‘Bờ vực tử thần’: Khi hoạn nạn mới biết ai là bạn!
Sức hút của Avengers: Endgame sắp ra rạp đang khiến những bộ phim khác trở nên kém hấp dẫn hơn đối với công chúng, song, tác phẩm lấy đề tài thảm họa, sống còn Bờ vực tử thần cũng là một trải nghiệm đáng giá dành cho khán giả.
Khai thác chủ đề sống sót thảm họa, Bờ vực tử thần (tựa Anh: Break) là bộ phim kinh dị, giật gân được đạo diễn Tigran Sahakyan cầm trịch, với sự góp mặt của dàn diễn viên trẻ tuổi như Irina Antonenko, Mikhail Filippov, Denis Kosyakov, Andrey Nazimov… Tác phẩm đến từ Nga được giới thiệu sẽ là cuộc chiến sinh tồn khốc liệt giữa năm người bạn tưởng chừng thân thiết, mang đến trải nghiệm kinh hoàng cho khán giả, nhất là những ai sợ độ cao.
“Bờ vực tử thần” khai thác nỗi sợ từ độ cao, cài cắm thông điệp về tình bạn
Bờ vực tử thần theo chân nhóm bạn trẻ kéo nhau lên đỉnh núi lạnh lẽo để đón thời khắc giao thừa. Trong tuyến cáp treo chạy chui ngày cuối năm, những sự cố nối tiếp nhau xảy ra khiến nhóm bạn bị kẹt lại trên cabin giữa tuyết, gió, và hoàn toàn bị lãng quên vào ngày đầu năm mới. Nỗ lực thoát ra khỏi bờ vực cái chết, những người bạn bị kẹt lại trên cabin dần bộc lộ góc khuất, lúc này, bản năng sinh tồn của con người vừa có thể vượt lên trên tình bạn, vừa làm sống dậy tình yêu và lòng ham sống bên trong nhân vật.
Những bộ phim kinh dị, giật gân mới đây đang nỗ lực khai thác nỗi sợ sâu thẳm bên trong con người. A Quiet Place từng xuất sắc chinh phục khán giả bằng quái vật âm thanh với không gian thinh lặng đến rợn tóc gáy. Trong bộ phim của đạo diễn người Nga Tigran Sahakyan, nỗi sợ độ cao cũng được khai thác triệt để.
Với bối cảnh tại đỉnh núi lửa Elbrus đã ngừng hoạt động hơn 2000 năm có độ cao 5621 mét, Bờ vực tử thần đưa sự đối nghịch giữa con người và thiên nhiên lên đến đỉnh điểm: con người nhỏ bé, bất lực trở thành tù nhân trong chiếc cabin cũ, treo chênh vênh giữa không gian rộng lớn phủ trắng tuyết, gió thổi ngày một mạnh có thể rơi rụng từng khớp nối của cỗ máy cũ kỹ.
Lồng ghép giữa chất kinh dị và yếu tố giật gân, đạo diễn Tigran Sahakyan cho thấy nỗ lực làm mới mình ngay cả khi khai thác chủ đề sinh tồn không còn xa lạ. Trận chiến khốc liệt trên cabin cáp treo là một bối cảnh độc đáo, mang đến trải nghiệm mới lạ cho người xem bởi độ cao choáng ngợp và âm thanh gió rít kinh hoàng. Cùng với đó, ý tưởng lồng ghép triết lý nhân sinh về bản năng sinh tồn của con người, tình bạn và tình yêu cũng được xem là điểm sáng, xứng đáng để kỳ vọng.
Trước hết, tác phẩm lên án gay gắt sự tắc trách của con người: từ những nhân viên trông coi tuyến cáp treo cho đến bản thân nhóm bạn liều lĩnh, nhất quyết lên chuyến cáp treo chui để đón năm mới. Sự táo bạo, vô kỷ luật của những người trẻ đã phải trả bằng cái giá quá đắt. Bi kịch xảy ra liên tiếp nhưng đến cuối, “thủ phạm” cũng đã trở thành nạn nhân. Cùng với đó, sự chậm trễ, thiếu linh hoạt của hệ thống nhân viên dịch vụ cáp treo làm người xem phát bực: nhân viên trực ca làm việc máy móc, đội cứu hộ trì trệ, những cỗ máy kém chất lượng quá dễ dàng để tước đi mạng sống của con người.
Hoạn nạn cũng là lúc những bản năng nguyên thủy nhất của con người được bộc lộ. Ngay sau giây phút tiệc tùng cười nói, họ có thể chì chiết, trách móc, đổ lỗi, thậm chí là cắt đứt sợi dây, tước đi mạng sống của nhau để bảo toàn tính mạng cho bản thân. Chàng trai chỉ vừa đêm hôm qua còn ngỏ lời tỏ tình với cô gái, ngay sáng hôm sau đã chửi thề, đẩy cô vào chỗ nguy hiểm và cuối cùng là chủ động lấy mạng chính bạn mình.
Đồng thời, hoạn nạn cũng khơi dậy lòng ham sống, tình yêu người bên trong nhân vật. Sau khi thoát khỏi bờ vực của cái chết, từ một cô gái trẻ chuẩn bị chia tay người yêu và tước đi quyền làm người của đứa trẻ trong bụng, nữ chính đã biết trân trọng hạnh phúc giản đơn của mình.
Kịch bản chưa tới, diễn xuất thiếu đột phá
Với những ý tưởng không ít triển vọng như trên, đạo diễn Tigran Sahakyan còn thiếu nhiều yếu tố để đưa tác phẩm của mình trở thành hiện tượng. Kịch bản khá dễ đoán, thiếu tính đột phá, người xem gần như có thể biết trước ai sẽ là người hy sinh, ai là kẻ sống sót cuối cùng. Được hứa hẹn sẽ mang đến cuộc chiến sinh tồn khốc liệt giữa những người bạn tưởng chừng thân thiết, nhưng dường như ở Bờ vực tử thần, những bản năng nguyên thủy của con người chỉ hiện lên rõ nhất thông qua một nhân vật, người được xây dựng như kẻ phản diện, “phá game” từ đầu đến cuối phim.
Hình tượng nhân vật trong Bờ vực tử thần cũng được xây dựng khá khuôn mẫu: luôn có một người hùng, một nhân vật chính hiểu chuyện, kiên cường, nhân hậu và cũng may mắn nhất, đồng thời có một kẻ ích kỷ làm hỏng mọi chuyện vì chỉ nghĩ cho bản thân. Tuy nhiên, nhân vật phản diện thiếu thông minh, không có chiều sâu này cũng làm bộ phim mất đi tính gay cấn như hứa hẹn. Trong khi đó, vai diễn của nữ diễn viên Ingrid Olerinskaya được đánh giá là “người” nhất: yêu ghét rõ ràng, thẳng thắn, bản lĩnh, không quá bao dung nhưng vẫn rất lương thiện.
Điểm đáng tiếc nhất trong Bờ vực tử thần có thể kể đến là câu chuyện tình yêu giữa cặp đôi chính. Được kỳ vọng sẽ là nút thắt gỡ giải mọi vấn đề, song nam chính tỏ ra khá vô dụng trước sự cố của bạn gái. Trong trường đoạn cao trào, nam chính phát hiện ra tai nạn kinh hoàng tại cáp treo, nhưng diễn xuất gượng gạo cộng hưởng với phần nhạc phim không phù hợp hoàn cảnh không thể dìu dắt cảm xúc của người xem, thậm chí bị đánh giá là ngây ngô, gây cụt hứng.
Diễn xuất của dàn diễn viên trẻ cũng không có nhiều đột phá trong Bờ vực tử thần, các vai diễn do Mikhail Filippov, Denis Kosyakov, Andrey Nazimov đảm nhận đều khá nhạt nhòa, trong đó nam chính là mắt xích yếu nhất của câu chuyện. Irina Igorevna Antonenko, nữ diễn viên sinh năm 1991 từng giành danh hiệu Hoa hậu Nga 2010 và lọt Top 15 Hoa hậu Hoàn vũ 2010 là gương mặt nổi bật hơn cả bởi ngoại hình ngọt ngào, hợp vai, đồng thời cũng thể hiện tốt nhất nội tâm của nhóm bạn bị kẹt lại giữa cabin cáp treo chênh vênh giữa gió tuyết.
Sức hút của Avengers: Endgame sắp ra rạp đang khiến những bộ phim khác trở nên kém hấp dẫn hơn đối với công chúng, song, tác phẩm lấy đề tài thảm họa, sống còn Bờ vực tử thần cũng là một trải nghiệm đáng giá dành cho khán giả. Tuy chuyện phim còn nhiều thiếu sót để có thể trở thành hiện tượng, sự kết hợp giữa kinh dị, giật gân và triết lý về tình yêu, tình bạn vẫn là món ăn lạ miệng trên màn ảnh rộng khoảng thời gian này.
Theo saostar
"Bờ Vực Tử Thần" sẽ là thách thức kinh hoàng với người mắc chứng sợ độ cao
Vẽ ra những viễn cảnh khi một buồng cáp treo bất ngờ gặp sự cố, "Bờ Vực Tử Thần" thách thức những khán giả mắc chứng sợ độ cao.
Break (tựa tiếng Việt: Bờ Vực Tử Thần) là tác phẩm giật gân pha trộn kinh dị lấy chủ đề sống sót trong thảm họa.
Trailer "Break"
Chuyến đi chơi đón mừng năm mới của nhóm bạn bỗng chốc biến thành cơn ác mộng đầy chết chóc. Giữa khung cảnh giá lạnh, với dòng chữ S.O.S được viết vội trên tấm kính của một buồng cáp treo đang bị phủ trong gió tuyết. Ngoài ra, còn có những hình ảnh quá khứ và hiện tại đan xen, hé lộ cho chúng ta về các trải nghiệm nghẹt thở, kịch tính đến thót tim trong hành trình đấu tranh sinh tồn của nhóm bạn này.
Những phút giây vui vẻ trước thảm kịch kinh hoàng
Cáp treo vốn là một hình thức di chuyển phổ biến ở các khu du lịch. Từ trong chiếc buồng cáp treo lơ lửng giữa không gian, du khách có thể phóng mắt quan sát toàn cảnh thiên nhiên xung quanh, đặc biệt là những nơi có địa hình hiểm trở. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu như hệ thống cáp treo gặp sự cố và biến những du khách bên trong trở thành tù nhân "bất đắc dĩ"?
Lựa chọn đối mặt với vực thẳm bên dưới liệu có dễ dàng?
Break vẽ ra cho khán giả những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra nếu như một khoang cáp treo bị treo lơ lửng giữa trời lạnh giá. Không thể cầu viện sự giúp đỡ, các nạn nhân đành tự trông cậy vào bản thân. Những chàng trai chọn cách đu dây và thả mình xuống mặt đất ở độ cao trên ngàn mét. Nguy hiểm dồn dập nguy hiểm khi không khí dần xuống thấp, đe dọa đến sức chịu đựng của con người.
Mẹ thiên nhiên khắc nghiệt hay lòng người xảo trá?
Tác phẩm lấy bối cảnh tại đỉnh núi lửa Elbrus đã ngừng hoạt động hơn 2.000 năm nay. Với độ cao 5.621 mét, cao nhất trong dãy Kavkaz thuộc Liên Bang Nga và quanh năm bao phủ bởi băng tuyết, Elbrus là một trong những địa điểm du lịch được các du khách lẫn chuyên gia leo núi ưa thích. Nhưng những trở ngại của thiên nhiên cũng chẳng thể so bì với sự điên rồ của con người khi bị đặt vào ngưỡng cửa sinh tử. Những phân đoạn căng thẳng, gay cấn nhất trong trailer là khi con người tìm cách hạ sát nhau. Và liệu rằng, tất cả chỉ đơn thuần là một sự cố hay vẫn còn một âm mưu nào khác?
Và phải làm sao nếu bị truy bắt giữa không trung?
Break quy tụ dàn diễn viên trẻ trung, tài năng của Liên Bang Nga như Irina Antonenko, Mikhail Filippov, Denis Kosyakov, Andrey Nazimov... Với cốt truyện thông minh, kịch tính và đầy bất ngờ, kết hợp với trình độ làm phim tiên tiến không thua kém những người đồng nghiệp Hollywood, bộ phim hứa hẹn sẽ mang đến cho khán giả những phút giây trải nghiệm vô cùng đáng giá.
Break được khởi chiếu trên toàn quốc từ 19/04.
Theo trí thức trẻ
Cách dùng thay thế của 12 danh từ tiếng Anh thường gặp Trong nhiều ngữ cảnh, bạn có thể thay thế từ "chance" bằng "break", "luck", "opportunity". Theo Grammar Check