nghiệp, đất ruộng muối để phân lô bán nền tràn lan, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Trình đã chỉ đạo dừng tất cả việc phân lô, bán nền trái quy định.
Trước đó, Sở Xây dựng tỉnh này đã cùng đoàn công tác liên ngành trong đó có Thanh tra Sở Xây dựng đã cùng với huyện Long Điền kiểm tra thực tế dọc tuyến ruộng muối Tỉnh lộ 44A và nhiều dự án tại địa bàn.
Ông Phan Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng, việc chuyển mục đích sử dụng đất do cấp huyện thực hiện. Cũng như giao, cho thuê đất phải qua quy trình thẩm định nhu cầu sử dụng đất.
Quy trình thẩm định ở đây có lỗ hổng, không chính xác. Nhu cầu sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân không thể đến vài ngàn mét vuông như vậy. Nếu nhu cầu lớn thì phải lập dự án. Khi không thể chuyển mục đích sử dụng thì không thể tách thành các lô nhỏ được.
Theo ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP. Vũng Tàu (thuộc Sở TN-MT), từ những tháng cuối năm 2017 đến nay, lượng hồ sơ mua bán chuyển nhượng đất tăng mạnh.
Đơn cử như trong tháng 2/2018, TP. Vũng Tàu có hơn 500 hồ sơ nhà đất được chuyển nhượng mua bán, sang tháng 3 con số này tăng gần gấp đôi, đạt 956 hồ sơ, còn riêng nửa đầu tháng 4/2018, số hồ sơ chuyển nhượng cũng xấp xỉ gần 500. Trong khi đó, tổng lượng hồ sơ chuyển nhượng nhà đất trong tháng 2 và 3/2017 chỉ đạt hơn 1.300 hồ sơ.
Theo bà Ngô Thị Lộc Nhung, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Tân Thành, từ đầu tháng 3 đến nay, lượng hồ sơ mua bán, hiệu chỉnh thông tin, giao dịch nhà đất tăng mạnh, từ 250-300 hồ sơ/ngày. Lượng hồ sơ chuyển nhượng chủ yếu ở địa bàn thị trấn huyện Phú Mỹ và 2 xã: Mỹ Xuân, Hắc Dịch. Còn tại địa phương khác, lượng hồ sơ giao dịch nhà đất cũng tăng từ 20-30%.
Trước tình hình tăng đột biến này, hồi đầu tháng 3/2018, Thành ủy TP. Vũng Tàu cũng đã có công văn khuyến nghị người dân trong và ngoài địa phương cần thận trọng trong giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại xã Long Sơn.
Theo đó, gần đây thị trường bất động sản tại xã Long Sơn giao dịch khá sôi động, giá đất tăng mạnh tạo thành cơn "sốt ảo" sau khi một số dự án kinh tế lớn được triển khai xây dựng tại đây.
Thành ủy TP. Vũng Tàu chỉ đạo chính quyền khuyến nghị người dân cần hết sức thận trọng, nên liên hệ với các cơ quan chuyên môn để nắm rõ thông tin trước khi giao dịch, tránh việc nhận chuyển nhượng đất không có giấy tờ hợp pháp, đất lấn chiếm, đất trong khu vực dự án đã có thông báo thu hồi đất. Văn bản cũng cho biết quy hoạch xây dựng xã Long Sơn trong tương lai chủ yếu tập trung xây dựng các công trình kinh tế, quốc phòng của quốc gia.
Diện tích quy hoạch đất ở hạn chế và chỉ tập trung giải quyết tái định cư tại chỗ cho người dân địa phương có đất bị thu hồi thực hiện dự án. Do đó, việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với ý tưởng xây dựng nhà ở hay kinh doanh dịch vụ, thương mại có nguy cơ rủi ro lớn trong đầu tư.
Tìm hiểu thực tế cho thấy cơn sốt đất ở Long Sơn đã diễn ra từ giữa năm 2017 và gần đây trở nên sôi động hơn, khi Dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam khởi công. Bên cạnh đó, một số dự án khác trên địa bàn xã cũng đang rục rịch triển khai. Do đó, giới đầu tư bất động sản ồ ạt đổ về mua đất, đẩy giá tăng chóng mặt. Tuy nhiên, mọi giao dịch nhà đất tại khu vực này đều diễn ra bằng giấy tay, không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
Nam Phong
Theo Trí thức trẻ
Hà Nội chuẩn bị thu hồi đất của 22 đơn vị, dự án Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội công bố danh sách 22 đơn vị đã có quyết định thu hồi đất do vi phạm về đất đai và đang làm thủ tục giải phóng mặt bằng. Báo cáo số 789 của Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội (ngày 28/5/2018) từ tháng 10/2012 đến ngày 31/3/2018 cho biết, Hà Nội đã ra...